Tết Thanh Minh Mang ý Nghĩa "uống Nước Nhớ Nguồn" - Báo Cần Thơ

TRẦN PHƯỚC THUẬN

Người Hoa là một trong 54 tộc người đang sinh sống ở Việt Nam với hơn một triệu người sống rải rác khắp các vùng đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và những thị tứ. Người Hoa và người Kinh đã có quá trình giao lưu văn hóa lâu đời.

Từ cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII các nhóm Mạc Cửu, Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch vì không phục nhà Mãn Thanh đến xin tị nạn, được Nam triều cho cư ngụ ở các vùng đất phía Nam. Ở đây họ hòa nhập được với người Kinh và người Khmer - đã thắt chặt tình đoàn kết để cùng nhau khai hoang lập ấp xây dựng làng xã. Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư đó bản sắc văn hóa của từng dân tộc vẫn còn lưu giữ những nét đặc thù. Chỉ riêng về phần lễ tết của người Hoa cũng là những nét văn hóa rất độc đáo.

Trong năm, người Hoa ở Nam bộ có rất nhiều lễ tết; từ Tết Nguyên đán, Thanh Minh, đến Tết Đoan Ngọ, Trung Thu..., mỗi cái tết đều là mỗi dấu ấn văn hóa tốt đẹp đã gắn liền với sinh hoạt của mọi người. Thanh Minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người - bổn phận của con cháu phải tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước, đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa - gọi là đền đáp nghĩa một phần nào cái ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên - của những người quá cố. Thanh Minh có nguồn gốc từ người Hoa, nên những nơi có người Hoa cư trú đông đúc thường được tổ chức trang trọng, có thể nói lớn thứ nhì sau Tết Nguyên đán. Riêng ở Bạc Liêu là nơi mang nhiều dấu ấn văn hóa của người Triều Châu, cho nên Tết Thanh Minh ở đây vừa rất trang trọng vừa có sắc thái rất đặc biệt.

Cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng giới thiệu : “Thanh Minh trong tiết tháng Ba, lễ là tảo mộ hội là Đạp Thanh”. Thực ra không phải năm nào Thanh Minh nào cũng nhằm tháng Ba, đôi khi cũng lọt vào tháng khác. Thanh Minh là tiết thứ năm trong 24 tiết khí trong năm, mỗi tiết khí được quy định là 15 ngày, vì vậy theo thói quen người ta thường gọi tháng Giêng có tiết Lập Xuân, Vũ Thủy; tháng Hai có tiết Kinh Trấp, Xuân Phân; tháng Ba có Thanh Minh, Cốc Vũ.... Nhưng nếu năm đó ngày đầu của tiết Lập Xuân trước Tết Nguyên đán (có nghĩa là trước tháng Giêng) thì ngày chính của Tết Thanh Minh không thể ở tháng Ba được, thí dụ như trong năm 2002, ngày chính của Tết Thanh Minh là ngày 23 tháng Hai âm lịch, tuy nhiên do thói quen lâu đời, người ta vẫn nói Thanh Minh ở tháng Ba âm lịch.

