Thách Thức Của Quá Trình Hội Tụ Kế Toán Quốc Tế Và Những Kinh ...

Đặt vấn đềQuá trình hội tụ kế toán quốc tế ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia bằng việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS). Tuy nhiên, viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễn là cả một quá trình đầy thử thách bởi thực trạng việc vận dụng chuẩn mực của các quốc gia và từng khu vực theo những phương pháp tiếp cận khác nhau. Mặc dù viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế còn nhiều cản trở phải hướng tới để đạt được mục tiêu chung nhưng phải thừa nhận rằng hội tụ kế toán quốc tế là xu thế tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển. Trước tình hình đó, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy của xu hướng này. Song, Việt Nam cần phải nhận định đúng đắn tình hình để có những lộ trình thích hợp, đáp ứng phát triển kinh tế.

1. Tiến trình hội tụ kế toán quốc tếHội tụ kế toán quốc tế về cơ bản tiến triển qua các thời kỳ, cụ thể từ 1973 – 1989 là giai đoạn đầu của hòa hợp kế toán quốc tế khi Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) được thành lập. Hòa hợp ở giai đoạn này chủ yếu là thu hẹp sự khác biệt kế toán các quốc gia bằng việc áp dụng chuẩn mực kế toán (CMKT) cho phép nhiều sự lựa chọn nhằm thích nghi kế toán ở các quốc gia. Tuy nhiên, chính sự “dễ dãi” này của IASC đã không đáp ứng được thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) cho người sử dụng. Trước sức ép của những người sử dụng thông tin trên BCTC cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia và các tổ chức trên thế giới, giai đoạn 1989 – 1993, IASC đã có nhiều sự cải thiện đáng kể bằng việc giảm dần sự lựa chọn các phương pháp, nguyên tắc trong CMKT. Do giảm các lựa chọn nên các CMKT của IASC đã đảm bảo tính so sánh thông tin trên BCTC. Sau đó, giai đoạn 1993 - 2001, IASC đã tái cấu trúc để hình thành Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB). Mục đích của IASB nhằm phát triển hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế, hình thành kỷ nguyên mới hướng tới hội tụ kế toán toàn cầu.

Từ đó đến nay, quá trình hội tụ kế toán quốc tế ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về kế toán cũng như các quốc gia trên thế giới. Ngay những năm đầu 2005, hệ thống IAS/IFRS đã được áp dụng một cách phổ biến với 65 quốc gia ở châu Âu, Úc, Nam Phi, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vv... đang thực thi việc áp dụng. Theo điều tra được thực hiện bởi công ty kiểm toán Deloitte (2010) với 173 quốc gia, kết quả cho thấy 123 quốc gia bắt buộc và yêu cầu áp dụng IAS/IFRS. Nếu so với những năm trước, số lượng các quốc gia áp dụng IAS/IFRS ngày càng gia tăng đáng kể.

2. Thách thức hội tụ kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễnHội tụ kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễn đầy thử thách, vẫn còn một khoảng cách nhất định để đạt được mục tiêu chung nhằm xây dựng chuẩn mực quốc tế chất lượng cao. Quá trình đó là bài toán phức tạp và nan giải bởi chúng xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau về môi trường kinh doanh, pháp lý và văn hóa trong mỗi quốc gia. Do đó, xu thế hội tụ kế toán của một số quốc gia có thể thống nhất trong chuẩn mực nhưng chưa hoàn toàn nhất quán trong thực tế.

