Thế Hệ Lo âu – Mega Story

Thế hệ lo âu

Trưởng thành từ những áp lực

Gen Z (sinh năm 1996-2012) là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với Internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rất khác về thế giới so với thế hệ trước. Đây cũng là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nội dung độc được gây ra bởi các phương tiện truyền thông và công nghệ như quấy rối, bắt nạt trên mạng xã hội.

Chính vì vậy, thế hệ Z trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Họ ngày càng trở nên đơn độc vì cứ phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao và cao cả, với giấc mộng khẳng định vị thế bản thân, với nỗi lo không sánh bằng bạn bè đồng trang lứa.

Thế hệ Z vốn dĩ là những đứa trẻ tưởng như được sinh ra trong một thời kỳ phát triển thuận lợi. Nhưng đi kèm theo đó là những vấn đề phát sinh của thời đại mới. Cuộc sống ngày càng hiện đại đồng nghĩa với sự xuất hiện của áp lực liên quan đến phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ. Ví dụ, nếu trước đây việc bắt nạt chỉ có thể diễn ra trực tiếp thì bây giờ các bạn trẻ có thể phải đối mặt với điều này trên mạng xã hội, với mức độ phức tạp và căng thẳng gấp nhiều lần. Hay chỉ đơn giản là áp lực từ bài vở, công việc, những thứ mà chúng ta đang phải nỗ lực mỗi ngày để chạy đua với tốc độ phát triển chung của xã hội.

Căng thẳng còn có thể gia tăng do các vấn đề thế giới như biến đổi khí hậu, chính trị, nhập cư và lo sợ về tương lai nói chung. Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng “trẻ hóa”.

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%). Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thành viên của nhóm khác. Khoảng 37% thành viên nhóm gen Z – tỷ lệ cao hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây – cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Có thể ví sức khỏe tinh thần của gen Z cũng giống như thuỷ tinh – mỏng manh và dễ vỡ, và lớp thuỷ tinh ấy lại càng bị bào mòn qua những năm tháng đại dịch COVID-19 đang diễn tiến phức tạp ở khắp mọi nơi trên thế giới.

“Mở quá nhiều tab sẽ làm hao pin” – một phép ẩn dụ cho cuộc sống của gen Z hiện đại: họ đang chạy xung quanh với quá nhiều tab mở trong đầu. Thế hệ Z phải liên tục chuyển đổi giữa các màn hình: mạng xã hội, học tập, công việc, giải trí… Và cùng lúc đó, hàng ngàn những mối lo khác cũng đang vây quanh tâm trí họ.

Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài càng dấy lên nỗi căng thẳng và hoang mang tâm lý trong toàn cộng đồng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Dịch bệnh bất định làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, mất kết nối kéo dài, gây ra nỗi đau mất người thân, gánh nặng việc làm, sự bất an về tương lai và kết quả là, thế hệ Z ngày càng trở nên lạc lõng và kiệt quệ khi cứ quay cuồng trong vòng suy nghĩ luẩn quẩn ấy.

Hơn thế nữa, thế hệ Z là một thế hệ ít nhận được sự đồng cảm mỗi khi bày tỏ sự lo âu. Được sinh ra trong thời kỳ ổn định và phát triển, thế hệ Z hẳn được cho là không nên cảm thấy “bất ổn” khi so sánh với những thế hệ khác phải sống trong chiến tranh hay đói nghèo. Chắc hẳn, tất cả chúng ta đều đã từng nghe thấy người lớn nói rằng: “Lớn bằng từng này rồi, sao còn không…?” hay “Thời bằng tuổi mày, bọn tao đã làm được bao nhiêu việc rồi đấy.” Các nghiên cứu gần đây đã công bố Millennials là thế hệ lo lắng nhất trong lịch sử. Tên gọi này liệu sẽ tiếp tục gắn liền với thế hệ Z hay không?

Trên thực tế, số liệu được đưa ra ở hội thảo “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện” (Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm – nhiều hơn gấp 2,5 lần người chết vì tai nạn giao thông. Rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến và có xu hướng tăng cao ở những xã hội phát triển. Theo định nghĩa của Viện Sức khoẻ Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rối loạn lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường (cả về cường độ và thời gian). Dù không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi, người bệnh vẫn còn lo lắng, căng thẳng.

Gen Z là một thế hệ bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu. Thế hệ Z là thế hệ được đặt nhiều kỳ vọng nhất, nhưng cũng là thế hệ mong manh nhất. Sự lo lắng triền miên dẫn tới nhiều hệ luỵ như hoảng loạn, suy sụp tinh thần, mất ngủ, đau tức ngực và khó thở, và thậm chí là tự tử. Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu xuất phát từ người nổi tiếng trong làng giải trí.

