Tê Giác Việt Nam Trước Nguy Cơ Tuyệt Chủng - Cục Kiểm Lâm
Có thể bạn quan tâm
Hiện trạng.
Tê giác là loài thú cổ đã có mặt trên trái đất cách đây khoảng 60 triệu năm. Loài tê giác cổ đại có lông đã từng sống trong suốt thời kỳ băng hà ở lục địa châu Âu, châu á và đã sớm bị tuyệt chủng. Hiện nay trên thế giới có 5 loài tê giác: ở châu Phi có tê giác trắng (Ceratotherium simum) và tê giác đen (Diceros bicornis); ở châu á có tê giác 1 sừng lớn (Rhinoceros unicornis), tê giác 1 sừng nhỏ (Rhinoceros sondaicus) và tê giác 2 sừng (Dicerorhinus sumatraensis). Tất cả các loài tê giác là những loài quý hiếm và đang trong tình trạng bị đe dọa, đặc biệt là loài tê giác một sừng nhỏ đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất.
Loài tê giác Java hiện còn hai quần thể nhỏ, một quần thể phân bố ở Vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonexia) khoảng 60 cá thể và một quần thể là loài phụ của tê giác Java, gọi là loài tê giác Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) phân bố ở khu vực Cát Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên còn khoảng 3 - 5 cá thể. Loài tê giác hai sừng đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.
Loài tê giác Việt Nam được sách đỏ IUCN(2008) xếp mức CR (rất nguy cấp), Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp mức CR (rấtnguy cấp), CITES xếp ở phụ lục I, Nghị định 32 (2006) xếp vào nhóm IB.
Những năm 1960, nhiều nhà khoa học cho rằng không còn cá thể tê giác nào còn sống sót ở Việt Nam. Phải đến những năm 1980, sau nhiều đợt khảo sát điều tra của các chuyên gia của Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã khẳng định còn một quần thể tê giác ở khu vực Cát Lộc, thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích rộng 71.350ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Trong đó khu vực Cát Lộc thuộc 2 huyện Cát Tiên và Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, có diện tích rộng 27.530ha. Khu vực bảo tồn tê giác Cát Lộc được bảo vệ từ năm 1992, sáp nhập vào Vườn quốc gia Cát Tiên từ tháng 12/1998. Do lịch sử để lại, trong khu vực Cát Lộc còn nhiều cộng đồng người đồng bào dân tộc bản địa sinh sống trước khi thành lập khu bảo tồn tê giác Cát Lộc như thôn 3, thôn 4, thôn 5 (nay là xã Đồng Nai thượng), thôn K’Lút.
Sau khi tiếp quản khu Cát Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tăng cường lực lượng kiểm lâm bảo vệ tại chỗ. Hiện tại Vườn quốc gia Cát Tiên có 16 trạm kiểm lâm với biên chế 175 người, trong đó khu Cát Lộc có 5 trạm Phước Sơn, Bến Cầu, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Bù Sa với hơn 30 người. Trong thời gian qua, Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, sự hỗ trợ của các dự án quốc tế; đặc biệt là có sự phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực để bảo vệ loài tê giác có hiệu quả. Nhiều chương trình nghiên cứu bảo vệ loài tê giác đã và đang được thực hiện.
Các đợt nghiên cứu về số lượng cá thể và vùng phân bố loài tê giác cho biết quần thể tê giác Việt Nam hiện có khoảng 3 - 5 cá thể, phân bố trên diện tích 5.000ha ở khu vực Cát Lộc. Việc kiểm tra số lượng cá thể và diễn biến quần thể tê giác đang được thực hiện định kỳ hàng tháng do Đội giám sát tê giác (RMU) gồm các cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm viên thực hiện. Các đợt điều tra tìm kiếm dấu vết của tê giác ở Vườn quốc gia Cát Tiên rất gian nan và có nhiều khó khăn, do địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, dốc đứng, thung lũng sâu, hiểm trở, rừng rậm, nhiều vắt, muỗi. Khó khăn nhất là phải băng qua các kiểu rừng mây, hoặc rừng tre, lồ ô khuy đổ ngổn ngang hay đi theo các con suối sau các cơn mưa lũ nước chảy xiết. Đội RPU đã thu thập nhiều mẫu vật của tê giác như đo đếm kích thước dấu chân, đúc thạch cao dấu chân, thu mẫu phân, cây thức ăn, và một số mẫu sừng, da, xương tê giác cũng được thu thập từ những người dân và gửi đi nước ngoài phân tích ADN.
