[Thần Thoại 101] DIONYSUS | This Is Mer
Có thể bạn quan tâm
[Thần thoại 101] DIONYSUS
Các Vị Thần Tiệc Tùng Quẩy Tới Bến
Dionysus là vị thần của rượu vang và những cuộc chén chú chén anh. Là vị thần tối thượng của tiệc tùng, thần luôn sẵn sàng để quẩy tới bến, và thần cũng muốn đảm bảo rằng tất cả những ai tham dự cùng mình cũng được vui quên trời quên đất như thế. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Dionysus là một vị thần nổi tiếng trong cả thần thoại lẫn việc phụng thờ.
VỊ THẦN ĐƯỢC SINH RA HAI LẦN
Những dị bản thần thoại khác nhau kể những câu chuyện khác nhau về sự ra đời của Dionysus. Cả hai phiên bản đều nhắc đến Zeus với tư cách là cha của Dionysus, đồng thời cũng nhấn vào cơn ghen của Hera, song mẹ của đứa trẻ và tình huống chào đời của đứa bé lại không giống nhau.
Câu Chuyện Thứ Nhất
Suốt những vụ lăng nhăng của mình, Zeus đã quyến rũ Semele dưới lốt một người đàn ông phàm trần, mặc dù ngài đã nói cho nàng biết thực ra ngài là chúa tể của các vị thần. Hera đã soi cuộc tình này và uống dấm đến no cả bụng. Nữ thần tự biến mình thành một bà lão người phàm và tìm được Semele lúc này đang mang thai, cuối cùng giành được lòng tin của người phụ nữ ấy. Khi Semele thổ lộ tâm tình rằng Zeus chính là cha đứa trẻ, Hera đã khiến nàng nghi ngờ, liệu người tình của nàng có nói thật với nàng chăng?
Để tìm ra danh tính thực sự của người tình, Semele đề nghị ngài ban cho nàng một điều ước. Vẫn đang trong cơn mê đắm người phụ nữ trẻ, Zeus hứa hẹn sẽ cho nàng bất cứ điều gì nàng muốn, và Semele yêu cầu ngài hiện chân thân trước mặt nàng. Zeus biết rằng bất cứ phàm nhân nào nhìn thấy chân thân của ngài đều sẽ chết, và ngài cầu xin nàng hãy thay đổi ý định. Semele từ chối, và ngài chẳng có cách nào khác ngoài việc chiều theo mong muốn của nàng. Khi Zeus hiện chân thân chói lòa sấm sét, Semele cháy rụi ra tro.
Zeus gọi Hermes đến để cứu lấy đứa trẻ chưa ra đời của ngài. Hermes tách đứa bé ra khỏi người mẹ trong lúc Zeus rạch một đường trên bắp đùi của ngài. Hermes đặt đứa trẻ vào bên trong vết thương của Zeus và khâu nó lại. Ba tháng sau, Dionysus chào đời.
Câu Chuyện Thứ Hai
Trong phiên bản này, Zeus vẫn là cha của Dionysus, nhưng Persephone mới là người mẹ. Zeus, do ham muốn Persephone, đã biến hình thành một con rắn và cặp với nàng. Từ sự phối kết này, Zagreus được sinh ra. Đứa bé trai sơ sinh có sừng trên đầu và mang một vương miện được kết từ những con rắn khi đến với thế giới này.
Hera rất ghét đứa con ngoài giá thú của Zeus và muốn hủy diệt nó. Nữ thần bắt cóc đứa trẻ và quẳng nó cho các Titans, bảo họ rằng hãy giết nó đi. Trong một số câu chuyện kể, Zagreus đã chạy trốn các Titans, và trên đường trốn chạy, cậu đã biến thành nhiều loài động vật khác nhau. Tuy nhiên, kết cục là các Titans vẫn xé Zagreus ra thành nhiều mảnh. Họ nấu chín và thưởng thức Zagreus – tất cả các bộ phận, trừ trái tim.
Athena đã nhúng tay can thiệp – nàng trộm trái tim và đưa nó lại cho Zeus. Zeus đưa trái tim ấy cho Semele và ra lệnh cho nàng phải ăn hết. Nàng đã làm theo lệnh và đã mang thai đứa trẻ với trái tim mà mình đã thưởng thức. Khi đứa trẻ được sinh ra lần thứ hai, nó được đặt tên là Dionysus.
(Phiên bản kinh dị ~ Xét từ việc Persephone là con gái của Zeus, cháu gái kiêm vợ của Hades, ông em trai chung thủy và ít điều tiếng nhất trong bộ ba anh em đứng đầu ba cõi, Zeus mà động đến Persephone thì khẩu vị cũng mặn quá mức rồi ~ ND.)