Sự âu lo này không chỉ đơn thuần là vấn đề y tế, mà đã trở thành một căn bệnh xã hội cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Áp lực thành công từ thế hệ đi trước:

Với thế hệ 8x và 9x, áp lực thành công còn lớn hơn do được sinh ra trong điều kiện kinh tế tốt hơn, nhận được sự đầu tư và chăm sóc hết mực từ bố mẹ nên lại càng “không có lý do gì để thất bại”. Đặc biệt, các cặp cha mẹ châu Á thường đặt nhiều áp lực, muốn con cái học giỏi, thành công, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực nên từ nhỏ đã đặt áp lực lên chính con cái mình – tạo nền móng lo âu cho một thế hệ.

Có nhiều nghiên cứu cho rằng mạng xã hội cũng là nguyên nhân làm tăng mức độ lo âu ở thế hệ trẻ.

Sinh ra trong thời đại bùng nổ về công nghệ và thông tin, gen Z không những luôn bị bội thực bởi hàng núi thông tin mà còn bị áp lực của bạn bè xung quanh. “Hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out, hay FOMO) là một hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Việc cập nhật liên tục thông tin và hình ảnh về cuộc sống của người khác làm cho thế hệ này có thường xuyên có cảm giác thất vọng về bản thân.

Áp lực từ những điều chưa chắc chắn:

Một đặc điểm của lứa tuổi thế hệ Z là mọi thứ đều chưa ổn định, cả về sự nghiệp, tài chính hay các mối quan hệ. Đây là giai đoạn mà sự thay đổi diễn ra thường xuyên và nhanh chóng như thay đổi công việc, chuyển đến một nơi khác sống, tình cảm… “Khủng hoảng tuổi 25” (Quarter life crisis) được xem là một dạng lo âu điển hình khi người trẻ suy nghĩ và đối mặt với tương lai vô định nhiều chọn lựa, không biết ơi chắc rằng lựa chọn nào sẽ là tốt nhất.

Mặc dù được xem là thế hệ “dễ tổn thương”, thế hệ Z vẫn được coi là những người tiên phong trong việc tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Giống như bước đầu tiên để chữa lành, bạn phải chấp nhận rằng bản thân khó có thể chịu đựng được áp lực.

Khác với hầu hết những thế hệ đi trước, thế hệ Z có tư tưởng sống mới cùng nhận thức cao về giá trị con người. Người trẻ nói không với kỳ thị, kỳ thị giới tính, kỳ thị dân tộc, kỳ thị vùng miền và trong đó có cả kỳ thị những căn bệnh tâm lý.

Nếu trước đây, người ta ngại nói về sức khỏe tinh thần, trốn tránh các vấn đề của bản thân hay thậm chí nghĩ rằng bệnh tâm lý là một điều tệ hại để nói ra thì hế hệ Z đang xem sức khoẻ tinh thần là phần quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy, Haruki Murakami có viết: “Chuyện gì sẽ xảy đến khi con người mở lòng mình ra?” – “Họ sẽ thấy tốt hơn”. Có lẽ hiểu được điều đó, những người trẻ thế hệ Z không còn muốn bản thân phải chịu đựng hay bị kìm hãm bởi những trở ngại tinh thần. Họ tìm đến những phương pháp để điều trị với tâm niệm bản thân có thể trở nên tốt hơn, cuộc sống thực sự ý nghĩa hơn. Họ để ý đến bản thân mình hơn và tìm hiểu về nó để đảm bảo mình đang ở trong tình trạng ổn định.

Các bạn trẻ hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và thái độ về vấn đề sức khỏe tinh thần. Các bạn hiểu khá rõ rằng các khóa trị liệu, hay quá trình làm việc với những nhà chuyên môn là một hành trình hỗ trợ để các bạn đối diện với những tổn thương đã bị dồn nén, để nâng đỡ bản thân theo cách phù hợp, để khám phá các ẩn ức bên trong và có những sự điều chỉnh phù hợp để đi qua những khó khăn này.

Chị Nguyễn Hà Thành – Chuyên gia tư vấn tâm lý với hơn 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người đồng sáng lập dự án hotline Đường Dây Nóng Ngày Mai, chia sẻ rằng đến nay, dù truyền thông đã bắt đầu bàn luận nhiều hơn về vấn đề sức khỏe tinh thần, nhưng không phải ai cũng có sự hiểu biết thực sự đúng đắn về vai trò của một nhà tư vấn tâm lý.

