Thai 27 Tuần: 4 điều Mẹ Nhất định Phải Biết! • Hello Bacsi

Mang thai 27 tuần là lúc mẹ bầu đang bước vào tuần thai cuối cùng của tam nguyệt thứ hai. Đây là giai đoạn quan trọng chuyển tiếp sang tam cá nguyệt thứ ba. Ở giai đoạn này của thai kỳ, bé cưng cũng phát triển nhanh hơn. 

Thai 27 tuần nặng bao nhiêu kg? Thai 27 tuần đã quay đầu chưa? Thai nhi 27 tuần phát triển như thế nào? Đây là những thắc mắc rất thường gặp của mẹ bầu, nhất là những mẹ lần đầu tiên mang thai. Nếu bạn đang tò mò về sự phát triển của bé cưng, hãy dành vài phút xem ngay những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được để biết bé cưng đang “lớn khôn” thế nào trong bụng mẹ nhé!

Thai 27 tuần phát triển như thế nào?

1. Thai 27 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Khi đạt mốc 27 tuần tuổi thai, bé có kích thước tương đương 01 quả bí ngô dài. Cân nặng và chiều dài cụ thể như sau:

  • Cân nặng: Khoảng 1.055gr
  • Chiều dài: Khoảng 36.6cm
Lưu ý:
  • Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 27 tuần bằng quả bí ngô dài là đang hình dung em bé theo một khối co và ngắn lại.
  • Từ tuần thứ 14 trở đi, các thông số sinh trắc thai nhi khi khảo sát trong quá trình khám thai sẽ không còn chỉ số chiều dài đầu mông nữa vì thai nhi đã tương đối lớn, có các cử động gập duỗi, các chi cũng phát triển. Việc đo chiều dài đầu mông không có ý nghĩa và khó thực hiện.

2. Hình ảnh siêu âm thai 27 tuần

Hình ảnh siêu âm thai 27 tuần

Các chỉ số sinh trắc của thai nhi 27 tuần cụ thể như sau:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 62-75mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): 46-55mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 234-273mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 206-253mm.

3. Thai 27 tuần phát triển như thế nào?

Thai nhi 27 tuần tuổi có hình dạng trông tương tự như trẻ sơ sinh nhưng con gầy và nhỏ hơn. 

Phổi, gan và hệ thống miễn dịch của bé vẫn cần phải hoàn thiện, nhưng nếu sinh non ở giai đoạn này, bé vẫn có cơ hội sống cao.

3.1. Thính giác

  • Khả năng nghe của bé tiếp tục phát triển, bé có thể bắt đầu nhận ra giọng nói của mẹ và bố. Vì vậy, đây có thể là thời điểm tốt để cha mẹ đọc sách, hát cho bé nghe. 
  • Tuy nhiên, những âm thanh bé nghe có thể không rõ ràng vì tai bé vẫn còn được bao phủ bởi lớp sáp dày có tác dụng bảo vệ da bé khỏi tác động của nước ối.

3.2 Vị giác

  • Thai nhi 27 tuần có thể cảm nhận được sự khác biệt về hương vị của các món ăn mà bạn ăn có trong nước ối. 

3.3. Chuyển động thai 27 tuần

  • Ở tuần tuổi này, bé sẽ bắt đầu đạp nhiều hơn, xoay liên tục.
  • Thi thoảng, mẹ cũng có thể cảm nhận được những cú đạp mạnh mẽ của bé.

3.4. Thai 27 tuần đã quay đầu chưa?

  • Trong hầu hết các trường hợp thì thai nhi quay đầu khi chạm mốc 32-36 tuần. Tuy nhiên, một số bé có thể quay đầu sớm vào khoảng tuần 28 và một số bé sẽ quay đầu khá muộn vào khoảng sau tuần 37 của thai kỳ.
  • Do đó, câu trả lời cho câu hỏi thai 27 tuần đã quay đầu chưa thì vẫn chưa mẹ nhé! Lúc này, đầu bé vẫn hướng lên trên và ở những tuần tiếp theo, bé sẽ dần quay đầu xuống để sẵn sàng chào đời.
Tóm lược sự phát triển nổi bật của bé khi mẹ mang thai 27 tuần
  • Cân nặng: Khoảng 1.055gr
  • Chiều dài: Khoảng 36.6cm
  • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 62-75mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): 46-55mm
  • Chu vi vòng đầu (HC): 234-273mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 206-253mm.

Cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai 27 tuần?

Thay đổi trên cơ thể mẹ mang thai 27 tuần

1. Đi tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt 

  • Mẹ mang thai 27 tuần không thể nằm ngửa khi ngủ
  • Dễ bị ợ nóng 
  • Mỗi đêm đi tiểu 2-3 lần do tử cung chèn ép vào bàng quang khiến mẹ tiểu nhiều và lắt nhắt.

