Thế Gia Đại Tộc Thời Tam Quốc | Nghiên Cứu Lịch Sử
Nguyễn Đỗ Thuyên
Có ý kiến cho rằng sự hỗn loạn cuối thời Đông Hán và sự xuất hiện cục diện Tam Quốc xuất phát từ việc một trong số các thế tộc trong xã hội khi đó bắt đầu bành trướng thế lực, uy tín tăng trưởng vượt cả gia tộc nhà vua (thế tộc này sản sinh ra nhiều người tài, dần nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, thu hẹp dần quyền lực hoàng tộc), cuối cùng soán ngôi lãnh đạo khỏi tay vua Hán (chẳng hạn các gia tộc của Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền và sau này là Tư Mã Ý).
Nguyên nhân chính của sự hỗn loạn cuối thời Đông Hán và sự xuất hiện cục diện Tam Quốc không phải là sự bành trướng thế lực của các thế tộc, mà nằm ở hai sự lũng đoạn: LŨNG ĐOẠN RUỘNG ĐẤT và LŨNG ĐOẠN CHÍNH TRƯỜNG. Mà tác giả của sự lũng đoạn này không chỉ là thế tộc, mà còn là các tập đoàn quyền lực khác như HOẠN QUAN, NGOẠI THÍCH, QUÝ TỘC…
Ở phần này và phần kế tiếp, các luận điểm sẽ tập trung vào việc xem xét có phải Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên là những đại diện THẾ TỘC ĐIỂN HÌNH hay không. Minh định được điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được: Lưu-Tào-Tôn là những “thế tộc bành trướng” “góp phần tạo ra Tam Quốc”, hay là họ có những xuất phát điểm khác (không phải thế tộc) và chỉ trong quá trình tạo dựng lực lượng họ mới trở thành một gia tộc lớn, tiến đến thế tập nhiều đời?
Đầu tiên cần làm rõ về “thế tộc”. Lực lượng này thật sự là gì?
Dịch Trung Thiên trong “Phẩm Tam Quốc” đã định nghĩa rất rõ về “thế tộc” và “sĩ tộc”:
[Sĩ tộc là những gia tộc đời đời làm quan. Vì sao một gia tộc lại có thể đời đời làm quan? Vì thời đó làm quan đâu có dễ. Trung Quốc thông sử của ngài Phạm Van Lan nói, thời Hán, một người muốn làm quan bằng con đường chính quy thì cần có ba điều kiện:
+ Một – Phải là sĩ nhân; + Hai – Phải thông hiểu kinh học; + Ba – Phải đậu hiếu liêm.
Hiếu liêm là hiếu tử liêm sĩ, đó là yêu cầu về đạo đức. Thông hiểu kinh học cũng gọi là minh kinh, đây là yêu cầu về tài. Phải là sĩ nhân, là yêu cầu về thân phận. Sĩ ở thời nhà Chu là quý tộc thấp nhất. Đến đời Hán lại biến thành cao nhất, đứng đầu “sĩ nông công thương”. Sĩ là sĩ dân; nông là nông dân; công là công dân; thương là thương nhân. Nông dân làm nông, công dân làm công, thương nhân làm thương, sĩ dân đọc sách. Sĩ lấy đọc sách làm nghiệp, là thứ lao động về đầu óc. Nói cách khác, sĩ là “người lao động bằng não lực”, là “người lao tâm”. Người lao tâm trị người, người lao lực bị người trị. Vì vậy sĩ nông công thương thì địa vị của sĩ là cao nhất.
Nói như vậy là ai cũng hiểu, lúc đó người có thể đạt được ba tiêu chuẩn này là không nhiều. Chưa nói tới điều khác, riêng việc thông hiểu kinh học đã rất khó, vì không phải ai cũng có sách đọc và đọc tốt. Nếu còn yêu cầu không làm gì cả, chỉ luôn luôn đọc sách lại càng khó! Vì vậy, chỉ có những người có sách đọc, đọc được, đọc vào, đọc tốt và không làm gì cả (nông công thương) mới có khả năng làm quan. Làm quan cần phải đọc sách, đọc sách là để làm quan, đọc sách và làm quan biến thành một sự kiện, biến thành nghề nghiệp, một gia tộc, lấy đọc sách làm quan làm nghề nghiệp thì gọi là “sĩ tộc”. Nếu đời đời đọc sách và làm quan thì gọi là “thế tộc” (世族).] (hết trích)
Xin bổ sung, chữ “thế” ở đây có nghĩa là “nhiều đời, lâu đời”, như “thế giao” (世交) nghĩa là đời đời chơi với nhau, “thế cừu” (世仇) nghĩa là kẻ thù truyền kiếp.
