Thâm Cung Nội Chiến: Nếu Sử Việt Lên Ngôi

Thâm cung bí sử :
Hình minh họa

Lịch sử Việt Nam không thiếu chuyện hậu cung tranh sủng thâm sâu ngàn lớp, độc kế trùng trùng, chẳng thua các chuyện được nhà làm phim Trung Quốc khai thác triệt để như Cung Tâm Kế, Chân Hoàn Truyện hay gần đây là Võ Mị Nương Truyền Kỳ. Chẳng qua, vì nền phim ảnh truyền hình nước ta còn yếu mỏng, nên đa phần khán giả trẻ chỉ nghe sơ sài về án oan Lệ Chi Viên, Thái hậu Dương Vân Nga, hay cuộc đời truân chuyên của Hoàng hậu Nam Phương. Chính sử Việt Nam còn dày và truyền cảm hứng nhiều hơn thế!

#1: Lưỡng triều Thái hậu Dương Vân Nga

Nhiều sử gia cho rằng Dương Vân Nga là người nữ nhân đẹp nhất thời kỳ phong kiến Việt Nam. Gương mặt bà bầu bĩnh như khuôn trăng song vẫn có nét thanh tú, cao sang như áng mây bồng bềnh. Bà là Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, có với vua ba con trai, một con gái. Nhưng sau khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, là một thái hậu “thức thời”, bà đã gá nghĩa kết hôn với Lê Đại Hành để tìm chỗ dựa cho triều đình trong lúc giặc ngoại xâm đang hăm he xâu xé. Vì vậy, Dương Vân Nga trở thành Hoàng hậu đầu tiên của triều Tiền Lê, là người phụ nữ đầu tiên của sử Việt trở thành Hoàng hậu của hai vị hoàng đế hùng mạnh, mưu lược.

Thâm cung bí sử :
Hình minh họa

#2: Nguyên phi Ỷ Lan từ thôn nữ thành Thái hậu hai lần buông rèm nhiếp chính

Nguyên phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, được vua tuyển nhập cung trong một lần vua về viếng thăm chùa Dâu và bắt gặp nàng. Khi ấy, dân làng ai cũng nô nức ra xem thánh giá, chỉ có một cô thôn nữ nhan sắc thanh tú vẫn tiếp tục hái dâu, hờ hững như không. Thấy thế, vua vời đến hỏi thì biết nàng xuất thân nghèo khó nên dặn bản thân phải chăm làm, không muốn xem lễ hội. Tuy nhiên, đời sau nhiều người lại bảo đấy là “chiêu thức” của nàng Nguyên Phi đặng khiến bản thân nổi bật gây chú ý. Sau khi vua chồng mất, là mẹ đẻ của vua con lại là người tinh thông chính trị, Nguyên Phi Ỷ Lan hai lần buông rèm nhiếp chính, giúp đem lại một thời thái bình thịnh trị. Nhưng chính sử vẫn luận tội Ỷ Lan ngầm hãm hại Dương Thái Hậu vốn là vợ chính của vua chồng, sai khiến vua con đày Dương Hậu vào lãnh cung rồi xử chết cùng 72 cung nữ để bản thân được thỏa mộng quyền lực.

Thâm cung bí sử :
Hình minh họa

#3:  Lý Chiêu Thánh & Lý Thuận Thiên – tình em duyên chị

Lý Chiêu Thánh và Lý Thuận Thiên là hai công chúa cuối cùng của nhà Lý, con gái Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi Lý Huệ Tông băng hà, truyền ngôi lại cho con gái thứ là Chiêu Thánh trở thành Nữ hoàng (duy nhất của lịch sử Việt Nam). Thái hậu Trần Thị Dung cấu kết cùng Thái sư Trần Thủ Độ gả Nữ hoàng Chiêu Thánh cho cháu mình là Trần Cảnh, rồi năm sau ép Chiêu Thánh nhường ngôi cho chồng – vương triều Lý chính thức khép lại, mở ra triều nhà Trần. Trần Cảnh lên ngôi thành Trần Thái Tông, lập Chiêu Thánh thành Hoàng hậu. Câu chuyện không dừng ở đó. Chị của Chiêu Thánh là Công chúa Thuận Thiên vốn được gả cho anh trai của Trần Cảnh là Trần Liễu từ năm 6, 7 tuổi. Nhưng Chiêu Thánh mười năm trong cung không có con khiến Thái sư Trần Thủ Độ và Công chúa Trần Thị Dung lo lắng không có hậu duệ nương tựa nên đã bày kế ép Thuận Thiên đang mang thai phải bỏ anh lấy em, vào cung thành Hoàng hậu mới của Trần Cảnh để sinh ra thừa tự. Hoàng hậu Chiêu Thánh bị phế và biếm khỏi cung, phải lên chùa tu một thời gian. Có tích nói ở tuổi 40, bà bị triều đình đem gả làm món quà cho một danh tướng có công là Lê Phụ Trần.

Thâm cung bí sử :
Hình minh họa

#4: Lê Thái Tông & Tam cung tranh sủng

Lê Thái Tông có năm người vợ nổi bật là Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao. Sủng phi Dương Thị Bí xinh đẹp sinh được hoàng tử trưởng Lê Nghi Dân nên địa vị trong cung rất cao, được vua nhất mực yêu chiều. Được sủng ái sinh cao ngạo, Dương Thị tỏ thái độ với cả vua chồng khiến bản thân bị chán ghét, phế xuống thành Chiêu nghi. Thái Tông lập Nguyễn Thị Anh là mẹ của Hoàng tử Lê Bang Cơ làm Hoàng hậu. Nhưng rồi, lại có dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh vào cung chỉ sáu tháng đã sinh con nên Bang Cơ không phải cốt nhục hoàng gia, cùng lúc ấy Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao cũng sinh con trai. Nguyễn Thị Anh sợ Ngô Tiệp dư sẽ tranh sủng tranh quyền, nên đã sát hại vua Thái Tông rồi đổ cho vợ chồng Nguyễn Trãi, thành án oan Lệ Chi Viên nổi tiếng đời đời mà vẫn nhiều uẩn khúc chưa thể kết luận.

Thâm cung bí sử :
Nam Phương Hoàng Hậu

Chính sử Việt Nam thời phong kiến còn rất nhiều những câu chuyện ly kỳ được sách vở truyền tụng và nhân dân nhiều đời thêu dệt, như hai Công chúa Đông Đô thành Hoàng hậu Phú Xuân (Lê Ngọc Hân và Lê Ngọc Bình), Công chúa Ngọc Vạn và hành trình trở thành Vương hậu Chân Lạp, Công chúa Huyền Trân cắt duyên đầu chấp nhận gả xa để mở mang bờ cõi… Hy vọng, những nhà làm phim Việt và các thế hệ đạo diễn trẻ có thể tìm về lịch sử nước nhà mà xây dựng những bộ phim hoành tráng, vừa là mồi nhử cho lớp trẻ tìm tòi lịch sử, vừa có thể đem sử Việt đi khuấy động châu Á như các bộ phim Trung, Hàn đang làm.

LANA (lanasomething) Bài viết gốc có tiêu đề : Thâm cung nội chiến: Nếu sử Việt lên ngôi .

Từ khóa » Truyện Thâm Cung Bí Sử Việt Nam