Thi Thử THPT QG Môn Văn Bám Sát đề Minh Họa 2021 - HỌC NGỮ ...

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc đoạn trích:

       Có một thói quen gây trở ngại không nhỏ cho công trình xây dựng hạnh phúc: đó là lười biếng. Lười biếng là thói quen không muốn tách mình ra khỏi cảm xúc tốt cạn cợt để vươn tới những cảm xúc tốt khác sâu sắc hơn. Những người mang tật lười biếng làm ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác hay cầu vận may mà không chịu nỗ lực. Họ thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí. Họ chỉ hứng thú với những việc họ yêu thích. Tức là họ thích làm những việc thuộc về năng khiếu có sẵn hơn là do rèn luyện, hoặc nó không đòi hỏi phải vận động tay chân hay đào sâu suy nghĩ. Ta đã từng thấy nhiều người làm việc rất hăng say, nhưng chẳng qua những việc đó mang tới cảm xúc tốt cho họ thôi. Những việc khác dù rất quan trọng, có khi ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp mà hơi khó khăn thì họ cứ ngâm mãi. Nước đến chân họ mới chịu nhảy.

       Nếu lỡ mang “cục” lười biếng quá lớn như thế thì ta sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Ta sẽ rất sợ dầm mưa dãi nắng hay thức khuya dậy sớm để làm việc. Gặp những đối tác không vừa ý, ta sẽ không chịu cố gắng cải thiện mối quan hệ để hợp tác. Ta sẽ vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc và thâm hụt tài khoản… Những kẻ lười biếng không bao giờ có đời sống ổn định hay một tương lai tốt đẹp. Nói cách khác, vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng. Dù họ có thông minh hay tài năng cỡ nào mà với sự phấn đấu kiểu ngập ngừng, nửa vời, một bước tiến mà ba bước lùi, thì suốt đời họ cũng không thể nào đạt được mục đích.

(Trích Lười biếng, sách Hiểu về trái tim – Minh Niệm, NXB Tổng hợp TP HCM, 2018.)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích? (0.5đ)

Câu 2. Chỉ ra những biểu hiện của người mang tật lười biếng được tác giả nêu ra trong đoạn trích? (0,75đ)

Câu 3. Tại sao “Lười biếng” sẽ khiến ta “vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc”?(0,75đ)

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm:“vương quốc của sự thành công không bao giờ có bóng dáng của kẻ lười biếng”? Vì sao? (1,0đ)

 

 

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Nghị luận xã hội (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về một số giải pháp để khắc phục sự “lười biếng”.

Câu 2. Nghị luận văn học (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

“ Trước muôn trùng sóng bể

                                           Em nghĩ về anh, em

                                           Em nghĩ về biển lớn

                                           Từ nơi nào sóng lên?

 

                                           Sóng bắt đầu từ gió

                                           Gió bắt đầu từ đâu ?

                                           Em cũng không biết nữa

                                           Khi nào ta yêu nhau ?

                                          

                                          Con sóng dưới lòng sâu

                                          Con sóng trên mặt nước

                                          Ôi con sóng nhớ bờ

                                          Ngày đêm không ngủ được

                                          Lòng em nhớ đến anh

                                          Cả trong mơ còn thức

  ( Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.155-156)

Từ đó nhận xét về vẻ đẹp  tình yêu của Xuân Quỳnh trong bài thơ “Sóng”.

—————— HẾT —————–

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3.0
  1 Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. 0.5
  2 Theo tác giả, người mang tật lười biếng là những người:

– Làm ít nhưng lại muốn hưởng nhiều, thích dựa vào sự giúp đỡ của kẻ khác hay cầu vận may mà không chịu nỗ lực.

– Thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí.

– Chỉ hứng thú với những việc họ yêu thích.

* Mỗi ý 0,25 điểm

0.75

  3 “Lười biếng” sẽ khiến ta “vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm của sự trì trệ công việc” vì:

– Lười biếng dẫn đến ta không hoàn thành công việc, gây nên sự trì trệ và ách tắc công việc. Do đó ta là thủ phạm.

– Ta cũng là nạn nhân, vì khi công việc bị trì trệ, ta sẽ hứng chịu những hậu quả do chính sự lười biếng của mình gây ra, như: mất đi cơ hội, giảm thu nhập, bị trách phạt, …

* Lý giải rõ ràng, đúng các ý như trên: 0,75

* Trả lời được 1 ý rõ ràng: 0,5

* Trả lời chung chung: 0,25

0,75
  4 Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm của mình: đồng tình/không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình, có lí giải hợp lý, thuyết phục. Sau đây là một vài gợi ý:

– Đồng tình vì : Mọi thành công đều là kết quả của sự nỗ lực, chăm chỉ. Khi lười biếng, con người tự đánh mất cơ hội, đánh mất mình, sống một đời thất bại….

