Thần Cao Sơn Cao Các ở Nghệ An - Dòng HÙNG VIỆT

Bách Việt trùng cửu – nguồn http://báchviệt18.vn/

Đền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An, thờ Cao Sơn Cao Các.

Cao Sơn Cao Các là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của đất Nghệ An. Theo sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên thì chỉ riêng ở huyện Hưng Nguyên trong 109 xã, thôn ở đây có trên dưới 40 xã thôn thờ Cao Sơn Cao Các. Tác giả Ninh Viết Giao đã trích dẫn bản khai thần tích của xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lộc (nay thuộc các phường Nghi Thu, Nghi Hương  – thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thạch – huyện Nghi Lộc) của cử nhân Hoàng Thúc Lang vào đời Minh Mệnh như sau: “Nay phụng sát những nơi thờ Cao Sơn Cao Các là 335 nơi, trong đó đã phong thần là 322 nơi, chưa phong là 113 nơi.” Là một vị thần được thờ phổ biến như vậy ở Nghệ An nhưng Cao Sơn Cao Các là ai, là 2 hay 1 nhân vật thì còn chưa rõ.

Bản dịch sắc phong Cao Sơn Cao Các ở đền Ngọc Điền.

Theo tài liệu Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của giáo sư Ninh Viết Giao thì thần tích vị thần này ở đền Ngọc Điền tại thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An như sau: Thần Cao Sơn, tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sỹ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư. Khi vùng biên giới nhà Tống có loạn quấy phá, Cao Hiển nhanh chóng dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn, được nhân dân tín phục. Nhờ công lao to lớn đó, Cao Hiển được vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng. Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam. Đời sống của nhân dân nước ta còn nhiều khó khăn, nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của cư dân Đại Việt. Một mặt xin vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam tìm cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân được ổn định. Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ. Cuốn sách chữ Hán Bách thần sự tích, tài liệu chép tay, không rõ tác giả, hiện lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, chép như sau: “Cao Sơn Cao Các Đại vương, Thượng đẳng thần, có 30 miếu thờ. Miếu thờ chính ở xã Đông Tháp, huyện Đông Thành. Nguyên là người nước Bắc, họ Cao tên Hiển, tiến sỹ Triều Minh, sang nước ta làm Án sát sứ… Sau khi mất hiển hiện linh ứng, dân xã lập đền thờ…“.

Đền Cao Sơn ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Cố PGS. Ninh Viết Giao cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam đã tra cứu thư tịch Trung Quốc, thấy rằng không có tiến sỹ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ. Những thông tin về thần Cao Sơn ở các nơi này không khớp nhau, nhiều dị bản như PGS Ninh Viết Giao đã nhận xét. Lúc thì là vị Án sát sứ thời Minh, lúc lại là thời Tống. Thời Minh chẳng có vị quan đứng đầu khu vực nước ta nào mang họ Cao cả. Còn thời Tống thì càng không, vì lúc đó nước Đại Việt đã độc lập, làm gì còn có “An Nam quốc vương” nào của nhà Tống ở đây nữa. Những thông tin thần Cao Sơn có tên Cao Hiển, người ở Bảo Sơn Trung Quốc, đỗ cao rồi sang nước ta làm quan phụ chính, rất trùng khớp với sự tích của Cao Sơn đại vương ở khu vực Hà Hồi (Thường Tìn, Hà Nội). Vị Cao Sơn này như đã nhận định, không phải thời Minh hay thời Tống, mà chính là tướng Cao Biền thời Đường. Cao Biền người phương Bắc, từng đỗ đạt và làm quan to dưới thời Đường. Cao Biền được cử sang nước ta trấn thủ An Nam để dẹp loạn Nam Chiếu. Sau khi đánh Nam Chiếu thắng lợi, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân và Cao Biền nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ đầu tiên. Về thần Cao Các ở nhiều nơi chép cùng là một vị với thần Cao Sơn. Theo Ngọc phả đại vương tôn vị trung thần triều đình của đền Ngọc Điền: Tại làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô, có ông đồ Cao Trạch, người hiền lành, phúc hậu, lấy bà Lê Thị Điểm… sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Cao Các. Lớn lên Cao Các thông minh hơn người thường. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông rời làng đi tìm minh chúa. Khi gặp được Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người. Hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Với tài trí và mưu lược của mình, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt dẹp loạn, thu phục các sứ quân. Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy đây là vùng non nước hữu tình ông bèn cho quân sỹ lập quân cư. Ba năm sau, chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp nước Đại Việt. Vua Đinh triệu Cao Các về triều giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược của mình, Cao Các cầm quân xông pha trận mạc, khiến vua Chiêm đại bại, phải trốn về nước. Sau trận đại thắng quân Chiêm, vua Đinh muốn giữ ông lại triều đình nhưng Cao Các xin được ở lại An Ninh. Ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà. Vua Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ ông. Đoạn thần tích trên cũng là cách kể khác của chuyện Cao Biền mà thôi. Đinh Bộ Lĩnh không hề có lúc nào đánh nhau với quân Chiêm Thành hay Xạ Đẩu cả. Chỉ cần thay nhà Đinh ở đây bằng nhà Đường thì chuyện của Cao Các sẽ hoàn toàn khớp với công nghiệp của Cao Biền. Cao Biền dẹp quân Nam Chiếu chính là dẹp quân Chiêm Thành vì Nam Chiếu lúc này là khu vực Trung Bộ nước ta.

