Tăng Cường Công Tác đảm Bảo An Toàn Thực Phẩm - SỰ KIỆN

Xác định công tác an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn TP Sông Công đã cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh… góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. hàng năm, thành phố Sông Công đều thành lập các đoàn kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chế biến thực phẩm. Mục đích của đoàn kiểm tra nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm, qua đó sẽ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới.

Bà Trần Anh Đào, chuyên viên Phòng y tế thành phố cho biết: Để đảm bảo công tác kiểm tra đạt kết quả cao nhất, việc tổ chức các đoàn kiểm tra đảm bảo có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, test nhanh an toàn thực phẩm tại cơ sở khi cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cần tuân thủ theo đúng trình tự kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra ATTP được quy định. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; giấy chứng nhận sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện theo quy định…

TP Sông Công hiện có 455 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố. Trong quý 1 năm 2022, BCĐ liên ngành về ATTP của Tp đã tiến hành kiểm tra 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó xử phạt 2 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1 triệu đồng. Tháng hành động năm 2022, tính đến ngày 25/4, đoàn đã tiến hành kiểm tra 8 cơ sở, trong đó xử lý 3 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 3.5 triệu đồng. Kết quả, qua kiểm tra thực tế tại một số cửa hàng, cơ sở sản xuất cho thấy ý thức chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP được thực hiện khá tốt, qua kiểm tra cũng giúp các cửa hàng, chủ cơ sở thấy được những hạn chế, trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Nguyễn Trọng Hiện, chủ cơ sở sản xuất bún, phở Vũ Thị Tuyết, có kinh nghiệm làm bún hơn 10 năm nên cũng nắm khá rõ các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP nhưng trong những quy định có liên quan thì anh vẫn còn khá lúng túng. Hàng năm, nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của các ban ngành, đoàn thể mà anh biết được nhiều giấy tờ, thủ tục cần được cơ quan xác nhận theo từng năm mới hợp lệ. Cùng với đó là đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào cũng như quy trình sản xuất.

Nhận thức, ý thức của người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm những năm gần đây ngày càng được nâng cao. Người tiêu dùng dần chuyển từ việc chọn mua nông sản, thực phẩm rẻ sang chọn sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để có sự chuyển biến tích cực này, các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã tập trung lồng ghép hoạt động chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đơn cử như HTX chè Cao Sơn, xã Bình Sơn. Các thành viên trong HTX đã thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Gia đình chị Lâm Thị Ba là 1 trong những gia đình tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi sang trồng chè hữu cơ ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn. Hiện, 90% diện tích chè của gia đình chị là chè được trồng hữu cơ và được đánh giá là ngon nhất nhì trong vùng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi lứa chị phải chi khoảng 2.5 triệu đồng để mua phân bón, thì nay số tiền ấy đã giảm đi gần 1 nửa do tự ủ được phân bón và không sử dụng thuốc sâu. Không chỉ áp dụng đúng quy trình sử dụng phân bón, mà tất cả các công đoạn chăm sóc, chế biến chè thương phẩm của nhà chị đã đảm bảo theo hướng hữu cơ. Vì vậy, Chị Ba đã thực sự yên tâm khi góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình và người tiêu dùng. Đặc biệt, nâng cao được giá trị cây chè địa phương. Hiện, Khe Lim đã chuyển đổi thành công 5 ha chè hữu cơ trên tổng số 22ha đất trồng chè. Mặc dù mới áp dụng hình thức trồng chè hữu cơ, song các thành viên trong hợp tác xã đều nhận thấy việc trồng chè theo hình thức này thực sự an toàn cho con người, tạo môi trường sống trong lành và nhất là sản phẩm an toàn tuyệt đối do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh công tác kiểm tra, thanh tra, các cấp, các ngành trên địa bàn TP cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đảm bảo ATTP với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến... Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức và ý thức người dân, của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước về đảm bảo ATTP theo đúng quy định. Nhờ đó công tác đảm bảo vệ sinh ATTP có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành, các cấp phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm… Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết cách lựa chọn được những thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.

MT

Từ khóa » Công Tác đảm Bảo An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm