Thất Bại Của Hệ Thống G7 Mart: Nhiều đối đầu, ít Kết Nối

Thực tế này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 cách đây hơn bốn năm, khi hệ thống này khai trương hoành tráng tại dinh Thống Nhất (TP.HCM).
Thất bại của hệ thống G7 mart: Nhiều đối đầu, ít kết nối - 1
Những cửa hàng tiện lợi thế này hiện chỉ còn một số ít tại TP.HCM, tuy nhiên sắp tới sẽ biến mất khỏi thị trường.

Tham vọng quá lớn

Vào thời điểm 2006, khi công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 đưa 500 cửa hàng tiện lợi mang tên G7 Mart trên cả nước (110 cửa hàng trên địa bàn TP.HCM) vào hoạt động, ông Vũ đã tuyên bố, mục tiêu của hệ thống các cửa hàng G7 Mart là hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài.

Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, với mục tiêu trên, G7 Mart sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức khi đối đầu trực diện với những thương hiệu bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài như Co.opmart, Maximark hay Metro.

Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, G7 Mart đã có sự chuẩn bị rất kỹ trong một thời gian dài. Ngoài ra, ông Vũ cho biết thêm, ở thời điểm đó, trên cả nước có hơn 160.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó có khoảng 10.000 cửa hàng quyết định đến 70% doanh số của các nhà sản xuất.

G7 Mart sẽ tập trung nhắm vào 10.000 cửa hàng này – vốn thuộc chuỗi phân phối của nhà sản xuất. Vậy nên, mục tiêu này khiến G7 Mart đối đầu trực tiếp với chính những nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hoá cho mình, và không có được những mặt hàng tốt để bán, cũng như mức giá rẻ để cạnh tranh.

Thực tế là G7 Mart đã phải đối đầu với việc này trong suốt bốn năm qua khi luôn phải nhập hàng với giá cao, thậm chí có thời điểm không có hàng để bán.

Một giám sát bán hàng từng làm ở G7 Mart (đề nghị giấu tên) cho biết, trong hơn 1.000 mặt hàng G7 Mart thường xuyên phân phối, khoảng 80% có mức giá cao hơn những nhà phân phối khác.

“Không những không đàm phán được với nhà sản xuất để có được mức giá thấp, mà G7 Mart luôn bị xem như con ghẻ. Những mặt hàng bán chạy chỉ được nhà sản xuất rót xuống một cách rất nhỏ giọt và lúc có, lúc không. Điều này khiến G7 Mart mất lòng tin của các cửa hàng”, vị giám sát bán hàng nhận định.

Chỉ còn bảng hiệu

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống G7 Mart là tham vọng của doanh nghiệp này quá lớn, trong khi lĩnh vực này bị cạnh tranh từ những nhà bán lẻ trong và ngoài nước một cách khốc liệt.

Bên cạnh đó, ông Doanh nhận định thêm, G7 Mart đã khởi đầu một bước quá dài so với năng lực tài chính của mình.

“Nguyên nhân chính khiến hệ thống G7 Mart sụp đổ là do doanh nghiệp này không thể kết nối được với các nhà sản xuất. Đây là bài học quý giá cho những doanh nghiệp khác nếu có ý định tham gia lĩnh vực phân phối bán lẻ”, ông Doanh nói.

Việc thuê một doanh nghiệp khác làm logistics cũng khiến hàng hoá của G7 Mart không thể cạnh tranh. Không chỉ vướng vấn đề giá cao, theo nhận xét của một nhân viên bán hàng của hệ thống này, việc giao đứt khâu giao hàng cho một doanh nghiệp khác khiến G7 Mart mất dần khách hàng.

“Đến cửa, bỏ hàng xuống và lấy tiền đi về. Với phong cách này, không khách hàng nào muốn lấy hàng cả”, nhân viên trên cho biết.

Chính vì thế, hoạt động không bao lâu, hệ thống này phải chấp nhận cắt thị trường miền Bắc, rồi đến miền Trung, sau đó là miền Tây Nam bộ và cuối cùng chỉ còn thị trường TP.HCM sau hơn bốn năm hoạt động.

Hiện, đội nhân viên bán hàng của G7 Mart chỉ còn hai người, chủ yếu để giải quyết hàng tồn kho. Trên 100 cửa hàng tiện lợi mang tên G7 Mart ở khu vực TP.HCM giờ đã giảm hơn một nửa, tuy nhiên số cửa hàng này hiện cũng chỉ còn cái bảng hiệu là của G7 Mart. Những cửa hàng do G7 Mart đầu tư tại TP.HCM hiện chỉ còn bốn cái, giảm 1/3 so với trước đây. Tuy nhiên, những cửa hàng này hiện cũng hoạt động cầm chừng để chờ bán hết hàng hoặc hết hợp đồng thuê nhà.

Theo Ca HảoSGTT

Từ khóa » G7 Mart Thất Bại