Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam - Khoa Sư Phạm

Chú thích:

(1) Ngoại kỉ. quyển 1, tờ 3-a. (2) Tên 15 bộ đó theo Đại Việt sử kí toàn thư là: Văn Lang. Giao Chỉ, Vũ Định, Vũ Ninh. Lục Hải. Ninh Hải, Tân Hưng, Phúc Lộc, Chu Diên, Dương Tuyền, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn. Các sách khác như Đại Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái, Ức Trai dư địa chí v.v… cũng chép con số 15 bộ nhưng tên của các bộ có khác chút ít. (3) Tuy cùng đọc là Hy nhưng mặt chữ Hán của hai chữ Hy này hoàn toàn khác nhau. (4) xem Đại Việt sử kí toàn thư (Ngoại kỉ quyển 1).  

Chương 2 : THẾ THỨ THỜI BẮC THUỘC (179 trước công nguyên đến 905)

I – TIỂU DẪN

1 – Trước hết, chúng tôi coi năm 179 trước công nguyên là năm mở đầu và năm 905 là năm kết thúc của thời kì Bắc thuộc. Trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm đó, cũng có lúc nhân dân ta đã giành được độc lập, nhưng đó chỉ là nền độc lập rất yếu ớt và tạm thời, cho nên, toàn bộ khung thời gian tử năm 179 trước công nguyên đến năm 905 đều thuộc về thời Bắc thuộc.   2 – Xét chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, chúng tôi thấy có sự khác biệt giữa danh nghĩa và thực chất. Về danh nghĩa, mỗi quan đô hộ đều nhận phẩm tước của một triều đình cụ thể nào đấy, nhưng về thực chất, có những quan đô hộ làm việc cho hai triều đại khác nhau, lại cũng có những quan đô hộ âm thầm xây dựng cho mình cả một hệ thống chính quyền cát cứ riêng. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là lực li tâm chính trị. Bởi thực tế đó, bảng thế thứ thời Bắc thuộc chỉ có một ý nghĩa rất tương đối mà thôi.   3 – Về danh mục các quan đô hộ của các triều, sử cũ chép không rõ ràng, đó là chưa nói có sự sai biệt lẫn nhau. Có những quan, tiếng là đô hộ toàn cõi nước ta nhưng thực thì họ chưa từng tới nước ta. Có những quan, tiếng là đô hô trong phạm vi một quận, nhưng thực thì quyền hành của họ gần như toả rộng khắp toàn cõi.   Trước tình hình đó, chúng tôi chép ra đây tất cả những quan đô hộ nào được sử cũ nhắc tới, không phân biệt đó là thứ sử hay thái thú.   4 – Sách này trình bày thế thứ các triều vua Việt Nam, do vậy, phần thế thứ thời Bắc thuộc, chúng tôi trình bày lướt qua, cốt để cung cấp một ý niệm ban đầu hơn là cung cấp những tư liệu lịch sử đầy đủ về thời Bắc thuộc.  

II – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ CỦA NAM VIỆT

Năm 208 trước công nguyên, nhân nhà Tần sụp đổ, một viên tướng trong đạo quân nam chinh của nhà Tần là Triệu Đà đã chiếm cứ vùng Lĩnh Nam (Trung Quốc) và sau đó lập ra nước Nam Việt. Ngay khi vừa mới lên ngôi, Triệu Đà đã nhiều lần xua quân sang tấn công xâm lược Âu Lạc. Nhưng tất cả những cuộc tấn công đó đều bị quân đội của An Dương Vương đẩy lùi. Sau, Triệu Đà dùng kế hôn nhân, cho con trai là Trọng Thuỷ lấy con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu và cho Trọng Thuỷ ở rể tại Âu Lạc. Từ đó, An Dương Vương mất cảnh giác, rốt cuộc, bị Triệu Đà bất ngờ đánh bại và cướp nước kể từ năm 179 trước công nguyên.   1 – TRIỆU VŨ ĐẾ (206 đến 137 trước công nguyên) Họ, tên: Triệu Đà. – Nguyên quán: Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc). – Thống trị nước ta 42 năm (từ năm 179 đến năm 137 trước công nguyên). – Mất năm Giáp Thìn (137 trước công nguyên), thọ 120 tuổi (1). – Không thấy sử chép việc Triệu Đà đặt niên hiệu.    2 – TRIỆU VĂN VƯƠNG (136 đến 125 trước công nguyên) – Họ, tên: Triệu Hồ (con của Trọng Thuỷ, cháu nội của Triệu Đà). – Lên ngôi năm Ất Tị (136 trước công nguyên). – Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 136 đến năm 125 trước công nguyên. – Mất năm Bính Thìn (125 trước công nguyên), thọ 51 tuổi. – Không thấy sử chép việc Triệu Hồ đặt niên hiệu.   3 – TRIỆU MINH VƯƠNG (124 đến 113 trước công nguyên) – Họ, tên: Triệu Anh Tề (con trưởng của Triệu Hồ). – Ở ngôi (và thống trị nước ta) 11 năm, từ năm 124 đến năm 113 trước công nguyên. – Mất năm Mậu Thìn (113 trước công nguyên). – Không thấy sử chép việc Triệu Anh Tề đặt niên hiệu.    4 – TRIỆU AI VƯƠNG (112 trước công nguyên) – Họ, tên: Triệu Hưng (con thứ của Triệu Anh Tề). – Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Kỉ Tị (112 trước công nguyên). – Chết vì bị quan tể tướng là Lữ Gia giết.   5 – THUẬT DƯƠNG VƯƠNG (111 trước công nguyên) – Họ, tên: Triệu Kiến Đức (con trưởng của Triệu Anh Tề, anh của Triệu Hưng, mẹ là người Việt nhưng không rõ họ tên). – Ở ngôi (và thống trị nước ta) năm Canh Ngọ (111 trước công nguyên). – Bị nhà Tây Hán đánh đổ năm 111 trước công nguyên, sau sống chết thế nào không rõ. – Không thấy sử chép việc Triệu Kiến Đức đặt niên hiệu.  

III – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ THỜI LƯỠNG HÁN

1 – Vài nét về lãnh thổ và dân cư của nước nhà thời bị nhà Hán đô hộ   Thời cổ đại, Trung Quốc có đến hai triều Hán khác nhau. Một là Tiền Hán (hay Tây Hán), khởi đầu là Lưu Bang (Hán Cao Tổ) tồn tại từ năm 206 trước công nguyên đến năm thứ 8 sau công nguyên. Hai là Hậu Hán (hay Đông Hán), khởi đầu là Lưu Tú (Hán Quang Võ) tồn tại từ năm thứ 25 đến năm 220 sau công nguyên. Giữa hai triều Tây và Đông Hán là triều Tân (từ năm thứ 8 đến năm thứ 25 sau công nguyên). Do dấu ấn của nhà Tân rất mờ nhạt, các nhà nghiên cứu thường gọi chung toàn bộ khoảng thời gian lịch sử từ năm 208 trước côug nguyên đến năm 220 sau công nguyên là thời lưỡng Hán.   Nội thân lịch sử Trung Quốc thời lưỡng Hán có rất nhiều biến cố lớn uhỏ khác nhau, nhưng đối với nước ta mưu đồ chung của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vẫn không hề thay đổi.   Tây Hán cũng như Đông Hán đều coi nước ta là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau đây là vài con số về dân cư của nước ta theo thống kê của sử sách Trung Quốc.

Từ khóa » Các Triều đại Pk Việt Nam