Bình phong ở đền thờ Cao Sơn tại Công Thành, Yên Thành.

Sự tôn thờ Cao Biền ở Nghệ An là do ông ta đã có công khai thông đường thủy ở khu vực Diễn Châu khi làm kênh Thiên Uy hay Kênh Sắt (Thiết Cảng) tại đây. Ở đây vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Cao Biền soạn. Thần tích đền Ngọc Điền còn cho một thông tin: Vào thời Cảnh Hưng có nạn Hồng Thủy, đất nước lụt lội, đồng ruộng ngập sâu, nạn sâu keo phá hoại mùa màng khắp nơi, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn Cao Các phù hộ. Quả nhiên linh ứng, diệt được sâu keo. Từ đó nhân dân rước bài vị Cao Sơn Cao Các về lập đền miếu ở nhiều nơi để thờ phụng và hương hỏa quanh năm. Cảnh Hưng cũng là niên hiệu dựng tấm bia Cao Sơn đại vương tại đền Kim Liên, Hà Nội. Có thể thấy tục thờ Cao Sơn (Cao Biền) một cách rộng rãi bắt đầu từ thời gian này. Tới nay những khu vực thờ Cao Sơn (Cao Biền) có thể tóm tắt như sau:

Kinh thành Thăng Long: Cao Sơn đại vương được tôn làm thần Trấn Nam kinh thành, đền chính là đền Kim Liên vì Cao Biền là người đã khởi dựng thành Đại La.

Khu vực Thường Tín: với hội 7 làng của tổng Hà Hồi thờ Cao Sơn đại vương, đến chính ở Phương Quế, là nơi Cao Biền lập trang ấp, công đức cho nhân dân.

Ninh Bình: Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn. Đây là nơi ông lập gia đình (lấy vợ) ở Phụng Hóa (Nho Quan).

Nghệ An: với thành tích khai thông kênh Sắt và đánh quân Nam Chiếu (Chiêm Thành) Cao Biền được tôn thờ rộng rãi dưới tên Cao Sơn Cao Các.

Những nơi khác ở miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình đều có các nơi thờ Cao Sơn – Cao Biền.

Câu đối ở đình Kim Lan (GIa Lâm, Hà Nội) đã khái quát công nghiệp của Cao Sơn – Cao Biền như sau: 討南詔築大羅城開天威浜留玉几 勸農丧傳甄陶藝安民濟世祐金閶 Thảo Nam Chiếu trúc Đại La thành, khai Thiên Uy banh lưu ngọc kỷ Khuyến nông tang truyền chân đào nghệ, an dân tế thế hữu kim xương. Dịch: Dẹp Nam Chiếu đắp Đại La thành, khơi kênh Thiên Uy, công nghiệp còn lưu ghế ngọc Khuyến nông tang truyền nghề làm gốm, yên dân giúp thế, ân đức mãi ghi hộp vàng.

Tượng Cao Sơn Cao Các ở đền Xuân Hòa, Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An.

Hiện có một số tác giả cho rằng nước ta khởi đầu độc lập bắt đầu từ khi Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ ở Long thành. Nhưng nếu vậy, so ra người làm Tiết độ sứ đầu tiên ở nước ta là Cao Vương Biền, cũng là người đầu tiên xây thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội), đồng thời có hàng loạt công nghiệp lập quốc khác như đánh giặc Nam Chiếu, khuyến khích nghề tằm tang, canh nông, nghề gốm sứ, khai thông kênh Thiên Uy… Cao Biền mới thực sự là người gây dựng nền độc lập đầu tiên của nước Nam trên đất Tĩnh Hải.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » đền Cao Sơn