Tâm Lý Công Chúng đối Với Chính Sách Công ở Việt Nam Hiện Nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết vận dụng tiếp cận tâm lý học trong chính sách công và làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tâm lý công chúng đối với quá trình chính sách công ở Việt Nam, như: tâm lý công chúng đối với quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách công. Đồng thời, cũng tiếp cận tâm lý học trong chính sách công để tìm hiểu sự thỏa mãn nhu cầu của chính sách đối với cộng đồng, mức độ quan tâm của dân chúng, nhất là đối tượng thụ hưởng chính sách công ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo Quốc tế: “Hoạch định và thực thi chính sách trong bối cảnh hậu Covid-19”, ngày 28/10/2021
Đặt vấn đề

Trong quá trình cộng cư (tức là cộng đồng dân cư), con người đã hình thành thái độ ứng xử của mình đối với các chính sách công (CSC) do chủ thể có thẩm quyền ban hành với mục tiêu, giải pháp và công cụ chính sách mà Nhà nước đề ra, xác định đạt được. CSC có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội. Nhà nước sử dụng công cụ chính sách này nhằm định hướng, dẫn dắt cho các quá trình phát triển kinh tế – xã hội, kiến tạo xã hội và phát triển bền vững.

Huy động sức mạnh, sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam trong quá trình CSC, đặc biệt là tranh thủ sức mạnh, sự đoàn kết của cộng đồng người dân. Tất cả giá trị xã hội đó tạo nên môi trường chính sách, bầu không khí tốt để chính sách tồn tại, phát triển, sức sống của chính sách mãnh liệt, sức lan tỏa trong cộng đồng, sự đồng thuận chính sách cao góp phần vào sự thành công của CSC trong thực tiễn cuộc sống, người dân đồng tình sâu sắc với chính sách, tin tưởng vào năng lực chính sách của chủ thể CSC. Và như vậy, Nhà nước với sản phẩm của mình đã hình thành tâm lý xã hội và tâm lý của công chúng đã ảnh hưởng đến quá trình hoạch định, phân tích, thực hiện cũng như đánh giá CSC.

Cơ sở lý luận về tâm lý công chúng đối với chính sách công

Các quá trình chính sách trong chu trình chính sách từ các khâu: (1) Phát hiện ra những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội; (2) Xác định vấn đề CSC; (3) Hoạch định CSC; (4) Phân tích CSC; (5) Tổ chức triển khai thực hiện CSC; (6) Duy trì CSC; (7) Đánh giá CSC. Tất cả các khâu này trong chu trình CSC đều phải dựa trên nền tảng tri thức khoa học CSC nói chung và tâm lý của công chúng nói riêng. Giá trị cốt lõi của triết lý, tầm nhìn và sứ mạng CSC đều hướng tới vì lợi ích cộng đồng người dân, vì con người và phục vụ con người.

Ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt đất nước; Nhà nước thể chế hóa các đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng – định hướng chính trị cho CSC, với hành động ứng xử của Nhà nước (lựa chọn làm hoặc không làm, hành động hay không hành động) với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển theo định hướng mà mục tiêu đã xác định.

Tại sao các chính phủ khi ban hành các CSC cần có sự “thăm dò dư luận xã hội”, tìm hiểu về tâm lý công chúng (TLCC) đối với CSC như thế nào? Vậy TLCC là gì? TLCC đối với CSC được tiếp cận nghiên cứu như thế nào? Để nghiên cứu vấn đề này, trước hết, cần hiểu rõ khái niệm về CSC, về TLCC và TLCC đối với CSC.

