Thay Khớp Háng Bán Phần: Lợi ích, Quy Trình Và Các Lưu ý Cần Nhớ

Xuất hiện từ thế kỷ thứ XIX, đến nay phẫu thuật thay khớp háng đã được cải tiến rất nhiều về kỹ thuật và vật liệu. Đặc biệt, phẫu thuật thay khớp háng bán phần còn phát triển loại khớp mới, giúp cải thiện biên độ vận động của bệnh nhân hiệu quả, an toàn.

Thay khớp háng bán phần

Thay khớp háng bán phần là gì?

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần hay tạo hình đầu gần xương đùi một phần là thủ thuật chỉnh hình dùng để điều trị cho một số trường hợp gãy cổ xương đùi. Trong đó, chỏm xương đùi sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng các bộ phận có chất liệu như: kim loại, titanium, nhôm, cobalt hoặc nhựa rất cứng… Phương pháp phẫu thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp gãy cổ xương đùi di lệch nhiều trên bệnh nhân cao tuổi hoặc người không đảm bảo sức khỏe để thực hiện các ca mổ dài và phức tạp. (1)

Các dụng cụ cấy ghép

Chỉ định thay khớp háng bán phần trong trường hợp nào?

Cho dù y học ngày nay đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng phẫu thuật không phải là hoàn toàn không có rủi ro. Phẫu thuật thay khớp háng bán phần cũng tương tự. Chính vì thế, chỉ định thay khớp được khuyến nghị trong những trường hợp cần thiết. Cụ thể như:

  • Người có bệnh xương khớp: thoái hóa khớp háng, sụn khớp bị bào mòn. Thoái hóa khớp làm tổn thương lớp sụn trơn bao bọc đầu xương khiến cho các khớp khó vận động trơn tru.
  • Người bị viêm khớp dạng thấp: Bệnh gây ra bởi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Viêm khớp dạng thấp có thể ăn mòn sụn và đôi khi là xương dưới sụn, dẫn đến tình trạng các khớp bị hư hỏng và biến dạng. (2)
  • Hoại tử chỏm xương đùi: Nếu máu không được cung cấp đầy đủ để nuôi phần chỏm của khớp háng do những nguyên nhân như trật khớp hoặc gãy xương, xương có thể xẹp và biến dạng, khiến cho khớp háng mất chức năng.
  • Ngoài ra các bệnh lý u xương vùng chỏm hoặc cổ xương đùi phức tạp cũng có thể được điều trị bằng phương pháp cắt u và thay khớp háng bán phần.

Bên cạnh đó, phẫu thuật thay khớp háng cũng được chỉ định trong những trường hợp thoái hóa khớp háng mức độ nặng mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, cụ thể như sau:

  • Thuốc giảm đau không đạt hiệu quả và cơn đau vẫn dai dẳng
  • Tình trạng chuyển biến xấu ảnh hưởng đến khả năng vận động, dù đã dùng gậy hoặc khung tập đi
  • Đau đớn ảnh hưởng đến giấc ngủ, việc nghỉ ngơi của người bệnh
  • Gây khó khăn cho việc mặc quần áo
  • Ảnh hưởng đến khả năng lên hoặc xuống cầu thang
  • Khó đứng lên khi đang ở tư thế ngồi

Bên cạnh đó, một trong những trường hợp phổ biến được bác sĩ chỉ định thay khớp háng bán phần chính là gãy cổ xương đùi. Tình trạng này rất thường xảy ra ở người Việt. Trong đó, 80% ca thay khớp háng bán phần là do gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.

Thay khớp háng bán phần

Chia sẻ về trường hợp này, ThS.BS Đặng Khoa Học (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh), cho biết: “Gãy cổ xương đùi chiếm đến 50% trường hợp gãy xương vùng khớp háng. Theo nghiên cứu mới nhất, tổng số ca gãy cổ xương đùi mỗi năm sẽ tăng từ 2 triệu bệnh nhân năm 2020 lên 6 triệu ca vào năm 2050. Tỷ lệ người lớn tuổi té ngã gãy cổ xương đùi ở Mỹ thậm chí là 725/100.000 người.