2.1. Liên minh châu Âu Từ những năm 1995, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu có chiến lược hội nhập kế toán. EU đã áp dụng CMKT quốc tế được IASC ban hành với mục đích thiết lập chuẩn mực được chấp nhận bởi thị trường vốn toàn cầu. Tháng 6.2000 EU đã đề nghị các công ty niêm yết lập BCTC hợp nhất theo IAS/IFRS nhưng từng IAS/IFRS phải được xác nhận và thông qua luật tổ chức EU theo qui trình tổ chức riêng biệt. Ngoài ra, tháng 3.2011, Tổ chức tư vấn BCTC của EU công bố chi tiết tiến trình hội tụ với IASB về các nội dung liên quan đến công cụ tài chính, thuê tài chính, điều kiện ghi nhận doanh thu và hợp đồng bảo hiểm. Đến 11.2011, Tổ chức này đang chờ thông qua các IFRS 1, IFRS 9, IFRS 10, IFRS 11, IFRS 12, IFRS 13 và đang chờ chỉnh sửa IAS1, IAS 12, IAS 19, IAS 21, IAS 28 cũng như điều chỉnh IFRIC 20.

Như vậy có thể thấy, về nguyên tắc chung EU áp dụng hoàn toàn với IAS/IFRS tuy nhiên việc EU thông qua từng IAS/IFRS tạo nên hệ thống chưa thật sự đồng bộ so với IAS/IFRS bởi còn một số IAS/IFRS và các hướng dẫn chưa được thông qua. Vì vậy tính thống nhất trong hệ thống chuẩn mực chưa hoàn chỉnh. Do đó, CMKT của các quốc gia EU cũng khó được nhất quán và điều này dẫn đến việc áp dụng các nguyên tắc, qui định kế toán vào thực tế của các công ty sẽ tạo ra những khác biệt nhất định. 

Để làm sáng tỏ những nội dung trên, trong báo cáo của EC về việc thực thi IAS/IFRS của EU được công bố tháng 10.2007, EC đã sử dụng mô hình với 200 công ty niêm yết của 25 quốc gia trong EU của năm 2005 và 2006. Theo kết quả báo cáo, mặc dù các công ty đều áp dụng IAS/IFRS hoặc IAS/IFRS-EU (IAS/IFRS được thông qua bởi EU) nhưng các công ty của các quốc gia có những khác biệt nhất định, cụ thể: các BCTC của các công ty trình bày không rõ ràng; thiếu công bố về chính sách kế toán hoặc có công bố nhưng không phù hợp; những khác biệt trong chính sách kế toán của các công ty đối với ghi nhận doanh thu; phân loại tài sản tài chính, tài sản tài chính sẵn sàng để bán… Trên cơ sở đó, để tiếp tục đánh giá mức độ áp dụng của các công ty trong các quốc gia EU theo thời gian, EC đã phân tích 270 BCTC các quốc gia công bố năm 2006 và 2007 trong EU được EC công bố tháng 12.2008. Kết quả cho thấy những khác biệt cơ bản vẫn tồn tại trong thực tế trên BCTC của các công ty. Qua tổng kết hai báo cáo của EC, nhìn chung mức độ áp dụng trong thực tế của các công ty trong EU vẫn còn những khác biệt đáng kể. Điều đó phản ánh thực trạng rằng mặc dù áp dụng IAS/IFRS trong cùng khu vực kinh tế EU nhưng mức độ có thể khác nhau ở cấp độ quốc gia và thực tế các công ty.

Ngoài ra, để nhìn nhận một cách khách quan, một nghiên cứu độc lập của Erlend Kvaal và Christopher Nobe (2009) đã đánh giá sự khác biệt trong thực tế về chính sách kế toán của IAS/IFRS của các quốc gia. Nghiên cứu đã sử dụng các BCTC của các công ty “blue chip” của 5 thị trường chứng khoán (TTCK) lớn nhất trong năm 2005 và 2006 với 5 quốc gia Úc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng IAS/IFRS trong thực tế còn những khác biệt đối với các quốc gia khác nhau. Như vậy, rõ ràng trong thực tế, các quốc gia được sử dụng trong nghiên cứu đã đi ngược lại mục tiêu chung là xây dựng chuẩn mực toàn cầu chất lượng cao. Hơn nữa, Stefano Cascino (2009), đã phân tích thực nghiệm về sự khác biệt trong thực tế kế toán của các công ty niêm yết Đức và Ý. Mô hình nghiên cứu chọn mẫu 354 công ty áp dụng IAS/IFRS của Đức và Ý từ năm 1998 đến 2008. Nghiên cứu thực nghiệm đã đi đến kết luận rằng các công ty Đức, Ý áp dụng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) quốc gia hơn là thực thi IAS/IFRS. Đồng thời, nghiên cứu đã minh chứng sự khác biệt trong thực tế ở mức độ quốc gia, khu vực và ngay cả đối với thực tế các công ty.

