Thị Trường Chứng Khoán Là Gì? Các Loại, đặc điểm & Chủ Thể đầu Tư

Trong những năm gần đây, chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư sinh lời đầy hứa hẹn. Để thành công, nhà đầu tư cần nắm rõ những kiến thức cần thiết trước khi bắt đầu.

Mục lục hiện 1 Thị trường chứng khoán là gì? 2 Thị trường chứng khoán ra đời khi nào? 3 Phân loại thị trường chứng khoán 3.1 Thị trường sơ cấp 3.2 Thị trường thứ cấp 4 Các chủ thể tham gia thị trường\ 4.1 Nhà phát hành 4.2 Nhà đầu tư 4.3 Các môi giới trung gian 4.4 Các tổ chức liên quan 5 Đặc điểm của thị trường chứng khoán 6 Chức năng của thị trường chứng khoán 6.1 Huy động vốn đầu tư 6.2 Công cụ đo lường cho chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế 6.3 Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp 6.4 Tạo tính thanh khoản 6.5 Cung cấp môi trường đầu tư 6.6 Tiềm năng sinh lời cao 7 Nguyên tắc vận hành thị trường chứng khoán 7.1 Công khai 7.2 Trung gian 7.3 Đấu giá

Thị trường chứng khoán là gì?

Thị trường chứng khoán là gì?
Tìm hiểu thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán là nơi tập hợp những người mua, bán và giao dịch các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu,…) Không giống như hàng hóa thông thường được rao bán tại một địa điểm nhất định, chứng khoán được giao dịch chủ yếu tại sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các công ty môi giới.

Hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam hiện nay là HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) và HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội).

Thị trường chứng khoán ra đời khi nào? 

Thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới ra đời từ cuối thế kỷ 13 tại thành phố Antwerp của Bỉ. Những người môi giới tập trung tại đây để giao dịch các món nợ của công ty, chính phủ và cả nợ cá nhân. Qua thời gian, các món nợ này được chuyển sang hình thức cổ phiếu, trái phiếu hay các chứng chỉ quỹ.

Phân loại thị trường chứng khoán

Thị trường sơ cấp

Thị trường chứng khoán sơ cấp là nơi chứng khoán được phát hành lần đầu tiên (IPO). Mục đích của thị trường sơ cấp là cung cấp vốn cho các nhà phát hành. Phần lớn những người mua trên thị trường sơ cấp là các tổ chức lớn hay quỹ đầu tư.

Ví dụ: cuối năm 2019, Yeah1 (YEG) phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu với mức giá chào sàn là 300.000đ/cổ phiếu. Như vậy, việc phát hành 30 triệu cổ phiếu YEG lần đầu tiên được thực hiện trên thị trường sơ cấp.

Thị trường thứ cấp

Thị trường chứng khoán thứ cấp là thị trường giao dịch, trao đổi các loại chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp tạo thanh khoản cho chứng khoán, với mục đích kiếm lợi nhuận, di chuyển dòng vốn hoặc các loại tài sản xã hội. Vì thế không có chứng khoán mới được sinh ra mà chỉ là chuyển đổi quyền sở hữu chứng khoán. 

Ví dụ: 30 triệu cổ phiếu YEG sau khi phát hành được giao dịch bởi các nhà đầu tư với các mức giá khác nhau. Như vậy, việc mua đi bán lại này diễn ra trên thị trường thứ cấp.

Có thể coi thị trường sơ cấp là “chợ đầu mối” cung cấp sản phẩm (chứng khoán) với mức giá gốc. Còn thị trường thứ cấp là các chợ nhỏ lẻ, siêu thị, cửa hàng nơi chứng khoán được trao đổi mua bán với giá cả biến đổi không ngừng.  

Các chủ thể tham gia thị trường\

Nhà phát hành

  • Các công ty muốn huy động vốn: công ty phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu nhằm huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đây là loại chứng khoán có tính rủi ro cao do biến động giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 
  • Chính phủ và chính quyền địa phương: là nhà phát hành Trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu địa phương. Đây là loại chứng khoán an toàn với mức đảm bảo chi trả gần như tuyệt đối từ Chính phủ. Trừ trường hợp Chính phủ quốc gia đó mất khả năng trả nợ (như Hy Lạp năm 2012), đó lại là một câu chuyện khác.

Nhà đầu tư

Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chứng khoán
  • Nhà đầu tư cá nhân: nhóm này thường chiếm số đông trên thị trường. Họ có thể là cậu sinh viên năm ba, là một nhân viên văn phòng bắt đầu đầu tư, hay bất cứ ai có tiền nhàn rỗi tham gia thị trường chứng khoán. Điểm chung của nhà đầu tư cá nhân là thường không có nhiều lợi thế về thông tin hay tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, họ có thể linh hoạt thay đổi danh mục đầu tư với số vốn nhỏ và quyền tự chủ cao trong các quyết định. 
  • Nhà đầu tư tổ chức: Là các định chế đầu tư chứng khoán với khối lượng lớn. Họ là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội,… tham gia và thường có nhiều thông tin, tiềm lực tài chính lớn, có chiến lược đầu tư dài hạn. Nhưng tổ chức lớn sẽ không linh hoạt bằng tổ chức nhỏ hay cá nhân. Trên thực tế, những quyết định của tổ chức luôn tốn thời gian và rắc rối hơn nhiều. Mặt khác, khối lượng đầu tư lớn nên mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá bằng những tổn thất đáng kể.