DIONYSUS HÓA ĐIÊN
Mặc dù Hera không ngăn cản nổi việc Dionysus được sinh ra, nàng vẫn kiên quyết tìm cách trả đũa thói trăng hoa của ông chồng. Tuy nhiên, Zeus biết tỏng tính vợ, thế nên đã đề phòng đủ mọi đường để bảo vệ cậu con trai. Ngay khi Dionysus chào dời, ngài đã đặt đứa trẻ dưới sự chăm sóc của Ino (chị gái Semele) và chồng của Ino, Athamas, vua xứ Orchomenus.
Để che giấu Dionysus trước cặp mắt cú vọ của Hera, cặp đôi đã cho Dionysus ăn vận như một bé gái. Tuy nhiên, sau rốt, Hera đã nhìn thấu trò giả trang ấy và ra tay trừng phạt cặp đôi. Nàng làm cho Ino và Athamas phát điên, khiến họ ra tay giết chết các con trai của mình.
Trước khi Hera có thể tấn công Dionysus, Zeus một lần nữa giải cứu cậu. Ngài biến Dionyus thành một con dê non và ra lệnh cho Hermes đưa cậu tới Đỉnh Nysa, đặt cậu dưới sự chăm sóc của mấy nàng nymph (nữ thần sông) sinh sống nơi đây. Được che giấu cẩn thận, Dionysus đã lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh.
Thời gian trôi đi, và rồi Dionysus đã được biến trở lại nguyên hình. Hera vẫn không ngừng tìm kiếm cậu, và khi phát hiện ra Dionysus trẻ tuổi, nàng đã khiến cho cậu hóa điên. Suốt nhiều năm trời, Dionysus điên loạn sống lang bạt giữa nhân gian. Những cuộc hành trình vô mục đích đã dẫn cậu đến Phrygia, nơi cậu được nữ thần đất Cybele (thường được biết đến dưới cái tên Rhea) giữ lại. Cybele giải nguyền cho Dionysus và bắt đầu hướng cậu đến với tôn giáo thờ phụng bà. Dionysus ở lại với Cybele một thời gian, học hỏi các nghi lễ và thực hành từ bà. Chẳng bao lâu sau, chính Dionysus đã tự xây dựng một giáo phái mới của riêng mình, trong đó sử dụng các nguyên lý từ Cybele làm nền tảng.
CÁC NGHI THỨC THỜ PHỤNG DIONYSUS
Các nghi thức tôn giáo thờ phụng Dionysus có sự khác biệt đáng kể so với cá nghi thức tôn vinh các vị thần khác trên đỉnh Olympus. Các nghi thức truyền thống tôn vinh các vị nam thần và nữ thần được tổ chức trong các đền thờ, được thiết kế đặc biệt để phục vụ cho mục đích thiêng liêng. Dionysus lang bạt trong nhân gian, vì vậy các giáo đồ tế lễ thần ở trong rừng. Trong các lễ hội tôn vinh Dionysus, những người phụng thờ Dionysus trở thành nhất thể với thần.
Trong những chuyến đi của mình, Dionysus thường đồng hành cùng các Maenad, loài hoa dại với cái tên có nghĩa là “những người phụ nữ điên rồ” (madwomen). Các Maenad đem theo một cây trượng Thyrus, biểu tượng của Dionysus, và khích lệ người ta tham gia vào giáo phái của Dionysus và tham dự vào các nghi thức tế lễ thần. Mặc dù ai cũng được mời, song phụ nữ mới là lực lượng hăng hái tham dự các mùa lễ hội Dionysus nhất.
Thyrus Là Gì?
Một cây trượng Thyrus là một cây sào hoặc gậy dài được bao phủ bởi dây nho hoặc dây thường xuân, được tô điểm bởi những trái nho hoặc những loài quả mọng khác, và trên ngọn được gắn một quả thông. Nó là biểu tượng của sự màu mỡ và là một vật thiêng trong các nghi thức thờ phụng Dionysus.
Dionysus là thần rượu vang, và các giáo đồ của thần hết sức chào đón loại đồ uống này. Người ta tin rằng rượu vang đem lại cho con người năng lực cảm nhận sự vĩ đại và sức mạnh của các vị thần. Thông qua rượu vang, những người thờ phụng Dionysus đạt được sự phê pha mà họ cần để hòa làm một với thần.
Những nghi lễ phụng thờ Dionysus thường được tổ chức vào buổi tối. Những người phụ nữ khoác lên người những tấm da hươu nai, uống rượu vang, đội vòng hoa tết từ dây thường xuân, và tham gia vào những vũ điệu hoang dại xung quanh hình tượng của Dionysus (được cho là chính bản thân vị thần). Đôi khi những người phụ nữ đó sẽ cho những con thú non như sói hay nai bú sữa, và có lúc họ sẽ săn hạ thú vật, xé chúng thành từng mảnh và ăn tươi nuốt sống. Thỉnh thoảng, các bà điên còn xé xác một người đàn ông hoặc một đứa trẻ trong các nghi lễ của mình cơ.