Mỗi tiết khí đều mang những ý nghĩa khác nhau. Hai chữ Thanh Minh đã nói lên cái trong và cái sáng của tiết trời - đã xác định rõ cái tiết thứ năm này là tiết đẹp nhất trong 24 tiết. Cổ nhân đã hòa nhập sự trong sáng này vào lễ tảo mộ - bên ngoài làm sạch đẹp mộ phần, bên trong làm sạch đẹp lòng người để tưởng niệm công đức tổ tiên, hai cái thể trong và sáng của tiết Thanh Minh và lần lần cả hai khái niệm Thanh Minh - tảo mộ cũng đã thực sự cùng nhau hòa quyện. Theo người Hoa thời xưa, trong ngày Thanh Minh có sự phân biệt rõ ràng giữa lễ và hội: Lễ là tảo mộ, bổn phận của con cháu là tới ngày này phải đi quét tước, sơn phết, dọn dẹp tu bổ mộ phần cho sạch đẹp ngay ngắn và sau đó dâng cúng lễ vật để tỏ lòng hiếu thảo; còn hội là hội Đạp Thanh, tức là nhiều người cùng giẫm lên cỏ xanh, hội này có nguồn gốc từ đời Đường để chỉ những giai nhân tài tử trong ngày Thanh Minh đã nô nức kéo nhau đi đầy đường và đạp bừa lên cỏ xanh lúc này mới mọc. Đối với hội này các cụ Nho thường nói “Xuân phân hậu thập ngũ nhật vi Thanh Minh, tục hữu Đạp Thanh hội”, câu này đã xác định sau tiết Xuân phân mười lăm ngày là tiết Thanh Minh và theo phong tục trong tiết này có hội Đạp Thanh. Ngày nay người ta vẫn đi dập dìu trong ngày Thanh Minh, vẫn có những nam thanh nữ tú nhưng vì đường sá trải nhựa không có cỏ mọc, không thể gọi Đạp Thanh, tuy nhiên vẫn còn mang ý nghĩa Đạp Thanh.

Theo thông lệ từ trước đến nay cứ sau tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Riêng mồ mả của người Hoa thường được xây dựng theo kiểu “hoành pú” là một loại mộ nửa đất nửa đá nhưng rất to, nên việc đắp mộ cũng rất công phu. Đa số người Hoa xưa đều tin vào phong thủy nên việc bố trí, sửa sang, sơn phết chung quanh ngôi mộ cũng phải đúng theo tín ngưỡng, phía trước mộ là Minh Đường phải được làm bằng phẳng và phải thấp hơn nấm mộ, nhưng phía sau là Huyền Vũ chính là chỗ dựa nên phải đắp cao hơn, từ Huyền Vũ tạo thành vòng cung ra phía trước bên tả là Thanh Long thuộc dương và bên hữu là Bạch Hổ thuộc âm, thường gọi là tay long, tay hổ, tượng trưng cho con trai con gái, vì vậy khi đắp đất phải thật cân bằng, nếu vô ý bên cao bên thấp sẽ có chuyện mích lòng giữa con cháu trai và con cháu gái của người quá cố.

Sơn bia cũng là công đoạn rất phức tạp. Vì trong “hoành pú” thường có hai huyệt của hai ông bà hoặc có khi ba huyệt cho một ông hai bà, dù cho ai còn sống huyệt cũng phải làm sẵn cùng một lúc với người chết trước, vì vậy trên bia cũng phải ghi tên, do đó khi sơn cũng phải đặc biệt chú ý sơn màu đỏ, đối với người Hoa thì cái họ lúc nào cũng phải sơn đỏ, tên người chết sơn xanh.

Trước Thanh Minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy...và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà, nhưn bánh bò, bánh bao không nhưn thường được sử dụng nhất; bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê; còn đối với Tết Thanh Minh người ta châm chước, thay bằng heo, gà, khô mực. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình, người ta chọn bộ tam sinh cũng khác nhau, nhưng heo thì không thể thiếu. Nhà giàu thì dùng cả con heo để cúng tế và mời cả họ hàng thân tộc cùng ăn. Nhà nghèo thì một miếng thịt heo luộc, một con khô mực nhỏ, hai hột vịt hoặc con cua, con tôm luộc gì đó cũng đủ.

Ngày hôm sau, ngay từ sáng sớm người ta đã thức dậy, thay quần áo mới, tất cả đồ ăn thức uống, đồ tế lễ được cho vào hui ná - một loại xách tay đặc biệt của người Hoa rất tiện lợi để dùng di chuyển đồ đạc giữ cho sạch sẽ không bị bụi bặm dọc đường. Nếu nhà nào dùng heo quay để cúng, thì con heo để nằm trên một chiếc mâm vuông bằng cây, phía trên phủ vải điều. Công việc làm ăn hôm đó tạm thời đình hoãn lại, đa số các cửa hiệu của người Hoa đều đóng cửa trong ngày Thanh Minh. Mọi người trong gia đình tự gồng gánh, hoặc dùng xe chở đồ đạc đến mộ; theo quan niệm xưa thì đây là công việc của người đàn ông, phụ nữ chỉ được tham gia phụ, còn ngày nay thì đó là việc chung không phân biệt nam, nữ.