Chính sách công

Khi tiếp cận tâm lý học trong CSC, có thể hiểu:“Chính sách công là tập hợp biện pháp đối xử ưu đãi đối với một nhóm xã hội, nhằm kích thích vào động cơ của nhóm này hướng theo việc thực hiện một (hoặc một số) mục tiêu của chủ thể quyền lực”1. Ở Việt Nam, tâm lý học xem xét CSC như là công cụ tác động vào động cơ hoạt động của con người hoặc nhóm người trong xã hội; giúp các chủ thể quản lý xem xét những động cơ phù hợp đối với từng nhóm xã hội, từ đó quyết định những chính sách phù hợp đối với từng nhóm xã hội. Một CSC được xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc xây dựng CSC vì lợi ích cộng đồng người dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, hướng đến đối tượng chính, đối tượng thụ hưởng của chính sách, tâm tư, nguyện vọng, sự kỳ vọng của họ về chính sách là rất lớn. Khi chính sách đó được xây dựng và bước quan trọng tiếp theo là tổ chức triển khai thực hiện phải có sự đồng tình, ủng hộ của người dân, động cơ tham gia của người dân vào chính sách và sự đánh giá chính sách của người dân để ngày càng có chính sách tốt cho xã hội.

Tâm lý công chúng

TLCC phản ánh các hiện tượng tâm lý xã hội thông qua vấn đề thái độ ứng xử của cộng đồng người dân trước một vấn đề xã hội, vấn đề CSC, sự lựa chọn công của Nhà nước. Công chúng với nguyện vọng chính đáng của mình, nguyện vọng tốt đẹp, cao cả của con người là hướng đến hệ giá trị xã hội (chân, thiện, mỹ). Sự hài lòng hay không hài lòng, sự thừa nhận hay không thừa nhận, sự chấp nhận được hay không chấp nhận, sự đồng thuận hay không đồng thuận đối với một vấn đề công của cộng đồng xã hội, đang diễn ra trong thực tại phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, dân tộc.

Tâm lý công chúng đối với chính sách công

Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia thì “công chúng” là toàn dân. Trong một CSC nói chung và CSC cụ thể, “công chúng” là những cộng đồng người chịu tác động trực tiếp của CSC, kể cả người bị thiệt hại (phản đối chính sách) hoặc hưởng lợi (ủng hộ chính sách) hoặc nhóm thờ ơ (không ủng hộ, không phản đối, mà hoặc là không quan tâm) từ chính sách của Nhà nước; cũng như là những người có quyền lợi, lợi ích về vật chất hoặc tinh thần, các đặc quyền hoặc những quan hệ khác đối với CSC đó mang lại.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “công chúng” được sử dụng với ý nghĩa là thuật ngữ “cộng đồng” hoặc cộng đồng người dân, với cách hiểu rộng, hẹp khác nhau: (1) Nhóm cộng đồng  người dân trực tiếp hưởng lợi do chính sách đem lại (các lợi ích về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường sống được cải thiện, nâng cao) do CSC được triển khai thực hiện; (2) Nhóm cộng đồng người dân trực tiếp chịu các tác động tiêu cực của CSC (tái định cư, mất việc làm, bị ô nhiễm, mất một số quan hệ xã hội, giá trị văn hóa, thiệt hại kinh tế) do triển khai thực hiện chính sách; (3)  Nhóm cộng đồng người dân có khả năng đóng góp vào việc tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu các tác động tiêu cực của chính sách nhờ vào sự quan tâm, kiến thức, sự am hiểu chính sách, tiềm lực kinh tế – xã hội vốn có của họ (chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức văn hóa tôn giáo và các tổ chức đã có của cộng đồng ở địa phương hay các tổ chức phi chính phủ).

Con đường hình thành hay sự phản ánh tâm lý của công chúng đối với các vấn đề xã hội, khả năng chính trị hóa các vấn đề xã hội của Nhà nước thành vấn đề CSC bằng nhiều cách, phương thức, cung bậc cảm xúc, tình cảm, mức độ hiểu biết, sự quan tâm, sự hài lòng của cộng đồng xã hội, cộng đồng người dân, dân cư trên địa bàn, cương vực lưu trú cũng ảnh hưởng rất lớn đối với các cá nhân và các nhóm trong xã hội, tâm lý của công chúng đối với một vấn đề xã hội đang diễn ra trong giai đoạn nhất định khi Nhà nước đã sử dụng công cụ CSC để điều tiết các quá trình kinh tế – xã hội. Trong quá trình chính sách, chu trình CSC thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng chính sách (Nhà nước – người dân – doanh nghiệp), chú ý đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, người thụ hưởng (hưởng lợi từ chính sách) thì tâm lý đồng tình, ủng hộ chính sách cao và ngược lại là phản đối CSC.

