Thảnh Thơi - Làng Mai

Skip to content Làng Mai > Tàng kinh các > Viện sách Thích Nhất Hạnh > Sách Thiền tập > Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy > Chương IV: Bài thực tập thứ ba > Thảnh thơi Thảnh thơi

Mong sao cho tôi được sống mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi.

Thảnh thơi tức là tự do. Tự do đây là thoát khỏi bẫy sập của ngũ dục. Điều mà người xuất gia được thừa hưởng nhiều nhất là sự thảnh thơi. Một người xuất gia không có sự thảnh thơi thì không còn là một người xuất gia đích thực nữa, dầu người đó làm tới chức hoà thượng hay trụ trì hay thượng toạ. Người đó phải xuất gia lại! Ca sa vị trước hiềm đa sự trước liễu ca sa sự cánh đa, nghĩa là chưa mặc áo ca sa thì than phiền là bận rộn quá, mà mặc áo ca sa rồi lại than phiền là còn bận rộn nhiều hơn: như thế là đã mất sự thảnh thơi rồi, mà mất sự thảnh thơi tức là mất cái ý vị đầu của người xuất gia. Thảnh thơi ở đây có nghĩa là không bị vướng mắc. Không bị vướng mắc, dầu là vướng mắc vào một cái chùa, vướng mắc vào một cái bằng cấp, một cái chức vụ. Thỉnh thoảng chúng ta gặp một vị xuất gia rất thảnh thơi, nếu cần thì người đó phất tay áo ra đi rất dễ dàng, không vướng bận gì cả. Đó là một đặc điểm trong những đặc điểm lớn của một người xuất gia đích thực. Mong sao cho tôi được sống mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi, ta phải dùng cái công phu quán chiếu của ta, phải dùng cái thông minh của ta để tự hỏi xem trong đời sống hàng ngày ta có được cái tươi mát hay không, ta có được sự vững chãi hay không, ta có được sự thảnh thơi hay không. Nếu có tức là ta đã có vốn liếng, và sự tu tập hàng ngày của ta là để làm giàu lên cái vốn liếng mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi đó. Và mức độ thành công của một người tu có thể được đo ở chỗ đó. Dù có tu hai mươi năm, ba mươi năm, hay bốn mươi năm đi nữa mà những chất liệu của sự mát mẻ, vững chãi và thảnh thơi càng ngày càng tiêu mòn thì ta không thể nói là đời sống tu học của ta thành công.

Từ khóa » Thảnh Thơi Là Từ Gì