– Không đồng tình vì: Ngoài nguyên nhân lười biếng thì sự thành công của con người còn do nhiều tác động khác nữa như: năng lực, bản lĩnh…

– Vừa đồng tình vừa không đồng tình: kết hợp cả hai.

* Nêu quan điểm: 0,25

* Lý giải:

– Từ 2 lý lẽ phù hợp, sâu sắc trở lên; diễn đạt sáng rõ: 0,75 điểm

– Từ 1 đến 2 lý lẽ phù hợp: 0,5 điểm.

– Trả lời chung chung: 0,25 điểm.

1,0
II    LÀM VĂN 7.0
  1 Viết một đoạn văn về giải pháp để khắc phục sự “lười biếng”. 2.0
    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Giải pháp để khắc phục sự lười biếng.

0.25
    c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: Giải pháp để khắc phục sự lười biếng là gì? Có thể triển khai theo nhiều hướng:

+ Tìm nguyên nhân khiến bạn trở nên lười biếng

+ Xác định rõ mục tiêu rõ ràng muốn hướng tới, mục tiêu cần có tính khả thi.

+ Hành động từng bước nhỏ, kiên nhẫn xây dựng thói quen làm việc.

+ Động viên tinh thần bản thân, gieo niềm tin tích cực rằng mình có thể làm.

+ Kiểm tra và đánh giá tiến độ việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu để giám sát bản thân.

+ Nhờ người hỗ trợ và thúc đẩy hoặc giám sát, động viên vì tình thương, sự ủng hộ và khích lệ của người khác sẽ làm gia tăng sức mạnh nội tâm của bạn.

1.0
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0.25
  2 Cảm nhận về đoạn thơ: khổ 3,4,5 bài Sóng. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp tình yêu của Xuân Quỳnh trong “Sóng”. 5.0
    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:  Cảm nhận về đoạn thơ: khổ 3,4,5 bài Sóng. Từ đó nhận xét về quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh 0.25
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

    * Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích. 0.5
    * Cảm nhận đoạn thơ.

– Chiều liên tưởng của bài thơ là đi từ sóng biển đến tình yêu của người con gái, sóng là một ẩn dụ cho tâm hồn của người con gái đang yêu với biết bao cảm xúc và suy tư. Xuyên suốt bài thơ là cặp hình tượng sóng và em, đan cài quấn quýt, có lúc phân tách, lúc hòa nhập trong cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh.

– Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để lí giải về tình yêu: những câu hỏi nối tiếp nhau mang theo niềm khao khát khám phá sự bí ẩn của quy luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời ( khổ 3,4)

– Từ hiện thưc con sóng luôn thao thức trong mọi không gian, thời gian, Xuân Quỳnh đã liên tưởng đến nỗi nhớ trong tình yêu ( khổ 5): một nỗi nhớ cồn cào trong mọi không gian “ dưới lòng sâu, trên mặt nước” , khắc khoải trong mọi thời gian “ngày, đêm”, giày vò trong tâm hồn “không ngủ được” à  1 nỗi nhớ da diết, thường trực, ám ảnh; 1 tình yêu sôi nổi, đắm say.

+ Điệp từ “sóng” được lặp lại 3 lần liên tiếp như điệp khúc của bản tình ca với những giai điệu da diết của tình yêu và nỗi nhớ.

+ Khổ thơ gồm 6 câu là điều bất thường, nhịp thơ cũng là nhịp sóng, nhip đập của một trái tim khao khát yêu thương.

– Nghệ thuật: xây dựng hình tượng sóng theo phương thức ẩn dụ; thể thơ 5 chữ với cách ngắt nhịp linh hoạt; lời thơ giàu cảm xúc, sâu sắc và nữ tính.

* Nhận xét về quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh:

– Sóng thể hiện một tình yêu mang tính chất truyền thống: tình yêu gắn liền với nỗi nhớ da diết , khắc khoải; tình yêu gắn liền với sự thủy chung, son sắt, một lòng hướng đến người mình yêu, tin vào tình yêu.

– Sóng là tiếng nói của một tình yêu mang tính chất hiện đại:  tình yêu mang trong mình những trạng thái đối cực mâu thuẫn; tình yêu được bộc bạch 1 cách táo bạo nhưng hết sức tự nhiên, sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để đến với tâm hồn đồng điệu, chủ động, đầy tự tin; nguyện ước và khát vọng về một tình yêu bền vững muôn thưở.

3.0

0,5

    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
    TỔNG ĐIỂM 10.0
đề thi thử THPT quốc gia ngữ văn, sóng xuân quỳnh

Từ khóa » đọc Hiểu Trích Lười Biếng Sách Hiểu Về Trái Tim