Thay Khớp Gối Là Gì? Chỉ định Thực Hiện, Quy Trình, Chuẩn Bị Trước

Thay khớp gối được xem là phương pháp chữa trị có hiệu quả cao để thay thế khớp gối bị hư hại, bào mòn bởi các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp… Tìm hiểu thông tin về phương pháp điều trị này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình chữa trị, rút ngắn thời gian phục hồi và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Thay khớp gối là gì?

Phẫu thuật thay khớp gối thường được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp tổn thương hư hỏng nặng ở khớp gối do bệnh thoái hóa khớp, di chứng biến dạng vùng khớp gối sau chấn thương hay các nguyên nhân khác. Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần đầu xương đã bị hư và tái tạo bằng vật liệu nhân tạo để bảo vệ, tránh tình trạng các đầu xương tiếp xúc trực tiếp với nhau khi di chuyển, hạn chế tối đa đau đớn cho người bệnh, đồng thời sửa chữa các biến dạng của khớp, trục chi. (1)

thay khớp gối

Cấu trúc của khớp gối tương đối phức tạp. Khớp gối là một tổ hợp 3 xương gồm đầu dưới xương đùi, đầu trên mâm chày, xương bánh chè. Khi khớp gối chuyển động đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả ba cấu trúc xương này. Thay khớp gối hay tạo hình khớp gối chính là việc tái tạo bề mặt của khớp gối. Đây là phẫu thuật thay phần mặt khớp đầu dưới xương đùi, phần mặt khớp đầu trên xương mâm chày và mặt khớp xương bánh chè. 

Một ca phẫu thuật thay khớp gối cần được đảm bảo 2 yếu tố:

  • Đảm bảo sự liên quan giữa phần mặt khớp nhân tạo và và phần thân xương.
  • Đảm bảo mối quan hệ bình thường giữa những phần khớp thay thế như quan hệ giữa bánh chè và lồi cầu đùi, lồi cầu đùi và mâm chày nhân tạo.

Một ca mổ thay thế khớp gối tổn thương bằng chất liệu nhân tạo thành công sẽ giúp cải thiện các cơn đau, tình trạng biến dạng chi, nhờ đó giúp việc di chuyển của người bệnh dễ dàng hơn.

Tham khảo: Thay khớp gối Medial Pivot

Chỉ định thay khớp gối

Khi đến thăm khám khớp gối, tình trạng bệnh lý và các cơn đau của bạn sẽ cho bác sĩ biết được tình trạng bệnh, có cần thay khớp hay không. Một số trường hợp thường được bác sĩ chỉ định thay khớp gối như:

  • Người bị đau khớp gối nghiêm trọng. Tình trạng hao mòn khớp gối dẫn đến suy giảm vận động, gây tác động tiêu cực đến khả năng đi lại của người bệnh. 
  • Đau khớp gối kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và giấc ngủ.
  • Người bệnh không thể làm việc, sinh hoạt hằng ngày bình thường.
  • Phần sụn khớp bị tổn thương quá nặng. Những phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả.
  • Người bệnh thoái hóa khớp gối, dính khớp gối, viêm khớp gối dạng thấp, chấn thương làm sụn gối bị tổn thương. 
  • Mắc các bệnh khác có khả tác động đến khớp gối như bệnh rối loạn đông máu, bệnh gout, rối loạn khiến xương phát triển bất thường, hoại tử vô mạch đầu gối, chấn thương đầu gối, biến dạng khớp gối, gây đau và mất sụn.
  • Kết quả chụp X-quang cho thấy khớp gối bị hư hại nhiều. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh không đau nhưng bị biến dạng chân nhiều, ảnh hưởng đến chức năng và trục chi cũng có thể được chỉ định thay khớp gối. 

Các biến chứng sau khi phẫu thuật

Các tai biến trong phẫu thuật

Những tai biến trong phẫu thuật thường rất ít như trường hợp phẫu thuật khó có khả năng tổn thương động mạch ở chân (động mạch khoeo), tổn thương thần kinh (nhất là thần kinh hông khoeo ngoài), gãy xương đùi hoặc xương chày, bong chỗ bám của gân bánh chè, đứt gân cơ tứ đầu đùi…