Đối với dân số trung niên, việc nắn xương hoàn hảo theo giải phẫu, kết hợp xương bên trong bằng nẹp hay vít vững chắc và thời gian phẫu thuật sớm là rất quan trọng để tăng khả năng lành xương. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cổ xương đùi gãy phức tạp, di lệch nhiều (phân độ Garden III, IV), nguy cơ tổn thương mạch máu nuôi chỏm xương đùi cao, dù cho kết hợp xương thì khả năng lành xương vẫn kém và có nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi. Chính vì vậy trên những bệnh nhân lớn tuổi, nhu cầu vận động không cao, việc điều trị gãy cổ xương đùi phức tạp là thay thế phần chỏm này bằng chỏm xương nhân tạo, hay còn gọi là thay khớp háng bán phần”.

banner subs ctch content

Lợi ích khi thay khớp háng bán phần

Phẫu thuật thay khớp háng là một thành tựu quan trọng của y học hiện đại, với những lợi ích cụ thể như:

  • Giải phóng người bệnh khỏi các cơn đau, với tỷ lệ hơn 95% bệnh nhân giảm đau khớp háng. Điều này cũng được phản ánh qua các số liệu dài hạn. Sau 10 năm, tỷ lệ thành công vẫn là 90 – 95% và sau 20 năm là 80 – 85%.
  • Khôi phục khả năng vận động thoải mái, thay vì phải chịu sự bó buộc hay các cơn đau kinh niên như trước khi phẫu thuật thay khớp háng bán phần.
  • Trở lại với các sở thích trước đây, nhất là khi các hoạt động có liên quan đến thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, đạp xe, chơi golf
  • Cải thiện sự linh động của các khớp, nhất là khi bệnh nhân được thay khớp lưỡng cực, loại khớp có biên độ vận động lớn.
  • Hầu hết bệnh nhân đều có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau điều trị do giấc ngủ được cải thiện, giảm căng thẳng, mệt mỏi
  • Phẫu thuật thay khớp háng cũng giúp giảm nguy cơ gặp các vấn đề có liên quan đến sức khỏe mạn tính như suy tim, tiểu đường và trầm cảm…

Quy trình thực hiện

Theo THs.BS Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, phẫu thuật thay khớp háng bán phần không còn quá mới mẻ, nhưng để đảm bảo sức khỏe và sự thành công cho ca mổ, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Chuẩn bị

Trước khi bước vào phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để được thăm khám và thực hiện một số biện pháp kiểm tra như sau:

  • Tiền sử bệnh, đặc biệt là người có tình trạng rối loạn đông máu
  • Tất cả các loại thuốc đang dùng hiện tại, nhất là khi thuốc có ảnh hưởng đến việc đông máu. Nhiều khả năng là bạn sẽ được yêu cầu tạm ngưng các loại thuốc này trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Kiểm tra khớp háng, nhất là chú ý đến tầm vận động của khớp và sức mạnh của các cơ xung quanh
  • Yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI)

Để quá trình mổ diễn ra an toàn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn uống trong khoảng thời gian nhất định, thường là khoảng 8 giờ trước mổ

Thông thường, bệnh nhân đều sẽ phải đến bệnh viện để đánh giá sức khỏe tổng thể trước phẫu thuật. Đây là thời điểm tốt nhất để bạn trao đổi với bác sĩ những điều băn khoăn, đặc biệt là các loại thuốc bạn nên dùng hoặc nên tránh dùng trong một tuần trước khi phẫu thuật. Bạn cũng có thể hỏi thêm bác sĩ về phương pháp gây mê, thuốc giảm đau… sẽ dùng cho quá trình phẫu thuật và sau mổ.

Sử dụng thuốc lá cũng có thể làm cản trở quá trình chữa các bệnh xương khớp, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến khả năng lành vết thương, lành xương sau mổ. Vì thế, bạn sẽ nhận được lời khuyên ngừng sử dụng thuốc lá ít nhất 1 tháng trước khi phẫu thuật và 2 tháng sau khi phẫu thuật.

