THẦN (KAMI): SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC VỊ THẦN BẢN ĐỊA Ở ...

God ≠ Kami

Khi từ tiếng Anh God được dịch sang tiếng Nhật, nó thường được viết bằng chữ Kanji (Hán tự) và được phát âm là Kami. Tuy nhiên, để tránh sự nhầm lẫn thì nên cho rằng God, Kami là ba khái niệm riêng biệt.

God là đấng tối cao trong thuyết độc thần và thường được viết hoa để chỉ ra đây là vị thần duy nhất và phân biệt với rất nhiều vị thần khác trong thuyết đa thần.

Chữ Kanji trong tiếng Nhật bị ảnh hưởng bởi nghĩa tiếng Hán. Các từ thông thường trong cả hai ngôn ngữ sử dụng chữ này như精神 (seishin) nghĩa là “linh hồn” hoặc “ý nghĩ” và神経 (shinkei) nghĩa là “can đảm” đều liên quan đến các năng lực trí tuệ của con người. Chữ trong tiếng Hán phát âm là shen mang một số đặc trưng thần thánh, nhưng chúng rõ ràng lại thuộc tầng lớp thấp và địa vị còn thấp hơn cả những vị thần có quyền năng tối cao trong thuyết thần học của Trung Quốc, được gọi là - tian (ông trời) hoặc 上帝 - shangdi (thượng đế) trong tiếng Trung Quốc.

Kami trong tiếng Nhật thường được coi là những hiện tượng tự nhiên được nhân cách hóa. Chúng bao gồm thần (kami) trong Cổ sự ký (Kojiki) và Nhật Bản thư kỷ (Nihon shoki), là những tác phẩm cổ đại về thần thoại và lịch sự của Nhật Bản, thần (kami) được thờ cúng trong các đền thờ, là tất cả mọi vật sở hữu năng lực siêu nhiên, bao gồm mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, biển, những tảng đá lớn và cây cối, và thậm chí động thực vật nhỏ và con người. Đây là cách định nghĩa về thần (kami) của Motoori Norinaga, học giả kinh điển của Nhật Bản thế kỷ 18. Theo Motoori, bất cứ thứ gì gây ấn tượng kinh động và cảm giác kính sợ đều là thần (kami).

Đối với những người Nhật tin vào thần, quốc gia của họ có cảnh quan thiên nhiên tráng lệ có thể thấy thần (kami)  ở bất cứ nơi nào, và tóm lại đây là một đất nước của thần (kami no kuni). Nếu cụm từ này dịch sang tiếng Anh là “God’s country”, nó có thể bị hiểu nhầm đây là cách biểu đạt cuồng tín về đến chủ nghĩa dân tộc, nhưng đây không phải là ý nghĩa thực sự của cụm từ.

Tín ngưỡng hỗn hợp

Tín ngưỡng truyền thống của Nhật Bản dựa vào việc thờ cúng thần (kami) được gọi Thần đạo (Shintō). Không có ghi chép nào thể hiện Thần đạo (Shintō) như thế nào ở thời cổ đại, và có nhiều chi tiết không rõ ràng. Chúng ta thậm chí không thể nói là có một tập hợp tín ngưỡng và nghi lễ được hợp nhất một cách thích đáng mà chúng ta gọi là Thần đạo (Shintō). Có thể tôn giáo bắt nguồn từ sự hỗn hợp các nhân tố khác nhau, bao gồm:

  • Sự thờ phụng tự nhiên của những người săn bắn và hái lượm trong thời kỳ Jōmon (khoảng năm 15,000 TCN đến năm 300 TCN)
  • Sự thờ cúng tượng đất sét như là biểu tượng của đất đai màu mỡ và Saman giáo được du nhập từ bán đảo Hàn Quốc trong thời kỳ Yayoi khi họ bắt đầu trồng lúa nước (năm 300 TCN đến năm 250 SCN)
  • Nhiều vũ khí bằng đồng, gương nhập khẩu từ Trung Quốc và được sử dụng bởi các thủ lĩnh trong các lễ hội và các nghi lễ ma thuật.
  • Ảnh hưởng của bói toán, thiên văn học, nghiên cứu lịch và tư tưởng của người Trung Quốc liên quan tới các nhân vật siêu nhiên trong truyền thuyết gọi là những vị thần bất tử (shinsen) đối các lễ hội và nghi lễ ma chay của vua chúa.
  • Sự thờ phụng các vị thần gia đình và việc xây dựng các đền thờ bởi người dân địa phương.

