Thành Phố Vinh 'định Vị' điểm đến Hấp Dẫn Bằng Du Lịch Di Sản

Giàu giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là thế mạnh để thành phố Vinh phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức”, chưa khai thác hết nguồn tài nguyên vô giá này thành sản phẩm du lịch…

Miền di sản đặc sắc

Thành phố Vinh là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng. Theo thống kê trên địa bàn thành phố Vinh có 80 di tích, danh thắng trong đó, có 25 di tích được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, các di sản văn hóa vật thể ở Vinh còn lưu giữ được nhiều di sản phi vật thể đặc sắc như: Các lễ hội, tín ngưỡng dân gian, Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

Trong số các di tích đã được xếp hạng ở thành phố Vinh, có rất nhiều di tích nổi tiếng, được đông đảo du khách biết đến. Một trong số đó là Đền thờ Hoàng đế Quang Trung thuộc quần thể di tích, danh thắng cấp quốc gia núi Dũng Quyết, thành Phượng Hoàng Trung Đô (phường Trung Đô, TP. Vinh).

Nằm giữa rừng thông thơ mộng với độ cao gần 100m so với mực nước biển, khu đền là công trình lịch sử, văn hóa, tâm linh linh thiêng, bề thế với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo…

Hàng năm Đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn, đó là ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch – ngày kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Bên cạnh đó, còn có Thành Cổ Vinh nằm trên địa bàn của 3 phường: Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung. Được xây dựng vào năm 1804 triều Vua Gia Long và đến năm Minh Mạng thứ 12 thì được xây lại bằng đá, Thành cổ Vinh là chứng tích lịch sử từ thời nhà Nguyễn đến các cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược; nơi ghi lại dấu ấn nhiều biến động của vùng đất xứ Nghệ.

Đặc biệt, hiện nay khu vực hào Thành cổ Vinh đã được cải tạo như hồ điều hòa ôm trọn vùng Thành cổ với bờ kè chắc chắn, được lát gạch sạch sẽ, trồng cỏ, cây xanh tạo cảnh quan, có lan can với những dãy đèn chiếu sáng, tạo nên một khung cảnh nên thơ.

Ngoài ra, hệ thống đền, chùa: đền Hồng Sơn, chùa Diệc, chùa Cần Linh… có kiến trúc cổ kính, tráng lệ, với những kỳ lễ trọng, là điểm đến tâm linh của du khách gần xa.

Hệ thống các di tích cách mạng gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, những “địa chỉ đỏ” về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của bao thế hệ người dân thành phố Đỏ anh hùng như: Di tích Cồn Mô, Ngã ba Bến Thủy, Làng Đỏ anh hùng…

Anh-tin-bai

Di tích Ngã ba Bến Thủy nằm ở vị trí thuận lợi trên đường thiên lý Bắc - Nam. Ảnh: T.P

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đã được thành phố quan tâm, tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của TP. Vinh. Theo đó, thành phố đã hoàn thành tôn tạo 7/7 điểm di tích Bác Hồ về thăm quê; Trùng tu, tôn tạo nhiều di tích trọng điểm là đền Hồng Sơn, đền Trần Hưng Đạo...

Hiện thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư Dự án Lâm viên núi Quyết và Công viên Thành cổ Vinh, chùa Diệc, Đình Trung; Hoàn thành tu bổ, tôn tạo phục hồi 7/7 di tích cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh; Phục hồi nhiều di tích đã bị hư hỏng nặng: đền Trung (Hưng Lộc), đền Yên Duệ (Đông Vĩnh), nhà ông Nguyễn Trung Hộ (Hà Huy Tập); hoàn thành trùng tu, tôn tạo đền Hạ Mã và hệ thống các di tích nhà thờ họ đã xếp hạng di tích cấp tỉnh...

“Đánh thức” tiềm năng du lịch di sản

Với hệ thống di tích, danh thắng dày đặc, giàu trầm tích cùng nhiều hoạt động lễ hội phong phú, đa dạng, song việc phát huy giá trị của di sản thành các sản phẩm du lịch ở thành phố Vinh vẫn còn nhiều hạn chế.

Các di sản văn hóa phi vật thể như: Các lễ hội tại các đền Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hồng Sơn, tín ngưỡng dân gian, dân ca ví, giặm, xứ Nghệ chỉ mới mang tính chất bảo tồn, duy trì chứ chưa phát huy được giá trị về du lịch, thành sản phẩm kinh tế.

Trên thực tế, số di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa của địa phương được đưa vào điểm, tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh rất khiêm tốn. Di tích Thành cổ Vinh, hào Thành cổ Vinh đã được trùng tu, tôn tạo, cải tạo khang trang, khung cảnh đẹp, thơ mộng không khác gì một Hội An xứ Nghệ, song cũng chỉ mới dừng lại là điểm dừng chân, chụp ảnh lưu niệm của số ít du khách chứ chưa là điểm đến trong các tour, tuyến du lịch.

Hoặc như Lâm viên núi Quyết được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” với tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, nhưng đến nay, ngoại trừ 2 ngày lễ lớn trong năm là ngày giỗ Quang Trung Hoàng đế và ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa thì lượng khách đến đây còn rất ít. Còn các điểm di tích cách mạng như: Cồn Mô, Làng Đỏ, Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, nhà Đại tướng Chu Huy Mân… dù được xây dựng bề thế với nhiều hiện vật, gắn với những chứng tích lịch sử song cũng chỉ dừng lại ở mức độ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Còn hệ thống đền, chùa, miếu mạo cũng thu hút người dân đến dâng hoa, dâng hương trong các ngày sóc vọng chứ chưa trở thành điểm đến du lịch tâm linh… Hệ thống di sản của thành phố rất phong phú, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, nhất là việc liên kết để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Nguyên nhân được đưa ra là công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch chưa thật sự hiệu quả; việc thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, nhất là đầu tư vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch còn hạn chế; các cơ quan chuyên môn, các phường, xã chưa thực sự quan tâm trong việc làm phong phú, đa dạng hoạt động tại hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch. Cùng với đó là chưa có sự gắn kết giữa các tour, tuyến du lịch tâm linh, các điểm di tích của thành phố với các địa phương khác.

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch, vừa qua, thành phố đã tổ chức hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch 3 địa phương Vinh - Nam Đàn - Cửa Lò nhằm kết nối điểm đến hấp dẫn du khách; xây dựng “City tour khám phá di sản văn hóa thành phố Vinh”, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch di sản tới du khách; tăng cường liên kết với các công ty lữ hành khảo sát, thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút, gia tăng lượng khách du lịch, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển điểm đến.

Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để khai thác đầy đủ giá trị di sản thông qua việc đầu tư nâng cấp các điểm đến thành các khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí gắn kết các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, xã hội hóa cho công tác bảo tồn các giá trị của di sản để tăng tính hấp dẫn của điểm đến; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu di tích, di sản; nâng cao về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour, tuyến gắn với các di tích, danh thắng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch di sản thành phố Vinh…

Với lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh, điểm đến quan trọng trên con đường di sản miền Trung, với nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng sẽ là điểm nhấn ấn tượng giúp thành phố Vinh định vị thương hiệu điểm đến hấp dẫn, khác biệt.

Thanh Phúc

Nguồn: Báo Nghệ An(25/6/2022)

Từ khóa » Giới Thiệu Di Tích Phượng Hoàng Trung đô