Nghiên cứu TLCC đối với quá trình CSC được tiếp cận như sau:

(1) Về phương diện tâm lý: xác định được chủ thể, khách thể, hình thức biểu hiện và đối tượng của nó, thông thường là cộng đồng dân cư tiếp nhận chính sách của Nhà nước.

(2) Về cơ chế hình thành tâm lý: con đường không chính thức và chính thức; có thể dưới dạng “khuyết danh” do lo sợ bị trừng phạt; thông qua giao tiếp tranh luận, “va đập” ý kiến, bình luận, bình phẩm về chính sách nào đó.

(3) Kênh truyền tải phản ánh tâm lý: các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đáng lưu ý mạng xã hội Facebook như hiện nay.

(4) Cường độ lan truyền tâm lý, dựa trên quy luật lây lan của tình cảm về chính sách: Cường độ = va đập ý kiến + phát triển ý kiến cá nhân (nhóm về CSC).

(5) Mục đích TLCC: động cơ lợi ích của công chúng thúc đẩy, vì mục đích chung, hướng mạnh vào chính sách, giải quyết chính sách là giải quyết lợi ích của cộng đồng người dân, hoặc một nhóm, cá nhân nào đó.

(6) Tính rộng/hẹp: thông tin chính xác sẽ lan truyền nhanh, lúc đầu thường phân tán, nhưng sau đó, thông qua sự trao đổi, tranh luận, tính thống nhất thường tăng lên, đồng thuận hoặc không đồng thuận, sự hài lòng hoặc không hài lòng về CSC của công chúng.

(7) Tính vấn đề – giải quyết vấn đề, tình huống có vấn đề: cho biết chuyện gì đang xảy ra, gây ra phản ứng gì, cách giải quyết ra sao từ góc độ của chủ thể đối với các vấn đề CSC, công chúng có biểu lộ tâm lý gì về chính sách.

(8) Tính chân thực phản ánh tâm lý: phản ánh trung thực suy nghĩ, nhận thức (cảm tính, lý tính), tình cảm, thái độ, trí nhớ của chủ thể về CSC, ý thức về chính sách đã qua, chính sách hiện có và chính sách cần có trong tương lai (dự báo CSC).

(9) Thành phần chủ yếu: nhận thức lý tính, lý trí (có cả cảm xúc và ý chí), tình cảm chính sách, sự hài lòng về chính sách, thông qua thăm dò dư luận xã hội, thái độ của công chúng về chính sách của Nhà nước.

(10) Quan hệ của TLCC với trình độ dân trí: trình độ cao thường dẫn đến mức độ cao về tâm lý, với sự hiểu biết, tri thức khoa học CSC càng cao, thì mức độ dân trí về chính sách càng cao, với nguyện vọng cần có mà dân chúng kỳ vọng từ Nhà nước.

Từ các tiếp cận nêu trên, có thể hiểu, TLCC đối với CSC là sự phản ánh của con người (công chúng) về vấn đề CSC, một dạng biểu hiện của ý thức xã hội, ý thức CSC khi sự phản ánh này thể hiện ở mức độ nào đó, tích cực hay tiêu cực, đồng thời thể hiện rằng, những vấn đề xã hội cụ thể, đang có các chính sách của Nhà nước để giải quyết (giải quyết các vấn đề chính sách) như thế nào.