Biến chứng sớm

  • Nhiễm khuẩn: Đây là rủi ro của tất cả các phẫu thuật. Khi gặp biến chứng này, người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau đớn, sốt, sưng to gối, chảy dịch ở vết mổ. Lúc này, bác sĩ cần phải cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ để điều trị kháng sinh cho phù hợp, sau đó tiếp tục theo dõi. Một số trường hợp nặng hơn có thể được chỉ định mổ lại để làm sạch khớp gối.
  • Tắc mạch: Đây là sự hình thành của các cục máu đông ở trong tĩnh mạch. Biến chứng này khiến người bệnh bị thuyên tắc phổi, thậm chí là tử vong đột ngột. Bác sĩ có thể hạn chế được biến chứng này khi cho người bệnh sử dụng thuốc chống đông dự phòng.
  • Máu tụ trong gối, cứng gối…

Biến chứng muộn

  • Nhiễm khuẩn muộn: Khi điều trị các loại nhiễm khuẩn muộn sau phẫu thuật, bác sĩ thường phải thay lại khớp mới. Có rất nhiều loại khớp gối chuyên biệt được sản xuất cho các phẫu thuật thay lại khớp gối
  • Cứng khớp, những biến chứng cơ học gây ra do khớp nhân tạo, một số trường hợp phải thay lại khớp mới như khớp gối nhân tạo không vững, mòn khớp, lỏng khớp nhân tạo.

Cần chuẩn bị gì trước khi mổ thay khớp?

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng, bổ sung đầy đủ hồ sơ bệnh án: (2)

banner subs ctch content
  • Xác định bệnh, mức độ tổn thương của khớp, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, đồng thời đánh giá những yếu tố nguy cơ, những biến chứng không mong muốn.
  • Tiến hành xét nghiệm cần thiết: Chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu, điện tâm đồ hay bổ sung những xét nghiệm khi có bệnh kèm theo.
  • Người bệnh đọc, hiểu tường tận, ký đồng ý những bản cam kết sử dụng dịch vụ tại bệnh viện điều trị.

chuẩn bị trước khi mổ thay khớp

Bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử dùng thuốc trước đây của người bệnh. Bạn có thể được hướng chi tiết cách sử dụng thuốc trước, trong và sau khi phẫu thuật. Khi có đầy đủ hồ sơ bệnh án, bác sĩ tiến hành khám gây mê. Khi đó, bác sĩ gây mê sẽ thống nhất chọn cách thức gây mê hoặc gây tê cho người bệnh, đồng thời giải thích về giảm đau sau phẫu thuật.

Ngoài ra, trước khi phẫu thuật, người bệnh cũng cần được điều trị một số vấn đề sức khỏe như các ổ viêm đang tồn tại như sâu răng, tiểu buốt. Nếu có xây xát da hoặc viêm da tại vị trí mổ, bác sĩ cũng cần xử lý ổn định trước khi phẫu thuật thay khớp.

Kỹ thuật thực hiện

Thay khớp gối toàn phần

Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần được xem là giải pháp điều trị cuối cùng, hiệu quả cao với những người bệnh thoái hóa khớp gối nặng ở giai đoạn III và IV, điều chỉnh hoàn hảo các biến dạng khớp. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được cải thiện triệu chứng đau, tránh nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.

Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường mổ trước gối. Hai mặt sụn khớp của lồi cầu đùi và mâm chày được cắt bỏ. Bác sĩ thay vào đó là 2 thành phần kim loại gắn vào lồi cầu đùi và mâm chày. Các sụn chêm và dây chằng chéo trước cũng sẽ được bỏ đi. Dây chằng chéo sau tùy loại khớp mà bác sĩ sẽ quyết định có thể giữ lại hay không. Những thành phần kim loại sẽ được gắn vào xương và được giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Một mảnh polyethylen được chèn vào giữa 2 thành phần đùi và mâm chày, giúp khớp gối cử động nhẹ nhàng. 

Thay khớp gối bán phần

 Thay khớp gối bán phần là sự lựa chọn thích hợp cho khớp gối không bị hư hoàn toàn. Chỉ cần một ngăn của khớp gối bị hư là đã phải thay, có thể ngăn ngoài hay ngăn trong, giữ lại những ngăn còn tốt. Phẫu thuật này thường nhẹ hơn so với thay khớp gối toàn phần, thời gian phục hồi sau thay khớp gối cũng ngắn hơn. 

