Theo Dõi Nồng độ Thuốc Trong Trị Liệu: Amikacin Và Vancomycin

Theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu: Amikacin và Vancomycin

Theo dõi nồng độ thuốc trong trị liệu (TDM) là kỹ thuật lâm sàng nhằm tối ưu hóa tác dụng của thuốc bằng cách theo dõi nồng độ thuốc trong máu để đạt nồng độ thuốc mục tiêu và duy trì nồng độ thuốc ổn định, từ đó tối ưu hóa hiệu quả điều trị của thuốc và giảm thiểu tối đa sự xuất hiện độc tính của thuốc. Quá trình TDM dựa trên mối quan hệ giữa nồng độ thuốc trong máu tại các thời điểm nhất định và liều lượng của thuốc, từ đó bác sĩ và dược sĩ có thể cá thể hóa liều dùng của thuốc để nâng cao kết quả điều trị. TDM là công cụ hữu ích để áp dụng cho các thuốc có khoảng điều trị hẹp, các thuốc có sự thay đổi dược động học đáng kể, thuốc khó đạt nồng độ mục tiêu trong máu, và các thuốc gây ra độc tính trên cơ thể. Quá trình TDM diễn ra như sau: Khi bác sĩ kê đơn thuốc, cùng với dược sĩ lâm sàng xác định chế độ liều ban đầu phù hợp tình trạng lâm sàng và các đặc điểm cá thể của bệnh nhân như tuổi, cân nặng, chức năng gan thận, thuốc dùng kèm. Sau đó, bệnh nhân được lấy máu kèm xác định thời gian lấy mẫu, liều thuốc đang dùng, đáp ứng của bệnh nhân với thuốc và xác định mục tiêu nồng độ thuốc trong máu cần đạt. Sau khi có kết quả nồng độ thuốc, dược sĩ lâm sàng sử dụng phần mềm để tính toán liều dùng phù hợp với bệnh nhân. Các nghiên cứu lớn chỉ ra rằng liều dùng là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng sự xuất hiện độc tính của thuốc, chính vì vậy TDM là công cụ hữu ích giúp các bác sĩ kiểm soát được độc tính của thuốc. Vì vậy, mục tiêu của TDM là mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân dù trong các trường hợp lâm sàng khác nhau thông qua theo dõi, xác định nồng độ thuốc trong máu.

Cụ thể, để tối ưu hóa hiệu quả và an toàn của thuốc trên bệnh nhân, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã thực hiện phương pháp theo dõi nồng độ thuốc trong máu đối với hai kháng sinh là Amikacin và Vancomycin. Amikacin là kháng sinh nhóm aminoglycosid, phân loại theo PK/PD là kháng sinh phụ thuộc nồng độ và có tác dụng hậu kháng sinh kéo dài. Tuy nhiên, kháng sinh Amikacin này có tác dụng không mong muốn là độc tính trên thận và thính giác. Vancomycin là kháng sinh glycopeptid có phổ kháng khuẩn chủ yếu trên vi khuẩn hiếu khí Gram (+), đặc biệt là chủng Staphylococcus aureus đề kháng methicillin (MRSA). Các nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng TDM làm tăng mạnh mẽ hiệu quả điều trị của kháng sinh Vancomycin, Aminoglycosid và giảm đáng kể độc tính trên thận của kháng sinh Vancomycin, giảm đáng kể độc tính trên thận và thính giác của kháng sinh Amikacin. Đặc biệt là, đối với những bệnh nhân có nhiễm trùng xâm lấn nặng, bệnh nhân có chức năng thận suy giảm hoặc có sự thay đổi nhanh, bệnh nhân béo phì, người cao tuổi, bệnh nhân đáp ứng lâm sàng kém sau 3-5 ngày điều trị, bệnh nhân có phác đồ điều trị kết hợp các thuốc cùng có độc tính trên thận, TDM là công cụ rất hữu ích để mang lại hiệu quả và an toàn nhất cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đưa ra dữ liệu rằng TDM là sự lựa chọn tốt cho chi phí – hiệu quả của thuốc, giảm thời gian điều trị của bệnh nhân. Vì vậy, TDM đóng vai trò quan trọng đóng góp vào hiệu quả của phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. Rybak M, Lomaestro B, Rotschafer JC, Moellering R Jr, Craig W, et al. (2018) Therapeutic monitoring of vancomycin in adult patients: a consensus review of the American Society of Health-System Pharmacists, the Infectious Diseases Society of America, and the Society of Infectious Diseases Pharmacists.
  2. Tijana Kovacevic, et al. (2016) Therapeutic monitoring of amikacin and gentamicin in critically and noncritically ill patients
  3. Zhi-Kang Ye et al. (2013). Benefits of Therapeutic Drug monitoring of Vancomycin: A systematic review and meta-analysis.
Leave a reply
  • Nam Thai Pham
  • sức khoẻ,
  • Tạp chí y dược

Từ khóa » Xét Nghiệm Vancomycin