2. Phù nề 

  • Đi kèm với việc bụng bầu tăng kích thước nhanh thì nhiều mẹ bầu cũng bị phù nề ở chân và tay. 
  • Các chuyên gia sản khoa ước tính có khoảng gần 3/4 phụ nữ mang thai bị sưng nhẹ ở chân và tay; đặc biệt là bàn chân, mắt cá chân và bàn tay. 
Lưu ý là nếu tình trạng sưng phù có vẻ quá mức, khi đi khám hãy trao đổi thật cụ thể với bác sĩ. Nguyên do là bởi tình trạng sưng phù quá mức có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật, nhất là khi bạn bị tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu.

Mẹ mang thai 27 tuần

3. Rôm sảy 

  • Quá trình mang thai khiến cơ thể mẹ bầu tăng thân nhiệt; Da thường xuyên bị ẩm ướt do đổ mồ hôi quá nhiều. 
  • Bên cạnh đó sự ma sát của da giữa các bộ phận cơ thể, sự cọ xát với với quần áo khiến nhiều mẹ bầu bị rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu.
  • Để giảm ngứa, bạn có thể chườm mát, dùng kem dưỡng da, mặc trang phục rộng rãi và mềm mại hơn… để tạm thời làm dịu cảm giác khó chịu. 
  • Nếu phát ban hoặc kích ứng kéo dài hơn một vài ngày, hãy hỏi bác sĩ để có các giải pháp hữu hiệu hơn.

4. Đau thần kinh tọa

Một số mẹ bầu có thể bị đau thần kinh tọa, gây nhói đau, ngứa ran, tê ở mông hoặc lưng dưới và lan xuống một trong hai chân. Để giảm đau thần kinh tọa, mẹ hãy thử các mẹo sau:

  • Tránh đứng quá lâu  
  • Chườm ấm 
  • Tập các bài tập cho xương chậu hoặc bơi lội
  • Các phương pháp khác như châm cứu, nắn khớp xương hoặc massage trị liệu với chuyên gia có thể giúp giảm đau thần kinh tọa cho mẹ.
Tóm lược những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu khi mang thai 27 tuần
  • Bụng bầu to hơn, mẹ không thể nằm ngửa khi ngủ
  • Dễ bị ợ nóng
  • Tiểu đêm nhiều lần
  • Chân, tay phù nề
  • Da có thể xuất hiện rôm sảy
  • Có thể bị đau thần kinh tọa.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 27 tuần

Mẹ hãy đăng ký các lớp học tiền sản tại các trung tâm cộng đồng địa phương hoặc bệnh viện để tìm hiểu về các chủ đề như chuyển dạ – sinh nở, các phương án giảm đau khi sinh, những vấn đề sức khỏe thông thường ở trẻ sơ sinh, cách nuôi con bằng sữa mẹ… 

thai 27 tuần

1. Các xét nghiệm khi mang thai 27 tuần mẹ cần biết

  • Đo cân nặng và huyết áp
  • Xét nghiệm nước tiểu để đo lượng đường và đạm
  • Kiểm tra nhịp tim thai nhi
  • Giãn tĩnh mạch ở chân, sưng bàn tay và bàn chân
  • Xét nghiệm đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường
  • Xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ thiếu máu…

2. Chú ý đến các vấn đề sức khỏe thường gặp khi mang thai

2.1. Dấu hiệu chuyển dạ, sinh non

Thai 27 tuần có nguy cơ sinh non khá thấp nhưng mẹ vẫn nên hết sức lưu ý các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non như:

  • Đau bụng dưới thường xuyên như trong kỳ kinh nguyệt, có kèm tiêu chảy, buồn nôn hoặc khó tiêu
  • Cơn co thắt đau đớn thường xuyên mỗi 10 phút (hoặc sớm hơn) mà không thuyên giảm khi bạn đã thay đổi tư thế
  • Liên tục đau lưng dưới hoặc có sự thay đổi bản chất của cơn đau lưng dưới
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo, đặc biệt nếu dịch tiết ở dạng lỏng như nước hoặc nhuốm màu hồng nhạt hoặc nâu lẫn với máu
  • Mẹ bị đau hoặc cảm giác có áp lực trên vùng xương chậu, đùi hoặc háng
  • Âm đạo rỉ nước dạng nhỏ giọt đều đặn hoặc thành dòng như khi bạn đi tiểu.

