Tản Mạn Về Tiếng Việt Và Hán Việt: Tại Sao Trung Quốc Dùng Danh Từ ...

 

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các danh từ gọi dụng cụ gắp cơm và đưa vào miệng (ăn cơm) như đũa hay trợ, khoái, giáp cùng các dạng âm cổ của chúng. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), TQ (Trung Quốc), ĐNA (Đông Nam Á), HT (hài thanh), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), VBL (tự điển Việt Bồ La/1651) ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895).

Số là có anh Lưu Tiến Hiệp (< đại học Hoa Sen) hỏi về cách dùng khoái và trợ, cả hai từ HV đều chỉ chiếc đũa. Sau khi góp ý với anh Hoàng Dũng (đại học Sư Phạm Thành Phố HCM) thì bài viết nhỏ này ra đời.

Các truyền thuyết về đũa ở VN thì có sự tích Trầu Cau vào đời vua Hùng Vương thứ ba: cô gái đã dùng đôi đũa để thử xem Tân và Lang[2] ai là anh vì hai người giống nhau như đúc. Sau đó thì Lang nhường cho anh, vì theo lễ phép và truyền thống của người Việt, nên gia đình mới biết Tân là anh và do đó gả cô gái cho Tân. Bối cảnh và thời gian ra đời của truyền thuyết này, cùng với liên hệ ngữ âm đũa – trứ/trợ, dẫn đến một khả năng là tổ tiên người Việt có liên hệ mật thiết với chiếc đũa, hay có thể đã khám phá ra công cụ ẩm thực này đầu tiên[3] trên thế giới. Truyền thuyết về đũa ở TQ thì đa dạng: từ sự tích Khương Tử Nha nghe lời thần điểu dùng trúc là đũa để thử thuốc độc trong đồ ăn, hay Đát Kỉ dùng trâm ngà làm đũa (nên gọi là tượng trợ/đũa ngà) gắp thức ăn cho vua Trụ, và Đại Vũ dùng đũa gắp thịt nóng để ăn cho có thời gian lo việc trị thủy (giải quyết nạn lũ lụt) … Các truyền thuyết TQ cũng dẫn đến khả năng người TQ đã phát minh ra đũa, tuy nhiên dân tộc nào và nơi nào đã cho ta chiếc đũa phổ thông của các nền văn hóa Á Đông không phải là trọng tâm của bài viết nhỏ này. Trước hết hãy xem qua các từ chỉ đũa trong các tài liệu đã xuất bản ở Trung Hoa và Việt Nam.

  1. Tóm tắt các cách dùng trong tài liệu Hán cổ

1.1 《禮記•曲禮上》: 羹之有菜者用梜,其無菜者不用梜

《Lễ Kí• Khúc lễ thượng》:canh chi hữu thái giả dụng giáp,kì vô thái giả bất dụng giáp – tạm dịch/NCT: nếu canh có rau thì dùng đũa, nếu không có rau thì không dùng đũa. Để ý giáp[4] là âm HV, âm cổ phục nguyên là *ke:b so với các dạng kẹp, cạp, cặp, cắp, gắp trong tiếng Việt, xem chi tiết mục 3.1 bên dưới. Khổng Tử cũng viết rằng: “Dĩ kì thái giao hoành, phi giáp bất khả 以其菜交橫非梜不可” – tạm dịch/NCT “vì rau nằm ngang dọc lẫn lộn, không dùng đũa (gắp) không được”.  Tuy nhiên cũng có lúc Lễ Kí dùng trợ/trứ là đũa như trong Khú lễ thượng có câu 飯黍毋以箸 phạn thử vô dĩ trứ – tạm dịch/NCT “đừng dùng đũa khi ăn kê” – hàm ý kê rất nhỏ và rất khó gắp lấy mà ăn, xem thêm mục 1.2 tiếp theo.

1.2 Lễ Kí (Khúc lễ thượng) cũng có câu: 毋摶飯 vô đoàn phạn (chớ có vò cơm): hàm ý là không nên dùng tay vò cơm lại thành nắm để ăn, có thể thấy lúc bấy giờ là dùng ‘tay không’ để ăn cơm. Điều này phù hợp với nhận xét của học giả Edward Wang (dạy tại Rowan University, Glassboro, New Jersey – Mỹ) trong cuốn “Chopsticks: A Cultural and Culinary History” (sđd, 2015). Theo ông thì thời xưa người TQ ăn kê (millet), loại hạt nhỏ hơn gạo, dùng làm canh hay nấu chín và do đó thìa (múc) thích hợp hơn so với đũa. Từ thời lúa mì (wheat) trở nên thịnh hành từ đầu TK 1 thì đũa cũng dùng thường hơn để ăn mì dễ dàng hơn, cùng thời kì gạo được sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn ở ĐNA và Nhật Bản, Đại Hàn. Kết luận này phù hợp với cách dùng phạn chủy (thìa múc cơm) trong văn hóa Hán nhưng lại là đũa cả trong văn hóa ẩm thực Việt, xem thêm chi tiết mục 2.1 bên dưới.

1.3 Theo học giả Sử Du 史游 thời Hán trong cuốn Cập Tưu Thiên 急就篇 giải thích rằng “箸,一名梜,所以夹食也” – tạm dịch/NCT: trợ, thường viết là giáp (hay *ke:b ~ kẹp), sở dĩ như vậy vì dùng để kẹp/gắp cơm.

1.4 《韓非子.喻志》中古筷稱櫡 《 Hàn Phi tử. Dụ chí》trung cổ khoái xưng giáp – trích từ trang mạng bách khoa TQ https://zh.wikipedia.org/wiki/%E7%AD%B7%E5%AD%90 … Trong Hàn Phi Tử, Dụ Lão cũng có câu 昔者紂為象箸而箕子怖 tích giả Trụ vi tượng trợ/trứ, nhi Ki Tử phố – tạm dịch/NCT “thời xưa vua Trụ dùng ngà voi làm đũa (trợ), Ki Tử sợ hãi“. Truyền thuyết này cho thấy đũa bằng ngà voi đã hiện diện từ thời nhà Thương (1154 TCN – 1123 TCN) hay khoảng hơn 3000 năm trước, tuy nhiên cần nhiều bằng chứng khách quan như từ khảo cổ để thêm chắc chắn. Một số tài liệu TQ thường trích câu này để cho rằng người Hán (TQ) đã phát minh ra chiếc đũa. Hình dưới trích từ trang mạng bách khoa TQ https://baike.baidu.com/item/%E7%AD%B7%E5%AD%90/249194

1

Hình bếp thời Hán với khả năng đã dùng đũa

1.5 《史記註》箸卽筯也 <Sử Kí chú> trứ/trợ tức trợ dã. Tới thời Lưỡng Hán thì dạng trợ 筯 đã có mặt so với dạng trợ 箸. Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN), tác giả bộ Sử Kí, còn nhận xét thêm là xưa gọi trợ/trứ là mộc trứ 木箸.

1.6 Hán Thư, Trương Lương truyện 漢書 – 張良傳 có ghi 請借前箸以籌之 Thỉnh tá tiền trợ dĩ trù chi   (Xin được mượn đũa để trù tính). Vào thời Hán, dạng trợ/trứ 箸 trở nên phổ biến. Hán Thư do nhà sử học Ban Cố 班固 soạn vào năm 82 SCN.