Khi bàn về những trăn trở để xã hội nói chung hay những người trẻ lo âu nói riêng đang gặp vô vàn bộn bề trong cuộc sống, chị Nguyễn Hà Thành đã bày tỏ:

“Tôi thật sự rất mong đợi mỗi chúng ta, đều cần để tâm đến bản thân mình. Có nhiều hành trình trong cuộc đời để ta khám phá, nhưng hành trình quan trọng nhất, đáng để chúng ta phải đối diện nhất là hành trình đi vào bên trong. Hành trình này ý nghĩa với tất cả chúng ta, cả bạn, cả tôi và cả những người đang làm việc với tư cách là những người trợ giúp tâm lý cho người khác.”

Rối loạn lo âu, hay trầm cảm có thể xảy đến với bất kỳ ai, bao gồm cả người thân trong gia đình, hay bạn bè của chúng ta. Bởi vậy, gia đình, người xung quanh và xã hội nói chung đóng một vai trò quan trọng trong việc đồng hành và giúp đỡ những người mắc chứng lo âu và trầm cảm, để họ có thể vượt qua được căn bệnh này, và có một sức khỏe tinh thần ổn định hơn. Dưới đây là một số cách thức để chúng ta có thể áp dụng, từ đó đồng hành với những người lo âu, trầm cảm trên con đường cải thiện sức khỏe tâm lý.

Lắng nghe thấu cảm (empathic listening), theo Indeed, là kỹ năng lắng nghe chú tâm và tương tác với nhằm thấu hiểu cảm xúc của người nói, bên cạnh những ý tưởng và suy nghĩ của họ. Không chỉ đơn giản là lắng nghe thông thường, khi chúng ta chỉ cần ngồi xuống và lắng nghe câu chuyện của người đối diện, lắng nghe thấu cảm đòi hỏi người nghe phải thật sự tập trung và chú ý tới cảm xúc của người kể chuyện. Một lợi ích nổi bật của lắng nghe thấu cảm là mang đến sự động viên, hỗ trợ và ủng hộ cho người đối diện, thay vì nhận xét và đưa ra những lời khuyên sáo rỗng.

Ngoài ra, lắng nghe thấu cảm còn đem lại những cuộc trò chuyện ý nghĩa. Một người biết lắng nghe thấu cảm sẽ tạo tiền đề để gây dựng lòng tin với người đối diện, giúp họ có thể tháo dỡ lớp màng bảo vệ, và mở lòng để chia sẻ về những khó khăn mà họ đang gặp phải, hoặc chỉ đơn giản là thể hiện cảm xúc của mình. Sự tập trung và kiên nhẫn khi lắng nghe đối phương đồng thời cũng giúp giảm thiểu các thiên kiến vốn có.Chuyên gia trị liệu tâm lý Brandon Santan tiết lộ rằng: “Cách tốt nhất để thể hiện sự quan tâm với một người thân yêu đang trải qua trầm cảm là bày tỏ để được cùng tham gia các cuộc đấu tranh của họ. Hãy cho họ biết rằng bạn nhận thấy một điều gì đó đang diễn ra và thể hiện sự đồng cảm với họ”.

Thể hiện sự chân thành, từ tốn, cùng một tâm lý sẵn sàng lắng nghe và đón nhận sẽ khiến đối phương dễ dàng tin tưởng và mở lòng để thành thật với cảm xúc của họ.

Điều quan trọng khi giao tiếp với một người trầm cảm là thái độ không phán xét. Chúng ta có thể muốn đưa ra lời khuyên, cách khắc phục hoặc nói với người đó rằng chúng ta hiểu họ cảm thấy thế nào. Nhưng tất cả những gì đối phương cần chỉ là một người lắng nghe và tỏ ra cảm thông với họ. Những câu nói như “Tôi sẽ ở bên bạn”, “Cảm giác của bạn lúc đó thế nào?”, “Tôi có thể giúp đỡ bạn như thế nào?” chắc hẳn sẽ thể hiện sự thấu cảm nhiều hơn so với những lời nói như “Đừng quá buồn, bạn sẽ ổn thôi”, hoặc “Tôi hiểu mà, tôi cũng đã từng trải qua như bạn”. Trải nghiệm và cảm xúc của mỗi người là riêng biệt, bởi vậy chúng ta cần phải lựa chọn từ ngữ phù hợp, và thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với người mắc chứng trầm cảm.

Đôi khi, chỉ nỗ lực của bản thân người bị lo âu/trầm cảm và bạn bè, người thân xung quanh là chưa đủ. Nếu tình trạng của người mắc chứng trầm cảm ngày càng tồi tệ, chúng ta có thể từ từ động viên họ tìm tới sự giúp đỡ của một chuyên gia tham vấn tâm lý. Cần nhẹ nhàng trò chuyện với họ để giúp họ hiểu rằng trầm cảm là một bệnh có thể chữa được, và cùng họ tìm kiếm một bác sĩ tâm lý phù hợp.

