TẪN LIỆM” HAY “TẨM LIỆM” - Giáo Xứ Kim Phát

TẪN LIỆM” HAY “TẨM LIỆM” ?

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

  1. Trong dịp tĩnh tâm năm của linh mục, một cha mua được một cuốn sách về nghi thức an táng, trong đó có đề cập đến “tẩm liệm”, tôi nói: “Tẫn liệm” mới đúng, sao lại in “tẩm liệm”. Cha ấy nói: “Dùng quen rồi không sửa lại nữa”. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, chữ dùng sai không sửa, chỉ vì dùng quen rồi. Tôi mới trả lời : “Cha tra từ điển coi”.

Tôi tưởng đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản chút nào. Vì hầu hết các từ điển hay tự điển (xem phần Sách tham khảo) đều không có từ “tẫn liệm” hay “tẩm liệm”, chỉ có những cuốn sau đây mới có: 

1)           ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ (4)

Tẩm: Ngâm, dầm.

tẩm thuốc = Dùng nước gì mà dầm thuốc.

tẩm rượu = Dầm với rượu, ngâm với rượu.

Tẫn: Phong gói tử thi mà để vào hòm, liệm.

tẫn liệm;

quàn tẫn = liệm mà để lại, chưa chôn.

Liệm: Để tử thi vào hòm.

Tẫn liệm: Liệm mà để lâu, quàn lại cũng có nghĩa là liệm.

2)           TỪ ĐIỂN TRUNG VIỆT (9)

Tẫn:        (In sai tẫn) Quàn áo quan lại chưa chôn.

Liệm:     Cho tử thi vào áo quan.

Tẩm: Thấm, ngâm, tẩm tưới, dần dần.

3)           VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ (10)

Tẩm: Thấm, ngâm; thấm lần lần.

tẩm bổ; dâm tẩm, nhập tẩm, nhiễm tẩm; nhuận tẩm; tẩm tiệm.

Tẫn:  Phong gói tử thi mà để vào hòm.

Liệm: Bó xác người chết mà để vào hòm.

liệm táng; đại liệm; khâm liệm; nhập liệm; tẫn liệm; tiểu liệm; trang liệm.

4)           VIỆT NAM TỰ ĐIỂN (11)

Tẫn:  Dùng hàng vải gói ghém thây người chết để trong hòm.

Tẩm:  Dầm, ngấm cho thấm.

5)           TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (12)

Tẫn:  Xác đã liệm nhưng chưa chôn.

Liệm: Đặt người chết vào áo quan.

Tẫn liệm: Khâm liệm; bó.

Tuy nhiên, vì phần lớn các từ điển đều không có từ “tẫn liệm” hay “tẩm liệm”, kể cả cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Viện Ngôn Ngữ Học, 2005 (14) TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT, của PGS Tiến Sĩ Nguyễn Trọng Báu, 2005 (15) cũng không có, nên chúng ta phải tìm lại nguồn gốc của chữ “tẫn”.

  1. Tẫn chữ Hoa viết là: 殯gồm có bộ歹(đãi) và chữ賓(tân).

Đãi nghĩa là thi thể của người chết; tân là lễ viếng người chết, như người khách. Chữ tân賓còn có nghĩa là khách, tức là không có dừng lại lâu, nên phải làm cho tốt đẹp việc tiễn đưa. Nghĩa chính của chữ tân賓là người chết nằm trong áo quan sẽ được dời đi chôn, khách đến viếng.

Chữ Hoa là loại chữ biểu ý, gồm 4 thể loại: tượng hình, chỉ sự, hội ý và hình thinh. Chữ殯(tẫn) thuộc về thể loại hội ý và hình thinh. Bộ歹(đãi) có nghĩa là chết, chữ賓(tân) có nghĩa là khách, nên thuộc thể loại hội ý. Và bộ歹(đãi) tượng trưng cho sự chết, chữ 賓 (tân) tượng trưng cho âm thanh, nên cũng thuộc thể loại hình thinh.

Theo ngữ học, chữ “tẫn” (殯) có những ý nghĩa sau:

Danh từ: 1. Linh cữu liệm rồi mà chưa chôn, gọi là tẫn.

  1. Việc liệm và chôn, gọi là tẫn.

Động từ: 1. Đặt áo quan rồi đưa thi thể vào liệm.

  1. Quàn tạm.
  2. Chôn cạn để sau này cải táng.
  3. Mai một.

Còn chữ “tẩm” (浸) vốn chữ xưa viết 濅, là thể hội ý, viết bộ 氵(thuỷ), có nghĩa : ngâm, dầm, nhúng, thấm, ngấm, là đưa vật vào nước cho ướt thấm cả để làm sạch, nên đi với bộ thuỷ, và chữ bên cạnh cho âm Tẩm. Nói chung là đưa vật vào nước thì vật sẽ được sạch. Có nghĩa là thấm, ngâm; thấm lần lần; làm cho một chất lỏng ngấm vào.

Ngoài ra còn có nghĩa:

  1. Chìm. 2. Tưới. 3. Nhuận, dùng đầu, nước làm cho đỡ khô, 4. Rửa. 5. Sâu. 6. Có bổ ích. 7. Dần dần. 8. Nhìn sơ, 9. Phạm, thông với chữ “Xâm”. 10. Từ gọi chung dầm ao.

