Theo Chân Cung Thủ Sài Gòn Khám Phá Sức Hút Của Bộ Môn Bắn Cung
Có thể bạn quan tâm
Ánh nhìn sắc lẹm, chiếc cung tên bóng loáng, bãi tập ngoài trời đầy nắng với các tấm bia màu sắc, v.v. Ngần ấy chi tiết thôi cũng đã đủ khiến một tấm hình nhận “cơn mưa” yêu thích trên mạng xã hội. Đây là một trong những lý do tạo nên sức hút gần đây của bộ môn bắn cung ngoài trời khi Sài Gòn bước vào những ngày "bình thường mới."
Tại Việt Nam, bắn cung là một môn thể thao có lịch sử còn khá “non và xanh.” Ngay cả Câu lạc bộ Bắn cung Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM, đơn vị tiên phong cả nước trong việc giới thiệu bộ môn này tới cộng đồng, cũng chỉ mới ra đời từ năm 2014. Nhiều sân tập khác đã được mở ra tại Hà Nội và Sài Gòn từ đó đến nay, nhưng bắn cung chưa thực sự trở thành một bộ môn tập luyện phổ biến.
“Phần lớn mọi người hiểu nhầm rằng môn này đắt đỏ, chỉ dành cho người có điều kiện và hơn nữa lại nguy hiểm,” chị Quan Nguyễn Thảo Nguyên, một huấn luận viên và trọng tài tại các cuộc thi bắn cung cấp quốc gia cho biết.
Bộ môn vận động phù hợp cho nhiều lứa tuổi
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các cư dân của thành phố có xu hướng quan tâm đến các hoạt động thể thao ngoài trời — vừa rèn luyện sức khỏe, vừa đổi gió sau nhiều tháng “bó chân” trong nhà. Bắn cung vì thế cũng rơi vào tầm ngắm của làn sóng người mới đam mê vận động. Saigoneer đã ghé thăm Câu lạc bộ bắn cung Trần Quan Brothers, sân chơi đã hoạt động được 5 năm tại Sài Gòn, để tìm hiểu sức hút của bộ môn đang dần lan tỏa này.
Chú Quan Vân Triều là người sáng lập câu lạc bộ bắn cung Trần Quan tại quận 3. Chú Triều đã bắt đầu theo đuổi bộ môn này từ năm 1968.
Câu lạc bộ Trần Quan Brothers được thành lập từ năm 2016, hiện đang đặt tại khuôn viên trường tiểu học Trương Quyền, quận 3. Đây là một trong rất ít câu lạc bộ bắn cung hoạt động lâu năm và liên tục của thành phố, sở hữu sân bãi rộng rãi, có thể mở rộng tới cự ly 70m, đạt tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn cho người chơi.
Trò chuyện với Saigoneer, Quan Vân Triều, người thành lập câu lạc bộ, cho biết ông đam mê bắn cung từ năm 1968, khi đang ở Tổng hội Võ thuật Việt Nam. Theo đuổi môn thể thao này hơn 50 năm, ông nhận ra bắn cung chính là một bộ môn thiền động (trái với thiền tĩnh là chỉ ngồi yên một chỗ). Tùy theo thời gian tập luyện, mỗi người sẽ thu nạp cho mình được một số lợi ích như giải tỏa căng thẳng, cải thiện sự tập trung, tăng khả năng quan sát, quyết đoán, kiên nhẫn, rèn luyện thể lực, v.v.
Đối tượng chính của môn bắn cung thuộc mọi lứa tuổi, và đa phần người chơi tại thời điểm Saigoneer có mặt là những người trẻ ở độ tuổi 20-30, một số ít là các bạn nhỏ đang học tiểu học và cả các hội viên lớn tuổi. Vì đại dịch và cả hiệu ứng lớn từ Olympic 2020, câu lạc bộ đã thu hút được thêm khá nhiều người nhập môn. Một vài người chỉ muốn thử sức và thỏa mãn sự hiếu kỳ, nhưng theo lời ông Triều, có đến 70% người đã đăng ký muốn theo đuổi bộ môn này lâu dài.