Khi đến mộ người ta phân công: một số thì lo bày biện đồ đạc để chuẩn bị cúng tế, những người còn lại thì lo dán giấy ngũ sắc lên mộ. Việc dán giấy của người Hoa cũng rất đặc biệt: nếu là mộ mới thì chỉ dán giấy trắng, nếu là mộ lâu năm thì dùng năm màu giấy trắng, vàng, đen, xanh, đỏ. Nếu trong ngôi mộ hoành pú có hai hoặc ba huyệt như đã nói trên thì về phía huyệt của người còn sống phải dán giấy đỏ. Giấy năm màu tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sau khi dán giấy xong mọi người cùng tề tựu phía trước bia mộ dâng hương cúng tế. Người lớn tuổi tế trước, kế đến là con cháu tiếp tục tế theo thứ tự. Mọi người đều khấn mời tổ tiên về chung vui trước để hưởng lộc, sau phù hộ cho con cháu được thuận hòa và làm ăn phát đạt. Người Hoa cũng có một phần lễ vật để cúng thổ địa được đặt phía trái góc mộ để cầu thổ địa phù hộ cho được bình an, đất đai yên ổn. Trong khi cúng tổ tiên, người chủ nhà (hoặc trưởng tộc) dâng trà, dâng rượu ba lần và sau cùng là đốt vàng bạc, quần áo giấy...

Sau cùng là đồ ăn thức uống cúng tế xong được dọn ra, mọi người quây quần ăn uống ngay trước mộ. Ăn uống ngay trước mộ tổ tiên cũng mang ý nghĩa đoàn kết gắn bó, cùng ăn, cùng làm, để cùng nhau xây dựng sự nghiệp. Một số trường hợp, sau khi cúng bái tổ tiên, họ không ăn uống ngay trước mộ mà lại dọn về nhà tổ chức tiệc tùng ngay trước bàn thờ gia tiên.

Tết Thanh Minh của người Hoa mang ý nghĩa sâu sắc “uống nước nhớ nguồn” phản ảnh được cái đẹp tâm linh thật tuyệt vời của con người phương Đông, vì vậy có một số dân tộc cũng hưởng ứng cái Tết này. Tết Thanh Minh ở Nam bộ cũng đã trở thành phong tục, người Kinh luôn có sự cải cách đổi mới, bỏ bớt nhiều chi tiết rườm rà cho phù hợp với phong tục tập quán và tín ngưỡng địa phương. Tết Thanh Minh đối với người Việt lại thường được hiểu là ngày bồi đắp mồ mả và cúng kiếng để tưởng nhớ công ơn của ông bà, của những người đã khuất.

Thanh Minh là một lễ hội truyền thống rất tốt đẹp đã gắn liền với quá trình phát triển của người Hoa, người Kinh và một số dân tộc khác ở Nam bộ trong nhiều thế kỷ. Tết Thanh Minh càng lúc càng biến đổi theo đà phát triển của xã hội nên đã khác ngày xưa. Có một số trường hợp người ta đã lợi dụng ngày Tết Thanh Minh để phô trương sự giàu có của mình, phô trương sự sung túc của dòng họ, khoe khoang sự báo hiếu đối với người đã khuất... làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp. Nhiều gia đình nghèo rất khổ tâm khi đi viếng mộ ông bà mình gần những ngôi mộ có con cháu lắm tiền nhiều của, tổ chức cúng kiếng thật rình rang... Nên có một mô hình ăn Tết Thanh Minh vừa tươm tất, vừa phù hợp với kinh tế của mọi gia đình, vừa bảo tồn được tính văn hóa của người phương Đông và tạo được sự đoàn kết giữa những người cùng phố phường, làng xóm.

Từ khóa » Giấy Ngũ Sắc Thanh Minh