Ưu điểm của phẫu thuật thay khớp gối bán phần so với thay toàn phần là phẫu tích xương và các mô mềm ít hơn, mất máu ít hơn, ít biến chứng và phục hồi vận động sớm. Tỷ lệ xuất hiện biến chứng như lỏng khớp, nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, gãy xương cạnh khớp gối… giữa 2 phương pháp thay khớp gối là ngang nhau.

Quy trình phẫu thuật thay khớp gối

  • Người bệnh cần nhịn ăn 6 giờ trước khi phẫu thuật. Vì nếu trong dạ dày vẫn còn thức ăn, rất dễ gây sặc, ngưng thở trong khi phẫu thuật. (3)
  • Nhập viện, nhận phòng, vệ sinh thân thể trước giờ mổ ít nhất 1 giờ.
  • Nhân viên y tế sẽ đánh dấu vết mổ cho người bệnh, để tránh nhầm lẫn bên mổ.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ, công việc chuẩn bị và đưa vào phòng mổ để chuẩn bị gây tê tủy sống hay gây mê. 
  • Phẫu thuật: Bác sĩ tiến hành rạch da đường dọc giữ gối từ lồi củ xương chày tới trên xương bánh chè, chiều dài vết mổ khoảng 10cm, mở khớp gối, cắt bỏ các phần bị hư hỏng. Cắt các lát, cắt tạo hình và đặt khớp nhân tạo vào, sau đó kiểm tra độ chính xác và độ vững của khớp gối nhân tạo. Bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu từ trong khớp ra và tiến hành khâu lại vết mổ. Ống dẫn lưu sẽ được rút ra sau 48 giờ.

quy trình phẫu thuật thay khớp gối

Thay khớp gối bao nhiêu tiền?

Với câu hỏi thay khớp gối bao nhiêu tiền, thực tế, không thể có con số cụ thể. Vì chi phí này còn tùy thuộc vào kỹ thuật người bệnh áp dụng (bán phần hay toàn phần), cơ sở y tế thực hiện, mức độ bệnh lý và các yếu tố khách quan khác. Vì thế, để biết thêm thông tin về chi phí phẫu thuật, bạn nên trao đổi trực tiếp với nhân viên tư vấn của bệnh viện điều trị, để có được kết quả chính xác cho trường hợp của mình.

Lưu ý cho người bệnh

Sinh hoạt

Người bệnh chỉ chịu được trọng lượng từ từ bên chân phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cần lưu ý:

  • Khi tập đi, phải sử dụng nạng/khung tập đi để đảm bảo an toàn.
  • Mang nẹp gối khi đứng dậy, tập đi và buổi tối trước khi ngủ.
  • Chỉ ngồi trên các loại ghế có tay vịn, tuyệt đối tránh quỳ gối, ngồi xổm, vặn người, nhảy hoặc tập quá sức sau phẫu thuật.
  • Sử dụng miếng lót bồn cầu mở rộng để đi vệ sinh dễ dàng hơn.
  • Khi lên xe ô tô, người bệnh nên ngồi ghế trước, trượt mông ra sau rồi nhờ người đỡ bạn và cả 2 chân vào xe cùng lúc.
  • Tránh nâng vật có trọng lượng quá 10kg trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật.

Chế độ dinh dưỡng

  • Ăn nhiều nhiều thực phẩm dinh dưỡng để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, giúp vết thương mau lành.
  • Sau phẫu thuật, người bệnh nên bổ sung nhiều chất xơ. Vì tình trạng táo bón có thể xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc giảm đau hoặc do ít hoạt động sau khi mổ.

dinh dưỡng sau khi thay khớp

Khi nào cần đi khám lại?

  • Sốt cao, trên 38°C.
  • Bị đau bất thường, đau hơn trước mổ, sử dụng thuốc giảm đau cũng không thuyên giảm.
  • Vết mổ tấy đỏ, nhức, có tiết dịch.
  • Màu sắc và nhiệt độ chân ở bên mổ thay đổi.
  • Chảy máu cam hoặc có máu trong nước tiểu.
  • Khi bị té ngã, ảnh hưởng đến vết mổ.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm khớp gối…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp… 

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật. 

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 093 180 6858
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Phương pháp phẫu thuật thay khớp gối là thủ thuật ngoại khoa phổ biến, được áp dụng tại nhiều bệnh viện chuyên khoa cơ xương khớp. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro hậu phẫu, bạn nên chú ý lựa chọn phẫu thuật tại các bệnh viện lớn và uy tín, đầy đủ thiết bị và đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Từ khóa » Hình ảnh Thay Khớp Gối