Các môi giới trung gian

Các môi giới trung gian bao gồm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và trung gian tài chính. Trong đó, công ty chứng khoán thực hiện vai trò trung gian môi giới mua – bán chứng khoán. Ngoài ra, công ty chứng khoán còn tư vấn và thực hiện một số dịch vụ khác liên quan.

Các tổ chức liên quan

Và như bất kỳ thị trường nào, luôn cần có cơ quan quản lý nhằm đảm bảo những “người chơi” tuân thủ “luật chơi” được quy định trước.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý thị thị trường chứng khoán cao nhất là Bộ Tài chính. Tiếp đến là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), các Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX). Kế đến là Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đóng vai trò là nơi lưu trữ các thông tin về chứng khoán. Ngoài ra còn có các tổ chức khác như:

  • Hiệp hội các kinh doanh chứng khoán
  • Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm
  • Các tổ chức tài trợ chứng khoán, v.v…

Đặc điểm của thị trường chứng khoán

  • Tính thanh khoản: là khả năng chuyển đổi từ chứng khoán sang tiền mặt và ngược lại. Thông thường, cổ phiếu và trái phiếu có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong khoảng 1 đến 2 ngày. Thị trường càng phát triển thì tính thanh khoản càng cao.
  • Tính rủi ro: chứng khoán là tài sản tài chính chịu tác động lớn bởi các loại rủi ro như rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chính trị, rủi ro thông tin bất cân xứng,…
  • Tính sinh lời: là một kênh đầu tư, thị trường chứng khoán mang tính sinh lời. Mọi nhà đầu tư chứng khoán đều kỳ vọng nhận được nguồn thu nhập lớn hơn trong tương lai. Nguồn thu này đến từ việc chia cổ tức hoặc biến động tăng giá chứng khoán.

Chức năng của thị trường chứng khoán

Huy động vốn đầu tư

Đây là thị trường huy động vốn hiệu quả cho Nhà nước và các doanh nghiệp mà không thông qua ngân hàng. Bằng cách phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu, đơn vị phát hành có thể thu được nguồn tiền cần thiết, phục vụ cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Nhờ vào cách vận hành này, thị trường chứng khoán tạo nên dòng luân chuyển vốn hiệu quả. Từ đó, hỗ trợ các hoạt động đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Công cụ đo lường cho chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế

Thị trường có thể phản ánh tình hình nền kinh tế. Khi tổng quan nền kinh tế phát triển tốt, nhà đầu tư lạc quan và kỳ vọng vào tương lai thì thị trường cũng có nhiều khởi sắc. Ngược lại, trong thời kỳ kinh tế khủng khoảng, các chỉ số thị trường sụt giảm nghiêm trọng. 

Ngoài ra, chứng khoán cũng là công cụ hiệu quả để Nhà nước thực hiện điều chỉnh các chính sách vĩ mô liên quan đến tài chính – tiền tệ. Trái phiếu và thị trường phái sinh là công cụ quan trọng, được sử dụng phổ biến nhất.

Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp

Thông qua tình hình thị trường, nhà đầu tư cũng có thể đánh giá được hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, việc so sánh các doanh nghiệp cùng ngành cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn chứng khoán yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai các thông tin về hoạt động kinh doanh. Vì thế, tạo cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Tạo tính thanh khoản

Sự ra đời của thị trường chứng khoán đã giúp tăng tính thanh khoản cho các sản phẩm giao dịch. Việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với số lượng nhà đầu tư lớn. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn nhất của chứng khoán so với các loại hình đầu tư khác.

Cung cấp môi trường đầu tư

Thị trường chứng khoán là môi trường đầu tư minh bạch nhận được sự bảo trợ từ phía Nhà nước. Do đó, đây là một kênh tiềm năng mà bạn có thể hoàn toàn yên tâm rót vốn.

Tiềm năng sinh lời cao

Nhìn chung, các lựa chọn đầu tư trên thị trường chứng khoán rất đa dạng. Tuỳ thuộc vào nguồn vốn, lợi nhuận kỳ vọng mà bạn có thể lựa chọn một hình thức phù hợp.

Nếu mong muốn thu lời nhanh chóng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn, bạn có thể lựa chọn đầu tư lướt sóng cổ phiếu. Ngược lại, nếu chỉ mong muốn tìm một kênh ổn định để gửi tiền, bạn có thể lựa chọn trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.

Nguyên tắc vận hành thị trường chứng khoán

Công khai

Bản chất của thị trường chứng khoán là mọi hoạt động đều phải được công bố rõ ràng, dưới sự giám sát của Sở giao dịch. Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều phải công khai báo cáo tài chính cũng như thông tin của công ty.

Nguyên tắc này nhằm đảm bảo các giao dịch trên thị trường đều minh bạch. Giá cổ phiếu được thành lập một cách công khai mà không có bất kỳ sự thao túng nào phía sau.

Trung gian

Việc mua bán đều được thực hiện thông qua một trung gian là các công ty môi giới chứng khoán. Theo nguyên tắc này, các nhà đầu tư không thể trực tiếp thỏa thuận giá cả với nhau để giao dịch.

Đấu giá

Giá chứng khoán được thành lập thông qua việc đấu giá công khai. Do đó, không ai có thể can thiệp vào hệ thống này. Người mua và người bán sẽ đặt lệnh với mức giá mong muốn. Trong trường hợp 2 mức giá khớp nhau thì cổ phiếu sẽ được giao dịch. Hệ thống sẽ ưu tiên khớp lệnh với người đặt mua giá cao hơn.

Từ khóa » Các Loại Thị Trường Chứng Khoán