Như Quỳnh, một nhân viên thiết kế 34 tuổi gia nhập câu lạc bộ từ giữa năm 2020, chia sẻ rằng triết lý thiền động trong bắn cung đã mang đã mang đến cho cô nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Khi đến với bắn cung thời gian đầu, Quỳnh chỉ xem hoạt động này như một trải nghiệm mới mẻ để nâng cao thể lực. Thế nhưng sau nửa năm, cô ngày càng cảm thấy một sự kết nối sâu sắc hơn đối với bộ môn. Đến nay, mỗi ngày cô đều dành ra 2–3 tiếng để luyện tập cũng như tham gia thi đấu tại các giải không chuyên.
“Trong bắn cung, nhất cử nhất động đều quan trọng. Câu ‘sai một ly, đi một dặm’ rất đúng với môn này. Vậy nên tương tự như khi thiền, người chơi phải hoàn toàn làm chủ được không chỉ cơ thể, nhịp thở, mà cả những luồng suy trong đầu, từ đó hình thành cho mình sự bình tĩnh, kiên nhẫn và thái độ tích cực hơn trước những vấn đề khác nhau trong cuộc sống,” Quỳnh chia sẻ.
Cậu bạn Như Thuần, sinh viên khoa kiến trúc trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, lại tiếp cận bộ môn bắn cung từ một góc nhìn rất khác. Vốn sẵn tò mò về hai bộ môn thể thao còn khá mới lạ tại Việt Nam là bắn cung và bắn súng, ngay khi vừa lên thành phố trọ học, Thuần đã ngay lập tức tìm đến những câu lạc bộ khác nhau để tự mình trải nghiệm.
“Mình bị thu hút bởi yếu tố kỹ thuật trong những bộ môn sử dụng vũ khí tầm xa, và theo mình đánh giá, bắn cung còn có tính thử thách cao hơn so với bắn súng khi người chơi phải tính toán độ cong của cánh cung và cùng lúc phối hợp rất nhiều thao tác khác nhau.”
Thuần cho biết cậu đã giới thiệu sở thích này đến nhiều bạn bè, tuy nhiên phần lớn đều chưa quen với việc nhìn nhận hoạt động bắn cung như một hình thức rèn luyện thể thao lâu dài. “Hình ảnh cung tên trong mắt nhiều người vẫn là một thứ vũ khí thô sơ với nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng. Bạn bè của mình hầu hết theo đuổi các sở thích gần gũi hơn như vẽ vời hay đá banh, bóng rổ nên vẫn thường phản ứng với nhiều nghi ngại khi nghe đến việc bắn cung,” Thuần nói tiếp.
Em Lý Quyên, học sinh lớp 8, đã luyện tập bắn cung được ba năm.
Trên sân tập đầy nắng, chúng tôi thấy những dáng dấp nhỏ bé hơn. Tươi tắn và bạo dạn, cô bé học sinh lớp 8 Lý Quyên, vẫn chưa phải là học viên nhỏ tuổi nhất tại đây, kể về cảm nhận của mình: “Dù xung quanh đa phần là người lớn nhưng em không hề ‘khớp’ chút nào, vì các cô chú và anh chị đều rất vui vẻ và thoải mái. Mỗi lần đến tập em đều cảm thấy hào hứng.”
Đã có “thâm niên” tham gia bắn cung hơn ba năm nay, Quyên lần đầu thử sức với bộ môn này khi đang học lớp 5 tại ngôi trường tiểu học cạnh bên. Mỗi giờ tan trường, nhìn thấy hình ảnh các anh chị lớn dốc sức tập trung vào cung tên và bia bắn trước mặt, Quyên đã bị ấn tượng mạnh mẽ và quyết tâm thuyết phục cha mẹ để được thử sức với bộ môn vẫn bị cho là nguy hiểm này. Từ những lo ngại ban đầu, bố mẹ Quyên giờ đã hoàn toàn an tâm và tự hào khi cho thấy cô con gái tự tin giương các loại cung khác nhau.
Theo lời huấn luyện viên Thảo Nguyên, con gái chú Triều, với các bạn nhỏ, ngoài các lợi ích về thể chất, bắn cung là cách tuyệt vời giúp các em rèn luyện khả năng tập trung. Chị cho biết: “Tại Hàn Quốc, quốc gia thống lĩnh môn bắn cung tại các kỳ thế vận hội, hoạt động này được đưa vào chương trình học chính khóa của học sinh tiểu học. Hi vọng các trường tiểu học trong nước sớm xem xét đưa bắn cung vào chương trình rèn luyện thể chất.”