Như thế, chữ tẩm hoàn toàn không có nghĩa là liêm xác chết. Nên khi người ta ướp xác thì nói là “tẩm xác”. Còn khi phong gói tử thi mà cho vào hòm thì nói là “tẫn liệm”.

Ở Việt Nam hiện giờ hầu như không ai ướp xác nữa, cho nên chúng ta nên dùng chữ “tẫn liệm”, thay vì chữ “tẩm liệm”.

Thực tế, tôi có đi vòng quanh nhiều trại hòm trong khu vực Chợ Lớn, người ta chỉ dùng chữ “tẫn liệm” hay “nhập quan”, chứ không thấy dùng chữ “tẩm liệm”. Hình như hiện giờ chỉ có nhà đạo mới dùng sai từ “tẩm liệm”.

____________________________________

Sách tham khảo: (Xếp theo Năm xuất bản)

  1. TỪ ĐIỂN ANNAM – LUSITAN – LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ – LA)

Biên soạn: Alexandre de Rhodes,

Roma, 1651.

Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính.

Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, khổ 14,5 x 20.

Không có chữ tẫn.

  1. TỪ VỰNG ANNAM – LATINH (VOCABURARIUM ANNAMITICO – LATINUM)

par Mgr Pierre Pigneaux de Béhaine, membre des Missions Étrangères de Paris, évêque d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine, Cambodge et Ciampa.

Sách được giới-thiệu như sau : ‘’Cuốn tự-vị viết tay này dầy 729 trang, khổ A3, là sách đầu tiên trong lịch-sử Việt-Nam trình-bầy cả hai lối chữ, chữ Nôm và chữ quốc ngữ viết theo mẫu-tự La-tinh, và dịch sang tiếng La-tinh. Sách được biên soạn trong những năm 1772 và 1773, do Pierre Pigneaux de Béhaine, trong khi phải lưu đày tại Pondichéry, với sự giúp đỡ của tám người Đàng Trong’’

  1. TỪ ĐIỂN ANNAM – LATINH (DICTIONARIUM ANAMITICO – LATINUM)

Ex Opere Ill. et Rev. Taberd constans Necnon AB Ill. et Rev. J.S. Theurel

Nxb: ???, Serampore Mashman, Ấn Độ, 1838.

Nxb: Ninh Phú, in lần thứ 2, 1877.

Khổ 18,5 x 26, 566 trang (và Appendix 71 trang).

  1. ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ (DICTIONNAIRE ANNAMITE)

Biên soạn: Huỳnh Tịnh Paulus Của

Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Saigon, 1895

Khổ 23 x 30, tập I: A-L: 608 trang, tập II: N-X: 596 trang.

Nxb: Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

  1. TỰ VỊ ANNAM – LATINH (LEXICON ANAMITICO – LATINUM)

Biên soạn: (Khuyết danh).

Nxb: Ninh Phú, in lần thư hai. 1899,

Khổ 13 x 19, 153 trang

  1. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN

Biên soạn: Hội Khai Trí Tiến Đức (khởi thảo).

Imprimerie: Trung Bắc Tân Văn, 1931, khổ 24 x 31,5, 663 trang

Nxb: Văn Mới, Sài Gòn, 1954, 662 trang

Không có chữ tẫn.

  1. HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN (GIẢN YẾU)

Biên soạn: Đào Duy Anh

Nxb: Tiếng dân, Huế, 1932, in lần thứ nhất.

Nxb: Paris, Minh Tân, 1936, in lần thứ hai.

Nxb: Trường Thi, Sài Gòn, 1957, in lần thứ ba, khổ 14 x 20.

Quyển thượng: 542 trang, quyển hạ: 596 trang.

Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1992, khổ 14,5 x 20

Quyển thượng: 588 trang, quyển hạ: 605 trang.

Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1996, khổ 13 x 19.

Không có chữ tẫn.

  1. HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN

Biên soạn: Thiều Chửu.

Nxb: Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942, in lần thứ nhất.

Nxb: Hưng Long, Sài Gòn, 1966, in lần thứ hai.

Nxb: Tp.HCM, 1993, khổ 14,5×20,5, 807 trang+muc lục tra theo vần 92 trang.

Nxb: TP. Hồ Chí Minh, 1997, khổ 14,5 x 20,5, 809 trang.

(Đã tái bản trên 10 lần).

Không có chữ tẫn, nhưng lai có chữ tấn có nghĩa là liệm xác.

  1. TỪ ĐIỂN TRUNG – VIỆT

Biên soạn: Văn Tân.

Nxb: Sự Thật, Hà Nội, 1956.

Khổ 16 x 23, 1418 trang.

  1. VIỆT NGỮ CHÍNH TẢ TỰ VỊ

Biên soạn: Lê Ngọc Trụ

Nxb: Thanh Tân, Sài Gòn, 1959.

Khổ 14,5 x 20,5.

  1. TỪ ĐIỂN VIỆT NAM

Biên soạn: Lê Văn Đức.

Nxb: Khai Trí, Sài Gòn, năm xuất bản 1970.

Quyển thượng A-L, 966 trang, quyển hạ M-X: 999 trang

  1. TỪ ĐIỂN HÁN – VIỆT HIỆN ĐẠI

Biên soạn: Nguyễn Hữu Cầu (chủ biên) và nhiều tác giả.

Nxb: Tôn Giáo, Hà Nội, 1994, khổ 16 x 24, 1744 trang.

