Tầng ôzôn Và Sự Biến đổi Khí Hậu Toàn Cầu - Báo Đắk Lắk điện Tử

Tầng ôzôn và sự biến đổi khí hậu toàn cầu 09:02, 15/12/2010

Ôzôn (O3) là một chất khí, bao gồm ba nguyên tử khí oxy kết hợp lại với nhau và là một trong những thành phần của khí quyển trái đất. Tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhưng nó lại là một thành phần khá quan trọng và mang nhiều nghịch lý nhất vì nó có thể được xem là có lợi hay hại tùy theo vị trí mà nó xuất hiện.

Lượng ôzôn trong khí quyển tăng dần từ mặt đất lên tầng bình lưu. Theo các kết quả đo và tính toán của các nhà khoa học thì ở mặt đất có khoảng 4 miligam ôzôn/100 kg không khí; lên cao 30 km thì lượng ôzôn đạt tới 600 miligam/100 kg không khí. Nếu mang toàn bộ lượng ôzôn có trong khí quyển làm lạnh đến 0oc và dưới áp suất là 760 milimet thủy ngân thì thu được một lớp ôzôn từ 2-3 mm bao quanh trái đất. Đại bộ phận khí ôzôn tập trung ở phần dưới của tầng bình lưu, trong đó nhiều nhất là trong khoảng từ 25-30 km cách mặt đất.

Sự tồn tại của ôzôn trong khí quyển mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác dụng bảo vệ sự sống của trái đất. Chúng lọc bớt, hút và ngăn chặn các tia tử ngoại dưới 2.000 amgatron trong bức xạ mặt trời, không cho truyền xuống trái đất. Nhờ vậy mà sự sống trên trái đất không bị các tia tử ngoại của mặt trời hủy diệt.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới và ở nước ta không chỉ quan tâm đến tác dụng của ôzôn như đã nêu ở trên, mà họ còn tập trung nghiên cứu động thái thay đổi của ôzôn trong khí quyển, đặc biệt là dấu hiệu mỏng đi của lớp ôzôn trong tầng bình lưu và sự gia tăng nồng độ ôzôn ở tầng đối lưu. Việc gia tăng nồng độ ôzôn ở mặt đất là tín hiệu không tốt bởi nó có thể gây ra những tác hại cho đời sống và sản xuất.

Cả nhân loại phải vào cuộc loại trừ các chất làm thủng tầng ozone và làm trái đất nóng lên. (Ảnh: Internet)
Cả nhân loại phải vào cuộc loại trừ các chất làm thủng tầng ozone và làm trái đất nóng lên. (Ảnh: Internet)
Các nghiên cứu về sự biến đổi của ôzôn gần mặt đất ở các vùng nông thôn thuộc châu Âu cho thấy nồng độ ôzôn trong những thập kỷ gần đây đã tăng gấp đôi so với trước đó. Ở nước ta, công tác đo đạc và nghiên cứu động thái biến đổi của ôzôn mới chỉ được tiến hành trong những năm gần đây. Kết quả đưa ra không nằm ngoài động thái chung của toàn cầu; lượng ôzôn giảm ở tầng bình lưu, tăng ở tầng đối lưu và lớp sát mặt đất. Việc ôzôn ở gần mặt đất tăng có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe con người và làm giảm năng suất mùa màng. Qua các cuộc thí nghiệm, tính toán người ta thấy rằng khi lượng ôzôn ở các môi trường xung quanh gần mặt đất tăng từ mức bình thường là 25 phần tỷ (ppb) tới mức 40 hoặc 50 ppb thì năng suất các loại cây trồng giảm tương ứng. Ví dụ như: năng suất của cây Đậu giảm từ 11-18%; Lúa mì: 9,4-16,4%; Bông: 5,9-10,0%; Lạc: 6,4-12,3%,… Đối với con người, nếu nồng độ ôzôn tăng quá nồng độ bình thường 0,2phần triệu (0,2 ppm) thì môi trường không khí bị coi là ô nhiễm và gây ra những tác hại cho sức khỏe: Khi ôzôn ở nồng độ 0,3 ppm thì hệ hô hấp bị kích thích, mũi và họng bị tấy rát; khi nồng độ lên đến 1-3 ppm thì cơ thể mệt mỏi, bải hoải mất sức lao động; khi nồng độ tới 8 ppm thì phổi bị tổn thương. Đối với khí hậu của Trái đất, việc nóng lên của khí hậu toàn cầu trong những năm qua có phần gây ra bởi sự tăng nồng độ ôzôn trong tầng đối lưu. Nếu nồng độ ôzôn trong tầng đối lưu tăng lên gấp đôi thì nhiệt độ mặt trái đất sẽ tăng lên 10c.

Ngày nay những biến động của lượng khí ôzôn trong các tầng khí quyển của trái đất được quan tâm đặc biệt. Các nghiên cứu đều tập trung xem xét những nguyên nhân gây ra sự sáo trộn của ôzôn đồng thời tính toán những tác động của nó đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, một trong những nguyên nhân dẫn đến những thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại khôn lường mà loại người đang phải gánh chịu. Điều nghịch lý là chúng ta muốn lượng ôzôn giảm trong tầng đối lưu, tăng ở tầng bình lưu thì nó lại đang diễn ra theo chiều ngược lại. Hệ sinh thái và sự sống của trái đất đang bị đe dọa bởi tia cực tím mặt trời do lớp ôzôn trong tầng bình lưu đang mỏng đi. Phần lớn nguyên nhân gây ra sự gia tăng nồng độ ozôn trong tầng đối lưu của khí quyển và ở sát mặt đất là do sự gia tăng nồng độ các ôxít của các khí Nitơ và Hydrocarbon không chứa Methan do sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà có. Khí thải từ các quá trình đốt cháy hoàn toàn và không hoàn toàn của các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong và khí thải của các nhà máy được xem là tác nhân của quá trình quang hóa tạo thành ôzôn ở tầng đối lưu. Việc phát triển các loại vũ khí tên lửa, hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác đã là mối đe dọa đối với sự sống còn và sự tồn tại của bản thân nền văn minh loài người. Trong các vụ nổ hạt nhân thì ôzôn là một trong những chất khí bị hủy hoại nghiêm trọng. Một vụ nổ tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ (1 Mega tấn) sẽ khiến 5-10 triệu tấn ôzôn bị phá hủy. Với một viên đạn hạt nhân có sức mạnh 10 ngàn mêga tấn thì có thể phá hủy nhiều lần lớp ôzôn có trong khí quyển.

Nước ta đang vững bước trên con đường đổi mới, nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội và gìn giữ, bảo vệ môi trường đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo đặc biệt. Vì vậy, công tác quy hoạch phát triển những nhà máy, xí nghiệp, những khu đô thị, những phương tiện giao thông hiện đại cần phải gắn liền với việc tuân thủ chặt chẽ những quy định về các vấn đề bảo vệ môi trường, chống phát thải vô nguyên tắc các chất thải gây ô nhiễm môi trường.

KS Nguyễn Văn Huy

Từ khóa » Giải Pháp Biến đổi Khí Hậu Toàn Cầu Và Suy Giảm Tầng Odon