Người Nhật bắt đầu coi những nhân tố này là Thần đạo (Shintō) sau khi Phật giáo được truyền bá tới Nhật và họ so sánh tôn giáo mới với các tôn giáo truyền thống.

Sự khác biệt giữa thần (kami) và Phật

Phật giáo được Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (sinh vào thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 trước công nguyên) sáng lập ở Ấn Độ và có một số lượng lớn kinh điển và những giáo lý khó hiểu. Trước khi du nhập vào Nhật Bản, Phật giáo đã được truyền bá vào Trung Quốc, ở đó kinh văn được dịch sang tiếng Hán, luật dòng tu tôn giáo được thành lập và truyền bá theo cách của người Trung Quốc. Người Nhật trình bày khái niệm thần (kami) bằng cách đối chiếu với Phật về việc truyền bá tín ngưỡng. Thần (kami) và Phật chủ yếu khác biệt ở chỗ:

  • Phật là những người khi còn sống đã đạt được giác ngộ (satori). Khi chư Phật viên tịch, họ thoát khỏi luân hồi và không còn tồn tại nữa. Trong khi đó, thần (kami) lại là những nhóm sinh vật chứ không phải là người thường, nhưng có một số thần (kami) là tổ tiên của con người, có thể sống và chết.
  • Chư Phật là đàn ông, và họ không cưới vợ. Thần (kami) có thể là phụ nữ hoặc đàn ông, và một số thần (kami) có thể kết hôn.
  • Tín đồ Phật giáo vẽ tranh và điêu khắc tượng về các vị Phật và cất giữ chúng trong các ngôi đền, nhưng các vị Phật không sống trong các ngôi đền. Tín đồ Thần đạo (Shintō) không điêu khắc tượng về thần (kami). Những vật mà thần (kami) trú ngụ được gọi là yorishiro và được đặt trong các đền thờ, nhưng thần (kami) không sống trong các đền thờ.

Cùng với các hình thức văn hóa Trung Quốc tiến bộ khác như hệ thống Luật lệnh (ritsuryō) về chính quyền tập trung, thiên văn học, nghiên cứu lịch, y học và kiến trúc, Phật giáo là công cụ mà tầng lớp thống trị sử dụng để bảo vệ quyền lực và uy tín của mình. Cùng với sự truyền bá một tập hợp tín ngưỡng mới, Phật giáo và Thần đạo (Shintō) bắt đầu chiếm lĩnh những lĩnh vực khác nhau trong đời sống tôn giáo của người Nhật.

Cải tổ Thần đạo (Shintō), sự quyến rũ của Phật giáo

Người ta cho rằng vương quốc Yamato bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, nay là vùng Kansai. Đây là một liên minh các thị tộc mà ở đó chỉ có thị tộc tin tưởng họ là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời (Amaterasu) mới có quyền thực hiện các nghi lễ. Các thị tộc khác tôn sùng các vị thần (kami) khác là tổ tiên của mình — ví dụ, những người ở Izumo tôn kính Đại Quốc Chủ (Ōkuninushi). Những thần thoại về sự chung sống hài hòa giữa các thần (kami) của các thị tộc khác nhau khuyến khích liên minh hình thành.

Nhật bản thư kỷ (Nihon shoki) và Cổ sự ký (Kojiki) được biên soạn vào thế kỷ thứ 8. Các tài liệu sưu tập về truyền thuyết và lịch sử đã ảnh hưởng đến việc xác định Nữ thần Mặt trời (Amaterasu) là vị thần (kami) quan trọng nhất và các thiên hoàng là hậu duệ của bà, và họ là người duy nhất có quyền thực hiện các nghi lễ và thống trị đất nước. Vì vậy, tất cả các thế lực khác ngoài hoàng thất ra mất những quyền lợi này. Tuy nhiên, triều đình Yamato không bài trừ các vị thần (kami) khác và không thành lập tôn giáo độc thần như người Do Thái khi tuyên bố Giê-hô-va (Thượng đế / Đức Chúa Trời) là vị thần có thật. Thay vì vậy, triều đình Yamato đưa cho các vị thần (kami) địa vị dưới Nữ thần Mặt trời (Amaterasu), cùng với sự hợp tác giữa các thần (kami) nhằm tăng cường hợp tác giữa các thế lực khác nhau.