Thay khớp háng bán phần

Trong phẫu thuật

Quá trình phẫu thuật thường diễn ra trong vài chục phút đến khoảng 1 giờ. Và để thực hiện thay khớp háng, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện những hoạt động như sau:

  • Tạo một vết rạch da tiếp cận khớp háng ở phía trước, bên hông hoặc phía sau mông của người bệnh, xuyên qua các lớp mô
  • Loại bỏ xương và sụn hư hỏng, giữ lại phần xương khỏe mạnh và nguyên vẹn
  • Thay thế chỏm xương đùi biến dạng, thoái hóa bằng chỏm xương đùi với chất liệu nhân tạo, gắn vào thân vừa với xương đùi của người bệnh
  • Đóng vết mổ và hoàn tất quá trình phẫu thuật

Hậu phẫu

Sau khi trải qua quá trình phẫu thuật thay khớp háng bán phần, người bệnh sẽ được chuyển đến khu vực hồi sức trong vài giờ để chờ thuốc mê hết tác dụng. (3)

Lúc này, nhân viên y tế sẽ theo dõi huyết áp, mạch, sự tỉnh táo, mức độ đau hoặc mức độ thoải mái của bệnh nhân, trước khi chuyển về phòng nội trú. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu hít thở sâu hoặc thổi vào một thiết bị chuyên dụng để giúp tống dịch ứ đọng ra khỏi vùng hầu họng.

Một số người sau khi mổ có thể về nhà ngay trong ngày, nhưng hầu hết là phải nằm viện nội trú 1-2 ngày. Trong quá trình nằm lại bệnh viện, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn thực hiện và hướng dẫn các bài tập bạn có thể thực hiện tại nhà để tăng tốc độ hồi phục, cũng như hướng dẫn bạn các tư thế sinh hoạt an toàn sau mổ.

Các biến chứng có thể xảy ra

Mọi phẫu thuật đều có thể nguy hiểm và phẫu thuật thay khớp háng cũng không ngoại lệ. Vì thế, sau phẫu thuật người bệnh có thể đối diện với một số tình trạng sau đây:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: Các cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch chân của bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Điều này có thể nguy hiểm vì một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, tim hoặc hiếm hơn là có thể vào não. Các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ trước, trong và sau mổ để dự phòng cũng như điều trị huyết khối
  • Nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra tại vị trí vết mổ và ở trong khớp háng người bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng nếu phát hiện sớm đều được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trong tình huống xấu hơn gây nhiễm trùng nặng thì cần phải phẫu thuật để cắt lọc hoặc thay thế khớp háng khác.
  • Gãy xương: Trong quá trình phẫu thuật, các xương khỏe mạnh quanh khớp háng có thể bị gãy (như xương đùi hay ổ cối). Những chỗ gãy xương nhỏ sẽ tự lành, nhưng những đường gãy lớn, di lệch nhiều hơn có thể cần được cố định bằng vít, chỉ thép, nẹp kim loại hoặc ghép xương.
  • Trật khớp: Trong một số trường hợp nhất định, phần chỏm xương đùi nhân tạo có thể lệch ra khỏi ổ cối, đặc biệt là những tháng đầu sau phẫu thuật. Nếu tình trạng này xảy ra, bác sĩ sẽ cho bạn mang nẹp để giữ cho khớp nằm đúng vị trí. Nếu bạn vẫn tiếp tục bị trật khớp thì cần phải được phẫu thuật để điều chỉnh lại.
  • Thay đổi chiều dài chân: Các bác sĩ phẫu thuật thường sẽ thực hiện các bước cần thiết với phần mềm lên kế hoạch chuyên dụng trước mổ để tránh vấn đề này, nhưng đôi khi tình trạng khác nhau về chiều dài của chân vẫn xảy ra. Nguyên nhân có thể là do sự co cứng của các cơ xung quanh háng. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để khôi phục chiều dài chân bị ngắn.
  • Tiêu xương và lỏng khớp nhân tạo: Mặc dù biến chứng này hiếm khi xảy ra với khớp háng nhân tạo ở những ngày đầu mới thay, nhưng theo thời gian (thường từ 15-20 năm sau) chúng có thể không còn được cố định chắc chắn vào xương và gây đau cho người bệnh. Trong tình huống này, đôi khi bạn cũng có thể cần phẫu thuật lại để khắc phục sự cố.
  • Tổn thương thần kinh: Trường hợp này rất hiếm. Các dây thần kinh ở khu vực đặt khớp nhân tạo có thể bị tổn thương gây tê, yếu và đau, thường do tổn thương thần kinh tọa.

