Theo Dấu Lâm Tặc Cư Klong - Cư Đrăng | Con Người Và Thiên Nhiên

ThienNhien.Net – Hàng trăm cây gỗ quý ở khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa xã Cư Klong (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) và xã Cư Đrăng (huyện Krông Pa, Gia Lai) đang bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ. Vậy nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết!?

“Xưởng cưa” giữa rừng

Đi cùng mấy người dẫn đường địa phương, sáng 12-11, chúng tôi có mặt tại những nơi lâm tặc đốn hạ gỗ quý của rừng phòng hộ giáp ranh xã Cư Klong và Cư Đrăng. Bỏ xe máy gần trại bò Ma Thiên (thôn Cư Klong, xã Cư Klong), chúng tôi bắt đầu hành trình lên đỉnh núi Cư Klong, thuộc lâm phần tiểu khu 306 do xã Cư Klong quản lý. Dốc núi cao, cây cối chằng chịt chặn lối đi nên mấy người dẫn đường phải xông lên trước phát dọn. Vất vả vượt qua chặng đường rừng hơn 1km, những cây gỗ quý vừa bị lâm tặc đốn hạ đầu tiên cũng xuất hiện. Bốc nắm mùn cưa chưa ráo nước cạnh một cây gỗ quý mới bị chặt có đường kính hơn 1m, người dẫn đường cho biết đó là cây gỗ bình linh (gỗ quý nhóm III).

Ngoài những thanh gỗ bìa, tại hiện trường còn một khúc ruột bình linh (rộng 0,3m, dài hơn 3m) chưa bị lâm tặc lấy đi. “Trong khu rừng này, chỉ còn lại bình linh là gỗ quý mà thôi. Chắc chắn cây này mới bị đốn hạ từ ngày hôm qua”, anh K. (người dẫn đường) cho hay. Xung quanh cây bình linh đó, chúng tôi phát hiện thêm nhiều cây gỗ quý khác như gáo vàng, dổi… cũng vừa mới bị đốn hạ. Lâm tặc đã lấy hết những khúc ruột, chỉ để lại những tấm bìa còn thơm mùi gỗ.

Gỗ bình linh bị lâm tặc xẻ thành phách lớn tại tiểu khu 306 nhưng chưa kịp vận chuyển đi (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Gỗ bình linh bị lâm tặc xẻ thành phách lớn tại tiểu khu 306 nhưng chưa kịp vận chuyển đi (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Rời bãi gỗ đầu tiên, chúng tôi men theo con đường rừng lâm tặc mới mở để tìm những bãi khai thác gỗ mới. Trên lối đi, dấu vết chân trâu kéo gỗ vẫn còn mới nguyên. Một đôi chỗ, lâm tặc còn chặt những cây nhỏ rải lên đường làm những đường ray vận chuyển gỗ lớn. Người dẫn đường cho biết, lâm tặc thường dùng trâu kéo những khúc gỗ lớn để dễ đi qua những con đường dốc cao trơn trượt. Còn riêng những khúc gỗ nhỏ, lâm tặc thường dùng xe máy độ chế với hai bánh quấn xích để vận chuyển. Đi theo con đường này được khoảng 500m, chúng tôi tiếp tục phát hiện ra hàng chục cây gỗ quý vừa mới bị đốn hạ. Một số cây vẫn chưa bị xẻ bìa, cành lá còn xanh. Khi tôi hỏi vì sao lâm tặc không đưa cây về xẻ kẻo bị phát hiện, anh S. (người dẫn đường) cười nói: “Đưa cây về xẻ chi cho mệt, xẻ ở đây cũng có ai bắt đâu mà sợ”. Cũng theo anh S., để xâm nhập vào khu rừng này, có hai con đường là đi từ trại bò Ma Thiên và đi từ thôn Cư Klong, công an xã hay kiểm lâm địa phương chỉ cần chặn ở đây là ngăn được lâm tặc. Nhưng không hiểu sao, lâm tặc vẫn vượt qua dễ dàng?

Nghe anh K. bảo rằng những khu rừng đặc dụng ở xã Cư Đrăng cũng bị tàn phá không kém gì ở xã Cư Klong, chúng tôi tiếp tục nhờ anh dẫn đường qua địa phận Gia Lai. Sau khi đi bộ thêm khoảng 2km đường rừng, vượt qua một con suối nhỏ phân chia ranh giới, những “xưởng cưa” giữa rừng ở lâm phần quản lý của xã Cư Đrăng đã xuất hiện trước mắt chúng tôi. Vừa đi qua con suối được khoảng 500m, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng cưa gỗ, tiếng người nói trong rừng. Trong chốc lát, có hai người mang dao rựa, cưa máy đi rừng từ phía tiếng cưa xuất hiện. Sau một lúc nói chuyện với mấy người dẫn đường, họ đi trở lại con đường mòn chúng tôi vừa đi qua. “Mấy người này ở xã Cư Klong, họ vừa mới xẻ mấy cây gỗ quý của Gia Lai ở gần đây”, anh K. thông tin. Tiếp tục hành trình, chúng tôi đi đến chỗ mấy cây gỗ hai người kia vừa đốn hạ. Ba cây gỗ dổi (nhóm IV) lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang bên lối đi, có gốc cây đường kính lên tới 1,5m. Một cây đã bị cưa xẻ thành những phách gỗ lớn (rộng khoảng 0,5m, dài 2,5m), hai cây còn lại mới bị xẻ ngang thân và nhựa chảy rỉ còn bám nơi mép cưa.