1.7 Thuyết Văn Giải Tự xuất bản vào năm100 SCN ghi <木部> 梜:檢柙也 <Bộ mộc> giáp: kiểm hiệp dã (kiểm là kiềm chế ~ kẹp, hiệp là hộp/công cụ để bao/chứa).

1.8 Thuyết Văn Giải Tự ghi《竹部》箸:飯攲也。从竹者聲 <Bộ trúc> trợ: phạn khí dã, tòng trúc giả thanh. Chữ khi 攲 xưa dùng như khí 器 (khí cụ, theo Đoàn Ngọc Tài TVGTC), phạn khi hàm ý dụng cụ dùng trong việc ăn cơm.

1.9 Học giả Trịnh Huyền (127-200) đời Hán viết 梜,猶箸也。今人或謂箸為梜提 giáp, do trợ/trứ dã, kim nhân hoặc vị trợ/trứ vi giáp đề – tạm dịch/NCT “giáp do trợ, người ta bây giờ gọi trợ như là giáp đề (đũa)“.

1.10 Học giả Trần Thọ (233-297) soạn bộ sử Tam Quốc Chí, quyển 32 “Thục thư/Tiên chủ bị truyện” có câu 先主方食,失匕箸 tiên chủ phương thực, thất chủy trứ – tạm dịch/NCT “vua chúa đời trước, khi ăn để lạc mất thìa và đũa (tâm thần bấn loạn/’hết hồn’)/NCT“.

1.11 Học giả Cát Hồng (283-343) đời Tấn từng dùng tượng trợ 象箸 (đũa ngà) trong 《Bão phác tử• Quảng thí》 《抱朴子•廣譬》

1.12 Ngọc Thiên (khoảng 543 SCN) ghi 陟慮切筴也 trắc lự thiết, giáp dã – giáp là đũa, để ý bộ trúc hợp với chữ giáp HT 筴 khác với giáp vào thời Lễ Kí, TVGT viết bằng bộ mộc hợp với chữ giáp HT 梜. Điều này cho thấy ảnh hưởng của phương Nam TQ có nhiều tre trúc cho nên đũa làm bằng tre/trúc so với cây (bộ mộc) trước đó.

1.13 Tam Tạng pháp sư Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713) dùng dạng 筯 trợ trong cuốn 南海寄歸內法傳 Nam Hải kí quy nội pháp truyện[5], ghi lại truyện nhà sư khi đi tu hành ở Ấn Độ (Nalanda) từ năm 671 đến 695 trước khi trở về Lạc Dương. Một dữ kiện thú vị trong tài liệu này là lời khuyên các nhà sư nên theo tục lệ địa phương (dùng tay phải để bốc đồ ăn) mà không nên dùng đũa, nếu có bệnh thì có thể dùng thìa (thi 匙). Điều này cho thấy dạng trợ 筯 thông dụng vào đời (Tùy) Đường so với dạng trứ 箸.

1.14 Các đại thi hào và học giả đời Đường thường dùng từ trợ/trứ trong thơ văn của mình như Lí Bạch (701-762, như trong bài “Hành lộ nan“), Đỗ Phủ (712-770, như trong bài “Lệ nhân hành“), Lí Hàm Dụng (trong bài “Trường ca hành“), Đỗ Mục (803-852, như trong bài “Kiến lưu tú tài dữ trì châu kĩ biệt“), học giả Phùng Chí trong “Vân Tiên tạp kí” …v.v…

1.15《資治通鑑·卷八十七》: 著,遲據翻,梜也 《 Tư Trị Thông Giám· quyển bát thập thất》: trợ/trứ, trì cứ phiên, giáp dã – Tư Mã Quang (1019-1086) là tác giả cuốn Tư Trị Thông Giám.

1.16 Lục Thư Chánh Ngoa 六書正譌 – tác giả Chu Bá Kì 周伯琦 (1298–1369) – còn ghi thêm một tên gọi cổ của đũa là giáp hay âm cổ phục nguyên là *ke:b (kẹp/cạp/gắp  tiếng Việt): 箸遲據切梜也 trợ, trì cứ thiết, giáp dã – cũng tương tự như định nghĩa của Tư Trị Thông Giám trước đó (xem mục 1.15).

1.17 Đến thời Chính Vận (năm 1375) thì trợ 箸 có cùng vần/khứ thanh (đọc giống nhau) với các từ HV 筯 柱 駐 𨙦 住 鉒 除 著 躇 (trợ trú trứ trụ *trừ *sước/trừ).

1.18 Các âm đọc giống nhau nhưng mang nghĩa tiêu cực trong CV cũng được học giả Lục Dung 陸容 (1436-1494) ghi lại trong cuốn Thục Viên Tạp Kí 菽園雜記 như sau

民間俗諱,各處有之,而吳中為甚。如舟行諱住,諱翻,以箸為快兒,幡布為抹布

dân gian tục húy, các xử hữu chi, nhi Ngô trung vi thậm。như chu hành húy trụ , húy phiên dĩ trứ vi khoái nhi,phiên bố vi mạt bố; tạm dịch/NCT: dân gian kiêng húy nhất là ở Ngô Trung[6]. Đi biển thì kiêng các âm trụ 住 (nghĩa là dừng lại, không nhúc nhích được), phiên 翻 (lật tàu/chìm tàu) cho nên trở 箸 (đọc như trụ[7] 住) trở thành khoái 快 (đi cho nhanh) và phiên bố 幡布 (cánh buồm) trở thành mạt bố 抹布 (vải chùi bụi). Để ý sau này chữ khoái có thêm bộ trúc cho rõ nghĩa hơn, và nhi thay bằng tử 子 (cùng nghĩa).

1.19 Lí Dự Hanh 李豫亨, học giả thời nhà Minh, trong Thôi Bồng Ngụ Ngữ 推篷寤语 (năm 1571) viết rằng  “世有忌諱惡字而呼為美字者,如立箸諱滯,呼為快子,今因流傳已久,至有士大夫間已有人呼箸為快子者。忘其始也” – tạm dịch/NCT “Người đời kị húy thường đổi các tiếng chỉ sự xấu xa dơ bẩn thành tiếng chỉ sự đẹp đẽ – như âm trợ (trứ, đũa) kị sự ngừng lại (đình trệ, trú – trụ) thành ra đổi thành khoái tử[8] (khoái là vui, nhanh). Từ đó lưu truyền trong nhân gian, và được dùng trong văn chương là khoái tử thay cho trợ/trứ mà không còn biết cách dùng này bắt đầu từ đâu“. Để ý chữ khoái viết là khoái bộ tâm 快 (nghĩa là vui, nhanh, sắc) vào thời Lục Dung và Lí Dư Hanh, sau này mới bộ trúc vào để cho rõ nghĩa đũa hơn.

1.20 Một chi tiết thú vị là tự điển Khang Hi (năm 1716) lại không ghi nhận chữ khoái bộ trúc[9] mà chỉ ghi các dạng giáp và trợ! Điều này cho thấy quán tính của cổ văn và triều đại nhà Thanh gốc Mãn Châu không mặn mà với các phương ngữ khác.

