Tăng Cường Quản Lý Bệnh Vàng Lá Thối Rễ Hại Cây Na

Hiện nay một số cây na có biểu hiện triệu chứng lá màu vàng nhạt, cây lá mất màu diệp lục xanh, nụ hoa phát triển kém, rễ của một số cây đào ra bị đen. Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành kiểm tra diện rộng ở vùng trồng na của xã La Hiên và thu mẫu lá, rễ, đất tại xã La Hiện, huyện Võ Nhai mang đi giám định, kết quả phân tích mẫu số 21/BVTVPB-GĐ của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc các mẫu có nấm Fusarium sp gây bệnh vàng lá thối rễ.

Hình ảnh cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV điều tra sinh vật hại

Đối với cây na bệnh vàng lá thối rễ là bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện hại rễ là các tác nhân chính gây ra, vì chúng tạo ra các vết thương trên bộ rễ, làm giảm khả năng miễn dịch của bộ rễ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp nấm (Fusarium, Phytophthora, Rhizoctonia...) xâm nhập và gây hại. Ngoài ra chế độ canh tác, chăm sóc, sử dụng phân bón và thuốc BVTV của người dân cũng góp phần làm cho bệnh ngày càng phát triển lây lan trên vườn.

Để hạn chế thiệt hại do nấm Fusarium sp gây ra bệnh vàng lá thối rễ trên cây na; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ra văn bản số 356/CCTT&BVTV-TTBVTV ngày 20/5/2022 V/v phòng trừ bệnh hại cây na hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ cụ thể như sau:

- Bón phân cân đối, không lạm dụng phân bón hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bằng nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm vi sinh giúp cho đất ngày càng thông thoáng, rễ dễ dàng phát triển hơn. Bón trực tiếp Trichoderma nếu cây trồng đã đủ lượng phân chuồng. Bổ sung vi sinh vật cải tạo đất, kích thích rễ phát triển, phân giải các chất khó tan giúp cây trồng dễ hấp thụ.

- Không được sử dụng phân chuồng chưa hoai mục bón cho cây hoặc đặt các bao phân chưa hoai mục vào gốc cây Na.

- Hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ.

- Đối với những vườn cây na trồng trên nền đất bằng, đất ruộng cần có rãnh thoát nước hạn chế để vườn ngập úng.

- Vệ sinh vườn, chặt bỏ những cây đã chết trên vườn, những cây có triệu chứng bệnh nặng (đào hết gốc, rễ) mang tiêu hủy, rắc vôi bột xung quanh gốc, để 1-2 năm sau mới tiến hành trồng mới lại, nếu tiến hành trồng mới ngay cây sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

- Hàng năm, trên những vườn na sau khi thu quả và vệ sinh tàn dư xong cần phải sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma kết hợp với bón phân chuồng đã ủ hoai mục để bổ sung dinh dưỡng và vi sinh vật có ích ( Không được sử dụng phân chuồng chưa được ủ hoai mục bón cho cây sẽ làm cho cây chuyển bệnh nặng hơn).

- Đối với những cây bị bệnh để giảm áp lực lên bộ rễ cây trồng, cần cắt tỉa bớt các cành vàng, cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh. Xới nhẹ phần đất mặt xung quanh tán cây (thực hiện vào ngày thời tiết không mưa) để tạo độ thông thoáng tơi xốp cho đất, giúp bộ rễ phát triển tốt hơn.

- Với những vùng cây bị bệnh tiến hành xử lý để hạn chế bệnh bằng một số thuốc hóa học có hiệu quả cao với nấm Fusarium ví dụ như: Aliette 800WG; Alpine 80WG; Aluminy 800WG; Biobac WP; Rebaci 100WP… (Xới nhẹ quanh gốc và tưới thuốc trừ bệnh xung quanh).

(Chú ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao gói thuốc BVTV).

Ngoài ra cần theo dõi diễn biến của nhện, bọ trĩ, rệp sáp, bệnh thán thư.....gây hại. Văn bản đầy đủ được đính kèm tại đây./.

Phòng Trồng trọt và BVTV - Chi cục Trồng trọt và BVTV

Từ khóa » Cây Hành Bị Bệnh Vàng Lá