Kết quả nghiên cứu về các loài cây thức ăn tê giác đã xác định được 68 loài, trong đó có 15 loài cây tê giác rất thích ăn như lá nhíp, bứa, sâm cau, các loài mây. Nguồn thức ăn ở khu vực Cát Lộc có chất lượng nghèo nàn, không đảm bảo cho quần thể tê giác phát triển ổn định lâu dài. Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang trồng thử nghiệm một số loài cây thức ăn tê giác, tuy nhiên do các giống cây không phổ biến, cần phải thu hạt giống hoặc bứng giống cây con từ rừng để trồng, do vậy giá thành cao.
Trong khu vực Cát Lộc, có một số điểm muối khoáng quan trọng cho loài tê giác hay đến uống. Thiếu những chất khoáng này tê giác có thể chết. Bàu Chim ở Phước Sơn là một trọng điểm khoáng quan trọng của loài tê giác, nằm gần các ruộng lúa của người dân địa phương, đã được Vườn quốc gia Cát Tiên thỏa thuận và mua lại của người dân địa phương là 12ha, xây dựng hàng rào bảo vệ dài khoảng 800m để chặn người và gia súc xâm nhập, cách ly với các tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến bàu khoáng.
Nghiên cứu phương pháp chụp ảnh tê giác bằng máy bẫy ảnh cũng đã và đang được thực hiện. Cho đến nay, có khoảng hơn 20 kiểu ảnh tê giác Việt Nam được ghi nhận, trong đó có 3 kiểu ảnh chụp tê giác vào ban ngày. Qua nhiều hình ảnh cho thấy về kích thước và trọng lượng loài tê giác Việt Nam nhỏ hơn loài tê giác Java.
Tê giác là loài thú sinh sản ít nhất trong các loài thú lớn. Theo các tài liệu nghiên cứu. Đời của một tê giác mẹ chỉ có thể có 4 đến 5 lần sinh, mỗi lần sinh một con. Mặc dù Vườn quốc gia Cát Tiên đang nỗ lực bảo vệ loài tê giác nhưng chưa có dấu vết của tê giác con. Điều này đang gây nhiều vấn đề tranh cãi và lo lắng của các nhà khoa học. Nhiều nhà khoa học cho rằng, có lẽ tê giác Việt Nam bị “stress” do tác động quá lớn của các khu vực dân cư trong vùng, làm đường chia cắt sinh cảnh của tê giác, người dân và kể cả kiểm lâm đi lại trong vùng tê giác, tiếng ồn từ máy cắt cỏ, xe máy, chăn thả gia súc của các khu vực dân cư sống ven rừng,... làm tê giác luôn tìm cách trốn tránh con người mà quên đi việc sinh sản.
Trước đây toàn bộ diện tích xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) nằm trong ranh giới Vườn. Năm 2004, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phối hợp với chính quyền địa phương xác định lại ranh giới giữa Vườn quốc gia Cát Tiên với các cụm dân cư đang sinh sống ở trong và ven rừng. Các diện tích rừng có tính đa dạng sinh học thấp và các vùng đất nông nghiệp đã được cắt ra giao cho địa phương quản lý. Từ năm 2004 đến năm 2008, Vườn quốc gia Cát Tiên đã xây dựng dự án tái định cư cho các thôn đang sinh sống trong vùng tê giác. Tuy nhiên do kinh phí có hạn, chỉ mới di dời được hai thôn K’Lo, K’ích 33 hộ và thôn Thung Cọ 45 hộ ra khỏi Vườn và thu hồi lại 342ha diện tích trồng điều của người dân trước đây.
