Thận ứ Nước Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? • Hello Bacsi

Trong một số trường hợp, nước tiểu sẽ ở lại trong thận thay vì di chuyển xuống bàng quang chờ đào thải ra ngoài. Tình trạng này gọi là thận ứ nước và sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu tiếp tục kéo dài.

Vậy thận ứ nước là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân gây thận ứ nước là gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Thận ứ nước là gì?

Đây là một dạng thương tổn ở thận, xảy ra khi nước tiểu ứ đọng lại cơ quan này thay vì di chuyển xuống bàng quang khiến thận bị giãn nở, sưng phù và thậm chí suy giảm chức năng hoạt động.

Bệnh có 2 dạng chính gồm:

  • Thận ứ nước cấp tính: các thương tổn ở thận có thể được chữa lành và phục hồi trong vài ngày
  • Thận ứ nước mạn tính: bệnh kéo dài vài tuần hoặc vài tháng với những triệu chứng nghiêm trọng

Tình trạng ứ nước tiểu có thể xảy ra ở một hoặc cả 2 quả thận. Trong trường hợp 2 bên thận đều bị ứ nước, suy thận là điều khó tránh khỏi.

Bệnh thận ứ nước có nguy hiểm không?

Thận ứ nước có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu không sớm được điều trị tận gốc, thận bị ứ nước có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe nguy hiểm, ví dụ như:

  • Mất nước
  • Suy thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tăng huyết áp (cao huyết áp)

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Những dấu hiệu và triệu chứng thận ứ nước là gì?

Thực tế, không phải lúc bạn cũng có thể nhận thấy rõ ràng các dấu hiệu thận ứ nước. Mặc dù vậy, phần lớn trường hợp người bệnh thường có những biểu hiện như:

  • Đau vùng hạ sườn, có thể lan xuống khu vực bụng dưới và bẹn
  • Thường xuyên mắc tiểu
  • Tiểu buốt
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt

triệu chứng thận ứ nước

Ngoài ra, bạn cũng có thể có các triệu chứng và dấu hiệu thận bị ứ nước khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến bệnh viện nếu bạn bị đau bụng vùng hông hoặc có máu trong nước tiểu. Bạn cũng nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nhìn thấy nước tiểu rơi thành từng giọt (không rơi thành dòng) trong lúc đi tiểu hoặc bạn không thể tiểu tiện. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây thận ứ nước là gì?

Nhìn chung, một số nguyên nhân thận ứ nước thường gặp có thể kể đến như:

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: chủ yếu xảy ra ở vị trí thận tiếp giáp với niệu quản hoặc đôi khi cũng có thể ở khu vực niệu quản tiếp giáp với bàng quang.
  • Trào ngược bàng quang niệu quản: tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản và có thể lên đến thận gây ứ nước tại đây.

Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe sau cũng có khả năng góp phần gây ứ nước ở thận, bao gồm:

  • Sỏi thận
  • Khối u ở bụng hoặc xương chậu
  • Các dây thần kinh kiểm soát bàng quang gặp vấn đề

thận ứ nước do sỏi

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thận ứ nước?

Mặc dù bệnh thận ứ nước có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi nhưng những người có các yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này hơn, bao gồm:

  • Giới tính: nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới
  • Đã hoặc đang mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt và ung thư cổ tử cung
  • Phụ nữ mang thai

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thận ứ nước?

Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách sử dụng siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).

Đâu là cách điều trị thận ứ nước nhanh chóng, hiệu quả?

Phác đồ điều trị thận ứ nước phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như, đối với sự ứ đọng đột ngột (như phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới), bác sĩ sẽ đưa một ống thông qua niệu đạo vào bàng quang nhằm tạm thời giải phóng lượng nước tiểu đọng lại tại đây cho đến khi người bệnh tiếp nhận giải pháp điều trị triệt để hơn (uống thuốc đặc trị, phẫu thuật…)

dùng thuốc trị thận ứ nước

Trong khi đó, những người bị thận ứ nước do sỏi thường được điều trị bằng cách dùng thuốc với mục đích giảm đau và tăng lượng nước đến thận để làn tan sỏi. Những viên sỏi quá lớn sẽ cần đến điều trị bằng sóng xung động hoặc phẫu thuật để loại bỏ.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của thận ứ nước?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn có thể thực hiện những thói quen sinh hoạt như sau:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Từ khóa » Thận Bị ứ Nước Nhẹ