Lo âu và trầm cảm là một căn bệnh có quá trình điều trị phức tạp và khác nhau đối với từng người. Không phải liệu pháp nào cũng sẽ phát huy tác dụng ngay từ lần đầu tiên. Bởi vậy, bản thân người bệnh và gia đình của họ thường xuyên được khuyên rằng cần phải kiên nhẫn. Đối với người thân và bạn bè của người trầm cảm, sau khi đã thành công động viên người bệnh tới gặp chuyên gia tâm lý, cần tiếp tục ở bên cạnh và ủng hộ, giúp đỡ họ trong suốt quá trình điều trị. Điều này có thể được thể hiện ở việc sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho người bệnh như cùng đi với họ đến gặp bác sĩ tâm lý, trao đổi với chuyên gia, tìm hiểu thêm những liệu pháp điều trị trầm cảm, theo dõi sát sao và ghi nhận những chuyển biến dù là nhỏ nhất từ người bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta có thể khuyến khích và giúp người bị trầm cảm giữ gìn sức khỏe thể chất như tập thể dụng, đồng thời giúp họ duy trì các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội (theo sự đồng ý của người bệnh).

​Thế hệ người trẻ lo âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống, khiến cho sức khỏe tâm lý của họ sẽ trở nên lung lay và bất ổn. Tuy nhiên, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, và cuộc sống này, dù tàn nhẫn và thử thách nhường nào, vẫn sẽ luôn có hi vọng về một ngày mai tươi sáng.

Sống trong thời đại cởi mở, dường như nhiều bạn trẻ đang khép mình lại, có thể vì quá choáng ngợp, có thể vì chưa tìm thấy lối đi riêng. Song, chúng ta không thể mãi né tránh hay cố chịu đựng những cảm xúc tiêu cực. Năng lượng từ bên trong mới là bộ đồ đẹp nhất, là nụ cười tươi tắn nhất mà những bạn trẻ có thể khoác lên mình. Việc sử dụng những biện pháp xoa dịu tinh thần đều chỉ là nhất thời, cốt lõi của chúng vẫn xuất phát từ niềm tin vào chính bản thân.

Thật vậy, gen Z là một thế hệ dễ tổn thương, thế hệ lo âu, nhưng cũng là thế hệ có sức chịu đựng bền bỉ và khát khao chữa lành lớn nhất. Chính sự áp lực từ điều kiện ngoại cảnh khiến thế hệ Z ý thức được rõ hơn ai hết tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Họ sẵn sàng đón nhận thử thách, bài học để khiến họ trở nên tốt hơn, trở thành một người tròn đầy và hoàn thiện hơn. Làm gì có thế hệ nào sẵn sàng bỏ qua định kiến để theo đuổi chất riêng của mình, để được là chính mình? Làm gì có thế hệ nào bỏ tiền để đi học một khóa thiền ngay từ độ tuổi cấp 3? Làm gì có thế hệ nào tạm tách mình ra khỏi cộng đồng để quan sát và soi chiếu bản thân? Thế hệ Z là một thế hệ cá nhân, không chỉ vì xu hướng công nghệ thông tin, mà còn bởi họ muốn đào sâu và khám phá những giá trị bên trong của mình.

Kết

“Tích cực lên, đừng trầm cảm nữa!” là một câu nói đầy sáo rỗng. Thật vậy, vẫn có nhiều người không thể hiểu được vấn đề sức khỏe tinh thần mà thế hệ Z nói riêng, thế hệ trẻ nói chung đang phải đối mặt. Dù là lo âu, trầm cảm hay bất kỳ vấn đề sức khỏe về tinh thần, người bệnh luôn cần được trấn an rằng họ không đơn độc một mình trong cuộc chiến này. Họ cần được nhắc nhở rằng mình sẽ được đồng hành, sẻ chia và thấu hiểu bởi những người xung quanh.

Thực hiện:strong> Trương Tuấn Khoa, Vũ Thị Phương Anh, Vũ Anh Thư, Nguyễn Hoàng Huyền Trang, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Võ Quỳnh Hương, Nguyễn Hồng Trang Nhung, Nguyễn Ngọc Minh Uyên, Nguyễn Văn Tuyền/strong>
Thực hiện: Trương Tuấn Khoa, Vũ Thị Phương Anh, Vũ Anh Thư, Nguyễn Hoàng Huyền Trang, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Võ Quỳnh Hương, Nguyễn Hồng Trang Nhung, Nguyễn Ngọc Minh Uyên, Nguyễn Văn Tuyền

Chia sẻ:

  • Tweet

Có liên quan

Từ khóa » Nỗi Sợ Của Gen Z