1.21 Các tác phẩm văn chương[10] nổi tiếng như “Hồng Lâu Mộng” (khoảng giữa TK 18) cũng sử dụng cụm danh từ khoái tử nhiều lần hơn so với trợ tử, hay trong tác phẩm “Nho lâm ngoại sử” của tác giả Ngô Kính Tử (1701-1754), “Tòng Văn tự truyện” của văn hào Trầm Tòng Văn (1902-1988).  “Lão Tàn du kí” của Lưu Ngạc (1857-1909)…v.v…

2

Bản đồ các địa phương TQ dùng trợ (vòng tròn tô đậm), khoái (vòng tròn trống) dùng hoàn toàn so với một phần (vòng tròn tô đậm một nửa, vừa dùng trợ vừa dùng khoái) – trích từ trang 5 cuốn Trung Quốc Ngữ Ngôn Địa Lí, đệ nhất tập https://fh.pku.edu.cn/docs/2018-11/20181108195345361237.pdf. Bản đồ phân bố này tương ứng với bản đồ phân bố đăng trên mạng bách khoa TQ https://baike.baidu.com/item/%E7%AD%B7%E5%AD%90/249194

  1. Đũa trong các tài liệu Hán Nôm, chữ quốc ngữ

2.1 Chỉ Nam Ngọc Âm

Trang 150 trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải sđd) ghi

Phạn chủy đũa cả đơm cơm.

Thích nô khéo chuốt cái tăm nhọc đầu.

Trúc trợ đũa tre tày nhau[11], 竹筋杜椥斉饒

Rẽ bỏ một ngóc chuốt lau đùng đùng …

Đũa có một dạng chữ Nôm là 杜 đỗ HV, các cách viết sau này thêm bộ trúc 𥮊 để rõ nghĩa hơn, td. trong Truyền Kỳ Mạn Lục, Cung Oán Ngâm Khúc, Lý Hạng Ca Dao, tự điển Béhaine/1772-1773, Taberd/1838, ĐNQATV …v.v… Quá trình thêm bộ trúc vào chữ đỗ (ở VN) cũng tương tự như thêm bộ trúc vào chữ khoái (ở TQ) cho thấy rõ nghĩa hơn (dùng vật liệu như tre/trúc làm đũa).

2.2 Núi chiếc đũa ~ Chích trợ sơn HV

Núi Chiếc Đũa thuộc thôn Văn Đức xã Nga Phú huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), xưa từng làm ngọn hải đăng cho các tàu bè qua lại trong vùng. Nhiều vua chúa và danh nho qua đây cảm tác thơ như Bảng Nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784): bài Đề Chích Trợ Sơn[12] cho thấy hình thù núi không còn giống chiếc đũa xưa kia nữa (có lẽ bị sói mòn bởi mưa gió/thời tiết) mà giống hoa sen hơn. Không thấy ông dùng dạng khoái tử mà dùng các dạng trợ 箸 và 筯

題隻箸山 

紫府應移在此閒

屹然一柱嶂宭灘

遠覘正似蓮花座

何事呼為隻筯山

Đề Chích Trợ sơn

Tử phủ ưng di tại thử gian,

Ngật nhiên nhất trụ chướng quần than.

Viễn chiêm chính tự liên hoa toạ,

Hà sự hô vi Chích Trợ san

2.3 Nguyễn Du (1766-1820)

Trong bài thơ 所見行 Sở kiến hành, Nguyễn Du từng dùng trở/trứ chỉ đũa:

長官不下箸,

小們只略嘗

Trưởng quan bất hạ trứ,  

Tiểu môn chỉ lược thường

Tạm dịch/NCT: quan lớn không dùng đũa, kẻ hầu chỉ nếm qua (Nguyễn Du so sánh hai cảnh tượng thật khác nhau của người nghèo và giàu trong xã hội phong kiến khi đi sứ phương Bắc 1813-1814). Không thấy ông dùng khoái tử, cho thấy ảnh hưởng của sự thay đổi này vẫn chưa phổ thông so với quán tính của truyền thống Hán học.

2.4 Đại Nam Quốc Ngữ

Trang 187 trong Đại Nam Quốc Ngữ (Lã Minh Hằng khảo, phiên, dịch, chú sđd) ghi

Phạn chủy đũa cả

Trợ cái đũa

Khoái tử đồng thượng

Trúc trợ cái đũa trúc

Tượng trợ đũa ngà …

Chữ Nôm đũa trong sách này ghi bằng đỗ HV cũng như Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa. Một điểm đáng chú ý là phạn chủy với chủy viết là 匙, một số địa phương ở Bắc TQ viết là chủy 匕, đều hàm ý cái muỗng (để xới cơm ra bát) nhưng tiếng Việt lại dùng đũa cả (đũa lớn) so với đũa con (dùng để ăn cơm từ bát).

3

A  Đũa cả – trích từ trang https://nem-vn.net/vi/693           

4

 B. Thổi cơm thi (chữ Nôm[13])

5

C. Hình ảnh đũa thời bé cho đến lớn

B, C trích từ các tranh vẽ sưu tầm bởi Henri Oger (1908-1909) “Technique du peuple annamite” – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất (nghệ nhân Việt vẽ/viết chữ Nôm).      

2.5 Tiếng Việt thời LM de Rhodes

Để ý là trong VBL, LM de Rhodes giải thích đũa (VBL ghi là đủa – thanh hỏi) là que nhỏ người phương Đông (orientales/L) dùng để ăn so với xiên hay nĩa. Nhận xét về đũa của LM de Rhodes (từng sống ở Ấn Độ/Nam Á và Đông Nam Á) ở đây cho thấy đây là tục lệ người VN và phương Đông, rất khác với tục lệ phương Tây dùng dao và nĩa, hay Ấn Độ dùng tay bốc đồ ăn trên lá chuối. Trong cách nhìn khá ‘gay gắt’ về một số tục lệ Á châu, ông cũng phê phán về tục ăn bốc là “vô lễ[14]” ở trang 109 PGTN – xem hình chụp bên dưới:

6

VBL trang 238

Để ý là trong VBL, LM de Rhodes giải thích đũa (VBL ghi là đủa – thanh hỏi) là que nhỏ người phương Đông (orientales/L) dùng để ăn so với xiên hay nĩa[15]. Để ý VBL dùng cụm danh từ orientales (người phương Đông) hay đã giới thiệu cho ta biết một trong ba không gian ẩm thực lớn trên thế giới: phương Tây dùng dao/thìa/nĩa, Nam Á (td. Ấn Độ) dùng tay không và phương Đông dùng đũa, chỉ trong một đoạn văn. Đây cũng chính là trải nghiệm của LM de Rhodes nói riêng, và của các nhà truyền giáo phương Tây khi đến Á châu; nhờ vậy mà các nước Tây phương mới biết đến những thông tin đầu tiên cùng chi tiết về văn hóa ẩm thực (đũa, gạo, trà …) và tín ngưỡng địa phương (đạo Khổng, Lão và Phật …).