Vậy, “thế tộc” tức là những gia tộc NHIỀU ĐỜI đọc sách, làm quan. Có câu “Thế tộc truyền thừa quyền lực, sĩ tộc truyền thừa văn hóa” chính là để nói lên mối quan hệ tuần hoàn giữa sĩ tộc và thế tộc, giữa quyền lực và văn hóa. Sĩ tộc càng nắm giữ nhiều tư liệu văn hóa, lại càng duy trì được địa vị thế tộc với quyền lực tương xứng. Thế tộc càng có quyền lực, lại càng củng cố được tài sản và địa vị học thuật của mình.
Vậy, những ai trong thời Tam quốc có đủ tiêu chuẩn của THẾ TỘC?
THẾ TỘC ĐIỂN HÌNH – NHỮNG GƯƠNG MẶT QUEN THUỘC
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, chúng ta hay nghe nói đến gia tộc Viên Thiệu là “Tứ thế tam công”, bởi từ thời cụ là Viên An đã có bốn đời giữ chức tam công, bao gồm Tư đồ Viên An (đời 1), Tư không Viên Sưởng (đời 2), Thái úy Viên Thang (đời 3), Tư không Viên Phùng – Thái phó Viên Ngỗi (đời 4). Hoặc Dương Tu được gọi là dòng dõi “Tứ thế Thái úy” bởi đời trước là Dương Tứ, Dương Chấn, Dương Bưu…đều làm đến Thái úy. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho các thế tộc lớn thời Tam quốc.
Nhưng Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ là một tác phẩm văn học và nó không giúp ta hiểu một cách có hệ thống về kết cấu xã hội Đông Hán, không giúp chúng ta lí giải được THẾ TỘC. Hãy lần ngược lại chính sử: Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang và Tam Quốc Chí của Trần Thọ, chúng ta sẽ còn gặp nhiều gương mặt thân quen khác.
Chúng ta sẽ thấy có Hứa thị ở Nhữ Nam với Hứa Thiệu (chủ trì “Nguyệt đán bình” nổi danh đương thời, chính là người đã bình Tào Tháo là “trị thế năng thần, loạn thế gian hùng”), Hứa Hủ (Tư đồ đời Hán Linh đế), Hứa Cổn (Thượng thư của nhà Ngụy), Hứa Tuấn, Hứa Tương (Tư không đời Hán Linh đế), Hứa Tĩnh (Thái phó nhà Thục Hán).
Chúng ta sẽ thấy có Tuân thị ở Dĩnh Xuyên với Thượng thư lệnh nhà Hán Tuân Úc, Thượng thư lệnh nhà Ngụy là Tuân Du – có tổ phụ là Tuân Thục tài cao đến nỗi Vương Sướng (Tư không thời Linh đế), Lý Ưng (Tư lệ hiệu úy thời Linh đế) phải coi như thầy, có Tế Nam tướng Tuân Cổn, Tư không Tuân Sảng…
Ở Triều Na, An Định (Lương châu), chúng ta có thế tộc Hoàng Phủ nối đời làm võ tướng mà mà đại diện nổi danh nhất chính là Tả trung lang lướng Hoàng Phủ Tung. Tằng tổ là Hoàng Phủ Lăng là Độ Liêu Tướng quân đời Hòa đế, em Lăng là Hoàng Phủ Quy là Độ Liêu Tướng quân đời Linh đế. Ông nội là Hoàng Phủ Kỳ làm Đô úy Phù Phong, cha là Hoàng Phủ Tiết là Thái thú Nhạn Môn. Đây là một trong số ít những gia tộc võ tướng duy trì được phong quang nhiều đời. Lí do nằm ở chỗ họ không chỉ biết binh pháp cung mã, mà còn truyền thừa được văn hóa, giỏi giang kinh học.
Nói về võ tướng và kinh học, không thể bỏ qua một người tề danh với Hoàng Phủ Tung, đó là Bắc trung lang tướng Lô Thực. Ngoài khả năng quân sự đã thể hiện khi bình định Hoàng Cân, Lô Thực thậm chí đạt tới tầm mức của một kinh học đại sư, tài năng không thua kém các đại nho như Trịnh Huyền, Mã Dung, Thái Ung; đã từng biên soạn “Thượng thư chương cú”, “Lễ ký giải cổ”. Nhưng thú vị ở chỗ, Trác quận Lô thị ở thời Đông Hán chưa được xem là một thế tộc. Lí do hết sức đơn giản: CHƯA TRUYỀN ĐƯỢC NHIỀU ĐỜI. Có thể nói, Lô Thực chính là người khởi phát nên Lô thị nổi danh, được tiếp nối bởi Lô Dục (làm đến Tư không của nhà Ngụy), Lô Khâm (Thượng thư bộc xạ nhà Ngụy), Lô Đĩnh (Thượng thư nhà Ngụy). Sau này khi Lô Huyền là trọng thần thời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Phạm Dương Lô thị mới nhảy vọt lên trở thành đại phiệt cao môn phương bắc, được liệt vào một trong “ngũ tính thất đại gia” (Lô-Vương-Lý-Trịnh-Thôi: Phạm Dương Lô thị, Thái Nguyên Vương thị, Triệu Quận Lý thị, Lũng Tây Lý thị, Huỳnh Dương Trịnh thị, Bác Lăng Thôi thị, Thanh Hà Thôi thị).
