Tâm Tư Của 1 Giáo Viên Tiểu Học Về Chứng Chỉ Chức Danh Nghề ...

Ngày 20/5/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Nhiều điểm mới về xếp lương, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I không cần bằng thạc sĩ" nhận được rất nhiều sự quan tâm của giáo viên trên cả nước.

Theo đó, để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn chuyển hạng, xếp lương giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, với một số điểm mới.

Một số băn khoăn về chuyển hạng xếp lương

Ngày 23/5/2022, Tòa soạn nhận được thư của một giáo viên tiểu học học ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương bày tỏ tâm tư và nêu quan điểm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Tòa soạn trích đăng một số nội dung của bức thư như sau:

Xin chào Toà soạn,

Tôi hiện là giáo viên tiểu học ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Qua bài viết "Nhiều điểm mới về xếp lương, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I không cần bằng Thạc sĩ" trên Tạp chí, tôi xin cảm ơn vì nhờ những phản ánh này mà Bộ Giáo dục đã có những điều chỉnh về chuyển hạng, xếp lương phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn một số điều, muốn được giãi bày với Tạp chí và Bộ Giáo dục sau đây.

Lương giáo viên nói chung là không đủ sống, vậy mà Bộ Giáo dục yêu cầu chúng tôi học chứng chỉ thăng hạng II, III tiêu tốn tiền bạc, thời gian, công sức. Như tôi học 2 chứng chỉ phải đi quãng đường 55km mới tới chỗ học, học phí mỗi khoá hết 3 triệu đồng, rồi xăng xe đi lại, ăn uống, đóng quỹ lớp cũng hết 10 triệu đồng.

Trong khi tôi đã đi dạy 8 năm, lương chỉ hơn 5 triệu (cả phụ cấp vùng, còn nơi khác thì không được 5 triệu đâu). Rồi bây giờ Bộ Giáo dục nói không cần chứng chỉ ấy nữa, vậy công sức, tiền bạc mà giáo viên chi phí cho việc học bây giờ ai trả? Ai phải chịu trách nhiệm trong việc này?

Tôi đã tốt nghiệp đại học (nâng chuẩn - chú thích) hơn 4 năm rồi mà vẫn xếp lương ở cao đẳng. Thông tư chuyển hạng, xếp lương của Bộ Giáo dục khiến giáo viên phải chờ mỏi mòn, tôi làm hồ sơ hơn một năm rồi vẫn chưa được hưởng.

Điều kiện của giáo viên hạng II rất khó đáp ứng hết các tiêu chí, các giáo viên đã hưởng lương đại học gần chục năm cũng chưa đạt hết các yêu cầu đó đành phải chịu chuyển sang giáo viên hạng III, mức lương cũng vẫn như lương đại học cũ. Vậy có phải những tiêu chí đó đặt ra giống như đánh đố nhau không?

Ảnh minh họa: vov.vn

Ảnh minh họa: vov.vn

Chưa thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Trước hết, xin cảm ơn bạn đọc là giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Dương đã tin tưởng phản ánh những thắc mắc về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và chuyển hạng, xếp lương đến Tòa soạn. Chúng tôi xin chia sẻ một số nội dung liên quan đến vấn đề bạn đọc phản ánh như sau:

Thứ nhất, dự thảo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cho biết, theo quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng và tương ứng với cấp học đang giảng dạy.

Nội dung này bảo đảm tuân thủ thực hiện theo quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.

Như vậy, từ ngày 10/12/2021, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng tại các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT hiện không còn phù hợp.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT. Trong đó, sẽ điều chỉnh các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, cụ thể:

Chỉ quy định 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên.

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Sẽ khắc phục những vướng mắc về chuyển hạng, xếp lương

Việc chuyển hạng, xếp lương của giáo viên tiểu học được quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT. [1]

Quy định 9 năm mới được thăng hạng khiến nhiều giáo viên THPT tâm tư

Quy định 9 năm mới được thăng hạng khiến nhiều giáo viên THPT tâm tư

Thực tiễn cho thấy, giáo viên tiểu học (và trung học cơ sở) khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Do đó, khi rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục đã nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục vướng mắc nói trên và bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. [2]

Trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Giáo dục dự kiến vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.

Dự kiến sửa đổi, bổ sung như trên sẽ không có trường hợp giáo viên tiểu học (và trung học cơ sở) mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00.

Không quy định nhiệm vụ "cứng" của giáo viên

Liên quan đến nhiệm vụ của giáo viên, dự thảo Thông tư sửa đổi lần này cho biết, các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công.

Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

Giữ quy định nhiệm vụ chung cho tất cả các hạng, trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn thì mới thực hiện được như hiện hành.

Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.

Hi vọng sau khi dự thảo sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì sẽ giải quyết được 03 bất cập như trong thư bạn đọc là giáo viên tiểu học ở Bình Dương phản ánh.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-02-2021-tieu-chuan-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-tieu-hoc-198081-d1.html

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Xếp Hạng Giáo Viên Tiểu Học