Thách thức và đe dọa.
Trong khu vực bảo tồn tê giác còn có một số làng bản sinh sống gồm thôn 3, 38 hộ, 198 khẩu; thôn 4, 29 hộ, 144 khẩu. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương cho phép thôn 3 và thôn 4 định cư tại chỗ với diện tích 320ha trên cơ sở diện tích người dân địa phương đã định cư và sản xuất trước đây. Dự án này là giải pháp tạm thời để ổn định dân cư và kết hợp bảo tồn loài tê giác, trong khi Chính phủ chưa chuẩn bị được nguồn kinh phí di dời tái định cư cho các thôn này. Tuy nhiên về lâu dài, do tình hình phát triển dân số tự nhiên kể cả cơ học, nhu cầu đất đai để canh tác sản xuất, nhu cầu về sử dụng lâm sản, nhu cầu đất xây dựng các công trình phúc lợi,... chắc chắn sẽ làm chia cắt và thu hẹp vùng sống của loài tê giác. Các nhà khoa học nhận định chất lượng sinh cảnh của tê giác hiện tại cũng không còn đủ tốt cho tê giác như trước đây nữa.
Đường lên thôn 3, thôn 4 dài 13km đã được mở, đường mòn từ thôn 4 đến xã Đồng Nai Thượng dài 13km. Xã Đồng Nai Thượng là xã vùng đệm, có diện tích 1.800ha gồm 295 hộ, 1.292 khẩu, nhưng lại nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, làm chia đôi khu vực Cát Lộc, tê giác không thể hoạt động về phía Bắc nơi có sinh cảnh tốt hơn.
Mức sống của người dânthấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Tập quán phụ thuộc vào rừng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắn, bắt, bẫy chim, thú rừng vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Hàng năm ở khu vực Cát Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tiến hành giao khoán 1.012ha diện tích rừng cho các cộng đồng bảo vệ, đơn giá 100.000đồng/ha/năm từ nguồn kinh phí của Dự án 661 và tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ rừng 741,6ha cho 2 thôn 3 và 4 theo chương trình 132 -134 nhằm tạo việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Với kiểu sản xuất manh mún, năng suất nông sản thấp, nguồn thu nhập chủ yếu là các diện tích điều, đồng bào dân tộc thường phải bán non cho người Kinh, đến mùa vụ có khi người dân không còn nguồn thu, gần như trắng tay. Bên cạnh đó, một số người Kinh lợi dụng đồng bào dân tộc để mua bán, sang nhượng đất đai bất hợp pháp; kể cả nhiều vụ mua bán, tiêu thụ, vận chuyển lâm sản, động vật rừng làm cho tình hình quản lý bảo vệ rừng ngày càng phức tạp. Các dụng cụ săn, bẫy bắt chim thú rừng, súng tự chế mặc dù đã được kiểm soát nhưng chưa ngăn chặn được. Thủy điện Đồng Nai 5 đang dự kiến xây dựng nằm sát khu vực hoạt động của tê giác cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh cảnh của tê giác.
Giải pháp.
Bảo tồn loài tê giác không chỉ là tài sản của Vườn quốc gia Cát Tiên mà là tài sản chung của nhân loại. Loài tê giác Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt rất gần. Mất những cá thể tê giác này chắc chắn sẽ mất vĩnh viễn một loài tê giác quý hiếm trên trái đất. Trong khi việc bảo tồn loài tê giác đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp do áp lực dân cư trong và ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên.