Rượu vang và vũ điệu huyên náo đưa các giáo dân đạt tới ngưỡng độ phê pha, và ở trạng thái này, họ cảm nhận được quyền năng của các vị thần. Cảm giác thăng hoa về mặt tôn giáo này thường được bồi đắp từ cảm giác phê pha về mặt tình dục. Đêm thì hoang dại, còn chúng sinh thì điên rồ – và chuyện quái gì mà chả xảy ra được.
DIONYSUS NHẶT VỢ
Ariadne, con gái của vua Minos xứ Crete, yêu vị đại anh hùng Theseus. Khi Theseus đến xứ Crete để giết quái vật Minotaur, Ariadne đã yêu chàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thật không may, đây lại chẳng phải là tình cảm song phương.
Ariadne giúp Theseus hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng bởi thế mà bị cha thất sủng. Nàng bỏ trốn cùng Thereus, người hứa hẹn sẽ cưới nàng khi họ đến được Athens. Trên đường đi, họ dừng chân lại đảo quốc Naxos. Khi Ariadne đang say ngủ bên bờ biển, Theseus dong thuyền đi mất, bỏ nàng ở lại.
Ariadne thức dậy, đơn độc và không bạn không bè trên một hòn đảo xa lạ, bị chính người yêu của mình bỏ rơi. Nhưng Dionysus đã trông thấy nàng và đã bị sắc đẹp của nàng hớp hồn. Thần ngay lập tức sa vào lưới tình với nàng, và do Ariadne với Theseus đã thôi nhau rồi, thần bèn cưới nàng làm vợ. Một số câu chuyện kể rằng cặp đôi trú lại đảo Lemnos; một số khác lại cho rằng Dionysus đã đưa cô dâu của mình lên Đỉnh Olympus.
Ariadne và Dionysus sinh hạ rất nhiều con, bao gồm Oenopion, Phanus, Staphylus và Thoas. Oenopion trở thành vua của Chios. Phanus và Staphylus trở thành các Argonaut (nghĩa đen là “các thủy thủ tàu Argo” – ND), những người trợ giúp cho Jason hoàn thành nhiệm vụ. Thoas trở thành vua của Lemnos.
(Dionysus là con trai của Zeus và Semele. Minos là con trai của Zeus và Europa, nên con gái của Minos chính là cháu nội của Zeus. Về cơ bản, đây cũng là một cuộc hôn nhân nội tộc như vô số những cuộc hôn nhân khác trong thần thoại Hy Lạp :)) – ND.)
TRỪNG PHẠT NHỮNG KẺ CHỐNG ĐỐI
Mặc dù những nghi thức thờ phụng Dionysus rất nổi tiếng, song không phải tất cả mọi người đều chấp nhận chúng. Một số người cứ khăng khăng rằng Dionysus không thực sự là một vị thần, và điều này khiến thần cực kỳ phẫn nộ. Giống như Hera nguyền cho Dionysus phát điên, thần cũng trừng phạt những kẻ chống đối bằng đúng cách này, rồi ngồi xem những kẻ phàm phu tục tử đó tự hủy hoại chính mình. (hóng thị level thần thánh =)) – ND)
Coi Chừng Cơn Giận của Dionysus
Tuy là một gã tầm hoan dễ dãi (good-time guy), song Dionysus lại rất nóng tính và có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú. Đòn trừng phạt của thần có tiếng là dã man tàn bạo, và không chỉ kẻ thù mới bị ăn hành thôi đâu. Đôi khi, người qua đường vô tội thở thôi cũng dính đạn ấy chứ.
BÀN TAY VÀNG
Mặc dù Dionysus có thể rất tàn bạo đối với những kẻ qua mặt mình, nhưng đây cũng là một vị thần được rất nhiều người yêu thích, một vị thần thường xuyên ban thưởng cho những người đi theo mình. Món quà ưa thích dùng để ban thưởng của Dionysus thường là rượu vang. Tuy nhiên, theo thời gian, thần cũng cho phép kẻ được ban thưởng tự chọn lấy phần quà của mình. Câu chuyện về vua Midas chính là một ví dụ.
Silenus, người thầy và cũng là người bạn đồng hành của Dionysus, bị người dân xứ Lydia bắt được và đưa tới trước vua Midas của Phrygia. Vua Midas nhận ra Silenus là người của Dionysus, bèn khoản đãi ông trong tư dinh của mình. Vị vua thết đãi Silenus trong mười ngày mười đêm liền, và sự khoản đãi này đã vượt xa mọi chuẩn mực về lòng hiếu khách. Sau đó, vua Midas cử hẳn một đoàn hộ vệ tháp tùng Silenus về chỗ Dionysus.
