Tăng Cường Công Tác Phòng Chống Bệnh Sởi Tại Các Cơ Sở Y Tế

1. Trong những ngày vừa qua, BV Nhi đồng 2 phát hiện một số trẻ đang điều trị tại bệnh viện có triệu chứng sốt, nổi phát ban. Đây là tình trạng tăng đột biến ca sởi tại một bệnh viện tuyến cuối của miền Nam. Hầu hết các bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi. 15/25 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm (+). Trong đó chỉ có 1 ca ở TPHCM, còn lại ở rải rác các tỉnh miền Nam, chủ yếu là ở miền Đông Nam Bộ.

Nhận được thông tin của Bệnh viện Nhi đồng 2, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện thực hiện đúng chỉ đạo theo các nội dung Sở Y tế đã hướng dẫn (công văn số 3679/SYT-NVYvà công văn số 5000/SYT-NVY). Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tổ chức thực hiện:

- Phát hiện ca bệnh, chẩn đoán xác định và tổ chức chuyển về khu cách ly khoa Nhiễm

- Tổ chức sát khuẩn tại phòng bệnh phát hiện ca bệnh, tiếp tục theo dõi lâm sàng những ca có tiếp xúc

- Tổ chức phân luồng, hướng dẫn xử trí phát hiện ca nghi ngờ Sởi/ phát ban bất kỳ theo khu vực nội/ ngoại trú.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn về phát hiện bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế và thân nhân người bệnh

- Tiếp tục theo dõi và báo cáo tình hình ngay cho Trung tâm y tế dự phòng thành phố

Sở Y tế cũng khuyến cáo bệnh viện Nhi đồng 2 hướng dẫn nhân viên y tế lầm việc tại các khoa có nguy cơ cao do tiếp xúc với trẻ bị nhiễm Sởi (khoa nhiễm) nên chủng ngừa, đồng thời bệnh viện Nhi đồng 2 cũng khuyến cáo cho bệnh nhân và thân nhân nên đi chủng ngừa Sởi.

Sở Y tế giao Trung tâm Y tế dự phòng thành phố hỗ trợ và giám sát hoạt động phòng chống nguy cơ bùng phát của các ca bệnh tại bệnh viện Nhi đồng 2, đồng thời thông tin liên lạc với Trung tâm Y tế dự phòng/ trung tâm phòng chống bệnh tật các địa phương có trẻ mắc bệnh Sởi để tiến hành giám sát ca bệnh theo quy định.

2. Qua việc phát hiện các ca bệnh sởi tại BV Nhi đồng 2, Sở Y tế đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phải chú ý từng ca bệnh đề phòng tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị. Đối với dịch bệnh sởi đang lưu hành, các cơ sở y tế phải hết sức lưu ý trong công tác phòng chống với các nội dung cụ thể sau:

2.1 Đối với các cơ sở khám chữa bệnh

- Triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh; Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc sởi, báo cáo theo quy định và báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hay là có số mắc bệnh đông;

- Bố trí khu vực cách ly để điều trị với người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm;

- Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị tại khoa đó, không bố trí nằm chung buồng bệnh với các trường hợp mắc bệnh khác;

- Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm. Thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh;

- Tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vắc xin cúm, sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời;

- Tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong đơn vị về hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh; yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát sự tuân thủ, đồng thời hướng dẫn cho người bệnh, thân nhân người bệnh cùng thực hiện.

- Sở Y tế khuyến cáo thực hiện tiêm vắc xin sởi cho nhân viên tại các khoa nhiễm của bệnh viện, tại phòng khám chuyên khoa nhi... để phòng ngừa lây nhiễm

2.2 Trung tâm Y tế dự phòng thành phố

- Tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ các ca bệnh, người tiếp xúc đang cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh; thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành về những trường hợp mắc sởi của địa phương đang được điều trị ở các bệnh viện của TP.HCM.

- Phối hợp Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tăng cường truyền thông đến người dân bằng cách tăng thời lượng, số lượng phát, đa dạng các kênh truyền thông. Cảnh báo trong cộng đồng, cần nhấn mạnh các biện pháp phòng, chống sởi như vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh sởi. Khi có các biểu hiện mắc sởi thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời và điều trị thích hợp.

2.3 Trung tâm Y tế quận, huyện và các cơ sở y tế có thực hiện tiêm chủng:

- Tăng cường thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ, hàng tháng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ trên toàn tỉnh, tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 95% ở quy mô xã, phường, đặc biệt chú trọng tại khu vực có mật độ tập trung dân cao và di biến động dân cư lớn, khu vực vùng xa, đi lại khó khăn; Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng khuyến cáo tất cả các cơ sở y tế thực hiện tiêm vắc xin sởi cho nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện nhập liệu đầy đủ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Phòng Nghiệp vụ Y

Từ khóa » Chẩn đoán Sởi Bộ Y Tế