7

   PGTN trang 109

Có lẽ nên nhắc ở đây là đũa tiếng Hàn đọc là jeotgarak 젓가락 (đọc như chở tả rà giọng Nam VN), 젓 là biến âm của trợ (đũa 箸) còn garak là cái/chiếc (que). Từ này hiện diện trong cuốn “Cứu cấp giản dịch phương ngạn giải” 救急簡易方諺解 Gugeupganibang eonhae 구급간이방언해 vào năm 1489. Tiếng Nhật cũng viết là trợ 箸 nhưng đọc[16] là はし hashi (trọng âm ở vần đầu ha-). Theo người viết/NCT thì một cách giải thích có thể là ha một biến âm từ *chia trở thành ha – *chia là một dạng âm trung cổ/xát hóa của giáp (so với *ke:b hay kẹp là âm cổ hơn với phụ âm đầu là âm tắc/gốc lưỡi k-).

  1. Các cách đọc cổ của các từ chỉ đũa

3.1 Giáp

Chữ giáp 梜 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu thiếp 怗 hay *hạp/hiệp 狎, nhập thanh, khai khẩu tứ/nhị đẳng theo QV) có các cách đọc theo phiên thiết

古洽切 cổ hiệp/hợp thiết (TVGT, CV)

公洽切 công hiệp/hợp thiết (NT, TTTH)

古協切,音頰 cổ hiệp thiết, âm giáp (ĐV, QV, CV, TVi/CTT) cho thấy âm cổ hơn có dạng *ke:p/ke:b (âm cổ phục nguyên/reconstructed sound).

工洽反 công hiệp/hợp phản (NKVT 五經文字)

與筴同 dữ giáp/kiệp đồng (QV)

古狎切,音甲 cổ hiệp thiết, âm giáp (QV)

訖洽切 cật hiệp/hợp thiết (TV, LT)

音甲 âm giáp (LKTG)

古匣翻 cổ hạp phiên (BH 佩觿)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 夾 俠 郟 袷 裌 韐 鞈 跲 筴 梜 挾 甲 押 (giáp hiệp)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 頰 筴 梜 鋏 夾 莢 劫 刼 刦 袷 衱 (giáp kiếp kiệp)

音刧 âm kiếp (TVi)  …v.v…

Giọng BK bây giờ là jiā so với giọng Quảng Đông gaap3 và các giọng Mân Nam 客家话: [台湾四县腔] giap7 [客英字典] giap7 [陆丰腔] kiap8 [梅县腔] giap7 [海陆丰腔] giap7 潮州话:goih4, tiếng Nhật kyō kō. Một dạng âm cổ phục nguyên của giáp là *ke:b. Một dữ kiện đáng chú ý về chữ giáp 夾 (*ke:b – kẹp – kép – ghép – cạp – cặp – cắp – gắp – gặp …) là loại chữ tượng hình: hình một người (đại 大 ở giữa) cắp (kẹp) hai người (nhân 人) ở hai tay. Các chữ khắc/viết bên dưới là giáp cốt văn, kim văn và triện văn cho tới thời Minh, trích từ trang https://en.wiktionary.org/wiki/%E5%A4%BE

8

So sánh dạng *ke:b (kẹp, cặp) với kăp tiếng Mnong nghĩa là đũa, và một số động từ chỉ động tác gắp/kẹp như cakɛɛp, sakɛɛp (tiếng Tampuan), sa: kiap (tiếng Cua), tikap (tiếng Pacoh)…v.v… Trích từ trang này http://sealang.net/monkhmer/dictionary/.

Tương quan phụ âm đầu k-gi của kẹp – giáp còn thấy khi so sánh các từ HV như

gian 閒 hay 間 – căn

giam 監 – khám

giảm 減 – kém

giáp 夾 – gắp, cắp, cặp, kẹp

giái – giới 介 – cõi

giải 解 – cải, cởi, cổi, gỡ …

giải 蟹 – cua

giới 疥 – ghẻ (bệnh)

giới 戒 – cai (cai nghiện)

giái – giới 芥 – cải (rau)

giái (giới) 薤 – kiệu (rau)

giác, giốc 角 – gạc (sừng nai), góc, cắc (bạc cắc)

giác 覺 – cóc, cốc (biết, hiểu)

gia 茄 – cà

giả 赭 – ké (màu đỏ) vết tích còn trong cách dùng đỏ ké

giả 者 – kẻ (người ấy)

giá 價 – cả

giỗ <  kị 忌 cữ …v.v…

Theo các GS Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Ngọc San (sđd) thì phụ âm đầu gi- là từ các phụ âm ch- và k- (khai khẩu nhị đẳng[17], ghi là kj-). Khuynh hướng ngạc cứng hóa và xát hóa, theo người viết/NCT, chỉ là khuynh hướng phát âm sao cho dễ hơn hay lưu loát hơn (least effort/đòi hỏi ít nỗ lực nhất – một nguyên tắc vật lí cơ bản).  Khuynh hướng xát hóa và ngạc cứng hóa của phụ âm cuối lưỡi k để cho ra các phụ âm ch/gi/s như căn gian, keo giao, kéo giảo, kẹp/kép giáp còn hiện diện trong các ngôn ngữ Ấn Âu: loại hình ngôn ngữ centum (duy trì dạng k như trong cách đọc centum của tiếng La Tinh nghĩa là 100, centum > hundred tiếng Anh) so với loại hình ngôn ngữ satem (k đã trở thành s, satem là 100 tiếng Iran – để ý cent tiếng Pháp cũng đọc với phụ âm s tuy viết là cent), thí dụ trong tiếng Việt như trường hợp chung quanh > xung quanh, giáp > xáp; cũng như sự phân biệt của *kong/gong (Mân Nam) so với giang HV 江 và sông tiếng Việt (để ý thành phần HT của giang là công 工) … Loại hình ngôn ngữ centum gồm có các ngôn ngữ ở Tây Âu Châu như Germanic, Ý, Hi Lạp … Loại hình ngôn ngữ satem gồm có các ngôn ngữ Đông Âu Châu như Ba Tư/Persian, Phạn/Sanskrit, Nga, Latvian, Armenian …v.v…

3.2 Trợ/trứ

Chữ trợ 箸 著 櫡 筯 𥯄 (thanh mẫu tri 知 hay trừng 澄 vận mẫu ngư 魚 khai khẩu tam đẳng, khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

遲倨切 trì cứ thiết (TVGT, QV)

除魚切 trừ ngư thiết (NT)

遲據切 trì cứ thiết (TV, LT, VH)

陟據反 trắc cứ phản (LKTG)

直據反 trực cứ phản (LKTG)

直據切 trực cứ thiết (TTTH)

陟慮切 trắc lự thiết (TVGT, QV, LT, CV) – TVGT, Hán Thư/TVi ghi trợ là dùng để ăn cơm (食所用也 thực sở dụng dã)

陟慮切 trắc lự thiết (NT, TTTH)

張慮切 trương lự thiết (QV)

直魚切 trực ngư thiết (QV)

丁吕切 đinh lữ thiết (QV) – đây là một cách đọc cho thấy âm cổ có phụ âm đầu là âm tắc/đầu lưỡi/hữu thanh, dẫn đến một dạng âm cổ phục nguyên là *ȡʱi̯wo.

