Thái Nguyên: Hơn 80% Số Hộ Dân Tộc Thiểu Số đã Tiếp Cận Internet

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp ngành cùng nhiều giải pháp đồng bộ, trong giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; huyện Võ Nhai đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 74 xã trong tổng số 113 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp gần 03 lần bình quân chung của cả nước cho vùng này); 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc trong giai đoạn vừa qua.

{keywords}
Nghi lễ trong cưới hỏi của người Tày, Thái Nguyên

Hồi giữa năm nay, Thái Nguyên đã công bố kết quả điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 593/QĐ-TCTK ngày 30/7/2018 của Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Theo đó, địa bàn vùng DTTS được định nghĩa là địa bàn điều tra có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên so với tổng dân số của địa bàn đó. Tính đến thời điểm 01/10/2019 tỉnh Thái Nguyên có 124 xã vùng DTTS và miền núi (hiện nay còn 110 xã). Số hộ DTTS là 130.917 hộ với tổng dân số là 384.348 người chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh.

Cả tỉnh có 556 trường học và 275 điểm trường vùng DTTS

Các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, chiếm 100%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Hầu hết các trạm y tế xã vùng DTTS được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố đạt tỷ lệ 100%, tăng 6,93% so với năm 2015.Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã theo chuẩn quốc gia giai đoạn đến 2020 đạt 96,3%, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015 (68,07%).

Tại các trạm y tế cấp xã vùng DTTS, hiện có 842 lãnh đạo, nhân viên y tế đang làm việc, trong đó có 129 bác sỹ. Phần lớn lãnh đạo, nhân viên tại các trạm y tế xã có trình độ y sỹ, y tá hoặc điều dưỡng viên, chiếm trên 80%.Có 97,7% thôn thuộc các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn, bản.

Cả tỉnh có 556 trường học và 275 điểm trường vùng DTTS, tương ứng tăng 38 trường và giảm 19 điểm trường so với năm 2015.Tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,4% (tăng 9% so với năm 2015), trong khi đó tỷ lệ điểm trường được xây dựng kiên cố mới chỉ đạt 48,7%.Tổng số giáo viên đang giảng dạy tại các trường và điểm trường vùng DTTS là gần 13.283 người; trong đó, 4.873 giáo viên là người DTTS (chiếm 36,6%), 4.074 giáo viên là nữ DTTS (chiếm 83,6%).

Tổng số km đường bộ từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện là 1.637 km.Phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ km được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê tông) đạt 99,1%.Trên 98% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, cao hơn 1,2 lần so với năm 2015 (79,9%).

Lao động là người DTTS chủ yếu làm việc theo nhóm nghề “Lao động giản đơn”

Tính đến thời điểm ngày 01/4/2019, dân số của 53 DTTS toàn tỉnh là trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% tổng dân số cả tỉnh. Sau 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2019, dân số của 53 DTTS đã tăng trên 82 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53DTTS là 2,41%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh (0,94%).

Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS là 13,13%. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống là 0,14%.

Tỷ lệ người DTTS tham gia lực lượng lao động là 83,4%. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam DTTS cao hơn nữ DTTS 1,9%.

Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ sơ cấp trở lên là 17,7%; lực lượng lao động là người DTTS không có chuyên môn nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao 82,3%. Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.

Trong tổng số người có việc làm, lao động là người DTTS làm việc theo nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 52,7% và chủ yếu là lao động giản đơn trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet của đồng bào vùng DTTS chiếm 80,2% tổng số hộ DTTS

{keywords}
Hát Then là một tài sản tinh thần quan trọng của bộ phận dân cư người Tày Thái Nguyên.

Gần như toàn bộ các hộ DTTS đã có nhà ở (đạt 91,2%). Trong các hộ có nhà ở, phần lớn các hộ DTTS đều sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ trọng 90,5%, thấp hơn 5,5 phần trăm so với mức bình quân chung của cả tỉnh thời điểm điều tra 1/4/2019 (95,8%).Cả tỉnh vẫn còn 9,5% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của các hộ DTTS là 21,4m2/người, thấp hơn 4,4m2/người so với mức bình quân chung của cả tỉnh thời điểm điều tra 1/4/2019 (25,8m2/người).

Có 99,9% hộ DTTS được tiếp cận với điện lưới quốc gia, tăng 1,1% so với năm 2015 (98,8%), còn lại là sử dụng nguồn điện khác (0,1%); tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh (hố xí tự hoại hoặc bán tự hoại) là 69,1%.

Ti vi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ DTTS chiếm74,3% hộ DTTS. Tỷ lệ hộ DTTS có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 97,9%. Tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet của đồng bào vùng DTTS chiếm 80,2% tổng số hộ DTTS. Các thiết bị phục vụ sinh hoạt cơ bản khác cũng được phần lớn hộ DTTS sử dụng. Trên toàn tỉnh hiện vẫn còn 19% hộ DTTS đang nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm hoặc sát cạnh nhà đang ở, cao nhất là huyện Phú Lương chiếm tỷ lệ 31,5% hộ DTTS toàn huyện.

Tỷ lệ số hộ DTTS được hỗ trợ tiền/vật chất trong năm 2018 trên toàn tỉnh là 19,4%, quy ra tiền là 45.761 triệu đồng, cùng với việc cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp các hộ DTTS có nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực để thoát nghèo.

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội của các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên năm 2019 làm cơ sở cho các ngành, địa phương tham khảo xây dựng, hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 - 2025.

Hồng Anh

Từ khóa » Tỉnh Thái Nguyên Có Bao Nhiêu Dân Tộc