Tăng Cường Xây Dựng, Chỉnh đốn Đảng Trong Sạch, Vững Mạnh Toàn ...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng phù hợp điều kiện cụ thể nước ta. Tư tưởng của Người được thể hiện phong phú, sâu sắc trên những phương diện chủ yếu sau:

Một là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng nước ta. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã luận giải một khoa học, thuyết phục luận điểm nêu trên. Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(1). Như vậy, để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trước tiên giai cấp công nhân, nhân dân lao động nước ta phải thành lập được đảng của mình để vận động, tập hợp nhân dân đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân các nước đối với cách mạng nước ta.

Hai là, chủ nghĩa Mác-Lênin “là cốt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, yếu tố bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng nước ta. Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc điều này và tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin trong giai cấp công nhân và những lực lượng tiến bộ, yêu nước Việt Nam. Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2).

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Quy luật ra đời của các Đảng Cộng sản trên thế giới khi lấy chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, “Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”(3). Đây là một trong những nhân tố quyết định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(4).

Bốn là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Vận dụng các nguyên lý Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành những nguyên tắc chủ yếu trong xây dựng Đảng như: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm túc và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng; gắn bó máu thịt với nhân dân…

Năm là, Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức, là văn minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức của Đảng gồm đạo đức của toàn Đảng, các tổ chức đảng và đạo đức của đảng viên, đó là đạo đức cách mạng. Điều này gợi mở và đặt cơ sở cho việc xây dựng Đảng về đạo đức. Ngoài ra, Người còn chỉ rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Do đó, “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(5). Vì vậy, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(6).

Sáu là, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng đi liền với xây dựng Đảng; khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, hoặc Đảng phải gánh vác nhiệm vụ to lớn, nặng nề, cần tổ chức tốt việc chỉnh đốn lại Đảng. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng…” (7). Điều này cho thấy chỉnh đốn Đảng là một việc cần kíp mỗi khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong thời kỳ đổi mới, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Gần đây nhất là Kết luận số 21-KL/TW “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay là “nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”. Do đó, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm của Đảng, để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, ban thường vụ, bí thư cấp ủy các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt về sự cần thiết phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nâng cao chất lượng các nghị quyết, quyết định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó coi trọng quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ba là, coi trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhất là cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức này trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giá trị của tư tưởng này trong thời kỳ đổi mới hiện nay; phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho phù hợp thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa rất lớn đối với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng cần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người nhằm góp phần làm cho Đảng ta ngày càng phát triển, luôn xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân và toàn dân tộc.

(1; 2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011. tập 2, tr.289. (3; 6). Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.406, 403. (4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 13, tr.275. (5; 7) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr.622, 616.

PGS, TS ĐINH NGỌC GIANG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ khóa » Trong Sạch Vững Mạnh