Có thể thấy, các quốc gia EU vẫn bảo lưu những quan điểm riêng trong hệ thống kế toán khu vực mặc dù EU rất tích cực tham gia quá trình xây dựng IAS/IFRS. Hội tụ kế toán quốc tế như hình thức của EU là một phương pháp tiếp cận riêng của các quốc gia trong cùng khu vực. Mặc dù trên nguyên tắc chung EU áp dụng nguyên bản IAS/IFRS nhưng vấn đề ở chỗ EU không chấp nhận toàn bộ IAS/IFRS mà phê duyệt từng chuẩn mực để áp dụng. Không những thế, thực tế các công ty của các quốc gia trong EU vẫn có những khác biệt đáng kể.

2.2. Mỹ Hoạt động hướng tới hội tụ của Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính của Mỹ (FASB) từ những năm 2002 - 2004 phải kể đến là thỏa hiệp Norwalk giữa IASB và FASB để phát triển chuẩn mực chất lượng cao. Thỏa hiệp đã nhất trí các nội dung cơ bản là tiếp tục hợp tác trong tương lai; thực hiện những dự án chung; hạn chế những khác biệt giữa nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Mỹ (US GAAP) và IAS/IFRS. Tuy nhiên, quá trình hợp tác là một thử thách lớn bởi tính pháp lý, sự can thiệp của các tổ chức thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa… ảnh hưởng nhất định đến lộ trình hội tụ. Một trong những vấn đề gây cản trở đó là hệ thống kế toán của Mỹ trên cơ sở qui định (rules-based) trong khi IAS/IFRS theo những nguyên tắc (priciples-based). Bên cạnh đó, hệ thống kế toán của Mỹ thực thi theo các qui định nên được hướng dẫn một cách chi tiết trong khi IAS/IFRS hạn chế những hướng dẫn. Ngoài ra hệ thống kế toán Mỹ bị chi phối bởi luật chứng khoán… Quá trình hội tụ cho thấy nhiều vấn đề khó khăn nhất định.

Mặc dù tiến trình hội nhập gặp những khó khăn nhất định nhưng Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã có những động thái tích cực đối với IAS/IFRS. FASB và SEC đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hội tụ kế toán quốc tế và cũng đã có các buổi họp định kỳ giữa FASB, SEC và IASB để thảo luận hướng phát triển trong thỏa hiệp Norwalk. Ngoài ra, sự hội tụ của Mỹ thông qua SEC đã thấy sự chủ động của Mỹ khi hướng tới hệ thống chuẩn mực quốc tế. Trước đây, các công ty niêm yết sử dụng BCTC khác với Mỹ, khi niêm yết BCTC phải trình bày sự khác biệt lợi nhuận và vốn chủ sở hữu giữa GAAP của quốc gia báo cáo với US GAAP thông qua mẫu 20F (Form 20F). Thời gian gần đây, tiến trình hội tụ của Mỹ cho thấy SEC đã có những nỗ lực và thiện chí nhất định, cụ thể:

- Ngày 22.4.2005, SEC công bố lộ trình hướng tới hội tụ kế toán quốc tế theo IAS/IFRS bằng việc gỡ bỏ qui định các công ty nước ngoài niêm yết tại TTCK Mỹ có BCTC lập theo IAS/IFRS phải chỉnh hợp sang US GAAP theo Form 20F.- Sau đó, ngày 15.11.2007 SEC đã bỏ phiếu thông qua cho phép các công ty nước ngoài niêm yết tại TTCK Mỹ được áp dụng IAS/IFRS. SEC tiến xa hơn bằng việc công bố lộ trình từ 2014 – 2016 các công ty Mỹ sẽ chuyển sang áp dụng IAS/IFRS. - Đến ngày 27.8.2008, SEC quyết định chấp nhận sử dụng IAS/IFRS và lộ trình này là cơ sở để hình thành một chuẩn mực toàn cầu.- Tháng 2.2010 SEC tái khẳng định lộ trình hội tụ trong thời gian đến 2015 – 2016 và vào tháng 7.2011, Chủ tịch SEC đã tuyên bố ủng hộ xây dựng hệ thống CMKT toàn cầu chất lượng cao trên cơ sở các IFRS.