2.2. Hội chứng chân không yên (RLS) 

  • Khi mang thai 27 tuần, một số mẹ bầu có thể cảm thấy ngứa ran ở chân, đặc biệt vào ban đêm. Tình trạng này được gọi là hội chứng chân không yên ở phụ nữ mang thai.
  • Theo các chuyên gia, hội chứng này có liên quan đến tình trạng thiếu sắt, thiếu máu hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm của mẹ bầu. 

2.3. Nghẹt mũi 

  • Mẹ mang thai 27 tuần có thể bị sưng nề đường thở gây nghẹt mũi. 
  • Mẹ bầu không nên tùy ý sử dụng các loại thuốc xịt mũi mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Giải đáp những thắc mắc thường gặp ở mẹ mang thai 27 tuần

1. Tư thế nằm của thai nhi 27 tuần

Ở tuần thứ 27 của thai kỳ, thai nhi thường nằm trong tư thế uốn cong, với đầu gập xuống, lưng cong và chân tay co lên. Đây là tư thế tự nhiên giúp thai nhi nằm gọn trong không gian hạn chế của tử cung.

Vào tuần này, vị trí của thai nhi có thể thay đổi thường xuyên vì vẫn còn không gian trong tử cung để bé xoay trở. Tuy nhiên, hầu hết thai nhi chưa nằm ở tư thế cố định (đầu quay xuống dưới để chuẩn bị cho việc sinh nở) cho đến khoảng tuần thứ 32-36 của thai kỳ.

mang thai 27 tuần nên ăn gì

2. Thai nhi quay đầu ở tuần 27 có sao không?

  • Thai nhi quay đầu ở tuần 27 không phải là điều đáng lo ngại. Thực tế, trong suốt thai kỳ, thai nhi có thể thay đổi vị trí nhiều lần do vẫn còn không gian trong tử cung để di chuyển. Việc quay đầu sớm (đầu hướng xuống dưới) vào tuần 27 không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi hay quá trình sinh nở.
  • Thông thường, thai nhi sẽ bắt đầu cố định vị trí quay đầu (ngôi đầu) vào khoảng từ tuần 32 đến tuần 36 để chuẩn bị cho quá trình sinh. Tuy nhiên, nếu thai nhi đã quay đầu ở tuần 27, bé vẫn có thể tiếp tục xoay trở thêm cho đến khi tử cung trở nên chật chội hơn trong các tuần cuối.
  • Điều quan trọng là theo dõi định kỳ và bác sĩ sẽ kiểm tra tư thế của thai nhi trong các lần khám tiếp theo để đảm bảo sự phát triển và chuẩn bị tốt cho việc sinh. Nếu có bất kỳ vấn đề nào về tư thế thai nhi, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cụ thể hơn.

3. Thai nhi 27 tuần tuổi đạp như thế nào?

Ở tuần 27 của thai kỳ, bạn sẽ cảm nhận được các cử động thai khá rõ ràng và thường xuyên hơn. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ về kích thước và sức lực, nên những cú đạp, nhào lộn, xoay người sẽ trở nên dễ nhận thấy hơn.

Một số điểm đặc trưng về các cử động của thai nhi ở tuần 27 bao gồm:

  • Cử động mạnh và rõ ràng
  • Cử động thường xuyên hơn
  • Phản ứng nhanh nhạy với âm thanh và ánh sáng
  • Những cử động bất ngờ.

Nếu bạn cảm thấy thai nhi đạp yếu đi hoặc có bất kỳ sự thay đổi đáng lo ngại nào trong cử động của bé, hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra.

4. Thai 27 tuần nặng 1200g có bình thường không?

  • Ở tuần 27 của thai kỳ, cân nặng trung bình của thai nhi thường vào khoảng 875-1.000gr. 
  • Với cân nặng 1.200gr, thai nhi đang nặng hơn so với mức trung bình, nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường. 
  • Nếu bác sĩ không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong các lần siêu âm và kiểm tra định kỳ, bạn không cần quá lo lắng. 
  • Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về cân nặng hoặc sự phát triển của thai nhi, hãy trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra kỹ lưỡng.

Kết luận

Thai 27 tuần đang phát triển mạnh mẽ cả về thể chất lẫn các giác quan. Bé đã có những cú đạp rõ rệt, phản ứng với âm thanh và ánh sáng, và đang dần chuẩn bị cho giai đoạn cuối của thai kỳ. Cân nặng của bé cũng tăng lên đáng kể. Mỗi tuần trôi qua, bé ngày càng trưởng thành hơn để sẵn sàng chào đời.

Hãy luôn theo dõi sự phát triển của thai nhi qua các lần khám định kỳ và lắng nghe cơ thể mình để đảm bảo bé yêu phát triển khỏe mạnh. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về sự phát triển của thai nhi ở tuần 27, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Thai 27 Tuần