Liệu có thể giữ lửa cho bắn cung?
Anh Nguyễn Nhựt Minh, từng là vận động viên của đội tuyển bắn cung thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ rằng: “Đây là môn khá trầm so với các thể thao khác. Không phải môn đối kháng, bắn cung là bộ môn mang tính cá nhân khá cao. Điều này cũng kén tính cách người chơi.”
Tuy nhiên, bắn cung vẫn có khả năng gắn kết mọi người với nhau. Vì không có nhiều nguồn tham khảo kiến thức, kỹ năng tập luyện môn này, nên người chơi cùng sân luôn sẵn lòng hỗ trợ, góp ý cho nhau để cùng tiến bộ. Được biết, một số bạn trẻ tại Trần Quan Brothers đang cùng thực hiện một dự án để lần tìm nguồn gốc của cung tên truyền thống gần như đã thất truyền của Việt Nam.
Các câu lạc bộ thường sẽ cung cấp các loại cung cơ bản cho thành viên, từ cung truyền thống tới các loại cung trợ lực.
Chi phí dụng cụ và phí thành viên là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ giữ chân thành viên. “Đúng là những người chơi lâu năm thường sẽ có nhu cầu nâng cấp dụng cụ để chinh phục các cự ly xa. Điều này đòi hỏi đầu tư không ít tài chính, vì các bộ cung trợ lực cao cấp có giá giao động từ 15–20 triệu VND,” chị Thảo Nguyên bày tỏ.
“Tuy nhiên, nói bắn cung chỉ dành cho người có điều kiện cũng không đúng. Khi tới các câu lạc bộ, hầu như mọi người được trang bị đầy đủ trang thiết bị và không phải trả phí thêm. Phí thành viên cũng tương đương với đa phần các môn thể thao khác: 60.000VND/giờ và khoảng 700.000–800.000VND/tháng.”
Sẽ mất một thời gian nữa trước khi bộ môn bắn cung trở thành một lựa chọn rèn luyện tâm-lực thường xuyên, đặc biệt khi các thành phố lớn thiếu diện tích để xây thêm sân tập ngoài trời đạt chuẩn. Thế nhưng, sự hiện diện của các câu lạc bộ và cộng đồng bắn cung gắn kết cũng đã và đang góp phần đưa bộ môn này đến gần hơn với đại chúng, đồng thời ươm mầm cho sự phát triển của lứa cung thủ trẻ Việt Nam, giúp họ sẵn sàng cho những kỳ so tài trên đấu trường quốc tế trong tương lai.
Từ khóa » Tìm Hiểu Bộ Môn Bắn Cung
-
Kỹ Thuật Bắn Cung Chuẩn Xác Cho Người Mới Bắt đầu Tập - Elipsport
-
Bắn Cung – Wikipedia Tiếng Việt
-
Các Giải đấu Bắn Cung Và Những điều Người Mới Cần Biết - LEEP.APP
-
Bắn Cung Cho Người Mới - Nhập Môn Cung Thuật
-
Bắn Cung Trần Quan - Câu Lạc Bộ Trần Quan Huynh Đệ Xạ Trường
-
Bắn Cung Là Gì? Kỹ Thuật Môn Bắn Cung Như Thế Nào?
-
Buổi đầu Học Bắn Cung ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên - Góc Của Liên
-
Nghệ Thuật Môn Bắn Cung đáng Kinh Ngạc Của Nhật Bản
-
Tìm Hiểu Luật Thi đấu Môn Bắn Cung Chi Tiết Nhất ?? - Dự đoán Xổ Số
-
Lịch Sử Chi Tiết Môn Thể Thao Bắn Cung Và Các Giải đấu
-
BẮN CUNG – BỘ MÔN RÈN LUYỆN SỰ ĐIỀM TĨNH VÀ QUYẾT ...
-
Bắn Cung
-
Bắn Cung - Giới Thiệu Về Môn Thể Thao
-
CLB Bắn Cung Hà Nội-Hanoi Archery Club - TraiNghiem.VN