Thôn của những “đại lâm tặc”

Sau 4 giờ hành trình tại khu vực rừng giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai, chúng tôi đã đếm được hàng trăm cây gỗ quý bị đốn hạ. Khi trời đã về chiều, chúng tôi quay lại phía bìa rừng xã Cư Klong nghỉ ngơi. Đang ngồi ăn tạm mấy ổ bành mì cầm sức, bỗng nghe tiếng người la mắng con trâu ngay từ phía rừng vọng ra. Trong giây lát, một người đàn ông dẫn con trâu kéo một khúc gỗ lớn đã xuất hiện tại con đường nằm cách chỗ chúng tôi nghỉ ngơi khoảng 10m. Nhìn thoáng qua, tôi thấy nó giống với khúc gỗ bình linh đã bắt gặp đầu chuyến đi. Đợi người đàn ông kia đi xa, tôi nhờ anh K. dẫn đi theo quan sát hành trình vận chuyển gỗ về nhà của ông ta. Ra khỏi bìa rừng, người đàn ông kia dẫn con trâu đi theo con đường mòn xuống thôn Cư Klong.

Mất một giờ vất vả đi qua con đường dốc khúc khuỷu, ông ta cũng dẫn được khúc gỗ về đến ngôi nhà gỗ nằm dưới chân núi Cư Klong. Vứt khúc gỗ ra sau hiên nhà, ông dẫn trâu ra thả ở cánh đồng thôn. Tranh thủ lúc đó, tôi đến xem và phát hiện khúc gỗ kia chính là khúc gỗ bình linh đã bắt gặp đầu chuyến đi. Có nhiều khúc gỗ lớn khác được che tạm mấy tấm bạt mỏng cũng đang để trước sân nhà ông ta. Thấy người đàn ông để gỗ ngang nhiên như thế, tôi thắc mắc hỏi anh K. thì anh xua tay nói: “Trong vùng này người ta thường gọi đây là thôn của những đại lâm tặc, họ cứ để gỗ khắp sân nhà như thế nhưng không có ai bắt đâu. Trong nhà họ, còn chứa nhiều gỗ quý hơn thế nữa”.

Quả như lời anh K. nói, khi chúng tôi đóng vai người mua gỗ đi vào thôn này đã bắt gặp trong nhà dân chứa rất nhiều gỗ quý dổi màu, giáng hương, bình linh, gáo vàng… Tại nhà ông H., gỗ quý được chất đầy dưới giường, dưới bếp và cả ngoài sân. “Gáo vàng 14 triệu đồng một khối, dổi 17 triệu một khối, bình linh 18 triệu một khối… Các anh mua được thì tôi vận chuyển ra đến tận xã Ea Tam (huyện Krông Năng), còn nếu vận chuyển lên Buôn Ma Thuột thì phải trả thêm tiền để tôi lo phí mua đường”, ông H. trả lời khi tôi hỏi mua gỗ.

Xã chưa hay biết?

Khi chúng tôi mở máy ảnh cho xem lại những hình ảnh phá rừng tại tiểu khu 306, ông Chủ tịch UBND xã Cư Klong Nguyễn Văn Thắng vẫn không tin rằng rừng đặc dụng của xã bị tàn phá nghiêm trọng như thế. Mất 20 phút mô tả cho vị chủ tịch về hành trình chúng tôi đã đi trong rừng Cư Klong, nhưng ông nghĩ rằng đó không phải rừng của xã. “Trong xã chỉ còn rừng nghèo, không có gỗ to như thế đâu? Nếu rừng bị phá là chúng tôi biết ngay?”, ông Thắng thắc mắc.

Sau khi được chúng tôi chỉ dẫn trên bản đồ, ông Thắng mới xác nhận đó là tiểu khu 306 và diện tích rừng này do xã quản lý. “Tiểu khu 306 hiện có khoảng 500ha rừng và đất rừng, trong đó còn lại khoảng 50ha rừng nghèo. Hiện xã chưa biết rừng của tiểu khu này có bị phá hay không, nên ngày mai chúng tôi sẽ cho người vào kiểm tra lại”, ông Thắng cho hay. Không biết có đi kiểm tra hay không, nhưng trong tối hôm đó, ông Thắng điện thoại báo với PV khu rừng bị phá không thuộc đất của xã mà thuộc tỉnh Gia Lai?

Trước những thắc mắc của PV về việc gỗ chất đầy trong nhà dân sao xã không xử lý, ông Thắng bảo rằng xã không có thẩm quyền kiểm tra nhà dân và đã nhiều lần báo với huyện kiểm tra, xử lý. “Chúng tôi đã báo với huyện nhiều lần rồi, nhưng không hiểu sao họ không xuống phối hợp kiểm tra, xử lý gì cả”, ông Thắng cho biết. Trong khi đó, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng lại nói rằng trách nhiệm quản lý tiểu khu 306 thuộc về UBND xã Cư Klong: “Tiểu khu này thuộc quản lý của UBND xã Cư Klong, họ là chủ rừng nên phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý rừng ở nơi đây. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý tiểu khu 306 về mặt Nhà nước, vì thế lâu lâu kiểm lâm địa bàn xã mới phối hợp với họ đi kiểm tra được”.

Bài liên quan:

  1. Gia Lai: Từng vạt rừng tự nhiên tiếp tục bị “phá trắng” ở Mang Yang
  2. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  3. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn gỗ bất hợp pháp
  4. Gia Lai: “Lâm tặc” ngang nhiên vào rừng đốn hạ gỗ rồi đốt gốc phi tang
  5. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  6. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  7. Gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại Bình Định bị đốn hạ, ai chịu trách nhiệm?
  8. Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”
  9. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  10. Loay hoay phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững

Từ khóa » Tặc Cu Là ở đâu