Nhìn chung, sự hội tụ của FASB hướng tới CMKT quốc tế được nhiều người nhận định như phần còn lại của chuẩn mực toàn cầu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc hội tụ là một thách thức lớn đối với cả hai tổ chức và hai tổ chức FASB – IASB đang khẩn trương, nỗ lực chạy nước rút cho tiến trình hội tụ và mọi vấn đề vẫn nằm ở phía trước.

2.3. Úc Úc đã có những bước chuẩn bị nhất định cho việc chuyển đổi từ CMKT Úc sang IAS/IFRS từ năm 2002 và Úc đã chính thức chuyển sang áp dụng IAS/IFRS từ ngày 01.01.2005. Úc là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng IAS/IFRS. Tuy nhiên, Hội đồng chuẩn mực kế toán của Úc (AASB) đã xem xét việc ban hành IAS/IFRS tại riêng quốc gia. Theo đó, CMKT Úc đã có sự chỉnh sửa cho tương thích với môi trường pháp lý và những đặc điểm riêng biệt để phù hợp với Úc. CMKT Úc không đơn thuần là IAS/IFRS mà bản chất đã có sự thay đổi theo hình thức A-IAS/IFRS (IAS/IFRS đã được chuyển đổi theo Úc). Sự điều chỉnh của A-IAS/IFRS bao gồm những thay đổi trong việc lựa chọn được ban hành theo IAS/IFRS và bổ sung những hướng dẫn và thay đổi một số thuật ngữ khác so với IAS/IFRS. Chính sự điều chỉnh, bổ sung này dẫn đến A-IAS/IFRS không nhất quán với IAS/IFRS. Việc áp dụng IAS/IFRS theo phương cách trung lập A-IAS/IFRS của Úc đã tạo nên nhiều khác biệt không chỉ trong hệ thống CMKT mà ngay cả các công ty khi áp dụng vào thực tế.

Trong nghiên cứu về việc đo lường giá trị hợp lý, lựa chọn chính sách kế toán của hai quốc gia Anh và Úc, David Cairns et al. (2008) đã sử dụng mô hình 228 công ty tương ứng mỗi quốc gia 114 để đo lường trên BCTC những năm 2004 - 2006 với 20 khoản mục. Nhìn chung kết quả cho thấy việc thực thi IAS/IFRS của Úc không có sự khác biệt giữa trước và sau khi áp dụng IAS/IFRS. Ngoài ra, trong một nghiên cứu thực nghiệm của Tyrone Carlin, Nigel Finch (2008) nhằm xác định giá trị lợi thế thương mại được thực hiện bởi các công ty Úc áp dụng theo IAS/IFRS trong hai năm 2006 và 2007. Mô hình nghiên cứu đã sử dụng BCTC của 50 công ty niêm yết lớn nhất của Úc. Qua thực nghiệm cho thấy, mức độ các công ty áp dụng nội dung về lợi thế thương mại trên bảng cân đối kế toán hầu hết không thỏa mãn yêu cầu. Như vậy, CMKT của Úc hướng tới IAS/IFRS nhưng thực tế BCTC của các công ty không nhất quán. Các công ty không sẵn lòng thực hiện theo những yêu cầu IAS/IFRS.

Mặc dù Úc chấp nhận toàn bộ các chuẩn mực theo IAS/IFRS nhưng Úc vẫn có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp với đặc điểm riêng của quốc gia. Việc xây dựng CMKT quốc gia như Úc là một hướng tiếp cận riêng, thể hiện chính sách trung lập trong việc thực thi CMKT quốc tế.