Một số vấn đề về tâm lý công chúng đối với chính sách công trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

Những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thu hút sự quan tâm của  công chúng, đã ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành dư luận xã hội. TLCC và CSC có mối liên hệ mật thiết với nhau theo hai chiều hướng: Nhà nước quan tâm đến TLCC để ban hành chính sách tốt cho xã hội, người dân; TLCC là tấm gương phản chiếu đến quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá CSC; thực chất là sự giám sát, tham gia của người dân, sự hài lòng của công chúng đối với CSC. Nhà nước với cộng đồng mạng lưới chính sách (người dân và doanh nghiệp) tham gia tích cực vào quá trình CSC, theo nghĩa các CSC tốt vì lợi ích của cộng đồng người dân, kiến tạo xã hội và sự phát triển bền vững.

Ngược lại, chính sách tồi “không hợp lòng dân”, gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí có sự “chống đối”, “xúc phạm chính sách” lây truyền trong cộng đồng. Chính vì vậy, Nhà nước xác định đúng, trúng vấn đề CSC, mục tiêu chính sách, lựa chọn các giải pháp và công cụ chính sách phù hợp, hữu hiệu và đồng bộ; kịp thời chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc duy trì và đánh giá các CSC một cách thỏa mãn sự hài lòng của TLCC đối với CSC, làm chính sách dựa trên sở thích của công chúng, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng xã hội, người dân. Từ đó, hình thành hệ giá trị xã hội đối với CSC, thông qua quá trình phản ánh TLCC đối với chu trình CSC.

Yếu tố TLCC ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá CSC được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, TLCC có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hoạch định CSC. Việc “Hoạch định chính sách công được hiểu là việc xây dựng một chính sách mới theo yêu cầu quản lý; là toàn bộ quá trình nghiên cứu, xây dựng và ban hành đầy đủ một chính sách”3. Xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng CSC, đặc biệt trong trường hợp vấn đề xã hội phức tạp có “Công nghệ giải quyết vấn đề theo nhóm là phương pháp hệ thống của công nghệ xã hội, là công nghệ xã hội bao hàm việc mô tả các thể thức cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp, ít được hình thành”4. Động lực thôi thúc sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách nói chung và hoạch định CSC nói riêng là lợi ích của họ, đây là mục tiêu hướng đến của quan hệ giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Hoạch định CSC phải dựa trên những nhu cầu cơ bản, cấp bách của người dân đối với các vấn đề xã hội, cách giải quyết vấn đề chính sách của Nhà nước vì lợi ích của công chúng, đơn cử câu chuyện cụ bà 83 tuổi trả lại sổ hộ nghèo mà báo chí đưa tin thời gian qua. Trên các phương tiện truyền thông – thông tin và dư luận xã hội, TLCC phản ánh khá cụ thể về các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành trung ương quy định thiếu tính thực tiễn, chưa ra đời hoặc vừa ra đời đã “chết yểu”, như: quy định về số vòng hoa trong tang lễ; quy định thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ, hay dự thảo thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 300oC,… cho thấy TLCC có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng CSC5. Do đó, đôi khi chúng ta thấy công chúng có sự “phàn nàn” về các CSC ở những mức độ khác nhau.

Thứ hai, TLCC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình thực hiện CSC. Trên thực tế, Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện CSC, còn các tầng lớp nhân dân, công chúng là những đối tượng thụ hưởng chính sách, có sự tham gia của họ vào quá trình này. Rõ ràng, công chúng là người vừa trực tiếp tham gia hiện thực hóa mục tiêu chính sách, vừa trực tiếp thụ hưởng những lợi ích được mang lại từ chính sách và cũng chính họ là chủ thể của các dư luận xã hội đối với chính sách với những mức độ khác nhau. Chẳng hạn, TLCC được được biểu hiện ở nhiều cung bậc đối với các CSC trong bối cảnh đại dịch Covid-19,  với thực hiện mục tiêu chính sách kép “vừa chống dịch vừa ổn định kinh tế, bảo đảm kinh tế” với hệ thống chính sách hiệu quả, quyết liệt, kịp thời của Đảng và Nhà nước với việc hoạch định và thực hiện CSC có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, tuyên truyền phổ biến chính sách cho toàn dân với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, “Sức khỏe của Nhân dân là trên hết”, “không ai bị bỏ lại phía sau”,… là cơ sở gây dựng niềm tin mạnh mẽ của công chúng vào hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế bởi các CSC.