Nhắc đến Thái Nguyên Vương thị, chúng ta không thể bỏ qua một cái tên rất nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa: đó là Tư đồ Vương Doãn. Thái Nguyên Vương thị xứng đáng được coi là một đại thế tộc. Họ phát tích từ một trong Vân Đài nhị thập bát tướng – Vương Bá, vốn là trọng thần của Hán Quang Vũ đế. Vương Doãn chính là cháu 6 đời của Vương Bá. Một nhân vật khác cũng rất nổi tiếng ở hậu kỳ Tam Quốc đó là Vương Lăng – cháu gọi Vương Doãn bằng chú ruột, sau này làm đến Thứ sử Thanh/Duyện/Dương châu đời Tào Phi, rồi Thái úy trước khi thua về tay Tư Mã Ý.
Nhắc đến Thôi thị ở Bác Lăng và Thanh Hà, độc giả Tam Quốc Diễn Nghĩa hẳn sẽ nhớ cái tên Thôi Châu Bình – một trong mấy người bạn đọc sách ngày xưa với Khổng Minh (cùng với Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy…). Sau này Thôi Châu Bình làm quan cho nhà Ngụy. Ông ta chính là con của Thái úy đời Linh đế là Thôi Liệt, và là em trai của một trọng thần khác là Thôi Quân. Đó là nhánh Thôi thị ở Bác Lăng. Thôi thị Bác Lăng thanh thế hiển hách, bắt đầu phát tích từ Hán Chiêu đế, trong đó nổi tiếng nhất là Thôi Nhân, Thôi Viện, Thôi Thật và Thôi Liệt. Còn nhánh Thôi thị ở Thanh Hà cũng có đại biểu, ấy là Thôi Diễm (Thượng thư nhà Ngụy, từng rất được Tào Tháo nể trọng), Thôi Lâm (sau này làm đến chấp chính đại thần nhà Ngụy cùng thời với Lô Dục).
Chúng ta đã thấy khá nhiều ví dụ về thế tộc, đã nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc như Vương Doãn, Lô Thực, Hoàng Phủ Tung, Viên Thiệu, Dương Tu, Tuân Úc, Thôi Châu Bình… Đặc điểm chung của thế tộc chính là TRUYỀN THỪA NHIỀU ĐỜI, LIÊN TỤC GIỮ CÁC CHỨC VỤ CAO, thấp nhất cũng phải tầm Thái thú (lãnh đạo một quận), mà cao thì đến tam công (Thái úy, Tư đồ, Tư không…). Hiểu được hai đặc điểm này, chúng ta mới dễ dàng phân định được liệu có phải Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên là những đại diện thế tộc điển hình hay không.
đã định nghĩa chính xác hai đặc điểm của THẾ TỘC, đó là TRUYỀN THỪA NHIỀU ĐỜI và LIÊN TỤC GIỮ CÁC CHỨC VỤ CAO, thấp nhất cũng phải tầm Thái thú (lãnh đạo một quận), mà cao thì đến tam công (Thái úy, Tư đồ, Tư không…).
Vậy 3 vị bá chủ khai nghiệp của Thục-Ngụy-Ngô có phải là những đại diện điển hình của THẾ TỘC hay không?
1. LƯU BỊ – MỘT QUÝ TỘC SA SÚT CHỨ KHÔNG PHẢI THẾ TỘC
Lưu Bị là hoàng thân thuộc một cành nhánh xa lắc xa lơ mà vốn ông tổ Lưu Trinh (con Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng) lại còn bị phế mất cái tước Lục Thành Đình Hầu ở huyện Trác, thành ra Lưu Bị không dư dả về tài sản (không được hưởng bổng lộc của một hầu tước). Đến đời cha của Lưu Bị là Lưu Hoằng thì “nối đời làm quan ở châu quận”. Nhưng khi Lưu Hoằng mất sớm, thì Lưu Bị không còn thừa hưởng được bất cứ thứ gì từ họ Lưu nữa, mà phải “cùng mẹ lấy việc đan giày dệt chiếu làm nghiệp”. Đấy đâu có phải gia cảnh của một thế tộc?
