Tan Biến Giấc Mơ Chế Biến Sâu Titan? - Vnbusiness
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, thông tin về hành tung mờ mịt trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của công ty KSA đang gây sự chú ý của dư luận. Bởi lẽ, đây là một DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM nhưng trụ sở công ty ở Bình Thuận bị phản ánh là không có người hoạt động, còn dự án chính của họ là Nhà máy chế biến xỉ Titan gần như bỏ hoang gần một năm nay.
Điều này làm những ai từng đến dự lễ động thổ rầm rộ Cụm công nghiệp Thắng Hải II (cụm công nghiệp chế biến sâu Titan) của KSA tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cách đây hơn ba năm không khỏi phải bất ngờ.
Thất vọng KSA
Đây là dự án trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ngành công nghiệp chế biến sâu Titan.
Trong đó, dự kiến sẽ được xây dựng thành khu phức hợp chế biến sâu các sản phẩm Titan, với công suất chế biến xỉ Titan 180.000 tấn/năm, Pigment 50.000 tấn/năm, Nano Titan 20.000 tấn/năm, Zircon siêu mịn 20.000 tấn/năm và đúc gang kỹ thuật 10.000 tấn/năm.
Tỉnh Bình Thuận được quy hoạch là “thủ đô” Titan cả nước với trữ lượng hơn 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan trên toàn quốc. Từ trước đến nay, nguồn tinh quặng ilmenite quý hiếm chủ yếu xuất thô với giá trị thấp.
Vậy nhưng, như tình hình hiện tại của KSA và theo phản ánh của dư luận thì toàn bộ diện tích xây dựng dự án Nhà máy chế biến xỉ Titan đến thời điểm hiện tại vẫn chưa triển khai xây dựng gì (được cho là dừng thi công từ tháng 10/2016), ngoài hai tòa nhà bỏ hoang. Do dự án bỏ hoang nên người dân còn tận dụng để chăn nuôi gà, vịt.
Bài viết này không đi sâu vào hành tung của KSA có liên quan những điều bất thường trong báo cáo tài chính, đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như những phản ánh từ nhà đầu tư vào cổ phiếu KSA.
Chỉ muốn nói rằng đây là DN nội địa từng được kỳ vọng rất nhiều cho mục tiêu hướng đến lĩnh vực chế biến sâu quặng Titan ở Việt Nam để thoát cảnh khai thác quặng thô như lâu nay.
Còn nhớ, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), lúc dự lễ động thổ dự án của KSA vào tháng 1/2014, cho rằng Cụm công nghiệp Thắng Hải II đi vào hoạt động là một dấu mốc quan trọng, bước đột phá chiến lược đối với ngành công nghiệp chế biến Titan của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty KSA, thời điểm đó, nói rằng: Tại sao Việt Nam mới chỉ có một số nhà máy xỉ Titan nằm rải rác và hoàn toàn chưa có đơn vị nào sản xuất được pigment, nguyên liệu dùng trong các ngành công nghiệp thiết yếu như sơn, lớp phủ bề mặt, giấy, vỏ điện thoại hay ống nhựa…
Cụm công nghiệp chế biến sâu Titan được KSAđộng thổ tháng 1/2014 đến giờ gần như bỏ hoang
“Bóc ngắn cắn dài”
Ông Dũng cũng đặt vấn đề: Nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư, không quyết tâm phát triển những cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến Titan, không tự tin vào khả năng tổ chức, quản lý theo quy trình hiện đại thì có thể, rất lâu nữa chúng ta cũng không thể giành lấy cơ hội tạo ra giá trị thặng dư lớn với khoáng sản quý giá không thể tái tạo này.
Nếu nhìn vào tình cảnh hiện tại của KSA thì rõ ràng càng kỳ vọng nhiều thì càng thất vọng bấy nhiêu khi nhiều người đã lầm, tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” vào DN này.
Phải thấy, dù có trữ lượng Titan đứng thứ hai trên toàn cầu nhưng ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu quặng Titan của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Giới chuyên gia về khoáng sản cho rằng trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quặng ilmenite thô (nguyên liệu để sản xuất Titan) với hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.
Nếu Việt Nam chế biến được pigment (từ nguồn nguyên liệu ilmenite) thì sẽ có giá trị tăng cao gấp 10 lần so với xuất thô ilmenite.
Tài nguyên quặng Titan của Việt Nam được cho là đứng thứ hai toàn cầu với trữ lượng chiếm đến 17%, nhưng để khai thác được tiềm năng đó và nâng cao chuỗi giá trị chế biến Titan, đòi hỏi nhiều yếu tố, từ con người, nguồn vốn, chính sách tới hạ tầng và công nghệ.
Trong một lần trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thượng Đắt, Chủ tịch HĐQT công ty Đất Quảng Chu Lai, Phó chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam, có nói rằng thách thức đặt ra hiện nay là ở một số địa phương, người dân, một số bộ phận truyền thông và DN cũng như cấp quản lý vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp Titan.
Theo ông Đắt, một vấn đề quan trọng là “muốn gặt” thì phải có đầu tư. Vì đây là ngành công nghiệp còn non trẻ và đầy thách thức nhưng lại có tiềm năng cao nên cần phải đầu tư đúng mức về nguồn nhân lực, đầu tư về vốn.
Các DN khai thác Titan trong nước cần liên doanh, liên kết lại với nhau để tạo thế mạnh đủ lớn nhằm thực hiện những dự án có tầm, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Vị lãnh đạo Hiệp hội Titan Việt Nam cũng lưu ý nếu quản lý tốt, trong 30 năm nữa, Bình Thuận sẽ trở thành “thủ đô” Titan của cả thế giới. Ngoài tỉnh Bình Thuận, những địa phương khác có nguồn khoáng sản Titan cũng cần phát triển tập trung, cho DN mạnh về chế biến sâu, thực hiện đầy đủ chủ trương của Nhà nước, có đủ năng lực để làm.
Nếu chỉ cấp giấy phép cho các DN nhỏ lẻ thì vẫn là “bóc ngắn cắn dài”. Làm nhỏ lẻ sẽ dễ sinh ra manh mún, khó kiểm soát quản lý, gây hậu quả ô nhiễm môi trường.
Thế Vinh
Từ khóa » Nhà Máy Xỉ Titan
-
Nhà Máy Sản Xuất Xỉ Titan - CBM
-
CÔNG TY TNHH MTV NHÀ MÁY XỈ TITAN HƯNG THỊNH
-
Nhà Máy Xỉ Titan đón PTT Hoàng Trung Hải
-
Nhà Máy Xỉ Titan Hưng Thịnh: Phát Triển Bền Vững Cùng Titan
-
CBM Khởi Công Dự án Nhà Máy Sản Xuất Xỉ Titan - Vietnam Construction
-
Nhà Máy Xỉ Titan SQC Bình Định Tiết Kiệm điện - VNEEP
-
Khai Trương Nhà Máy Xỉ Titan Lớn Nhất Việt Nam - Saigon Times
-
Khánh Thành Nhà Máy Luyện Xỉ Titan Tại Bình Thuận
-
Mong Muốn đầu Tư Khai Thác, Chế Biến Sâu Titan
-
Dự án đầu Tư Mở Rộng Nhà Máy Xỉ Titan Thừa Thiên Huế
-
Dân Tiếp Tục Phản đối Nhà Máy Xỉ Titan Gây ô Nhiễm
-
Luyện Kim Tư Vấn - Thiết Kế đã Khởi Công Xây Dựng Tại Thừa Thiên Huế
-
Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Khoáng Sản Bình Thuận (UpCOM)