  1. ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Biên soạn: Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành.

Nxb: Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999, khổ 19 x 27, 1.890 trang.

Không có chữ tẫn.

  1. TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Biên soạn: Viện Ngôn Ngữ Học

Nxb: Hà Nội, 2005.

  1. TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT

Biên soạn: PGS Tiến Sĩ Nguyễn Trọng Báu

Nxb: Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2005.

TÂN PHÚC-ÂM-HOÁ HAY TÂN-PHÚC-ÂM HOÁ?

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

MỤC LỤC

  1. “Tân Phúc Âm hoá”: vấn đề mang tính thời sự
  2. Evangelization: Phúc Âm hoá.
  3. Nghĩa các chữ tân, phúc, âm, hoá.

3.1. Nghĩa của tân.

3.2. Nghĩa của phúc.

3.3. Nghĩa của âm.

3.4. Nghĩa của hoá.

  1. New Evangelization: Tân-Phúc-Âm hoá?

4.1. Tân Phúc Âm – Đức tin loại gì đây?

4.2. Cũng tại thiếu cái dấu…

  1. New Evangelization: Tân Phúc-Âm-hoá.
  2. Re-Evangelization: Tái Phúc Âm hoá.
  3. Renewed Evangelization: Cách tân truyền giảng Phúc Âm.
  4. Kết luận.
  1. “Tân Phúc Âm hoá”: vấn đề mang tính thời sự

Dưới nhan đề: “Vatican đang nỗ lực khuếch trương ‘Tân Phúc Âm hoá’”, John L. Allen Jr., chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Vatican của tờ National Catholic Reporter và cũng là phóng viên của đài truyền hình CNN, trong bài viết ngày 04/03/11, ông nói:

“Trong một triều đại giáo tông mà đôi khi bị buộc tội là thiếu hướng hành chính, toàn bộ Vatican dưới triều của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ít nhất đã bị buộc chặt vào một điểm: Tính cấp thiết của một cuộc “tân Phúc Âm hoá”

Bằng mọi cách có thể, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã cho thấy rằng ngài đang quan tâm đến việc “tân Phúc Âm hoá”, hiểu một cách rộng rãi là đánh thức tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội, như là một ưu tiên tột đỉnh. Ví dụ: Mặc dù nổi tiếng là luôn có ác cảm với các bộ máy quan liêu, nhưng gần đây ĐTC Bênêđictô XVI đã phải thành lập ngay tại Vatican một cơ quan hoàn toàn mới để xúc tiến dự án, Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá. Ngài đã bổ nhiệm một chức sắc người Ý, kỳ cựu và đầy quyền lực, là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, đứng đầu Hội Đồng này, và một danh sách thành viên Hội Đồng gồm các vị giáo sĩ cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, ĐHY Angelo Scola của Venice, ĐHY George Pell của Sydney, và Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của New York.

ĐTC Bênêđictô cũng đã dành cho Thượng Hội Đồng Giám Mục – một cuộc họp của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ diễn ra từ ngày 07-28/10/2012 – sắp tới, một chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”[1] mà Bản đề cương (Lineamenta) của Thượng Hội Đồng đã được trình bày trong cuộc họp báo sáng nay tại Vatican.”[2].

Tự Sắc Porta Fidei công bố khai mạc năm Đức Tin ngày 11/10/2012 cũng nhắc đến tân Phúc Âm hoá[3]. Hơn thế nữa, trong Sứ điệp dài 4 trang giấy khổ Letter, Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã dành cả 2 trang để nói về một số chiều kích cơ bản của “nền linh đạo tân Phúc Âm hoá”.

Vài sự kiện nêu trên cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tân Phúc Âm hoá đối với Giáo Hội hiện nay như thế nào.

Tân Phúc Âm hoá tiếng Anh là New Evangelization, nhưng có người lại không thể hiểu được tại sao tiếng Việt dịch là “tân Phúc Âm hoá”, có người còn cho rằng nói như thế là rối đạo. Vậy chúng ta thử tìm hiểu New Evangelization có nghĩa gì, và nên dịch như thế nào trong tiếng Việt.

  1. Evangelization: Phúc Âm hoá.

Chữ này phát xuất từ động từ Evangelise (truyền giảng Phúc Âm) và Evangelise có nguồn gốc từ danh từ Evangel (Phúc Âm).

Chúng tôi đã có dịp bàn tới hai thuật từ Phúc Âm và Phúc Âm hoá trong hai bài “Evangelium” và “Missio” đăng trong nguyệt san Bài giảng Chúa nhật[4] và đăng lại trong quyển “Tìm hiểu từ vựng Công Giáo”[5]. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. đã tầm nguyên và phân tích về hai thuật từ Evangelizatio và Missio rất công phu trong bài đăng trong bản tin Hiệp Thông số 73[6]. Vì vậy ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc lại mấy ý chính:

2.1. Evangelium (Anh: Evangel; Pháp: Évangile) được dịch là Phúc Âm hay Tin Mừng, nhưng theo chúng tôi, thuật từ Phúc Âm có nội dung phong phú và sâu sắc hơn, bao hàm mọi điều thiện hảo mà con người mơ ước theo triết lý Đông phương và như vậy có tính hội nhập văn hoá cao hơn.