Gia cảnh Lưu Bị sa sút đã đành, mà danh tiếng cũng chẳng giữ được. Cho nên Lưu Bị đâu có được ai đó trong họ Lưu tiến cử cho một suất “hiếu liêm” để tiện bề làm quan đâu? Ông ta đành làm cái việc mà bất cứ nhân sĩ hàn môn nào khi đó cũng làm: đó là đi học, thờ Lô Thực làm thầy và học chung với Công Tôn Toản.
1.2 LƯU BỊ: “THẾ TỘC” HAY CHỈ LÀ “MÔN ĐỆ”?
Có thể sẽ có những ngộ nhận khi thấy Lưu Bị xuất hiện cùng lúc với hai cái tên nổi tiếng là Lô Thực và Công Tôn Toản. Thật ra điều này chẳng thể nói lên ông ta là một thành phần của thế tộc. Đơn giản bởi bậc đại nho như Lô Thực có cả ngàn môn sinh khắp thiên hạ, trong số đó hàn môn là chính chứ lấy đâu ra thế tộc cho lắm. Và việc Lưu Bị đi học chung với Công Tôn Toản cũng chẳng nói lên điều gì, chỉ là đồng môn thôi mà. Nhân tiện, trường hợp Công Tôn Toản lại là một ví dụ sinh động khác cho vấn đề THẾ TỘC.
Công Tôn Toản không thuộc nhánh thế tộc nhiều đời Công Tôn Diên – Công Tôn Độ – Công Tôn Vực – Công Tôn Uyên – Công Tôn Cung ở Liêu Đông. Ông ta chỉ là một hàn môn (không rõ hành trạng của cha ông, không được hưởng đãi ngộ của thế tộc), khởi đầu chỉ làm Môn hạ thư tá ở quận Liêu Tây, vì may mắn “được Hầu Thái thú rất quý trọng”, nên đã được “đem gả con gái cho, rồi phái đến chỗ Lô Thực ở Trác Quận học kinh sách”.
Có thể so sánh khởi đầu chật vật này với khởi đầu của một đại diện thế tộc khác là Công Tôn Độ: Thái thú Huyền Thố Công Tôn Vực rất yêu mến Công Tôn Độ, đã “phái tới chỗ thầy thụ học, lấy vợ cho, về sau suy cử Hữu đạo (Hữu đạo (有道), tức đề cử người tài, có đạo đức tốt ra làm quan, cũng gần như cử Hiếu liêm), đổi phong Độ làm Thượng thư lang, được ít lâu chuyển làm Thứ sử Ký châu, rồi vì lời đồng dao lại bị bãi chức. Người cùng quận với Độ là Từ Vinh làm Trung lang tướng của Đổng Trác, tiến cử Độ làm Thái thú Liêu Đông”.
Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa thế tộc và hàn môn qua ví dụ ở trên. Công Tôn Độ được TIẾN CỬ làm Hữu đạo, sau đó quan chức thăng tiến vù vù, lên tới cấp quản lý châu (Thứ sử), quận (Thái thú) và không chỉ được Công Tôn Vực mà cả Từ Vinh tiến cử. Đó đích thực là đãi ngộ của một đại diện thế tộc được lứa đi trước BỒI DƯỠNG TRỌNG ĐIỂM và CẤT NHẮC CÓ CHỦ ĐÍCH. Trong khi đó Công Tôn Toản chỉ là được yêu mến, nên được GIỚI THIỆU đi học mà thôi. Công Tôn Toản trong trường hợp này không hề khác Lưu Bị: họ là 2 nhân sĩ hàn môn, chỉ vì có chút danh tiếng mà được giới thiệu cho vào học với danh sư (và dạng này thì đầy rẫy). Họ cũng có mặt trong câu chuyện về thế tộc, nhưng họ không đóng vai THẾ TỘC, mà đóng vai MÔN ĐỆ của thế tộc.
Sự thú vị còn chưa hết. Sau này Công Tôn Toản nhờ sự kiện theo hầu “Lưu Thái thú” (bị triệu tập đến phủ Đình úy xét tội) mà được nổi tiếng, mới được cử Hiếu liêm, nhưng chức vụ cao nhất sau đó của Toản cũng chỉ đến “Trưởng sử Liêu Đông thuộc quốc” (phụ tá lãnh đạo cấp quận) mà thôi, chẳng thể so sánh với Công Tôn Độ. Sau này Công Tôn Toản cũng phải hăng hái chiến đấu khắp các chiến trường với ngoại tộc mới dần được thăng tiến. Tính ra con đường của Công Tôn Toản khá giống Tôn Kiên.
Quay lại với Lưu Bị. Xuất thân “quý tộc sa sút” không giúp được gì nhiều cho ông ta trong cả ba quá trình: khởi nghiệp, lập danh trong thời bình, lập công trong thời chiến. Chỉ cần so sánh với Tào Tháo – một nhân vật “có thể coi là dòng thế tộc”, ta sẽ nhìn ra sự khác biệt nằm ở đâu.
