Thay Khớp Gối – Những Ai Cần Phải Mổ

11:20 AM 14/05/2021

1. Khớp gối được cấu tạo như thế nào:

- Khớp gối được tạo bởi sự nối tiếp giữa lồi cầu đùi và mâm chày. Phía trên là đầu dưới xương đùi, phía dưới là đầu trên xương chày, phía trước là xương bánh chè.

- Ở trong khớp gối có dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau và sụn chêm, mặt trong có dây chằng bên trong, mặt ngoài có dây chằng bên ngoài (Hình 1.1).

Tổn thương sụn khớp

Hình 1.1 Khớp gối bình thường

Hình 1.2 Khớp gối thoái hóa

Hình 1.3 Khớp gối sau thay

2. Những ai cần phải thay khớp gối

- Thay khớp gối đuợc chỉ định khi khớp gối đau nhiều mà các phương pháp điều trị bảo tồn (Uống thuốc, tiêm, vật lý trị liệu..) không hiệu quả, khớp gối biến dạng ảnh hưởng nhiều đến đi lại và chất lượng cuộc sống (Hình 1.2).

Nguời lớn ở mọi lứa tuổi đều có thể xem xét thay khớp gối, thay nhiều nhất là những nguời 60-80 tuổi và hiện đang có nhiều hơn những nguời trẻ đuợc thay khớp gối.

- Trường hợp nào thì không có chỉ định thay khớp gối? Đó là:

+ Bệnh nhân không thể chịu đuợc cuộc mổ vì có bệnh lý nội khoa kèm theo như mắc bệnh tim mạch, suy thận, suy Gan… (điều này sẽ đuợc thảo luận giữa bác si phẫu thuật, bác si gây mê và bác si nội khoa truớc khi mổ).

+ Bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm vùng gối:

+ Bệnh nhân trẻ tuổi nên hạn chế thay khớp vì khớp nhân tạo có tuổi thọ nhất định khoảng 10-15 năm. Sau thời gian này khớp thay bị hỏng sẽ phải thay lại.

+ Cần cân nhắc ở những bệnh nhân quá béo do nguy cơ hư khớp nhân tạo sẽ xuất hiện sớm hơn.

3. Thay khớp gối như thế nào

- Thay khớp gối là một phẫu thuật thay thế phần khớp gối bị hư hại do thoái hóa hoặc do nguyên nhân nào đó bằng một khớp nhân tạo.

- Bác sỹ sẽ rạch một đuờng mổ khoảng 12-15cm truớc gối. Hai mặt sụn khớp của lồi cầu đùi và mâm chày được cắt bỏ, thay vào đó là hai thành phần kim loại gắn vào lồi cầu đùi và mâm chày. Các sụn chêm và dây chằng chéo truớc cũng sẽ được bỏ đi, dây chằng chéo sau có thể giữ lại hay bỏ đi tùy loại khớp.

- Các thành phần kim loại sẽ gắn vào xương và đuợc giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Khớp gối nhân tạo toàn phần gồm ba thành phần chính là: Phần lồi cầu đùi, phần mâm chày (2 thành phần này làm bằng hợp kim- kim loại), mảnh chèn nằm giữa hai thành phần trên (Insert-làm bằng polyethylen chất luợng cao) (Hình 1.3).

4. Thay khớp gối có thể gặp tai biến, biến chứng gì

4.1. Các tai biến trong phẫu thuật

Thường rất ít, ví dụ với những trường hợp mổ khó có thể tổn thương động mạch ở chi dưới (động mạch khoeo) hay tổn thương thần kinh (đặc biệt là thần kinh hông khoeo ngoài). Cũng có thể gãy xương đùi, xương chày, bong chỗ bám của gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu đùi...

4.2. Biến chứng sớm

- Thường gặp nhất là nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn là nguy cơ của tất cả các phẫu thuật. Ở khớp gối biến chứng nhiễm khuẩn càng nặng hơn. Biểu hiện bệnh nhân thấy xuất hiện đau hơn, sốt, gối sưng to, chảy dịch ở vết mổ... Cần phải cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để điều trị kháng sinh cho phù hợp. Sau đó phải tiếp tục theo dõi, nặng hơn có thể phải mổ lại để làm sạch khớp gối.

- Các biến chứng khác :

+ Tắc mạch: Là sự hình thành các cục máu đông ở trong tĩnh mạch. Biến chứng này có thể gây ra những nguy cơ rất nặng như nhồi máu phổi, bệnh nhân có thể tử vong đột ngột. Tuy nhiên có thể hạn chế được biến chứng này khi bệnh nhân được dùng thuốc chống đông dự phòng.

+ Máu tụ trong gối, cứng gối…

4.3. Biến chứng muộn

+ Nhiễm khuẩn muộn: Điều trị loại nhiễm khuẩn muộn này thông thường là phải thay lại khớp mới. Trong trường hợp thất bại khi thay lại, chỉ còn cách làm cứng khớp.

+ Cứng khớp, các biến chứng cơ học gây ra do khớp nhân tạo, đôi khi phải thay lại khớp mới như: Khớp gối nhân tạo không vững, mòn khớp, lỏng khớp nhân tạo.

TS. Bs. Mai Đức Thuận

Khoa Phẫu thuật khớp- Bệnh viện TƯQĐ 108

Từ khóa » Hình ảnh Thay Khớp Gối