2.2. Thuật từ Evangelizatio xuất hiện từ thế kỷ XIX và được du nhập vào thần học Công Giáo vào thế kỷ XX, đặc biệt từ Công Đồng Vaticanô II[7]. ĐTC Phaolô VI sử dụng từ này với hai nội dung chính là truyền bá Phúc Âm (hoạt động truyền giáo cho lương dân) và Phúc Âm hoá (hoạt động tông đồ cho giáo dân)[8].

Evangelizatio (Anh: Evangelization; Pháp: Évangélisation) là “đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới” (EN 18). Đưa Phúc Âm vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người, vào các lãnh vực hoạt động như xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế… Nói cách khác là đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào trong các thực tại trần thế như men ở trong bột. Vì vậy, nếu hiểu cách tổng quát Evangelizatio được thực hiện vừa bằng lời nói, vừa bằng chứng tá đời sống cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với tinh thần Phúc Âm.

2.3. Evangelizatio thường được dịch là (việc, cuộc, công cuộc) Phúc Âm hoá, truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm, loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng, việc truyền giáo… Tuy nhiên, theo chúng tôi, các từ truyền bá, truyền giảng, rao giảng, loan báo, loan truyền… không có ý nghĩa tổng quát như chữ “hoá” trong từ Phúc Âm hoá. Là một nguyên vị tiềm tàng[9] giữ vai trò hậu tố từ, “hoá” tạo ý nghĩa là: biến đổi, làm cho thấm nhuần hoặc làm cho trở thành… Do đó, so với các cụm từ truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm hay loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng…. thì thuật từ Phúc Âm hoá vừa ngắn gọn, lại có nội dung bao quát, phong phú và diễn tả ý niệm Evangelizatio thích hợp hơn.

2.4. Về mặt từ ngữ, chúng ta có thể định nghĩa: Phúc Âm hoá là làm cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã cung cấp một định nghĩa khác: “Phúc Âm hoá, nghĩa là loan báo Ðức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói” (Số 905).

  1. Nghĩa các chữ tân, phúc, âm, hoá.

3.1. Nghĩa của tân.

Tân có 12 chữ Hán: 新, 濱 (滨), 津, 賓 (宾), 薪, 辛, 鋅 (锌), 檳 (槟), 莘, 繽 (缤), 獱, 蠙, trong trường hợp này là chữ新. Tân 新là chữ gốc của chữ 薪tân (nghĩa là: củi đuốc, tiền lương). Chữ do辛 (tân) và 斤(cân) tạo thành. Trong giáp cốt văn, tân chỉ âm, và cân là cái rìu.

Tân nghĩa là (dt.) (1) Mới: Thôi trần xuất tân (trừ cái cũ đi, đem cái mới ra). (2) Họ Tân. (3) Quốc hiệu của Vương Mãng sau khi cướp ngôi nhà Hán (năm 8-22). (đt.) (4) Thay đổi cho mới: Nhật tân hựu tân (ngày càng đổi mới). (tt.) (5) Những cái mới: Tân y (áo mới). (6) Những gì mới xuất hiện: Tân sinh nhi (con mới sinh ra). (7) Những người hay vật thuộc về thời gian mới cưới: Tân phòng (phòng cưới). (pht.) (8) Mới bắt đầu: Tân tả (mới viết).

Nghĩa Nôm: (dt.) (1) Xử nữ: Gái tân. (2) Màng trinh: Còn tân.

3.2. Nghĩa của phúc.

Phúc có 9 chữ Hán: 福, 腹, 復 (复), 覆, 輹, 輻 (辐), 蝮, 愊, 鍑, ở đây là chữ福. Trong bài “Evangelium” tôi có phân tích chữ này, nay xin trích lại: “Theo Lục thư[10], chữ phúc ( thuộc “hình thinh”. Viết bộ thị (còn đọc kỳ) và thinh bức (畐bị), có nghĩa phù hộ, là thần ban điều lành giúp con người, nên viết bộ thị (示) và dùng bức (畐) với âm bị, có nghĩa là mãn  (nghĩa là có đầy đủ, không gì không thuận lợi là phúc), tức là: trời đất ban xuống những điều tốt lành để thoả mãn nguyện vọng của con người, nên dùng thinh (畐). Thuyết Văn dùng chữ phúc với nghĩa là bị (bị là mọi việc đều thuận lợi). Chữ phúc ( đọc âm “phúc”, có nghĩa là mình xin cho được nhiều phúc.” Chữ福 (phúc) nghĩa là (dt.) (1) Những sự tốt lành, Kinh Thi chia ra năm phúc : – Giàu 富 , – Yên lành 安寧,- Thọ 壽, – Có đức tốt 攸好德, – Vui hết tuổi trời 考終命. (2) Điều may: Phúc Âm (tin lành). (3) Thịt phần tế. (4) Rượu tế còn thừa. (5) Họ Phúc. (đt.) (6) Thần bảo hộ, giúp: Phúc hựu. (7) Bộ điệu người nữ ngày xưa chào bằng cách chắp tay đặt ở eo: Đạo vạn phúc (Kính chào). (tt.) May mắn: Phúc tướng (tướng may mắn).