1.2 SO SÁNH LƯU – TÀO: KHỞI NGHIỆP GIAN NAN
Tào Tháo bắt đầu con đường làm quan nhờ được đề cử làm Hiếu liêm. Thời Đông Hán, cách thức lựa chọn nhân tài phần lớn dựa vào tiến cử. Mỗi năm, Thái thú của mỗi quận có quyền tiến cử một người có đủ các phẩm chất của “hiếu tử” và “liêm sĩ” (nói chung là phẩm chất đạo đức tốt) để vào triều làm quan. Người này được gọi là Hiếu liêm.
Và vì là “tiến cử”, nên ngoài thực học thì “quan hệ” và “xuất thân” cũng rất quan trọng. Tào Tháo xuất thân tốt, nên đã lọt vào “danh sách đề cử”vốn có tỷ lệ hai mươi vạn người chọn một ấy. Ngược lại, người có tài, nhưng không được ai tiến cử, thì cơ hội làm quan cũng rất thấp. Và điều này ứng rất đúng vào trường hợp của Lưu Bị. Trong lúc Tào được tiến cử, thì Lưu làm gì? Không có xuất thân tốt, Lưu Bị chỉ có thể đi học – con đường phổ biến của giới sĩ tử hàn môn. Mở đầu đường quan chức, Lưu đã bất lợi hơn Tào một bậc.
1.3 LẬP DANH TRONG THỜI BÌNH: VẪN LÀ TÀO ĐƯỢC LỢI HƠN LƯU
Nhờ vào tiến cử, Tào Tháo được nhậm chức ngay. Chức vụ đầu tiên này không hề tầm thường. Nó là một thực chức: Bắc bộ úy Lạc Dương (tương đương với “Cảnh sát trưởng Bắc khu Thủ đô”). Vì Lạc Dương là đế đô, nên Tào hiển nhiên được lợi cả về danh vọng lẫn bổng lộc.
Trong lúc này, một hoàng thất “bắn đại bác mới tới” như Lưu Bị rốt cuộc cũng không thể tận dụng cái họ Lưu của mình để giành lấy cơ hội thăng tiến. Còn Tào Tháo, đã tận dụng thời gian tại chức để thu phục dân tâm, tạo nên uy vọng, sửa sang trị sự, khiêu chiến Thập Thường Thị, giành lấy tiếng tăm tốt đẹp. Về cơ hội tiến thân, Lưu lại chậm hơn Tào hai bước.
1.4 LẬP CÔNG TRONG THỜI CHIẾN: “QUAN HỆ” VÀ “XUẤT THÂN” VẪN LÀ THEN CHỐT
Nếu không có loạn Khăn Vàng, thì thật khó nói về cơ hội quật khởi của Lưu Bị. Có thể Lưu sẽ vẫn chỉ là anh sĩ tử đi học rồi sau mấy năm được tiến cử làm một chân thư lại cấp huyện cũng đã là may mắn. Nhưng Hoàng Cân khởi nghĩa đã đem lại cho Lưu Bị cơ hội lập quân công. Sau khi tập hợp bộ thuộc, Lưu đi theo Hiệu úy Trâu Tĩnh đánh dẹp, có công nên được thăng làm Huyện Uý huyện An Hỉ, trực thuộc Trung Sơn quốc của Ký Châu (chức Huyện Uý tương đương “Trưởng Công an huyện”. Ở huyện thì đứng đầu là Huyện Lệnh, văn có Huyện Thừa mà võ có Huyện Úy). Tuy đã bắt đầu có chức, nhưng thiếu “xuất thân” và “quan hệ”, con đường của Lưu Bị vẫn lắm nhọc nhằn. Sau khi tiếp tục lập công ở Đan Dương dưới trướng Quán Khâu Nghị, Lưu Bị cũng chỉ được phong làm Huyện Úy huyện Cao Đường – thực chất là “đi ngang”, chức không lên không xuống, đã vậy còn phải rời xa quê hương Trác quận.
Vậy còn Tào Tháo? Khi giặc Khăn Vàng vừa xuất hiện, Tào chưa cần làm gì đã được phong ngay làm Kỵ Đô Úy (phụ trách kỵ binh của một Quận). Và khi Tào lập quân công ở Dĩnh Xuyên, bèn được phong ngay làm Quốc Tướng của Tế Nam. Tế Nam quốc gồm đến 10 huyện, chức vụ của Tào Tháo vì thế tương đương với “Chủ tịch tỉnh”, nó cao hơn rất nhiều chức Huyện Úy –“Trưởng Công an huyện” của Lưu Bị. Sau mấy lần lập công nữa, khi Lưu Bị lên được chức huyện lệnh huyện Bình Nguyên, rồi Bình Nguyên Quốc Tướng (tương đương Thái Thú một quận trung ở Thanh Châu), thì Tào Tháo đã được phong là Thái thú Đông quận (chủ một quận lớn ở Duyện Châu, Trung Nguyên). Đường hoạn lộ của Lưu vẫn cứ sau Tào ba bước.