2.4. Trung QuốcBộ Tài chính (BTC) Trung Quốc bắt đầu thiết lập CMKT từ năm 1988. Cuối năm 1992, BTC đã phát triển chuẩn mực cơ bản của kế toán cho hoạt động doanh nghiệp (tương tự khuôn mẫu lý thuyết). Điều này đánh dấu sự kiện trong cải cách kế toán của Trung Quốc, bãi bỏ hệ thống kế toán truyền thống và sử dụng chuẩn mực quốc tế. Sau đó, khuôn mẫu lý thuyết ban hành năm 1992 được thay thế bởi 16 CMKT và những qui định khác như hệ thống kế toán cho hoạt động doanh nghiệp (ASBE) ban hành 2001. Mục đích của ASBE là so sánh thông tin tài chính, hạch toán tách biệt giữa thuế và kế toán, đảm bảo hội nhập với thực hành kế toán được chấp nhận bởi quốc tế. Tuy nhiên, trước sức ép hội nhập kinh tế thế giới, Trung Quốc đã chấp nhận xây dựng hệ thống CMKT mới theo hướng hội tụ kế toán quốc tế trên cơ sở IAS/IFRS gồm 38 CMKT có hiệu lực từ ngày 1.1.2007. Việc chuyển đổi chuẩn mực Trung Quốc gần với IAS/IFRS nhưng chuẩn mực mới không phải dịch lại theo IAS/IFRS mặc dù vẫn dựa trên nền tảng, nguyên tắc cơ bản. Nhìn chung, xét về hệ thống chuẩn mực, CMKT Trung Quốc đã hình thành trên nền tảng của IAS/IFRS.

Tuy nhiên, giữa CMKT Trung Quốc và IAS/IFRS có những điểm khác biệt rõ rệt, cụ thể CMKT Trung Quốc không phát triển và áp dụng đầy đủ giá trị hợp lý, yêu cầu công bố các bên liên quan được chỉnh sửa lại cũng như không thực hiện đánh giá tổn thất tài sản. Trong nghiên cứu của Jean Jinghan Chen and Peng Cheng (2007), về mức độ hội tụ của CMKT Trung Quốc và IAS/IFRS trong thực tế đi đến kết luận rằng Trung Quốc chỉ hội tụ về hình thức vì CMKT Trung Quốc được che đậy bên ngoài với IAS/IFRS nhưng thực chất Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách kế toán doanh nghiệp. Trong nghiên cứu của Tymothy Doupnik, Hector Perera (2007) nhìn nhận rằng phương cách tiếp cận của Trung Quốc mang tính “đối phó” giữa IAS/IFRS và thực tế. Phương pháp tiếp cận này thực chất chỉ là hội tụ bên ngoài, được che đậy bởi hệ thống CMKT quốc tế nhưng thực tế Trung Quốc không vận dụng theo những nguyên tắc chuẩn mực mà vẫn thực thi chính sách kế toán doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, một thời gian dài Trung Quốc đã vận dụng “chiến thuật” nhằm thích ứng dần với những cải cách trong hệ thống kế toán quốc gia. Bản chất thận trọng vẫn được quan tâm trong việc thực thi chính sách kinh tế toàn cầu.

Trước sức ép ngày càng gia tăng từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong hội nghị nhóm các quốc gia phát triển (G20) được tổ chức tại London tháng 4.2009, theo đó Trung Quốc phải xây dựng lộ trình hội tụ đầy đủ CMKT quốc tế. Trong báo cáo dự thảo của Ngân hàng thế giới được công bố tháng 10.2009 về lộ trình và tiếp tục hội tụ đầy đủ giữa ASBE với IAS/IFRS. Theo báo cáo, nhìn chung ASBE về cơ bản đã đáp ứng hội tụ CMKT quốc tế nhưng CMKT phải được hội tụ một cách toàn diện và đầy đủ. Đồng thời, ASBE cam kết giai đoạn chuyển đổi từ 2009 đến kết thúc 2011 và đã lên chương trình những nội dung cơ bản cho lộ trình hội tụ đầy đủ.