3.3. Nghĩa của âm.

Âm có 11 chữ Hán: 音, 暗, 陰 (阴), 隂, 侌, 瘖, 喑, 蔭, 廕, 荫, 愔, trong mục từ Tân Phúc Âm hoá, Âm là chữ 音, tôi đã từng phân tích chữ này[11]: “Âm (trong từ phúc âm (福音có nghĩa là tiếng, tin, thuộc loại “chỉ sự”. Viết chữ ngôn (言, lời ) ngậm dấu ngang (—là cái dấu để tạo chữ, không phải là chữ nhất (一), quy định dấu ngắn thì đặt ở trên dấu ngang, dấu dài đặt ở dưới. Như vậy chữ ngôn (言) phần dưới có chữ khẩu (口), chữ khẩu ngậm dấu ngang (—). Thinh do tâm sinh ra, biểu lộ ra ngoài là âm, tức là cái hợp thinh mà được nhịp nhàng hoà hợp với các thinh để thành văn, thì gọi là âm. Chữ 音 (âm) nghĩa là: (dt.) (1) Tiếng phát ra bởi vật thể bị chấn động, do không khí làm môi giới mà truyền đi: Tạp âm (tiếng tạp). (2) Giọng điệu: Hương âm (giọng quê). (3) Tiếng đọc của chữ: Chú âm (tiếng ghi). (4) Tin tức, thư từ: Âm tín. (5) Tiếng kính trọng kẻ khác: Đức âm. (6) Họ Âm.

3.4. Nghĩa của hoá.

Hoá có 2 chữ Hán: 化, 貨 (货), chữ cần bàn là chữ化. Hoá (化) có hai hình người, một đứng thẳng, một đứng lộn xuống dưới, giống diễn viên đang làm xiếc hoặc biểu diễn ảo thuật, chỉ nghĩa “biến hoá”. Có những nghĩa mở rộng như “Tạo Hoá”, “tử vong”, và “hoà tan”.

Hoá có nghĩa là (dt.) (1) Giáo dục: Giáo hoá. (2) Tập tục: Phong hoá. (3) Trời đất hay số mệnh: Tạo Hoá. (4) Lễ, nhạc, chế độ: Văn hoá. (5) Lấy ân nghĩa mà dạy: Đức hoá. (đt.) (6) Thay đổi: Thiên biến vạn hoá. (7) Trời đất sinh thành vạn vật: Hoá dục. (8) Chết: Vật hoá. (9) Dần dần ít đi, có rồi lại không còn: Tiêu hoá. (10) Thiêu huỷ: Hoả hoá. (10) Ăn xin: Hoá duyên. (11) Đặt sau danh từ hay tính từ, để chuyển biến trạng thái hay tính chất của vật: (i) thay đổi tính chất: ảo hoá, Âu hoá, ẩn dụ hoá, bần cùng hoá, bình thường hoá, biệt hoá, cá biệt hoá, cá tính hoá, cải hoá, cảm hoá, công hữu hoá, công nghiệp hoá, cơ khí hoá, cụ thể hoá, chính quy hoá, chính thức hoá, chuẩn hoá, chuẩn mực hoá, dân chủ hoá, dị hoá, đa dạng hoá, điện khí hoá, đồng bộ hoá, đồng hoá, đơn giản hoá, hiện đại hoá, hợp thức hoá, khái quát hoá, lý tưởng hoá, nhân cách hoá, phàm tục hoá, phân hoá, phức tạp hoá, tập thể hoá, thần bí hoá, tổng quát hoá, tuyệt đối hoá, tư bản hoá, tự động hoá… (ii) làm cho trở thành: cốt hoá (hoá xương), dẻo hoá, điện hoá, lưu hoá, nhũ hoá, nhựa hoá, ion hoá, oxy hoá, khí hoá, từ hoá, xà phòng hoá, mã hoá…

Trong từ Phúc Âm hoá, hoá có vai trò hậu tố từ, nghĩa là làm cho thấm nhuần.

Nghĩa Nôm: Goá: Hoá vợ.

  1. New Evangelization: Tân-Phúc-Âm hoá?

4.1. Tân Phúc Âm – Đức tin loại gì đây?

Có người thắc mắc: “Nói đến Đức Tin Công Giáo mà nói đến “tân phúc âm, tân tin mừng” là nói đến đức tin loại gì đây?” – Chúng tôi thử vào Google để tìm kiếm cụm từ “tân phúc âm” và “tân tin mừng”, thì không thấy chỗ nào nói Tân Phúc Âm hay Tân Tin Mừng mà chỉ có Tân Phúc Âm hoá hay Tân Tin Mừng hoá mà thôi!

Thiết nghĩ: Người Công Giáo, dù là tân tòng, cũng hiểu rằng Hội Thánh Công Giáo là “duy nhất”, và vì duy nhất trong đức tin nên không có chuyện “Tân Phúc Âm” hay “Tân Tin Mừng”[12]. Thực ra chữ “Tân Phúc Âm” cũng đã có người sử dụng rồi. Tự điển của Lm. Vũ Kim Chính[13] dùng chữ này để dịch chữ Neo-Evangelism, danh xưng của một giáo phái Tin Lành[14]. Cho nên, nếu hiểu Tân Phúc Âm là một giáo phái, thì “Tân Phúc Âm hoá” (nếu có) sẽ có nghĩa là “làm cho trở thành tín đồ Tân Phúc Âm”. Nhưng trong thực tế, anh em Tin Lành dịch từ Neo-Evangelism là “Phong trào Tin Lành Hiện đại”, chứ không sử dụng từ Tân Phúc Âm.