Nhưng đến lúc đó thì vốn liếng về danh tiếng và quan hệ trong thời kỳ này đã được Tào Tháo tích lũy đủ, Tào cáo bệnh về quê, còn Lưu vẫn cứ chật vật trên quan trường. Thành ra, trong những người có tư cách và sức hiệu triệu quần hùng trong cuộc chiến chống Đổng Trác, có tên của Phấn Vũ Tướng Quân Tào Tháo, nhưng lại chẳng hề có tên Lưu Bị. La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã mượn quan hệ Lưu Bị – Công Tôn Toản mà cho ba anh em Lưu-Quan-Trương được xuất hiện trong lều của liên quân Quan Đông để tham gia một sự kiện lớn tiền Tam Quốc, âu cũng là một điều an ủi cho Tiên chủ của nhà Thục Hán vậy.
2. TÔN KIÊN – MỘT QUÂN NHÂN CHỨ KHÔNG PHẢI THẾ TỘC
Trần Thọ trong Tam Quốc Chí chỉ nói Tôn Kiên “CÓ LẼ” là hậu duệ của Tôn Vũ chứ không dám khẳng định chắc chắn. Ngô thư của Vi Chiêu cũng cho biết “gia tộc Kiên nối đời làm quan tại Ngô Quận” chứ không nhắc đến Tôn Vũ. Tuy “nối đời làm quan” nhưng e rằng đấy chỉ là lời tâng bốc của người Ngô (để gốc gác họ Tôn thêm sáng mà thôi), chứ nếu Tôn thị có người làm quan (chỉ cần cỡ Huyện lệnh trở lên) thì Tôn Quyền khi lên làm vua hẳn phải tra lục lại, và sử quan nhà Ngô hẳn phải nhắc đến rồi. Ngay cả tên người cha của Tôn Kiên cũng không được ghi lại, thì có thể khẳng định Tôn thị đến trước thời điểm Tôn Kiên không hề có dấu hiệu của một thế tộc.
Xuất phát điểm của Tôn Kiên rất thấp: một Huyện lại (một viên Thư lại trong huyện, dưới Huyện lệnh, Huyện úy và Huyện thừa). Con đường đi lên của Tôn Kiên không phải do tiến cử, mà là nhờ công đánh dẹp quân phản loạn. Cũng như Lưu Bị hai lần làm Huyện úy (tức “Trưởng Công an huyện”) ở huyện An Hỉ và huyện Cao Đường, Tôn Kiên thăng tiến rất chậm: trải qua ba lần làm Huyện thừa (tức “phó huyện”) ở Diêm Độc, Hu Dị, Hạ Bi. Và cũng như Lưu Bị, dù công lao nhiều, thậm chí được đích thân Chu Tuấn tiến cử, thì phần thưởng dành cho Tôn Kiên cũng chỉ là cái chức “Biệt bộ tư mã” (Tư mã ở dưới Hiệu úy, quản 1 “bộ” (khoảng 600-800 quân)). Lưu Bị cũng từng giữ chức “Biệt bộ tư mã” này dưới trướng Công Tôn Toản (sau khi đã lập nhiều công lao).
Hãy so sánh với Tào Tháo: Khi giặc Khăn Vàng vừa xuất hiện, Tào chưa cần làm gì đã được phong ngay làm Kỵ Đô Úy (phụ trách kỵ binh của một Quận). Và khi Tháo lập quân công ở Dĩnh Xuyên, bèn được phong ngay làm Quốc Tướng của Tế Nam quốc, chức vụ tương đương với “Chủ tịch tỉnh”, hơn hẳn Biệt bộ tư mã – Phó huyện Tôn Kiên, hơn hẳn Biệt bộ tư mã – Trưởng công an huyện Lưu Bị.
