Tham Nhũng Là Gì? Có Bao Nhiêu Tội Phạm Về Tham Nhũng?

Mục lục bài viết

Toggle
  • Khái niệm tham nhũng
  • Tham ô là gì?
  • Có bao nhiêu tội phạm về tham nhũng? 
  • Những hành vi nào bị coi là tham nhũng?
  • Ví dụ về tội phạm tham nhũng
  • Trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng?

Khái niệm tham nhũng

Tham nhũng là tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự, tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Tham ô là gì?

Tham ô là hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân của người có chức vụ, quyền hạn thành tài sản riêng của mình.

Tham ô tài sản là một trong những hành vi rất phổ biến hiện nay trong xã hội, người tham ô thường lợi dụng chức vụ hoặc quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là một trong số các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước thực hiện.

Có bao nhiêu tội phạm về tham nhũng? 

Căn cứ Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015  quy định các tội phạm về tham nhũng gồm:

1. Tội tham ô tài sản (Điều 253);

2. Tội nhận hối lộ (Điều 354);

3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355);

4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356);

5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357);

6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358);

7. Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).

Căn cứ vào các quy định trên, có 07 tội phạm về tham nhũng.

Những hành vi nào bị coi là tham nhũng?

Căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng gồm:

– Tham ô tài sản;

– Nhận hối lộ;

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

– Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

– Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

– Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

– Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Ví dụ về tội phạm tham nhũng

Sau đây là một số vụ án tham nhũng lớn tại Việt Nam:

– Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

– Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land.

– Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”,“Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương.

– Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương – Ocean Bank.

– Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB.

Trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng?

Căn cứ Điều 92, 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự  về hành vi có liên quan đến tham nhũng như sau:

Thứ nhất: Người có hành vi tham nhũng: tức là người có một trong các hành vi như tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản,… (thực hiện các hành vi quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng);

Thứ hai: Người có một trong các hành vi:

+ Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;

+ Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử;

+ Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;

+ Vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn;

+ Vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;

+ Vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

+ Vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Người có hành vi tham nhũng bị xử lý như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về xử lý đối với người có hành vi tham nhũng như sau:

Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.“

Như vậy tùy vào mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, người có hành vi tham nhũng có thể bị xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN 19006557 để được tư vấn.

Từ khóa » Những Hành Vi Tham Nhũng