4.2. Cũng tại thiếu cái dấu…

Tôi nhớ khi cha già Phaolô Nguyễn Huỳnh Điểu – cha sở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn – từ trần, một cha khẩn cấp báo tin cho bạn bè của ngài bên Paris: “DIEU EST MORT”! Các cha bên Pháp đã hết sức kinh ngạc, không thể hiểu nội dung của bức điện nên phải liên lạc hỏi lại… Cũng tại chữ “Điểu” đã viết thành chữ “Dieu” (Thiên Chúa).

Có lẽ ở đây cũng tương tự, từ ghép Tân Phúc Âm hoá có hai cách hiểu về trật tự cấu tạo của nó:

Trước năm 1975, tại miền Nam, người ta thêm dấu gạch nối (-) giữa những mục từ ghép Hán Việt hoặc thuần Việt. Như trường hợp trên, tân Phúc Âm hoá là từ ghép có cấu trúc theo quan hệ cú pháp thuận Hán, tức tĩnh từ tân đứng trước danh từ Phúc Âm hoá. Để hiểu “tân” là từ bổ nghĩa cho “Phúc Âm hoá”, người ta viết là: “tân Phúc-Âm-hoá”, Phúc-Âm-hoá là một mục từ được giải thích theo nghĩa riêng biệt của mục từ này mà không bị hiểu sai. Còn muốn chỉ “hoá” là hậu tố từ của “Tân-Phúc-Âm” thì viết là: “Tân-Phúc-Âm hoá”. Nay bỏ gạch nối giữa những từ ghép ấy làm cho nhiều người không thể hiểu nổi những danh từ kép hay từ ghép biệt nghĩa.

Đã có người đề nghị Quốc Hội cho dạy lại Hán Nôm trong trường học, điều này hoàn toàn không thực tế. Để giải quyết vấn để, chúng ta chỉ cần phục hồi dấu gạch nối trong những trường hợp nói trên, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

  1. New Evangelization: Tân Phúc-Âm-hoá.

5.1. “New Evangelization” là tên gọi được dành cho kế hoạch của Hội Thánh muốn thể hiện một cách mới mẻ sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, căn tính và lý do hiện hữu của Hội Thánh[15]. Để có thể hiểu chính xác nguồn gốc và nội dung của thuật từ này, thiết tưởng không gì bằng đọc tác phẩm mới xuất bản của Đức TGM Rino Fisichella, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá[16]: “The New Evangelization- Responding to The Challenge of Indifference” hoặc bài của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo và Lm. Giuse Phan Tấn Thành trong Bản tin Hiệp Thông nói trên[17]. Dưới đây chúng tôi chỉ lưu ý vắn tắt về nội dung và nhận xét về những cách phiên dịch của từ New Evangelization trong tiếng Việt mà thôi.

5.2. Năm 1983, tại Haiti, khi nói chuyện với Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh về tầm quan trọng của công cuộc Phúc Âm hoá tại các nước này, ĐTC Gioan Phaolô II nói: “Việc kỷ niệm nửa thiên niên kỷ Phúc Âm hoá sẽ có đầy đủ ý nghĩa của nó nếu chư huynh trong tư cách giám mục biết dấn thân cùng với hàng linh mục và giáo dân của mình, một dấn thân không phải để tái Phúc Âm hoá mà là để tân Phúc Âm hoá. Nó sẽ mới trong nhiệt tâm, mới trong phương pháp và mới trong cách truyền đạt của nó. Về phương diện này, cho phép tôi uỷ thác nơi chư huynh, gói ghém trong ít lời, các khía cạnh đối với tôi xem ra là căn bản nhất đối với việc tân Phúc Âm hoá”[18]

Như vậy, tân Phúc Âm hoá nghĩa là ta công bố Phúc Âm với một nhiệt tâm mới, một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ dễ hiểu trong ngữ cảnh văn hoá dị biệt, và một phương pháp mới có khả năng thông truyền ý nghĩa sâu sắc nhất của sứ điệp, ý nghĩa bất biến của nó. Về mặt từ ngữ, chúng ta có thể giải thích: Tân Phúc Âm hoá là việc (hay cuộc, công cuộc) Phúc Âm hoá mới. Mới, không phải ở bản chất hay nội dung của Phúc Âm, mà là “mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp và trong lối diễn tả“[19].

Hiện nay, bên cạnh “tân Phúc Âm hoá“, thuật từ “New Evangelization” còn được dịch là: tái truyền giảng Tin Mừng[20], cách tân truyền giảng Tin Mừng[21], việc tân truyền bá Phúc Âm hoá[22], cuộc loan báo Tin mừng mới[23].

  1. Re-Evangelization: Tái Phúc Âm hoá.

Chữ tái trong tiếng Việt (cũng như iterata trong La ngữ và tiếp đầu ngữ Re– trong tiếng Anh, Pháp) có nghĩa là lặp lại, trở lại lần nữa, nhưng (1) Nó có thể chỉ việc lặp lại một hành động, như trong trường hợp tái diễn một vở kịch (re-enacting); (2) Nó cũng có thể diễn tả việc trở về với giai đoạn trước đó, như tái thủ đắc (re-acquiring); (3) Nó cũng có nghĩa đem lại một giá trị mới cho một hành động có trước như tái sinh (re-generation)… Nếu hiểu chữ tái theo nghĩa thứ 3 này, thì “tái Phúc Âm hoá” sẽ bao hàm ý tưởng về một sự thay đổi, đổi mới trong nội dung của hành động “Phúc Âm hoá”. Có thể đó là lý do mà ĐTC Gioan Phaolô II từ sau thông điệp Redemptoris Missio (1990) đã không sử dụng thuật từ Re-Evangelization nữa, và Đức TGM Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá, khuyên chúng ta nên tránh kiểu nói này.[24]