Gần đây, BTC của Trung Quốc tuyên bố quốc gia này áp dụng đầy đủ theo IFRS nhưng có một số loại trừ. Đồng thời BTC cho biết tất cả các công ty có qui mô lớn và vừa sẽ phải áp dụng theo CMKT từ năm 2012.

Nhìn chung, hội tụ kế toán quốc tế là hướng đi tích cực của các quốc gia trên thế giới. Những ích lợi từ việc sử dụng ngôn ngữ kinh tế chung toàn cầu đã giải quyết được bài toán thống nhất thông tin trình bày trên BCTC của các quốc gia, đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. Nhiều quốc gia và khu vực kinh tế thế giới đang hướng tới chuẩn mực quốc tế và tích cực ủng hộ, tham gia, chung tay góp sức trong việc xây dựng chuẩn mực quốc tế thành chuẩn mực toàn cầu chất lượng cao. Tuy nhiên, viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế từ chuẩn mực đến thực tiễn là cả một quá trình đầy thử thách bởi thực trạng việc vận dụng chuẩn mực quốc tế vào chính các quốc gia và từng khu vực theo những phương pháp tiếp cận khác nhau, điển hình có khu vực kinh tế như EU áp dụng thống nhất IAS/IFRS nhưng từng chuẩn mực phải được thông qua tổ chức; có quốc gia áp dụng nguyên bản IAS/IFRS như Úc nhưng có chỉnh sửa, bổ sung thể hiện chính sách trung lập trong quá trình thực thi; có quốc gia áp dụng IAS/IFRS mang tính hình thức như Trung Quốc, được thể hiện bên ngoài là IAS/IFRS nhưng thực tế vẫn thực thi chế độ, chính sách kế toán doanh nghiệp; và lại có quốc gia hình thành những “sức ép” về kinh tế, chính trị như Mỹ nhằm đạt đến sự hội tụ CMKT quốc tế nhưng “có điều kiện”. Mặc dù viễn cảnh hội tụ kế toán quốc tế còn nhiều cản trở và khó khăn phải hướng tới để đạt được mục tiêu chung nhưng hội tụ kế toán quốc tế là xu thế tất yếu khách quan trong tiến trình quốc tế hóa kinh tế.

3. Những kinh nghiệm cho Việt Nam trong tiến trình hội tụ kế toán quốc tếTừ phân tích trên, có thể thấy tiến trình hội tụ kế toán quốc tế là hướng đi tích cực đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa kinh tế nhưng quá trình đó cũng đầy cam go và phức tạp. Trước tình hình đó, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy hội nhập quốc tế. Song, Việt Nam cần phải nhận định đúng đắn tình hình để có những lộ trình thích hợp, đáp ứng phát triển kinh tế.