Trong bối cảnh đó, đáng chú ý là chư Phật hoàn toàn tách ra khỏi chư thần (kami), nghĩa là địa vị của họ không thấp hơn Nữ thần Mặt trời (Amaterasu). Ngoại trừ Thiên hoàng là người duy nhất có quyền trong nghi lễ và có quyền lực độc tài, các thế lực khác đi theo cải tổ Thần đạo (Shintō) tự nguyện gia nhập Phật giáo. Những thế lực này tập trung ở trong và xung quanh tỉnh Yamato, nay là tỉnh Nara, và thông qua sự thừa kế chức quan trong triều đình và thái ấp tư nhân (shōen), các thế lực này đã trở thành quý tộc. Hầu hết bọn họ tôn sùng Phật giáo, xây dựng đền, và hi vọng có thể sống lại tại nơi Tây phương cực lạc. Tư tưởng sống lại thành Phật sau khi chết là một tư tưởng mới và khá khác biệt so với giáo lý của Thần đạo (Shintō). Ngược lại, đối với những người nông dân làm việc trong các điền trang thuộc sở hữu của quý tộc, chùa và đền thờ, họ thường tín ngưỡng thần (kami) địa phương hơn là Phật giáo.

Những quan niệm khác nhau về sự sống và cái chết

Người Nhật định nghĩa thế nào về thế giới bên kia? Một số người tin rằng linh hồn họ sẽ quay về núi rừng. Những người khác lại cho rằng họ sẽ đến Hoàng Tuyền ở dưới lòng đất (Yomi) hoặc vượt qua biển đến thiên đường (Tokoyo). Có một niềm tin mơ hồ về sự dơ bẩn (kegare) gắn liền với cái chết và người chết phải đi xa khỏi nơi con người sống.

Thiên hoàng thờ phụng Nữ thần Mặt trời (Amaterasu), các vị thần (kami) khác và tổ tiên của mình. Các nghi lễ tôn giáo của triều đình dựa theo hình mẫu Trung Quốc, nhưng việc thờ phụng các vị tổ tiên đã qua đời ở Nhật lại là độc nhất vô nhị. Người ta tin rằng những Thiên hoàng đã qua đời trở thành thần (kami) sau khi sự dơ bẩn của họ được tinh khiết tại vùng đất xa xôi.

Ngược lại, Phật giáo nguyên thủy cho rằng con người tu hành khổ hạnh để nhập Niết bàn, hoặc đạt được giác hành viên mãn khi họ trải qua luân hồi. Khi người chết mà không nhập Niết bàn, họ sẽ nhanh chóng được tái sinh với một cơ thể mới và sống lại, không có vùng đất dành cho người chết và không có linh hồn bất diệt. Nói cách khác, Phật giáo nguyên thủy và Thần đạo (Shintō) có quan niệm hoàn toàn khác nhau về cái chết.

Quan niệm về sự đầu thai không được chấp nhận khi Phật giáo được truyền bá đến Nhật Bản. Thay vì vậy, tín ngưỡng của người Trung Quốc về người chết trở thành quỷ và sống ở âm phủ du nhập vào Nhật Bản thông qua Đạo giáo, Phật giáo và dần dần được truyền bá rộng rãi. Phật giáo trở nên phổ quát bằng cách làm cho Phật giáo trở nên phù hợp với hình thức mà người Nhật có thể dễ dàng tiếp nhận nhất.

Hashizume Daisaburō

Nguồn: “Kami”: The Evolution of Japan’s Native Gods

http://www.nippon.com/en/in-depth/a02902/

Người dịch: Trương Phan Thanh Thủy, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Từ khóa » Thần Lửa Tiếng Nhật