Thứ ba, TLCC có vai trò thiết thực đối với quá trình đánh giá CSC. Sự tham gia của cộng đồng người dân, công chúng vào quá trình giám sát, đánh giá CSC về sự phù hợp, hiệu quả và tác động của chính sách bởi các tiêu chí cụ thể nhằm cải thiện, hoàn thiện CSC thông qua các bước trong chu trình CSC nhằm giải quyết vấn đề kinh tế – xã hội bằng CSC của Nhà nước. Công chúng tham gia vào quá trình đánh giá CSC bằng những hiểu biết và sự quan tâm của mình đối với chính sách, mức độ quan tâm đến từng chính sách cụ thể. Đơn cử, các sơ kết và tổng kết đánh giá CSC đôi khi mang tính một chiều, qua một nghiên cứu về công tác đánh giá chính sách giảm nghèo và chính sách môi trường cho thấy chủ yếu từ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước mà chưa đề cập đến sự phản hồi từ người dân, doanh nghiệp là đối tượng mà chính sách hướng vào, chưa chú ý nhiều đến yếu tố tâm lý của công chúng. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn 135 gây thất thoát lớn mới tính đến các giải pháp công cụ quản lý, sự lãng phí của chương trình nước sạch cho người nghèo do không có sự tham gia của người dân thì chính sách mới thay đổi. Trong các trường hợp, các chính sách vẫn “bình yên” trong một thời gian dài (3 – 5 năm), chỉ đến khi “vấp váp” lớn trong quá trình thực hiện, hoặc do sự chỉ trích quá nhiều của xã hội và người dân thì mới nhận được những “lỗ hổng” của chính sách6.

Kết luận

TLCC là một trong những yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội đến quá trình CSC bằng tình cảm chính sách, sự lan truyền, mức độ quan tâm của người dân, đối tượng thụ hưởng chính của CSC. Sự ủng hộ, mức độ đồng thuận của người dân là nhân tố quyết định sự thành công của CSC. Chủ thể CSC thường xuyên, kịp thời trao đổi, lắng nghe, đối thoại các chính sách với cộng đồng người dân góp phần làm gia tăng hiệu lực và hiệu quả CSC. Đồng thời, TLCC thể hiện động cơ của họ đối với quá trình CSC, vì lợi ích của cộng đồng người dân nhằm giúp chủ thể CSC không ngừng đổi mới tư duy chính sách, nâng cao chất lượng CSC; loại trừ các hiện tượng so bì, trục lợi CSC. Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách tốt với sự đồng thuận rất cao về phía cộng đồng (hiệu ứng cộng đồng, dư luận tốt, tâm lý hài lòng về chính sách), với sức lan tỏa rộng lớn về tình cảm chính sách, phản ánh TLCC đối với CSC nhằm góp phần hoàn thiện CSC ở Việt Nam trong thời gian tới.

Chú thích: 1. Vũ Cao Đàm. Giáo trình Khoa học Chính sách. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 13. 2. Nguyễn Hữu Hải (chủ biên) (Học viện Hành chính Quốc gia). Hoạch định và phân tích chính sách công. H. NXB Thống kê, 2002, tr. 13. 3. Học viện Hành chính. Giáo trình Hoạch định và phân tích chính sách công. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2008, tr. 34 – 35. 4. Nguyễn Tuấn Dũng – Đỗ Minh Hợp. Từ điển Quản lý xã hội. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 33. 5. Nguyễn Quang Vinh. Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Việt Nam hội nhập (số 156/2020), tr. 3. 6. Đỗ Phú Hải. Tổng quan về chính sách công. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2017, tr. 153.
ThS. Lê Văn Gấm Trường Đại học Thủ Dầu Một

Từ khóa » Tiêu Luận Vai Trò Của Chính Sách Công