Chia sẻ về những biến chứng có liên quan đến phẫu thuật thay khớp háng bán phần, ThS.BS Đặng Khoa Học cho biết thêm, đối với các kỹ thuật thay khớp háng hiện đại như SuperPath hiện đang được thực hiện tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, việc trật khớp sau thay khớp được giảm thiểu tối đa vì bảo tồn được toàn bộ bao khớp sau và nhóm cơ xoay ngoài, giúp giữ vững khớp háng. Bởi lẽ, phương pháp này được thực hiện bằng cách mở và lách qua bao khớp phía trên, không cắt cơ và bao khớp nên hệ thống gân phía sau khớp háng hoàn toàn không bị tác động.

Một số lưu ý bệnh nhân cần ghi nhớ

Việc chăm sóc và tập luyện sau phẫu thuật có vai trò rất lớn với sự hồi phục của người bệnh. Vì thế, bạn cần chú ý một số chi tiết dưới đây sau khi xuất viện:

  • Sắp xếp người thân hỗ trợ bạn trong việc chuẩn bị các bữa ăn theo chế độ dinh dưỡng cân bằng.
  • Đặt các vật dụng hàng ngày trong tầm với để tiện sử dụng. Đặc biệt, vị trí của các đồ vật nên ở ngang hông để bạn không phải cúi xuống hoặc với tay lên.
  • Cân nhắc đến việc điều chỉnh một số chi tiết trong ngôi nhà cho phù hợp trong sinh hoạt như nâng cao bệ ngồi toilet, có tay vịn trên tường trong nhà tắm.
  • Từ 6 – 12 tuần sau khi phẫu thuật, bạn sẽ có một cuộc hẹn tái khám với bác sĩ phẫu thuật. Nếu quá trình phục hồi sau thay khớp háng tiến triển tốt, bạn nên tiếp tục tái khám theo dõi trong 6-12 tháng.
  • Hoạt động và tập các bài tập thường xuyên hàng ngày để lấy lại khả năng hoạt động của cơ và khớp. Đồng thời, tuân thủ các bài tập vật lý trị liệu, cách sử dụng thiết bị hỗ trợ như khung tập đi, gậy hoặc nạng… do các kỹ thuật viên hướng dẫn.

Khớp háng nhân tạo Phẫu thuật thay khớp háng bán phần là một trong những thế mạnh của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, với khả năng giúp bệnh nhân tái vận động hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng không mong muốn. Bệnh viện Tâm Anh là trung tâm tiến hành thay khớp háng bán phần với phương pháp tiên tiến, an toàn bằng kỹ thuật SuperPath, bảo tồn cơ, bao khớp tối đa giúp giảm trật khớp sau mổ, giảm mất máu, giảm đau sau mổ, bệnh nhân có thể đi lại ngay ngày đầu tiên sau mổ và gần như sau đó không giới hạn bất cứ tư thế nào như thay khớp háng kỹ thuật lối sau truyền thống. (4)

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp…

Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới, cụ thể như: Phẫu thuật thay xương; thay khớp khuỷu, khớp vai; phẫu thuật tái tạo và sửa chữa tổn thương đa dây chằng khớp gối; nối gân achilles (gân gót)… Bên cạnh đó, BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 093 180 6858
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Quá trình trước và sau phẫu thuật thay khớp háng bán phần tương đối phức tạp, do đó, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín và có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp để được chữa trị và theo dõi sâu sát nhất.

Từ khóa » Hình ảnh Thay Khớp Háng Nhân Tạo