Tin Vui Từ Quần Thể Duy Nhất Còn Lại Của Loài Tê Giác Một Sừng - PLO

Các nhà khoa học đã phát hiện hai cá thể tê giác Java con trong vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia), mang đến hy vọng về sự phát triển của quần thể duy nhất còn tồn tại của loài động vật cực kỳ quý hiếm này, hãng tin AFP đưa tin hôm 14-6.

Tuần trước, Bộ Môi trường và lâm nghiệp Indonesia cho biết một cá thể tê giác Java cái khoảng 3-5 tháng tuổi và một cá thể tê giác Java đực khoảng 1 năm tuổi được các camera phát hiện riêng lẻ trong một chuyến khảo sát bằng bẫy ảnh hồi tháng 3.

Bộ Môi trường và lâm nghiệp Indonesia nhấn mạnh: “Đây là những phát hiện đầu tiên về những con tê giác Java mới sinh vào năm 2021”.

Một con tê giác Java con (trái) được phát hiện mới tại vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia) hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Tê giác Java (tên khoa học là Rhinoceros sondaicus và còn được coi là tê giác một sừng) là loài động vật vô cùng quý hiếm, được xếp vào nhóm “cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Trước khi phát hiện hai cá thể tê giác con trên, giới chức Indonesia chỉ xác định được 71 cá thể thuộc loài này còn sống sót, gồm 39 con đực và 32 con cái, tất cả đều sống tại vườn quốc gia Ujung Kulon ở cực tây đảo Java.

Ujung Kulon là quần thể tê giác Java duy nhất còn tồn tại sau khi cá thể cuối cùng của loài này tại vườn quốc gia Cát Tiên (Việt Nam) được xác nhận đã chết hồi năm 2011 do nạn săn bắn trộm. Không có cá thể nào đang sống trong môi trường nuôi nhốt.

Cá thế tê giác Java con thứ hai được phát hiện mới tại vườn quốc gia Ujung Kulon (Indonesia) hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên thế giới cho biết việc “nhập khẩu” tê giác Java từ đảo Java về Cát Tiên là “không hề khả thi” nên việc duy nhất thế giới có thể làm là chung tay bảo vệ quần thể tại vườn quốc gia Ujung Kulon.

Indonesia còn nước duy nhất có các quần thể tê giác Sumatra - loài có kích thước nhỏ nhất còn tồn tại của họ tê giác và cũng nằm trong nhóm động vật “cực kỳ nguy cấp”. Theo IUCN, tê giác Sumatra đã tuyệt chủng tại Malaysia, Nam Á và khu vực Đông Nam Á lục địa.

Sự suy giảm nghiêm trọng số lượng và quy mô quần thể các loài tê giác là do nạn săn bắn trộm lấy sừng - hành động phạm pháp xuất phát từ niềm tin sai lầm và vô căn cứ về hiệu quả chữa bệnh của sừng tê giác. Ngoài ra, việc mất rừng cũng làm thu hẹp môi trường sống của tê giác nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung.

Hồi sinh tê giác quý hiếm khi chỉ còn 2 con cái
(PLO)- Các nhà khoa học đang nỗ lực hồi sinh loài tê giác trắng phương Bắc bằng việc lấy trứng con cái thụ tinh với tinh trùng đông lạnh của con đực đã chết. HOÀN ĐỨC Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Các Loài Tê Giác