陟句知主呈略知虐四翻 trắc cú tri chủ trình lược tri ngược tứ phiên (BH 佩觿). Quách Trung Thứ (?-977) 郭忠恕 soạn Bội Huề BH 佩觿 vào thời Tống sơ cho thấy trở có một dạng nhập thanh (phù hợp với các cách đọc trong TV/LT/TNAV và CV).

陟略切 trắc lược thiết (TV, LT)

丈庶反 trường thứ phản (NKVT 五經文字)

TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (khứ thanh)

TNAV cũng ghi 入聲作平聲 nhập thanh tác bình thanh (cho dạng 著)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 筯 箸 柱 駐 𨙦 住 鉒 除 著 躇 (trợ trú trứ trụ *trừ *sước/trừ)

直呂切 trực lữ thiết (CV) cho dạng 著

治據切, 音宁 trị cứ thiết, âm trữ (CV, TVi) TVi ghi âm trú/trụ 音住

直樹切, 音住 trực thụ thiết, âm trụ/trú (CTT)

職略切 chức lược thiết (CV) – để ý phụ âm đầu lưỡi tr- trở thành mặt lưỡi ch- của chức

直略切 trực lược thiết (CV)

長魚切 trường ngư thiết (CV) cho ra dạng 著 …v.v…

Giọng BK bây giờ là zhù (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông zyu3 zyu6 và các giọng Mân Nam (xem thêm chi tiết bên dưới) 客家话: [宝安腔] cu3 [陆丰腔] chu3 [东莞腔] zu5 [海陆丰腔] chu6 [客英字典] chu5 [台湾四县腔] cu5 [梅县腔] chu5 [客语拼音字汇] cu4, tiếng Nhật là jo cho chaku và tiếng Hàn jeo. Một dạng âm (trung) cổ phục nguyên của trợ là *ȡʱi̯wo mà tiếng Việt còn bảo lưu qua dạng đũa, hay các giọng Mân Bắc/Đông/Nam dṳ̄, dê̤ṳ, (Hokkien, POJ): tī / tīr / tū / tǐr – (Teochew, Peng’im): de7 / du7 / di7 – tham khảo bản đồ phương ngữ dùng trợ so với khoái bên trên. Dạng đũa còn thấy trong tiếng Lào ຖູ່ (thū) > ໄມ້ຖູ່ (mai thū) và tiếng Lu (một phương ngữ Thái) ᦏᦴᧈ (ṫhuu1) > ᦙᦺᧉᦏᦴᧈ may2ṫhuu1 qua biến âm đ > th. Tiếng Choang đũa là dawn và tiếng Bố Y (Bouyei) là deh. Đũa là duəh, duöh (tiếng Sre/Koho), lɔ̰əŋ ɗujh (Sedang), ɗua³ tuː  (Mang), thu  t̔ū (Palaung) – trích từ trang http://sealang.net/monkhmer/dictionary/.

Tương quan phụ âm đầu đ – tr của đũa và trợ còn hiện diện khi so sánh cách đọc của đồ 徒 và trò, điền 田 còn có thể đọc là trần 陳: sách Xuân Thu ghi Trần Hoàn 陳完 thì Luận Ngữ ghi Điền Hoàn 田完, đồ 荼 so với trà 茶 (chè giọng Bắc) …  và

Đồng 瞳 (tử) – tròng mắt

Đuốc – chúc 燭

Đột 突 (nhiên) – thốt (nhiên) – chợt

Đầm – đàm 潭 – chằm – chèm

Đắm – trầm 沉 – chìm

Đìa – trì 池

Đỏ – chu 朱 (màu đỏ)

Đò – chu 舟 (thuyền nhỏ)

Đố 蠹 – chú 蛀

Đổ (trút xuống) – chú 注

Đuổi – truy – đôi 追

Đản 袒 – trần

Đản 蛋 – trứng

Định 定 chính chánh – trán  (theo “Vận Hội” cổ thông chánh 《韻會》古通正)

Đoàn 團 – tròn

Đoàn 團 – truyền 傳 cùng thanh phù chuyên 専, so với chuyên/đoàn 摶 (vo tròn)…

Đục – trọc 濁

Độc (độc lâu, đầu lâu) 頭 – trốc

Đồn – truyền 傳 – chuyền (loan)

Đồn 臀 – trôn

Đốn – truân – xuân đều dùng thành phần HT là 屯

Độn 遁 – trốn

Đồn – truy – chuẩn 純 – trọn

Đinh (bộ trùng + chữ đinh 丁 hài thanh/HT) – chuồn (chuồn)

Điểm 點 (chữ chiêm HT) – chấm

Điệp 疊 – chập, chắp, chất

Đúng – trúng (trung HT)

Đổng 董 – Trọng 重– Gióng/thánh Dóng/Gióng là Phù Đổng thiên vương – một trong Tứ Bất Tử. So sánh với chủng 種 – giống, giồng – trồng cũng có thanh phù trọng重. Chữ Nôm dỏng (giỏng) còn dùng bộ khẩu 口 hợp với chữ Đổng董: theo Truyền Kỳ Mạn Lục ‘dỏng môi mà rao lời gièm chê’. Trên diễn đàn Viện Việt Học (Westminster/California – Mỹ) nhiều năm trước, người viết/NCT đã từng ghi lại nhận xét là nếu biết liên hệ ngữ âm đổng – trọng – gióng (dạng ngạc hóa) thì đỡ biết bao nhiêu giấy mực viết về Phù Đổng, ông Trọng và thánh Gióng (td. các học giả tiền bối Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Văn Huyên, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Cao Huy Đỉnh, G.Dumoutier …).

Đồng 童 –  trống (không có cây cỏ như đồi, đất; không có tóc như đầu hói)

Đồng 瞳 (tử) – tròng mắt

Đồng 僮- Tráng 壯 (Choang)

Đũa – trợ 箸 (còn viết là 筯) để ý dùng bộ trúc và trợ 助 – đỡ (giúp đỡ) …v.v…

Nguyên âm kép (ua) của đũa (~ trứ/trợ) cho thấy dạng này đã hiện diện lâu đời cũng như phù 符 < bùa, phủ 斧 < búa, a du 阿諛 > a dua … Trứ/trợ 箸 đến TK 17 còn đọc giống như chú 註 (陟慮切 trắc lự thiết – Tự Vị) mà tiếng Việt còn bảo lưu dạng chua. Để ý VBL ghi đủa (thanh hỏi) không phải là đũa (thanh ngã như tiếng Việt hiện đại), thật ra tiếng Việt không phân biệt đủa và đũa dù phát âm bằng giọng Nam, Trung, Bắc. Âm điệu trắc (hỏi, ngã) của đũa còn phù hợp với các cách đọc thố 兔 (khứ thanh) – thỏ, thí 試 – thử (thí dùng ~ thử dùng), bố 布 – vải, phá 破 – vỡ, trứ – *đủa (VBL) ~ đũa (tiếng Việt không dùng dạng đủa). An Nam Dịch Ngữ[18] phiên âm đũa tiếng Việt bằng âm duó (theo pinyin) 鐸 cũng cho thấy nguyên âm kép rất rõ nét vào khoảng TK 16 – nghe cách phát âm của chữ này[19] này trên trang https://zidian.911cha.com/zi9438.html.