  1. Renewed Evangelization: Cách tân truyền giảng Phúc Âm.

Trong tiếng Anh có những kiểu nói: The Proclamation of Salvation, The Proclamation of the Gospel, The Preaching of the Gospel… hay Renewed Evangelization, Renewed Integral Evangelization, The Renewed Mission of the Church… là những cách diễn tả ý niệm Evangelization hoặc New Evangelization ở mặt nào đó, không toàn diện và nhất là không thể thay thế cho những thuật từ này[25]. Cũng thế, trong tiếng Việt cũng có những kiểu nói: Loan truyền Ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, truyền bá Phúc Âm… hay cách tân việc truyền giảng Tin Mừng, canh tân Phúc Âm hoá toàn diện, canh tân sứ mạng của Hội Thánh… Chúng tôi thiết nghĩ có thể sử dụng trong những hoàn cảnh để trình bày, diễn giải… chứ không thể dùng như những thuật từ chuyên môn định danh cho ý niệm Evangelization hoặc New Evangelization.

Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn[26], tác giả bộ “Danh từ Khoa học” và rất nhiều công trình khoa học có giá trị lớn để làm mẫu mực cho việc giáo dục và quốc học nước ta, để tạo một danh từ chuyên môn cần phải tuân thủ tám điều kiện và ba phương sách như sau: Năm điều kiện về nội dung: (1) Mỗi ý phải có một danh từ để gọi; (2) Danh từ ấy phải riêng về ý ấy; (3) Một ý đừng có nhiều danh từ; (4) Danh từ phải làm cho dễ nhớ đến ý; (5) Danh từ trong các môn phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc. Ba điều kiện về hình thức: Danh từ (6) phải gọn; (7) phải có âm hưởng Việt Nam; và (8) phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính cách quốc gia. Ba phương sách: (1) Dùng tiếng thông thường; (2) Phiên âm; (3) Lấy gốc chữ Nho.

Giáo sư Hãn còn viết: “Nói thế không phải rằng ta đặt một chữ nào cũng phải theo cho đủ các điều kiện trên kia. Những điều kiện trên có khi nó thành ra mâu thuẫn, nên trong sự định đoạt, ta lại xem cách nào tiện hơn mà chọn. (…) Nói tóm lại, một danh từ khoa học cốt có những đức tính sau đây: đủ rành mạch, dễ nhớ, gọn. Chớ cách đặt thì không duy nhất được. Thế cũng không ngại gì, quí hồ tiếng đặt có âm hưởng Việt Nam và có tính cách Việt Nam là được“.

Các linh mục tiền bối trong Ban giáo sư Trường Thần học Bùi Chu khi xưa cũng đã đồng ý tuân thủ những điều kiện và phương sách này khi biên soạn quyển “Danh từ Thần Học và Triết Học”. Nhờ đó Hội Thánh tại Việt Nam đã có được bộ thuật ngữ làm nền tảng cho việc học tập và giảng dạy thần học và triết học bằng Việt ngữ hơn nửa thế kỷ qua.

Vì vậy, trên phương diện học thuật, chúng tôi nhận thấy cụm từ “tân Phúc Âm hoá” có thể dùng như một thuật từ để định danh cho ý niệm “New Evangelization”. Còn các cách dịch: việc tân truyền bá Phúc Âm hoá, cuộc loan báo Tin mừng mới, cách tân truyền giảng Tin Mừng, tái truyền giảng Tin Mừng… mang tính định nghĩa hơn là định danh.

  1. Kết luận.

Việt Nam chưa có hàn lâm viện, không ai có thể bảo ai phải làm thế nào. Nên chăng, Hội Thánh tại Việt Nam theo gương các bậc tiền bối, đi bước đầu làm trong sáng lại tiếng Việt.

Để tiếp tục đóng góp vào bộ thuật ngữ quý báu này, chúng ta cần cẩn trọng khi chọn lựa từ ngữ để dịch những khái niệm mới trong các khoa ngành của Hội Thánh.

WHĐ (23.02.2021) Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 92 (Tháng 01 & 02 năm 2016)

[1] “Nova evangelizatio ad christianam fidem tradendam – The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith”.

[2] John L. Allen Jr.: VATICAN TRIES TO FLESH OUT ‘NEW EVANGELIZATION’, xem: https://www.ncronline.org/blogs/ncr-today/vatican-tries-flesh-out-new-evangelization

[3] Tự sắc Porta Fidei, số 4, 7.

[4] Bài Giảng Chúa Nhật, TGM GP. TP.HCM, Số 3/2006 và 10/2009.

[5]; Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, 2012, tr. 19-25; 298-315.

[6] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “LOAN BÁO TIN MỪNG, TÁI LOAN BÁO TIN MỪNG, LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ: NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ” – Hiệp Thông, Số 73, tháng 11&12 năm 2012, tr. 52-79.

