Thanh Niên Cần Gì ở Người “thủ Lĩnh” Đoàn

Nói tới thanh niên là nói tới tuổi trẻ, một trong những đặc điểm cơ bản của thanh niên là tính sôi nổi, hồn nhiên, trẻ trung, lãng mạn, cách mạng và trí tuệ. Vì vậy, đến với ĐVTN, tiếp cận với ĐVTN, tuyên truyền, vận động, thuyết phục và cảm hoá, giác ngộ họ; bí thư Đoàn cần có phong cách sôi nổi, trẻ trung, vui vẻ, thân thiết và trí tuệ; điều đó phải toát ra từ dáng dấp, cử chỉ, điệu bộ; nhất là lời ăn, tiếng nói (diễn đạt) giàu cảm xúc, giàu trí tuệ, hài hước, hóm hỉnh, sâu sắc; sao cho mỗi lời nói gieo vào tâm hồn, nhận thức của ĐVTN những hình ảnh sinh động, gợi nhiều cảm xúc. Đồng thời, cần tránh phong cách hành chính quân sự, hoặc quan cách; mà đến với ĐVTN như người bạn đến với người bạn tri ân, tri kỷ, tâm giao, đồng hành cùng tình cảm, nghĩ suy của họ. Trong mọi sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn, người bí thư Đoàn cần thực hiện tốt cách ứng xử trên. Khi sinh hoạt định kỳ, bí thư Đoàn có thể vừa bước vào phòng họp vừa tươi cười, vừa vỗ tay bắt nhịp cho tập thể ĐVTN hát, hoặc kể một câu chuyện về văn hoá, lịch sử… hoặc thông tin nhanh tình hình thời sự, chính sách, tình hình của đơn vị hoặc tình hình của tổ chức Đoàn. Khi tuyên bố lý do khai mạc hội nghị, có thể dùng phương pháp nêu vấn đề hoặc dẫn dắt từ xa đến gần để tạo sự chú ý của ĐVTN, lời văn phải trong sáng, gọn, rõ, giàu chất văn học.Thanh niên cần gì ở người “thủ lĩnh” ĐoànChiến sĩ mới Tiểu đoàn 20, Lữ đoàn 26, Quân chủng PK-KQ luyện tập các bài hát quy định trong Quân đội. Ảnh: TRUNG THÀNH

ĐVTN thường ưa cái mới, cái lạ, nhu cầu, nguyện vọng rất đa dạng và phong phú, ưa sinh hoạt tập thể, thích mở mang các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, sinh hoạt, hoạt động của tổ chức Đoàn cần thường xuyên cải tiến, đổi mới về nội dung, hình thức để bảo đảm tính hấp dẫn và cuốn hút ĐVTN. Từ yêu cầu đó, đặt ra cho bí thư Đoàn phải có tư duy năng động, chủ động, linh hoạt và sáng tạo để xác định nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN. Muốn vậy, bí thư Đoàn phải biết kế thừa, phát triển, hoàn thiện các hình thức sinh hoạt truyền thống. Như sinh hoạt văn hoá văn nghệ, khi dẫn dắt chương trình giới thiệu người hát, nên dựa vào nội dung ca từ hoặc dùng tục ngữ, ca dao, thành ngữ có nội dung sát với chủ đề tư tưởng của bài hát. Khi biểu diễn xong, nên tổ chức bình về giai điệu hoặc ca từ. Nhờ vậy, giá trị tư tưởng của tác phẩm được cảm thụ đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