Các cách đọc khác hơn của trứ/trợ còn thể hiện qua âm đọc các chữ dùng giả 者 làm thành phần HT: td. chữ đô 都 (bộ ấp hợp với chữ giả), chữ đổ 堵 (bộ thổ hợp với chữ giả), chữ đổ 睹 hay 覩 (bộ mục hay bộ kiến hợp với chữ giả),  chữ đồ 闍 (bộ môm hợp với chữ giả – còn đọc là xà cho thấy khuynh hướng xát hóa), chữ xa 奢 (bộ đại hợp với chữ giả – âm xa cho thấy khuynh hướng xát hóa). Tóm lại ta có cơ sở vững chắc để liên hệ đũa và trợ/trứ,

3.3 Cân

Đũa còn có thể[20] là cân HV 筋, như trong tác phẩm Man Thư 蠻書 hay hay Vân Nam Chí 雲南志, Nam Di Chí 南夷志 của Phàn Xước (Kinh Lược Sứ của nhà Đường ở An Nam, cuối TK 9) kể lại các chuyện ở các dân tộc phía Nam. Trích Man Thư[21] chương 8 phần 4:

貴者飯以筋不匙,賤者搏之而食 – quý giả phạn dĩ cân bất thi, tiện giả bác chi nhi thực – tạm dịch/NCT “kẻ giàu có thì ăn cơm bằng đũa mà không dùng thìa, kẻ nghèo khổ thì ăn cơm bằng tay/bóc“

Cân 筋 chỉ những vật hay dụng cụ hình giống chiếc đũa, nghĩa chính của cân là gân (một biến âm của cân, cũng như 近 cận – gần, 錦 cẩm – gấm  … so với cặp – cắp – gắp – gặp …). Không có gì lạ khi ngôn ngữ dùng đũa để tả hình dạng giống nhau của sự vật: td. núi Chiếc Đũa (Chính trợ sơn, xem mục 2.2), đậu đũa … Cách dùng băng trợ/trứ 冰箸 là cây kem (~ icy looly ~ que kem, tiếng Mân Bắc/Đông).

Một điều nên xem lại là thành phần HT của chữ trợ/trứ hay giả 者. Các chữ dùng thành phần này còn đọc với phụ âm đầu lưỡi/hữu thanh đ như đô 都, đồ/chư 屠, đồ/xà 闍, đổ 堵 睹 賭 … Như vậy, trợ/trứ 箸 cũng có thể đọc là *đu dẫn đến dạng đũa hiện tại. Các âm trên cho ta khả năng liên hệ các phụ âm đầu đ – ch – x (xát hóa).

Tóm lại, tìm hiểu các cách gọi đũa theo dòng thời gian cho thấy dạng kẹp (cái kẹp), cặp hay là âm cổ của giáp cho đến dạng đũa hay âm cổ của trợ/trứ[22]. Đây là các tương quan của phụ âm đầu k – gi (kẹp – giáp) và đ – tr (đồ – trò) của tiếng Hán Việt và Việt thời cổ đại, trước TK 14 và 15 khi các âm trợ/trứ và trụ, trú trong tiếng Hán đọc giống nhau; vì kị húy nên tiếng (Hán) của dân Ngô Trung[23] đổi trợ thành khoái (nghĩa là vui vẻ, mau mắn) cho tích cực hơn, nhất là cho dân đi biển. Dần dần khoái tử của phương ngữ Ngô Trung trở thành tiếng nói của toàn dân[24] TQ hay Phổ Thông Thoại. Tiếng Nhật và Hàn đều không bị âm đọc giống như trên nên không cần phải đổi, nhất là tiếng Việt với 6 thanh điệu. Nếu tiếng Việt bảo lưu phần nào các dạng âm thanh cổ[25], thì chữ Hán còn giữ lại hình ảnh (tượng hình) qua các nét khắc/vẽ cổ đại (giáp văn, kim văn …) như trường hợp chữ giáp chẳng hạn. Điều này cho thấy hai tiếng Việt và Hán đã giao lưu ngay từ thời bình minh của ngôn ngữ[26] khi bắt đầu có chữ viết ghi lại tiếng nói con người. Đũa gắn liền với văn minh lúa nước, không những trong văn hóa ẩm thực không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, mà từng dùng làm bằng chứng để chấm dứt liên hệ vợ chồng (tục bẻ đũa[27]) của xã hội VN. Hi vọng bài viết này gợi ý cho người đọc tra cứu sâu xa hơn và tìm ra nhiều điều thú vị trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Tiến trình các dạng chỉ đũa đề cập trong bài này có thể được tóm tắt như sau

11

Tiếng Việt (a), (b) bảo lưu các dạng kẹp (*ke:b) , đũa (*ȡʱi̯wo). Tiếng Hàn, Nhật (b) dùng trợ/trứ. Tiếng Trung (Quốc) *a, *b, *c, (d)  – dấu hoa thị * hàm ý đã từng hiện diện trong ngôn ngữ. Tần số xuất hiện[28] (tần suất) của chữ khoái bộ trúc là 2792 trên 434717750, so với chữ trợ bộ trúc và chữ giả HT là 1010 trên 432068615 và chữ trợ bộ trúc và chữ trợ HT là 4 trên 65348624. Các chữ giáp bộ mộc thì rất hiếm và ít có tài liệu sử dụng, thành ra các dữ kiện này cho thấy sự phổ thông của danh từ khoái chỉ đũa thời nay.

9

Ba vùng văn hóa ẩm thực, vùng dùng đũa (khoanh lại bằng vạch đỏ), dao/nĩa và tay không – trích từ trang https://www.chinawhisper.com/8-things-to-know-about-chinese-chopsticks/.

  1. Tài liệu tham khảo chính

1) Hạng Mộng Băng 项梦冰 (2017) “筷子 – 的词汇地理学研究”,《中国语言地理》第一辑 “ Khoái tử – đích từ vị địa lí học nghiên cứu”,《 Trung Quốc ngữ ngôn địa lí》 đệ nhất tập trang 1-33. Có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://fh.pku.edu.cn/docs/2018-11/20181108195345361237.pdf …v.v…

2) Nguyễn Tài Cẩn (1979) “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội. Tái bản nhiều lần – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000…

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) Trần Trí Dõi (2005/2011) “Giáo trình lịch sử tiếng Việt” NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội – tái bản NXB Giáo Dục Việt Nam…

5) Lã Minh Hằng (2013) “Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ – nguyên bản Nguyễn Văn San” NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Terrien de Lacouperie (1877) “The languages of China before the Chinese” NXB David Nutt, London (Anh quốc) – có thể tham khảo trên mạng như trang https://archive.org/details/cu31924023552510/page/n10/mode/1up …v.v…

8) Nguyễn Thiện Nam (2011) “Văn hoá VIỆT – NHẬT qua CÂU CHUYỆN ĐÔI ĐŨA” có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://thanhdiavietnamhoc.com/van-hoa-viet-_-nhat-qua-cau-chuyen-doi-dua/ …v.v…

9) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

                                    (2016) “Từ điển song ngữ Hán Việt: Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa” khảo cứu, phiên âm, chú giải/Hoàng Thị Ngọ – NXB Vă Học (Hà Nội).

10) Nguyễn Ngọc San (2003) “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử” NXB Đại Học Sư Phạm (Hà Nội).