[7] Các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II đã sử dụng danh từ Evangelizatio 31 lần, đặc biệt trong Sắc Lệnh Truyền Giáo 21 lần. Tuy bản dịch tiếng Việt của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Đà Lạt, 1970) dịch là “truyền bá Phúc Âm” nhưng cũng đã thấy có vài nơi sử dụng thuật từ “Phúc Âm hoá” (tr. 348, 796).

[8] xem Tông huấn EVANGELII NUNTIANDI, số 18.

[9] Nguyên vị tiềm tàng là những yếu tố gốc Hán có ý nghĩa phản ánh gián tiếp hiện thực. Theo cách nói của Gs. Hồ Lê: CẤU TẠO TỪ TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI, Nxb KHXH, TP.HCM, 2003, tr.154.

[10] Sáu quy tắc tạo nên chữ Hán gọi là Lục thư: (1) Tượng hình. (2) Chỉ sự. (3) Hội ý. (4) Hình thinh. (5) Chuyển chú. (6) Giả tá.

[11] Bài Giảng Chúa Nhật, tháng 3/2006, Bài “Phúc Âm và Tin Mừng”, tr. 93.

[12] Nếu đặt vấn đề: Đối với người lương thì sao? – Thưa, thì phải tìm hiểu mới biết được. Vì đã là thuật từ thì dù thuộc ngành nào, bộ môn nào, thì cũng phải “học nhi tri chi”. Tương tự như các thuật từ “Mẹ Thiên Chúa” hay “bất khả ngộ” vv…

[13] Lm. Vũ Kim Chính, SJ., TỰ ÐIỂN THẦN HỌC TÍN LÝ ANH VIỆT, Đài loan, 1999.

[14] Neo-Evangelism: Một phong trào có từ năm 1940, phát nguồn từ Phái Phúc Âm (Evangelicals: Phong trào Tin Lành), với các đặc điểm là tập trung vào nỗ lực truyền bá Phúc Âm, trải nghiệm qui đạo, lời chứng về đức tin cá nhân, và có quan điểm truyền thống về Thánh Kinh. Phái này tin rằng Phúc Âm cần phải được tái khẳng định và tái công bố trong một cung cách mới. Vì vậy, xuất hiện thuật ngữ Neo – mới hoặc được làm cho mới. Danh xưng Neo-Evangelism do Harold Ockenga đặt ra năm 1947, mà anh em Tin Lành Việt Nam dịch là “Phong trào Tin Lành Hiện đại”, để phân biệt với giáo phái Căn Bản (Fundamentalists: Phong trào Nền Tảng) mới được hình thành vào đầu thế kỷ 20. Ngày nay, với ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng Tin Lành, Phái Tân Phúc Âm được xem là đồng nghĩa với Phái Phúc Âm, đại diện cho những Kitô hữu liên kết đức tin của mình với các giá trị truyền thống của Giáo Hội tiên khởi.

[15] Đề cương (Lineamenta) của THĐGM Lần thứ XIII, số 10.

[16] Archbishop Rino Fisichella: THE NEW EVANGELIZATION- RESPONDING TO THE CHALLENGE OF INDIFFERENCE, Gracewing Publishing, 2012.

[17] Xem bài của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo (tr. 29-51) và Lm. Giuse Phan Tấn Thành (tr. 52-79) trong Hiệp Thông, Số 73, tháng 11&12 năm 2012.

[18] John Paul II, Address to CELAM (Opening Address of the Sixth General Assembly of CELAM, 9 March 1983, Port-au-Prince, Haiti), L’Osservatore Romano English Edition 16/780 (18 April 1983), no. 9.

[19] Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VI, 1 (1983), Editrice Vaticana, 1983, p.698.

[20] Lm. G. Trần Đức Anh, OP. : SỨ ĐIỆP THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lần thứ XIII Gởi CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA (http://gpbanmethuot.vn); ĐTC MỜI GỌI CÁC TÍN HỮU TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG (http://tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc/20111017/12964) hay VAI TRÒ CỦA BÍ TÍCH HOÀ GIẢI TRONG VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG (http://tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc/20120310/15017); đối chiếu với: POPE: CONFESSION A KEY PART OF EVANGELIZATION (http://www.zenit.org/article-34434?l=english)

[21] Lm. Px. Nguyễn Hùng Oánh: TÂN PHÚC ÂM HOÁ: CÁCH NÓI NGUY HẠI CHO ĐỨC TIN??? (http://titocovn.com/article/20121208/36320)

[22] Lm. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, TÂN PHÚC ÂM HOÁ , xem: http://www.thoidiemmaria.net

[23] Sr, Therese Tran, MTG-DL: CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG MỚI – XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG, xem: http://www.simonhoadalat.com; FX. Trần Kim Ngọc, OP.: LOAN BÁO TIN MỪNG? xem: http://www.daminhvn.net/trang-chu/3050-suc-manh-nao-de-loan-bao-tin-mung.html

[24]Archbishop Rino Fisichella, https://www.americamagazine.org/issue/100/new-evangelization .

[25] Msgr. Manny Gabriel: THE PURSUIT OF THE BEC DIRECTION IN THE ARCHDIOCESE OF MANILA: IN SEARCH OF SHARED FRAMEWORK: “New Evangelization” is not just “renewed evangelization”, or “integral evangelization” or both “renewed, integral evangelization”. (Xem: http://frpicx. tripod.com/refl-gabriel.htm)

[26] Hoàng Xuân Hãn, DANH TỪ KHOA HỌC, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1948.

Từ khóa » đồ Tẩn Liệm