TCVN 9257:2012 - Quy Hoạch Cây Xanh Công Cộng Trong Các đô Thị

Tiêu chuẩn này quy định các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng áp dụng cho các loại đô thị.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các đô thị đặc thù và cây xanh trong khu ở, công nghiệp, kho tàng, trường học, cơ quan, công trình công cộng… (cây xanh sử dụng hạn chế) và cây xanh được dùng làm dải cách ly, phòng hộ, nghiên cứu khoa học, vườn ươm… (cây xanh chuyên dụng).

Quy định chung

1. Cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị được thiết kế quy hoạch gồm 3 loại:

- Cây xanh công viên;

- Cây xanh vườn hoa;

- Cây xanh đường phố.

2. Cây xanh sử dụng công cộng phải được gắn kết chung với các loại cây xanh sử dụng hạn chế, cây xanh chuyên môn, và vành đai xanh ngoài đô thị (kể cả mặt nước) thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục.

Quy hoạch và trồng cây xanh sử dụng công cộng không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng, kỹ thuật đô thị, không gây nguy hiểm tới người sử dụng và môi trường sống của cộng đồng.

Yêu cầu thiết kế quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng

1. Thiết kế cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị.

2. Tổ chức hệ thống cây xanh sử dụng công cộng phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

3. Tổ chức không gian xanh sử dụng công cộng phải tận dụng, khai thác, lựa chọn đất đai thích hợp, phải kết hợp hài hòa với mặt nước, với môi trường xung quanh, tổ chức thành hệ thống với nhiều dạng phong phú: tuyến, điểm, diện

4. Cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để có được tác dụng trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn, phối kết kiến trúc, tạo cảnh quan đường phố, cải tạo vi khí hậu, vệ sinh môi trường, chống nóng, không gây độc hại, nguy hiểm cho khách bộ hành, an toàn cho giao thông và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị (đường dây, đường ống, kết cấu vỉa hè mặt đường)

Cây xanh ven kênh rạch, ven sông phải có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bờ, dòng chảy, chống lấn chiếm mặt nước.

Cây xanh đường phố phải có mối liên kết “điểm”, “diện” cây xanh để trở thành hệ thống cây xanh công cộng.

5. Trong các khu ở, trung tâm đô thị, khu công nghiệp, công trình thị chính, khu du lịch và giao thông phải phân bổ hệ thống cây xanh sử dụng công cộng hợp lý. Đối với đô thị cũ, do mật độ xây dựng quá cao nên chọn giải pháp cân bằng quỹ cây xanh bằng việc bổ sung các mảng cây xanh lớn ở vùng ven. Khi mở rộng đô thị khu cũ, nếu có thể nên cải tạo xây dựng những vườn hoa nhỏ và bãi tập.

6. Trên khu đất cây xanh sử dụng công cộng có các di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng thì không được xây dựng các công trình gây ô nhiễm môi trường xung quanh và các công trình không liên quan đến việc phục vụ nghỉ ngơi giải trí.

7. Khi cải tạo xây dựng đô thị cũ hoặc chọn đất xây dựng đô thị mới cần tận dụng và sử dụng hợp lý các khu vực có giá trị về cảnh quan thiên nhiên như đồi núi, rừng cây, đất ven sông, suối, biển, hồ. Đặc biệt là hệ thống mặt nước cần giữ gìn khai thác gắn với không gian xanh để sử dụng vào mục đích tạo cảnh quan môi trường đô thị.

8. Khi cải tạo xây dựng đô thị cũ và thiết kế quy hoạch đô thị mới cũng như quy hoạch xây dựng các điểm dân cư cần nghiên cứu bảo tồn hoặc sử dụng hợp lý các khu cây xanh hiện có đặc biệt đối với cây cổ thụ có giá trị.

9. Trong các công viên, vườn hoa… tùy tính chất, quy mô mà bố trí thích hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thiết bị cấp thoát nước, chiếu sáng và các công trình phục vụ khác.

10. khi tiến hành trồng cây trong công viên vườn hoa… cần lưu ý khoảng cách giữa công trình ở xung quanh tiếp giáp với cây trồng như: cây bụi, cây thân gỗ cách tường nhà và công trình từ 2 m đến 5m, cách đường tàu điện từ 3m đến 5m, cách vỉa hè và đường từ 1,5 m đến 2m, cách giới hạn mạng điện 4 m, cách các mạng đường ống ngầm từ 1 m đến 2 m.

11. Khi thiết kế công viên, vườn hoa phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp nhằm tạo được bản sắc địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Ngoài ra, lựa chọn cây trồng trên các vườn hoa nhỏ phải đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển không ảnh hưởng đến tầm nhìn các phương tiện giao thông.

a) Các loại cây trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Cây phải chịu được gió, bụi, sâu bệnh;

- Cây thân đẹp, dáng đẹp;

- Cây có rễ ăn sâu, không có rễ nổi;

- Cây lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành hoặc cây có giai đoạn rụng lá trơ cành vào mùa đông nhưng dáng đẹp, màu đẹp và có tỷ lệ thấp;

- Không có quả gây hấp dẫn ruồi muỗi;

- Cây không có gai sắc nhọn, hoa quả mùi khó chịu;

- Có bố cục phù hợp với quy hoạch được duyệt

b) Về phối kết nên:

- Nhiều loại cây, loại hoa;

- Cây có lá, hoa màu sắc phong phú theo 4 mùa;

- Nhiều tầng cao thấp, cây thân gỗ, cây bụi và cỏ, mặt nước, tượng hay phù điêu và công trình kiến trúc;

- Sử dụng các quy luật trong nghệ thuật phối kết cây với cây, cây với mặt nước, cây với công trình và xung quanh hợp lý, tạo nên sự hài hòa, lại vừa có tính tương phản vừa có tính tương tự, đảm bảo tính hệ thống tự nhiên.

...

TCVN 9257:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 362:2005.

Chi tiết nội dung Tiêu chuẩn, mời Quý vị xem hoặc download tại đây:

Từ khóa » Chỉ Tiêu Cây Xanh đô Thị