11) Nguyễn Cung Thông (2011) “A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?” – có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html …v.v…

                                        (2020) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” (phần 21) – có thể xem toàn bài trên các trang như http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes—tien-gian-be-tien-be-dua-phan-21-d-53736 …v.v…

                                        (2008) “Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp – Sửu *tlu tru trâu” có thể xem loạt bài viết này trên các trang mạng như http://web.hanu.vn/vnh/mod/forum/discuss.php?d=2336 hay http://doremon360.blogspot.com/2009/07/bai-17-p3-nguon-goc-viet-nam-cua-ten-12.html hay http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-ngu-hoc/663-ngua-n-ga-c-via-t-nam-ca-a-ta-n-12-con-gia-p-ha-i-ga-i-ca-i-heo …v.v…

12) Q. Edward Wang (2015) “Chopsticks: A Cultural and Culinary History” NXB Cambridge University Press, in ở Sheridan Books, Inc. (Mỹ) – có thể đọc sách này trên mạng như trang https://archive.org/details/Chopsticks_A_Cultural_and_Culinary_History_by_Professor_Q._Edward_Wang/page/n5/mode/2up …v.v… 

[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Vấn đề trở nên thú vị khi Tân Lang là âm Hán Việt của tiếng Mã Lai/Inđônesia pinang là cây cau: pinang đơn âm hóa thành pin + nang nhập vào tiếng Hán thành 檳榔 (đọc là bīn láng theo pinyin) nhập vào tiếng Việt thành tân lang và vần đầu tân trở thành tên anh và lang là tên em… Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Ta nói tiếng Việt mà ta không biết” cùng tác giả/NCT trên mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/truyen-thong-tap-tuc/9347-Ta-noi-tieng-Viet-ma-ta-khong-biet.html hay https://www.ngonnguhoc.org/nghien-cuu/bai-nghien-cuu/663-ta-noi-ting-vit-ma-ta-khong-bit …v.v…

[3] Thí dụ như cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng đũa là sản phẩm của văn minh lúa nước, nơi có những loài chim mỏ dài mổ hạt và gắp thức ăn. Thời Tiên Tần thì TQ chưa dùng đũa do nền văn minh nông nghiệp khô trồng kê, mạch – mà chỉ sau khi bành trướng đến các vùng ở phương Nam mới bắt đầu dùng đũa (nhất là cho việc ăn mì sợi làm từ lúa mạch …) và là nơi có nhiều tre trúc (nên có bộ trúc trên chữ trợ để chỉ chiếc đũa). Một số học giả TQ đã đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Trung-Quốc của đũa như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Quách Mạt Nhược vì cho rằng tổ tiên người Trung Hoa xưa đến từ phía Tây lưu vực sông Hoàng Hà với văn minh nông nghiệp khô (trồng kê, lúa mạch). Xem thêm lời bàn của GS Edward Wang trong mục 1.2 bên dưới.

[4] Vào thời cổ đại chữ giáp bộ mộc 梜 còn có các dạng tương đương là giáp bộ thủ 挾 hay chữ giáp bộ trúc 筴, tất cả đề hàm ý chiếc đũa hay cái *kẹp (kẹp là âm cổ của giáp).

[5] Có thể xem tài liệu này trên mạng như http://buddhism.lib.ntu.edu.tw/BDLM/sutra/chi_pdf/sutra21/T54n2125.pdf …

[6] Ngô Trung thuộc Tô Châu phủ, nay kế thành phố Thượng Hải. Điều này cho thấy khoái tử đến từ các phương ngữ miền Bắc TQ (Ngô) khác với Mân Nam vẫn dùng trợ/trứ – xem thêm chi tiết trang này chẳng hạn (có bản đồ cho thấy phương ngữ dùng khoái tử so với trợ/trứ) https://baike.baidu.com/item/%E7%AD%B7%E5%AD%90/249194

[7] trợ/trứ còn đọc như trú bộ mã 駐 cũng có nghĩa là ngừng. Một âm giống trợ nữa là chú 蛀 nghĩa là con mọt gỗ, là loài rất có hại cho thyền bè đi biển, nên có người cho rằng kỵ húy âm này. Các âm trợ/trứ và trụ, trú, chú đều đọc là zhù theo hệ thống pinyin giọng BK hiện nay.

[8] Trong lãnh vực khoa học cận đại, khoái tử viết theo dạng 快子 còn có nghĩa là loại hạt nhân tachyon hay tachyonic particle hư cấu và có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng. Một số nhà vật lí không chấp nhận loại hạt nhân này vì không phù hợp với các định luật vật lí truyền thống.

[9] Hán Việt Từ Điển (1931) của học giả Đào Duy Anh cũng không ghi khoái (đũa) cũng như các tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838), Génibrel (1898), Bonet (1899)…

[10] Hồng lâu mộng là một trong Tứ đại danh thư của TQ (gồm Thủy hử, Tây du kí, Tam quốc diễn nghĩa)  và có số bán chạy nhất trong mọi thời đại (best-selling). Người viết/NCT vẫn còn đang kiểm lại cách dùng khoái tử 筷子 và trợ tử 箸子 trong Thủy hử truyện – tương truyền của tác giả Thi Nại Am hay La Quán Trung – có thể đã xuất hiện khoảng từ cuối thời nhà Nguyên và đầu thời nhà Minh và có nhiều phiên bản… Thí dụ Thủy hử truyện/đệ lục hồi có câu (見綠槐樹下,放著一條桌子,鋪著些盤饌,三個盞子) 三雙箸子 có bản ghi là 三雙筷子? (kiến lục hòe thụ hạ, phóng trứ nhất điều trác tử, phô trứ ta bàn soạn, tam cá trản tử) tam song trứ tử hay tam song khoái tử ~ ba đôi đũa?

[11] Tày nhau (æqualis/L, hàm ý bằng nhau, đều nhau, VBL ghi là tày nhàu, bàng (bằng) cùng nghĩa:”tày người nên hai mươi tuổi” chỉ dạng người (bằng) khoảng hai mươi tuổi. Tày là một biến âm của tề HV 齊, cùng nghĩa là đều/bằng nhau/ngay ngắn ; “Sắc thân Bụt thì tốt thay. Trong thế gian chẳng thửa tày bằng” Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh trang 2a. Một dạng âm cổ phục nguyên của tề là *dzɛj để cho ra các biến âm như tày, chầy/chày, giầy – so với tương quan gậy tày, dao tày (Bắc Bộ) là dao trầy (bị trầy, cùn, không nhọn). Tiếng Việt bây giờ không còn dùng tày nhau, ví tày, sánh tày, so tày, ai tày, chẳng tày … (như thời Béhaine/Taberd, Huỳnh Tịnh Của). Nghĩa cổ của tày (tề HV) chỉ còn bảo lưu trong vài cách nói và thành ngữ như (gan) tày trời/đình, học thầy không tày học bạn …v.v…

[12] Học giả Lê Quý Đôn người gốc Thái Bình và tiếng Đàng Ngoài đọc sơn là san, do đó bài thơ này hiệp vận (vần -an). Tự điển Béhaine (1772/1773) cùng thời Lê Quý Đôn, phản ánh tiếng Đàng Trong, không ghi dạng san (chỉ núi) mà chỉ dùng dạng sơn. Cách đọc này đã trở thành phổ thông như cách dùng sơn lâm (không nghe ai nói là san lâm). Truyện Kiều vẫn dùng vần san thay vì sơn (Nguyễn Du người gốc Hà Tĩnh) như các câu 1520, 1521, 1522 và 1938, 1939, 1940. Tuy nhiên, khác với TQ, các phương ngữ VN đều dùng dạng đũa.

