Thấu Hiểu Giá Trị Cốt Lõi Của Người Nông Dân Và Tổ Chức Hội Nông ...

Theo ông Lương Quốc Đoàn, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đến đầu thế kỷ XX, người nông dân vẫn luôn chiếm tuyệt đại đa số (trên 90% tổng dân số). Ngày nay, khi nhân loại đã bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, mặc dù nước ta đã có những bước tiến dài trong thời đại mới, chúng ta vẫn còn trên 65% dân số làm nông nghiệp, sống ở khu vực nông thôn. Người nông dân vẫn đang là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/02/1930, vai trò, vị trí của người nông dân Việt Nam đã được nhìn nhận đúng đắn và toàn diện hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử trước đó. Giai cấp Nông dân được Đảng chính thức đặt vào vị trí chính trị nền tảng, trở thành một bộ phận chủ chốt của liên minh Công – Nông và đội ngũ trí thức, do giai cấp Công nhân lãnh đạo.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (Ảnh: PV)

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập và huấn luyện Đảng ta từ những ngày đầu của Cách mạng, đã có những nhận định rất sâu sắc về người nông dân. Ngay từ rất sớm, trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người đã nhìn thấy: “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”, lúc đó, Người gọi tổ chức cần có ấy là “Tổ chức dân cày”. Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Nông dân Cứu quốc toàn quốc (tháng 11/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp Công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh…”. Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II (năm 1952), một lần nữa, Người đã khẳng định: “Nông dân là tối đại đa số trong Nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến…”

Cũng theo Chủ tịch Trung ương Hội Lương Quốc Đoàn, xuyên suốt hơn 9 thập kỷ, thông qua các phong trào yêu nước của giai cấp Nông dân và hoạt động của tổ chức Hội, chúng ta đã đúc kết được nhiều bài học quý, đồng thời gìn giữ và bồi đắp những giá trị cốt lõi được thừa kế qua nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Trong đó có những giá trị cốt lõi, vốn tưởng như trở về trầm lặng và lắng xuống trong cuộc sống ngày thường, lại trở nên có sức sống vô cùng mạnh mẽ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước ta trong gần 2 năm qua.

Thông qua hoạt động của các cấp Hội trong cả nước, tính đến cuối tháng 9/2021, các cấp Hội đã cử cán bộ và vận động hội viên nông dân tự nguyên tham gia và duy trì hoạt động của hơn 62.000 tổ COVID-19 cộng đồng, hơn 25.400 tổ nhân dân tự quản “Giữ chặt vùng xanh” và hơn 14.000 tổ xung kích tình nguyện để giúp chính quyền địa phương và ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, vận động cán bộ hội viên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội chống dịch với khối lượng trên 9.600 tấn nông sản, gần 180 tỷ đồng tiền mặt và giá trị hàng hoá thiết yếu. Hiện nay, Chương trình vẫn được tiếp tục và đã có thêm hơn 3.000 tấn nông sản, tiền mặt cùng cùng vật tư hàng hoá được đăng ký quyên góp trị giá hơn 31 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người dân khó khăn vùng dịch bệnh.

Phát huy vai trò và vị thế nông dân thời kỳ mới (Ảnh: PV)

Đáng chú ý là trong 3 tháng vừa qua, trong những ngày dịch bùng lần thứ 4 đầy biến động, tinh thần “tương thân, tương ái” lại bừng dậy đối với người nông dân cả nước thông qua các hoạt động góp tiền của, công sức và nông sản tiếp tế. Các cấp Hội ở cơ sở đã cử cán bộ tham gia và vận động hàng ngàn hội viên nông dân “vùng xanh” tham gia giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thực phẩm, nấu ăn tại các khu vực phong toả, các điểm cách ly ở các địa phương. Nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đã được thực hiện có hiệu quả như “Tổ hỗ trợ nông vụ”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, mô hình “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”… được phát triển, nhân rộng và có sức lan toả mạnh mẽ. Các cấp Hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng chục vạn tấn nông sản tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều điển hình cá nhân nông dân trong nước đã tình nguyện đóng góp tài sản gia đình như tiền tiết kiệm dưỡng già, ao cá, vườn cây, quyền sử dụng đất… trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nông dân đóng góp trị giá hàng tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 mà không hề có một đòi hỏi gì ưu ái cho mình. Lẽ sống cao đẹp ấy, trách nhiệm cá nhân vì cộng đồng ấy của nhà nông đã nhân lên rất nhiều niềm tin ấm áp cho cộng đồng.

Đặc biệt ấn tượng là trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, khu vực nông thôn vừa trở thành “hậu phương lớn”, vừa là quê hương bao dung nhân ái đón những người khó khăn từ thành phố trở về, làm dịu, chữa lành những tổn thất, mất mát. Nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đã không thể làm cho người nông dân cả nước mất tinh thần. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục làm được điều quan trọng cho đất nước: Giữ được sự lạc quan, tin tưởng vào an ninh lương thực, ổn định xã hội và “trụ đỡ” vững vàng khi nền kinh tế gặp rung lắc, khó khăn. Sự lạc quan ấy hoàn toàn có cơ sở, khi tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được mức tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Bước vào thời kỳ mới, Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, củng cố thêm khối liên minh Nông dân – Công nhân – Trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp nông dân. Song song là, Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh, đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thuỷ lợi, khoa học- công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân. “Quan trọng hơn cả là phải gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân với xây dựng con người mới, trong đó, xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương lao động, biết hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” – Chủ tịch Lương Quốc Đoàn chia sẻ.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho hay, về phía Trung ương Hội, đơn vị sẽ không ngừng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cho nông dân.

Nhìn lại lịch sử 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-2021) và ôn lại các giá trị truyền thống của giai cấp Nông dân, càng thấy rõ hơn, chăm lo và phát huy vai trò nông dân Việt Nam cũng chính là đảm bảo sự phát triển ổn định và hiệu quả vững bền./.

Từ khóa » Giai Nông Dân Là Gì