Cả Lưu Bị và Tôn Kiên đều cố gắng lập công nhưng thăng tiến thì cực kỳ chậm, lí do là vì họ không phải thế tộc, không có ai hậu thuẫn trong triều đình. Lưu Bị từng được Công Tôn Toản tiến cử, nhưng một Trung lang tướng như Công Tôn Toản cũng chỉ có thể tiến cử đến cái chức Biệt bộ tư mã là hết mức. Tôn Kiên cũng được Chu Tuấn tiến cử, nhưng Chu Tuấn cũng chỉ là hàn môn tự phấn đấu, không phe không cánh, cũng chỉ giúp Kiên làm đến Biệt bộ tư mã mà thôi. Muốn hiểu thế nào là nhanh hay chậm, cứ so sánh với Tào Tháo ở cùng thời điểm là sẽ hiểu…
3. TÀO THÁO – GẦN VỚI THẾ TỘC NHƯNG BÀI XÍCH THẾ TỘC
Con đường thăng tiến của Tào Tháo rất thuận lợi nếu so sánh với Lưu Bị và Tôn Kiên. Gốc gác của Tào Tháo cũng “không phải dạng vừa”. Người ta hay coi cái gốc “con cháu hoạn quan” là một bất lợi của Tào, nhưng thật ra hoạn quan cũng có năm bảy loại.
“Hoạn quan” ở đây là Tào Đằng, ông nội của Tào Tháo. Tào Đằng không phải hoạn quan bình thường, trái lại, có thể nói ông ta là một hoạn quan “độc nhất vô nhị” trong thời kỳ đó, bởi ông ta không chỉ được lòng “nội đình” (hoàng thất và các hoạn quan thân cận với vua) mà còn được giới danh sĩ “ngoại đình” mến mộ. Dù cho hoạn quan, danh sĩ cùng với ngoại thích là ba thế lực tranh giành quyền lực đến khuynh đảo triều chính cuối thời Đông Hán; bất chấp một thực tế là giới danh sĩ khinh ghét hoạn quan ra mặt, và hoạn quan cũng không từ cơ hội nào chèn ép danh sĩ; thì Tào Đằng vẫn là một hoạn quan rất được giới danh sĩ tôn trọng. Lí do là vì ông ta chí công vô tư, đề bạt rất nhiều sĩ nhân tài tuấn.
Từ khi làm bạn học bên cạnh Thái tử cho đến khi Hán Thuận Đế lên ngôi, Tào Đằng làm đến Tiểu Hoàng Môn, Trung Thường Thị Đại Trường Thu, tước phong Phí Đình Hầu, có thể nói là một hoạn quan cực phẩm. Được lòng thiên tử, ông ta lại đề bạt rất nhiều danh sĩ vào các vị trí quan trọng trong triều đình, như Ngu Phóng, Biện Thiều, Diên Cố, Trương Ôn, Trương Hoán, Đường Khê. Trong số đó không thiếu danh thần võ tướng. Chẳng hạn như Thái úy Trương Ôn, Tư không Ngu Phóng đều là tam công; Trương Hoán nhiều năm làm Vũ Uy Thái Thú, chinh chiến nhiều năm với người Khương, Hung Nô lẫn Ô Hoàn ở biên giới, là một trong “Lương châu tam Minh” lừng lẫy. Rất nhiều danh sĩ được Tào Đằng đề cử đều thành danh, có thực tài và nắm giữ các chức vụ quan trọng như thế. Có lực lượng môn sinh và cố lại hùng hậu, uy vọng của Tào Đằng nhờ vậy lại càng lớn hơn.
Cha Tào Tháo là Tào Tung (con nuôi Tào Đằng) được mô tả là “bản tính đôn hậu, cẩn thận, một lòng trung hiếu, ban đầu làm Tư Lệ Hiệu Úy, rồi Linh Đế thăng lên làm Đại Tư Nông, Đại Hồng Lư, rồi thay Thôi Liệt làm Thái Úy”, nối tước Tào Đằng. Tính ra, tuy không thể bằng Viên Thiệu có dòng dõi cao quý “tứ thế tam công”, thì Tào Tháo dẫu là con cháu hoạn quan nhưng vẫn có cha làm đến tam công, có ông nội đức cao vọng trọng trong triều đình, dòng dõi và thế lực vẫn cao quý hơn rất nhiều so với một số quân phiệt thời đó như Công Tôn Toản, Lữ Bố, Tôn Kiên, thậm chí là một trời một vực so với Lưu Bị.
