Vận Dụng Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Dựa Vào Dân để Xây Dựng Đảng ...

1. Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự sống còn của Đảng, của dân tộc và của chế độ. Đó là nguồn gốc sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là đạo đức, văn minh, là lương tâm và trí tuệ của dân tộc. Điều đó yêu cầu toàn Đảng và từng tổ chức đảng, mỗi đảng viên của Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và phong cách, về tổ chức và cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong Di chúc, Người đã chỉ rõ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hai mặt lãnh đạo và đầy tớ không tách rời nhau, không đối lập nhau. Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì càng phải ý thức thật sự sâu sắc tinh thần, thái độ trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước là nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình, ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc. Đảng không ở trên dân, cũng không ở ngoài dân, mà ở trong dân, trong lòng dân, Đảng lấy dân làm gốc. Chính vì vậy, xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng mà còn là công việc, trách nhiệm của nhân dân. Nhân dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu của Đảng, nhân dân có trọng trách to lớn là xây dựng Đảng của mình trong sạch, vững mạnh. “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” luôn là nguyên tắc xây dựng Đảng và được khẳng định trong cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu và khẳng đinh: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dụng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(2). Một trong những bài học kinh nghiệm của 35 năm đổi mới đó là “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”.

Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhiều đạo luật được sửa đổi, bổ sung để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; sự ra đời của Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… đã tăng thêm cơ chế, điều kiện để nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, giám sát đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, giám sát việc thực hiện đạo đức, lối sống và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

2. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, yếu tố quan trọng hàng đầu để nhân dân có thể phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng là phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thật sự dân là chủ, dân làm chủ, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ trong xã hội được thực hiện ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát huy quyền dân chủ, về mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp cùng với quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện của mình một cách thiết thực, hiệu quả.

Hai là, Đảng, Nhà nước cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát huy dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình ra các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thân, hợp pháp của nhân dân, từ việc nêu sáng kiến đến tham gia góp ý, thảo luận, tranh luận, phản biện, đến việc giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm nguyên tắc: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các định chế phát huy dân chủ hiện có như: Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ ở cơ sở một cách đồng bộ, thực chất, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân phát huy vai trò và bảo đảm điều kiện cần thiết để tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức đảng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp thực hiện nhiệm vụ người đảng viên có đạo đức, trách nhiệm công vụ, chấp hành chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần tập trung vào quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, việc ban hành các quyết định quản lý và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và chính quyền các cấp, bảo đảm các chủ trương, quyết sách thật sự gắn với thực tiễn, hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của người dân trong tổ chức thực hiện.

Bốn là, để nhân dân có thể giám sát, phản biện và góp ý thì việc cung cấp thông tin chính thống từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước hết sức cần thiết. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho nhân dân và trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ trước nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường quy định về dân chủ trong Đảng và chế độ trách nhiệm đối với nhân dân. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(3).

Năm là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do đó, phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các ấp uỷ, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần tự soi, tự sửa chính mình và đơn vị tổ chức; thực hiện nói đi đôi với làm, không nể nang, né tránh, tìm ra những ưu điểm để phát huy, có các biện pháp khắc phục sửa chữa sai lầm, yếu kém, khuyết điểm một cách thiết thực, hiệu quả. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các biểu hiện sa sút, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật. Cần tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình - như Hiến pháp đã khẳng định. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của cơ quan nhà nước, Quy chế dân vận của hệ thống chính trị, làm cho nhân dân thật sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng phát huy dân chủ, tôn trọng nguyên tắc liên minh chính trị, hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gần dân, sát dân, thật sự là cầu nối liền giữa Đảng với nhân dân, đồng thời, đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thật sự là động lực và nguồn lực quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính tri-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng, bảo vệ và phát triển nhanh, bền vững đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc.

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890- 19/5/2021); chào mừng ngày hội non sông bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh mãi mãi là ánh sáng soi đường, là nguồn sức mạnh vô địch, cội nguồn gắn bó mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang, thắng lợi của Đảng, của dân tộc Việt Nam./.

TS. Nguyễn Văn Hùng

____________________________

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 622.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Xxb. Chính trị Quốc gia,- Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 191.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.334.

Từ khóa » Trong Sạch Vững Mạnh