Có thể thấy, hệ thống kế toán Việt Nam chịu tác động bởi nhiều yếu tố tụ hội từ môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và môi trường văn hóa. Theo thời gian, mức độ chi phối, ảnh hưởng của các yếu tố đã dần hình thành hệ thống kế toán Việt Nam mang bản sắc riêng. Xét ở môi trường kinh doanh, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung, thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây có những biến chuyển tích cực, đặc biệt là TTCK đã có những tiến triển nhất định. Mức độ lạm phát trong nền kinh tế được kiểm soát, ổn định không ảnh hưởng đến biến động của nền kinh tế. Đối với môi trường pháp lý, Nhà nước giữ vai trò quyết định trong hệ thống kế toán quốc gia, cụ thể Luật kế toán được Quốc hội ban hành, các chế độ tài chính được ban hành bởi Thủ tướng chính phủ, hệ thống CMKT và các thông tư hướng dẫn được BTC ban hành. Bên cạnh đó, hệ thống kế toán bị chi phối bởi các qui định của thuế. Trước đây lợi nhuận kế toán gần giống lợi nhuận của thuế như các qui định trích lập khấu hao TSCĐ, doanh thu nội bộ... Tuy nhiên từ những năm 2001, những quan điểm đã dần có những thay đổi, cụ thể các đạo luật đã giảm bớt mức độ chi phối cho hoạt động kế toán bằng việc cho phép trích lập các khoản dự phòng, hình thành các khoản thuế hoãn lại… Hơn nữa, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) mặc dù thời gian hình thành và hoạt động đã lâu từ những năm 1994, nhưng không có vai trò lập qui cũng như mức độ ảnh hưởng và chi phối còn hạn chế. Riêng về môi trường văn hóa, sự tác động của văn hóa đến hệ thống kế toán Việt Nam hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu chính thống. Tuy nhiên về cơ bản, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều theo văn hóa Á Đông, bản chất thận trọng được đề cao, nhấn mạnh đến sự tuân thủ các qui định, hạn chế những vấn đề mang tính xét đoán.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy hệ thống kế toán Việt Nam mang những đặc điểm cơ bản: hệ thống kế toán được qui định thống nhất từ chứng từ, sổ kế toán, tài khoản và các BCTC; hệ thống kế toán còn chịu ảnh hưởng của các qui định về thuế; hệ thống kế toán liên quan đến ghi nhận và đo lường đảm bảo tính tuân thủ thể hiện qua việc ghi nhận giá gốc đối với các tài sản, hạn chế các xét đoán theo giá hợp lý và mức độ trình bày và công bố thông tin trên BCTC còn hạn chế, mang tính bảo thủ. Như vậy, có thể thấy hệ thống kế toán Việt Nam do Nhà nước giữ vai trò quyết định, chi phối đến hệ thống kế toán, không những thế kế toán còn chịu ảnh hưởng bởi các qui định của thuế.

Từ thực trạng xu hướng hội tụ kế toán quốc tế kết hợp những đặc điểm cơ bản trong hệ thống kế toán Việt Nam, cho thấy khó có thể áp dụng toàn bộ IAS/IFRS cho hệ thống kế toán Việt Nam. Hệ thống IAS/IFRS dường như thích hợp đối với những quốc gia phát triển nhưng chưa phù hợp trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Do đó, trong giai đoạn đầu, nên tiếp cận theo xu hướng hoàn hợp theo khu vực mà cụ thể là khu vực đối với các công ty niêm yết. Đây là hướng đi mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo đó, hệ thống CMKT Việt Nam có thể bao gồm hai phần, một phần dành cho các công ty niêm yết, phần còn lại cho các công ty không niêm yết. Đối với các công ty niêm yết, CMKT được thực thi theo các IAS/IFRS. Riêng đối với các công ty không niêm yết áp dụng các CMKT Việt Nam hiện hành nhưng theo hướng giản lược những nội dung phức tạp trong chuẩn mực. Điều này thể hiện sự hài hòa, linh hoạt nhằm tránh những biến động nhưng đảm bảo cho tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tài liệu tham khảo1. Bruce Porter, Lead Partner (2005), “Differences between Australian equivalents to International 2. EU implementation of IAS/IFRS and the fair value directive (A report for the European Commission), The Institute of Chartered Accountants in England and Wales, 2007 3. Erlend Kvaal* and Christopher Nobe (2009), International differences in IAS/IFRS policy choice  4. iasplus.com 5. IAS/IFRS milestone in the US: what does the SEC’s announcement on the proposed IAS/IFRS roadmap and rule changes mean, volume 4 September 2008, IAS/IFRS insight, Deloitte 6. Ole-Kristian Hope, Justin Jin, and Tony Kang (2006), “Empirical Evidence on Jurisdictions that Adopt IAS/IFRS”, Journal of international accounting research.7.  People’s Republic of China (2009), Report on the obvervance of standard and codes – Accounting and Auditing8. Report to the European Commission (2007), EU implementation of IAS/IFRS and the fair value directive

CHUYÊN MỤC ĐƯỢC SỰ CỘNG TÁC CỦA ACCA

Theo Tạp chí Kiểm toán số 3/2012                                                               

Từ khóa » Hệ Thống Kế Toán úc