Nội dung sinh hoạt hằng tuần cần thay đổi bằng các hình thức sinh hoạt kể chuyện, nói chuyện về truyền thống quê hương, đất nước, về phong tục, tập quán vùng miền của các dân tộc Việt Nam; hay khi thì hái hoa dân chủ, khi toạ đàm trao đổi về một chủ đề nào đó. Nếu hái hoa dân chủ cần chú ý thiết kế các câu hỏi trong các “bông hoa” theo hướng tổng hợp cả giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỷ luật, thẩm mỹ, sao cho nội dung thật đa dạng, vừa chứa đựng tính giáo dục, vừa mang tính giải trí; vừa có nội dung quan điểm chính thống, vừa có nội dung quan điểm phản diện… Nếu là sinh hoạt giao lưu giữa tổ chức Đoàn Quân đội với tổ chức Đoàn kết nghĩa ở địa phương nơi đóng quân, ngoài việc tổ chức các hoạt động chung về các hội thi, hội thao, hội trại, liên hoan văn nghệ quần chúng hoặc mít tinh… có thể tổ chức các buổi tọa đàm, mạn đàm, diễn đàn theo chủ đề để ĐVTN địa phương và ĐVTN đơn vị nói lên suy nghĩ của mình về chủ đề của buổi sinh hoạt. Chẳng hạn chủ đề: “Trách nhiệm của thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nên định hướng cho thanh niên địa phương nói nên suy nghĩ, tình cảm của mình đối với người thân của họ đang trong quân ngũ. Hoặc chủ đề về kỷ luật, nên hướng cho ĐVTN cả trong và ngoài Quân đội trình bày nhận thức của mình về yêu cầu của kỷ luật Quân đội, về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tâm trí họ. Nếu hình thức sinh hoạt giao lưu lửa trại cần để thời gian đầu của buổi sinh hoạt cho ĐVTN tự do tìm bạn để tâm tình hoặc kết thân.

Ở các đơn vị, bí thư Đoàn cần thành lập và hướng dẫn cho ĐVTN hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ theo sở thích như: Câu lạc bộ tìm bạn phương xa, câu lạc bộ những người đang yêu, câu lạc bộ thể thao, văn hoá, văn nghệ… Hiện nay, một trong những nhu cầu, nguyện vọng mà thanh niên quan tâm là việc làm và thu nhập. Thỏa mãn nhu cầu chính đáng trên của thanh niên, bí thư Đoàn nên tổ chức diễn đàn với chủ đề: Thanh niên với việc làm hiện nay, để xây dựng nhận thức đúng về nghề nghiệp, hoặc định hướng lựa chọn nghề nghiệp làm cơ sở khi họ trở về cuộc sống đời thường có thể lựa chọn cho bản thân một nghề nghiệp phù hợp. Hoặc bí thư Đoàn giới thiệu những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu thập được trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoặc tổ chức cho ĐVTN ngày nghỉ đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn đóng quân của đơn vị, để khi họ xuất ngũ về địa phương có thể vận dụng mô hình sản xuất kinh doanh đó vào tạo dựng cuộc sống gia đình.

Phương pháp tổ chức các buổi sinh hoạt, hoạt động nên để cho thanh niên nói cho thanh niên nghe, thanh niên tự bồi dưỡng, tự giáo dục lẫn nhau; xét theo ý nghĩa câu thành ngữ của dân gian: “Học thày không tày học bạn”, chính là phương châm chỉ đạo việc đổi mới và cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn mà không rơi vào đường mòn, lối cũ, sơ cứng, kém hấp dẫn, thiếu tính thiết thực ở một số bí thư Đoàn hiện nay. Ngoài những vấn đề nêu trên, bí thư Đoàn cần mạnh dạn thử nghiệm các mô hình hoạt động mới, khi thử nghiệm phải chịu khó rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện.

Tóm lại, đạt được những đòi hỏi trên của ĐVTN, người bí thư Đoàn phải hết sức nhiệt thành, say mê với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, không bao giờ được thỏa mãn với chính mình; phải luôn đổi mới tư duy, chịu khó tìm tòi, không bao giờ tự lặp lại chính bản thân trong tổ chức sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đoàn. Đồng thời, phải thực sự là nhà tổ chức, nhà thiết kế nội dung, chương trình sinh hoạt và hoạt động của tổ chức Đoàn.

DƯƠNG QUỐC CHIẾN

(Trường Đại học Chính trị)

Từ khóa » Suy Tôn Thủ Lĩnh Là Gì