[13] Chữ Nôm hiện diện trên các tranh vẽ cho thấy chữ quốc ngữ vào đầu TK 20 ở Bắc Kì không thông dụng

[14] Vô lễ hàm ý quê mùa, thô kệch theo cách dùng La Tinh (rusticus/L) trong bản chính, chứ không mang nghĩa hỗn xược (rất tiêu cực) như tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra, trong bản La Tinh không có dùng các từ chỉ đũa hay chan cơm với canh (PGTN thêm vào trong phần tiếng Việt cho rõ ý hơn).

[15] Có thể LM de Rhodes đã từng đọc qua tài liệu “De Christiana expeditione apud Sinas” (bản dịch ra tiếng La Tinh từ tiếng Ý bởi LM Nicolas Trigault) – ghi lại các trải nghiệm về tôn giáo, văn hóa, phong tục của LM Matteo Ricci – trong đó ông có viết về tục dùng đũa mà không dùng dao, nĩa và thìa. Cuốn này in vào năm 1615 – có thể tham khảo nguyên bản La Tinh trên trang https://archive.org/details/ita-bnc-mag-00002831-001/page/n23/mode/1up.

[16] Một cách giải thích khác: cách đọc hashi cũng có nghĩa là cầu /kiều HV 橋), liên hệ đến giai đoạn đầu khi đũa nhập vào Nhật và dùng trong việc cúng tổ tiên và người đã mất sẽ dùng đũa như chiếc cầu để đến ăn (những thức ăn trên bàn cúng) cùng với người còn sống. Nói cách khác, hashi là cầu nối của thế giới người sống và chết. Không thấy tài liệu hay học giả nào đưa ra khả năng (người) Nhật hay Hàn chế ra đũa, tuy nhiên lại có nhiều thuyết về thời kì và phương cách đũa nhập vào văn hóa Hàn hay Nhật (td. TK thứ 6, 7 …). Một số tác giả cho rằng đến TK 6 thì đũa đã nhập vào các nước Á châu như Hàn, Nhật – xem bài viết này chẳng hạn https://www.culturally.co/blog/3-types-of-chopsticks-and-what-you-didn-t-know-about-them …

[17] Để ý tịnh HV 井 (khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) đọc là jǐng (theo pinyin hiện nay) so với giếng, chính 正 (khứ/bình thanh, khai khẩu tam đẳng) đọc là zhèng (theo pinyin) so với giêng, thì 時 (bình thanh, khai khẩu tam đẳng) đọc là shí (theo pinyin) so với giờ …v.v…

[18] “An Nam Dịch Ngữ” Vương Lộc giới thiệu và chú giải, NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (1995).

[19] Âm đọc này giống như một người nước ngoài đọc chữ đũa (thanh điệu không rõ), tuy nhiên An Nam Dịch Ngữ đã kí âm khá chính xác âm đọc tiếng Việt vào TK 16 so với hiện nay.

[20] Hai dạng trợ và cân khá giống nhau, có thể là nhầm lẫn tự dạng trong trường hợp này chăng? Nhất là các tài liệu cổ còn có thể đọc không được rõ ràng và chính xác nữa NCT. Người viết còn đọc trong một số tài liệu cho rằng chữ sao HV 筲 là đũa tre, nhưng các dạng cân 筋 và sao đều không được Từ Nguyên ghi là chiếc đũa như các dạng giáp, trợ/trứ, xem “Từ Nguyên” Thương Vụ Ấn Thư Quán – bản in năm 2004 (Bắc Kinh).

[21] Chương 8 viết về phong tục của man di (‘dân mọi rợ’) 《卷八蠻夷風俗第八》- có thể tham khảo toàn văn trên mạng như trang này https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=168816 …v.v…

[22] Âm trợ/trứ 箸 (gồm bộ trúc hợp với chữ giả 者 HT đọc là zhù theo pinyin) đọc gần giống âm chử 煮 (gồm bộ hỏa hợp với giả 者 HT đọc là zhǔ theo pinyin, nghĩa là nấu), đây là lí do một số tác giả liên hệ đũa (bằng kim loại/đồng) với việc nấu nướng như dùng để gắp than nóng, gắp thịt nóng trong bếp vì không thể dùng tay không. Sau đó đũa mới dùng để gắp đồ ăn trên bàn ăn và làm bằng gỗ, tre/trúc, ngà voi …v.v…

[23] Khu vực này vào thời Minh là vùng đánh cá, đi biển – ngay cả tên thành phố Thượng Hải bây giờ từng có nghĩa là ‘lênh đênh trên biển’ (thượng 上 là trên, hải 海 là biển) – nên không ngạc nhiên khi dân địa phương phải kiêng kị các âm “xấu” như trụ/trú (ngưng lại) hay chú (mọt gỗ) …v.v…

[24] Phổ Thông Thoại hay ngôn ngữ chính thức của TQ, còn gọi là quốc ngữ hay Hoa ngữ, dựa trên giọng Bắc Kinh. Thống kê năm 2014 cho thấy khoảng 70% dân TQ nói được tiếng Phổ Thông (Phổ Thông Thoại).

[25] Một số học giả TQ muốn tìm lại các “âm Hán cổ” đã sang VN để nghiên cứu tiếng Việt như GS Vương Lực. Trong cuốn “The languages of China before the Chinese” GS Terrien de Lacouperie còn cho rằng ‘It is the Sinico-Annamite, this very dialect, which, with necessary allowance for decay and self-divergence, rightly deserves the qualification of the most archaic of the Chinese dialects” (trang 54, sđd) hàm ý “tiếng Hán Việt là phương ngữ cổ nhất của tiếng Hán” sau khi so sánh các âm đọc giữa các phương ngữ ở TQ và âm HV.

[26] Thí dụ như trường hợp tên gọi 12 con giáp: Sửu có âm cổ là *tlu hay tru/trâu, người Việt hiểu được ngay nhưng người Hán phải kèm chữ ngưu sau Sửu, hay Sửu ngưu 丑牛,để cho thấy biểu tượng của chi này là con vật nào. Thí dụ như 亥豕, 未羊, 巳蛇, 申猴 … Hợi thỉ (lợn), Mùi dương (dê), Tị xà (rắn), Thân hầu (khỉ) …v.v…

[27] Tham khảo bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” (phần 21) cùng tác giả/NCT. Tục lệ ‘bẻ đũa’ này khó hiện diện trong văn hóa Hàn quốc vì đũa thường làm bằng kim loại (bạc)!

[28] Trích từ các trang https://chineselanguage.org/dictionaries/chardict/index.php và http://chinese-characters.org/contained/5/593E.html#.YBYX6PkzbIU …

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Cách Viết Chữ đũa Trong Tiếng Trung