Để cảm tạ lòng hiếu khách của nhà vua đối với Silenus, Dionysus cho phép Midas được chọn bất cứ món quà gì mà ông muốn. Midas đã bày tỏ mong muốn mọi thứ mà ông chạm vào đều sẽ biến thành vàng. Dionysus miễn cưỡng chấp nhận thỉnh cầu của nhà vua.
Lúc đầu, vua Midas rất hài lòng về năng lực mới toanh của mình. Ông khám phá năng lực bằng cách chạm vào những thứ thông thường như hòn đá, cành cây và biến chúng thành vàng. Tuy nhiên, lúc ngồi xuống để dùng bữa, Midas mới phát hiện ra vấn đề trong ước nguyện của mình. Khi nhà vua cố gắng để ăn, mọi thứ đồ ăn thức uống đều hóa thành vàng. Trong cơn tuyệt vọng, Midas nhận ra rằng món quà này đang giết dần giết mòn ông.
Midas cầu xin Dionysus thu hồi món quà, và vị thần đã lệnh cho ông tới tắm trong dòng sông Pactolus. Nhà vua làm theo lời phán truyền. Khi Midas chạm vào dòng sông, quyền năng biến mọi vật thành vàng của ông được rửa trôi theo dòng nước, và bãi cát đôi bờ hóa thành vàng. Cũng từ đó, dòng sông ấy được biết đến như là một mỏ vàng phong phú, dồi dào.
NHẬP HỘI VỚI CÁC THẦN TRÊN ĐỈNH OLYMPUS
Mặc dù Dionysus thích lãng du trên Trái Đất và dành thời gian ở cùng với những giống loài hữu tử, thần vẫn có một vị trí trên Đỉnh Olympus với tư cách là một trong mười hai vị thần tối cao. Trước khi rời bỏ thiên đường, thần đã thực hiện một nhiệm vụ cá nhân để tìm lại mẹ mình.
Trong một phiên bản chuyện kể, Semele, mẹ của Dionysus đã chết trước khi sinh con. Mặc dù Dionysus chưa bao giờ biết mặt mẹ, thần vẫn bị thôi thúc phải đi tìm mẹ. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, bởi Semele đã trở thành người của Âm phủ rồi.
Tuy vậy, Dionysus vẫn rất quyết tâm. Thần đã tham khảo ý kiến một người dẫn đường, và người này đã đưa thần vào Âm phủ xuyên qua hồ Alcyonian – tuyến đường nhanh hơn lối đi trên bộ nhiều lần. Khi đến được Âm phủ, Dionysus buộc phải thỏa thuận với Hades để mẹ mình được phép sống lại. Thần đã dùng một trong số những loài cây thiêng của mình – cây myrtle (một loài cây thuộc họ sim, nở hoa trắng muốt, thường có trong bó hoa cưới của các cô dâu hoàng gia Anh. Xem thêm tại ĐÂY), để giao dịch với Hades, đổi lấy tự do cho mẹ mình. Semele được giải cứu khỏi Âm phủ và theo con trai tới Đỉnh Olympus, nơi Dionysus có địa vị ngang hàng với các đại thần Olympus. Dionysus giảng hòa với Hera, và Semele được phép sống trong xa hoa giữa các vị thần.
KATHLEEN SEARS, Mythology 101: From Gods and Godesses to Monsters and Mortals, Your Guide to Ancient Mythology
MER (dịch)
Share this:
- Tumblr
Related
Posted in Thần thoại 101 and tagged Dionyus, god of wine, mythology, Thần thoại 101Single Post Navigation
← Older Entry Newer Entry →Từ khóa » Dionysus Nghĩa Là Gì
-
Dionysos - Thần Rượu Nho - Wikipedia
-
Thần Thoại Về Thần Rượu Nho Dionysus - Fuse Bar
-
Ý Nghĩa Của Dionysus Trong Tiếng Anh - Cambridge Dictionary
-
BTS – Dionysus - BTS Thread Vtrans
-
Dionysus Nghĩa Là Gì?
-
DIONYSUS - VỊ THẦN MANG VẺ ĐẸP PHI... - Thần Với Chả Thoại
-
Dionysus (Thần Thoại & Văn Hóa Dân Gian) - Mimir Bách Khoa Toàn Thư
-
Dionysus
-
Dionysus được Biết đến Là Thần Rượu Vang Và Thú Say Sưa Của ...
-
Bài Học Chủ Nhật: Dionysus – Bợm Nhậu Chính Hiệu - day
-
Dionysus Có Quyền Năng Gì Trong Thần Thoại Hy Lạp?
-
Tên La Mã Của Dionysus Là Gì?
-
Thần Thoại Hy Lạp – (Phần 9): Thần Rượu Nho Dionysus
-
Thần Dionysus Là Ai? Cẩm Nang Thần Thoại La Mã - Hy Lạp