Hiện nay Vườn quốc gia Cát Tiên đang cùng với chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực hoạt động bảo tồn loài tê giác; có chính sách khuyến khích người dân ra khỏi vùng phân bố của tê giác; bảo vệ những diện tích rừng hiện còn; tuần tra, kiểm soát các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh giữa bảo tồn và phát triển; xây dựng các dự án phát triển nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Trước mắt, Nhà nước cần có một chiến lược đầu tư tổng thể hài hòa giữa các Bộ, ngành đối với khu vực Cát Lộc, không nên đầu tư cơ sở hạ tầng vào vùng dân cư đang sống mà nên tập trung vào vùng đệm để người dân có cơ hội vừa phát triển sản xuất ổn định, vừa bảo tồn loài tê giác như phát triển sản xuất nghề rừng, khuyến khích sản xuất các mặt hàng truyền thống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách nâng cao dân trí, khuyến học, hỗ trợ học bổng để lớp trẻ có cơ hội tìm kiếm công việc ở người và định cư sống lâu dài ở vùng đệm.
Giáo dục lòng yêu thiên nhiên của người dân địa phương đối với việc bảo tồn loài tê giác. Xây dựng hình ảnh tê giác trở thành niềm tự hào, thân thiện đối với người dân địa phương.
Cần xem xét tính công bằng trong việc hưởng dụng đất đai của các hộ đồng bào dân tộc trong vùng tê giác, cân đối lại diện tích các hộ có nhiều đất chia lại cho những hộ có ít đất, thu hồi các diện tích đất của các hộ người Kinh. Kiểm soát các đối tượng người Kinh lợi dụng người đồng bào dân tộc để khai thác, mua bán, tiêu thụ lâm sản, động vật rừng trong khu vực này. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ giá và bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương trong việc tiêu thụ hạt điều. Nhanh chóng trồng rừng trên các diện tích điều mà Vườn đã thu hồi càng sớm càng tốt để tạo sinh cảnh cho tê giác và tránh tình trạng người dân vào thu hái điều ảnh hưởng gây tác động xấu đến vùng sống của tê giác.
Phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của người dân, dựa trên tiềm năng văn hóa, lịch sử, tài nguyên đa dạng sinh học và quảng bá rộng rãi hình ảnh tê giác Việt Nam trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên cũng cần có biện pháp kiểm soát số lượng du khách vì vùng tê giác là khu vựcnhạy cảm, số lượng du khách tăng sẽ tạo thêm áp lực về vùng sống của tê giác cũng như nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ liên quan đến sinh thái.
Xem xét lại hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai, kiến nghị các cơ quan chức năng không nên xây dựng đập thủy điện Đồng Nai 5 vì có ảnh hưởng đến sinh cảnh tê giác.
Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá số lượng cá thể, cấu trúc đàn, số cá thể đực, cái để tìm các giải pháp tốt nhất cho bảo tồn. Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và bảo tồn tê giác và kêu gọi các dự án phát triển cộng đồng nhằm cứu nguy cho những cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam.
PHẠM HỮU KHÁNHTừ khóa » Các Loài Tê Giác
-
5 Loài Tê Giác Còn Tồn Tại Trên Thế Giới - Báo Tuổi Trẻ
-
Loài Tê Giác | Wild For Life
-
Khám Phá Thế Giới Của Các Loài Tê Giác
-
Tê Giác Một Sừng Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Động Vật Kỳ Thú #AmazingAnimals: Ngày Tê Giác Quốc Tế 22/09
-
WCS Vietnam > Động Vật Hoang Dã > Tê Giác
-
Năm Loài Tê Giác Còn Tồn Tại Trên Thế Giới
-
Khám Phá Thế Giới Của Các Loài Tê Giác - VnExpress
-
Tê Giác 1 Sừng Cuối Cùng Trên Thế Giới ở Việt Nam Tuyệt Chủng Thế ...
-
Ngày Tê Giác Thế Giới 22/9: 5 Loài Tê Giác Còn Tồn Tại Trên Thế Giới
-
Tìm Hiểu Về Loài Tê Giác - Báo Đại Đoàn Kết
-
Tin Vui Từ Quần Thể Duy Nhất Còn Lại Của Loài Tê Giác Một Sừng - PLO