Tào thị có khá nhiều đặc điểm của THẾ TỘC: có sự tiếp nối, nhiều đời làm quan to. Dù vẫn có một vài điểm đen (Tào Đằng thân phận là hoạn quan, Tào Tung chỉ là con nuôi Tào Đằng, chức Thái úy của Tào Tung là dùng tiền mua được), thì Tào Tháo vẫn có sự hậu thuẫn rất lớn trong triều. Bằng chứng là sau khi đánh chết chú của hoạn quan Kiển Thạc (sủng thần của Linh đế), thì dù bọn sủng thần này đều căm hận Tháo, nhưng cũng không làm gì được, chỉ có thể “cùng nhau tiến cử lên trên, chuyển Tháo làm chức Đốn Khâu lệnh”. Nên nhớ, thế lực hoạn quan thời kỳ này cực kỳ lớn, đến mức Hoàng Phủ Tung vì không chịu hối lộ Trương Nhượng mà phải chịu thu hồi ấn Tả xa kỵ tướng quân, tước hết thực ấp 8000 hộ. Trong khi Tào Tháo dám giết người của hoạn quan, mà chỉ bị “luân chuyển” từ Bắc bộ úy Lạc Dương sang Huyện lệnh ở Đốn Khâu thôi. Có thể thấy thế lực của Tào thị là rất lớn, có dáng dấp của một thế tộc.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, Tào Tháo lựa chọn con đường đối nghịch với thế tộc, chứ không hợp tác với thế tộc. Trong Phẩm Tam Quốc, Dịch Trung Thiên đã kể rất rõ:
[Tào Tháo muốn xây dựng một “chính quyền không có sĩ tộc”. Ngài Trần Dần Khắc nói, đó là “chính quyền Tào Nguỵ của pháp gia hàn tộc”. Cứ theo lời nói và việc làm của Tào Tháo, chúng ta biết, Tào Tháo không tin thiên mệnh, thi hành pháp trị, vừa mời vừa ép, phá lệ dùng người, đề xướng tiết kiệm, không mộ hư danh, không có điểm nào là không xung đột với sĩ tộc. Nhất là điểm “cứ có tài là dùng”, coi như đã đào mộ tổ tầng lớp sĩ tộc!] (hết trích)
Mấu chốt là ở đó. Tào Tháo không tán thành phương pháp “tiến cử” – vốn là “pháp bảo” giúp cho thế tộc duy trì được sự lũng đoạn chính trường. Trái lại, Tào Tháo “duy tài thị cử” – có tài là dùng, trọng dụng nhân sĩ hàn môn, đi ngược hoàn toàn với lợi ích cốt lõi của thế tộc. Cho nên, chắc chắn Tào Tháo không phải là đại diện điển hình của thế tộc Tam quốc.
Cho nên, thế tộc, sĩ tộc đã chống lại Tào Tháo. Và Tào Tháo cũng đã đáp trả. Tào Tháo giết danh sĩ hàng đầu Biên Nhượng – Thái thú Cửu Giang. Tào Tháo đã giết Dương Tu – dòng dõi “tứ thế Thái úy”. Tào Tháo đã giết Khổng Dung – danh sĩ nổi nhất trong số các danh sĩ, là cháu đời thứ hai mươi của Khổng Tử. Tào Tháo đã giết Thôi Diễm – đại diện số một của Thanh Hà Thôi thị đương thời. Cuộc xung đột giữa Tào Tháo với sĩ tộc – thế tộc chưa bao giờ ngừng nghỉ, kể từ khi Trần Cung làm phản cho đến khi gồm thâu thiên hạ 8 phần.
KẾT
Sự nổi lên của Lưu Bị – Tôn Kiên – Tào Tháo là kết quả của quá trình loạn lạc và ước mơ cải biến xã hội của cả ba. Trong quá trình đó, Lưu-Tào-Tôn dần dần thu nạp lực lượng. Cho đến khi lên ngôi hoàng đế, cả ba dĩ nhiên đã chính thức tạo dựng nên 3 đại thế tộc Lưu-Tào-Tôn và đều truyền thừa được nhiều đời. Nhưng họ chắc chắn không phải là đại diện điển hình cho lực lượng thế tộc thời Tam quốc vậy.
Tham khảo:
Trần Thọ, Tam Quốc Chí.
Tư Mã Quang, Tư Trị Thông Giám.
Dịch Trung Thiên, Phẩm Tam Quốc.
https://www.tienphong.vn/…/giai-ma-tam-quoc-hoang-that-hoan…
http://www.tienphong.vn/…/giai-ma-thoi-tam-quoc-luu-bi-va-t…
Chia sẻ:
- Thêm
Có liên quan
Từ khóa » Sĩ Tộc Và Hàn Môn
-
Nam–Bắc Triều (Trung Quốc) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hàn Môn Là Gì - Thả Rông
-
Chisana Joo ツ - Chương 88 Hễ Sĩ Tộc Và Hàn Môn Gặp Nhau...
-
Tra Từ: Sĩ Tộc - Từ điển Hán Nôm
-
Phẩm Hạnh Của Một Nho Sĩ | Viện Bảo Tàng Dân Tộc Quốc Gia, Hôp ...
-
Thời Bắc Thuộc Và Chống Bắc Thuộc - Dân Ta Phải Biết Sử Ta
-
Lưu Bị Cũng đỉnh Thật. Tay Trắng Mà Toàn Người Tài đi Theo. | Page 3
-
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI
-
Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn - ĐHQGHN
-
Ban Dân Tộc TP. Hồ Chí Minh Thăm Các Gia đình Liệt Sĩ, Thương Binh ...