THỊ TRƯỜNG NGÀNH RAU QUẢ TẠI VIỆT NAM - Baocaonganh

DIỆN TÍCH VÀ SẢN LƯỢNG RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM

Sản lượng và diện tích rau của Việt Nam có xu hướng tăng đều qua các năm. Cụ thể, cùng với việc mở rộng diện tích trồng, sản lượng rau của Việt Nam của Việt Nam tăng từ 15 triệu tấn năm 2015 lên đến xấp xỉ 18 triệu tấn năm 2018 với mức tăng trưởng trung bình 5%/năm.

Nguồn: VietnamCredit

Tương tự như vậy, diện tích trồng quả của Việt Nam liên tục được mở rộng. Mặc dù vậy, sản lượng quả của Việt Nam có sự biến động. Năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai nên sản lượng quả có giảm nhẹ, sau đó tăng mạnh vào năm 2019. Dự báo năm 2020, sản lượng quả sẽ đạt khoảng 13.3 triệu tấn,

Nguồn: VietnamCredit

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÁC LOẠI HOA MÀU CHÍNH

Nguồn: VietnamCredit

Ngoài các loại rau xanh, lạc, đậu tương và các loại đậu khác là những cây hoa màu chính của Việt Nam. Diện tích trồng rau xanh của Việt Nam rất lớn, và đạt xấp xỉ 1 triệu ha vào năm 2019. Trong khi đó, đậu tương không phải là thế mạnh của Việt Nam khi diện tích của loại cây này không lớn và có xu hướng giảm dần qua các năm. Sản lượng lạc, đậu tương và đậu các loại cũng thấp hơn nhiều so với rau. Năm 2019, sản lượng lạc của Việt Nam đạt 438.8 nghìn tấn, đậu tương đạt 75.9 nghìn tấn và đậu các loại đạt 161.9 nghìn tấn.

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những năm trở lại đây sản xuất ngô đang được chú ý do ngô không những là lương thực mà còn được sử dụng để làm thức ăn gia súc. Trong khi đó, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi nên nhu cầu về ngô tại Việt Nam hiện nay là khá lớn. Hiện tại, đã có những vùng chuyên canh ngô hàng hóa tại vùng vùng Trung Du Miền Núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Diện tích trồng ngô hiện tại của Việt Nam là gần 1,2 triệu ha với năng suất trung bình là 43 tạ/ha. Sản lượng ngô của Việt Nam dao động từ 4 – 5 triệu tấn/năm.

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÁC LOẠI QUẢ CHÍNH

Nhìn chung, diện tích và sản lượng của các loại quả chính của Việt Nam tăng đều qua các năm, trong đó tăng nhanh nhất là cam, quýt khi trong 4 năm, diện tích và sản lượng loại cây này tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, diện tích và sản lượng của vải có xu hướng giảm, nhưng lượng giảm không đáng kể. Với khí hậu thích hợp trồng các hoa quả nhiệt đới điển hình như xoài và chuối, không có gì ngạc nhiên khi sản lượng hai loại quả này tại Việt Nam cao hơn hẳn so với những loại quả khác. Cụ thể, diện tích trồng chuối của Việt Nam luôn đạt trên 130 nghìn ha/năm và sản lượng luôn đạt trên 1.900 nghìn tấn. Tương tự như vậy, sản lượng xoài của Việt Nam rất lớn, đạt gần 800 nghìn tấn năm 2018.

XU HƯỚNG TIÊU DÙNG RAU QUẢ TRONG NƯỚC

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2017, trung bình mỗi hộ gia đình sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh dành khoảng 8-9% mức chi tiêu hàng tháng cho thực phẩm để mua các loại trái cây và 12-13% cho các loại rau.

Hơn 90% số tiền chi cho các loại rau quả là tại các chợ truyền thống trong đó 47-52% dành cho mua trái cây và khoảng 58-67% cho mua rau tại các chợ chính thức. Lý do chính khiến người tiêu dùng mua sắm tại các chợ truyền thống là vì rau quả ở đây tươi. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và thu nhập người dân ngày càng cải thiện nên xu hướng tiêu dùng và nhu cầu về rau quả cũng thay đổi theo. Khi người tiêu dùng được hỏi về yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định mua rau quả, đặc tính phổ biến nhất là “an toàn thực phẩm” sau đó mới đến “độ tươi” của sản phẩm. 

Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (2019), người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, có xu hướng chọn lựa hàng hóa và sản phẩm hữu cơ an toàn. Cụ thể, 80% người được khảo sát cho biết họ chấp nhận mua ở siêu thị vì tin rằng, thực phẩm ở siêu thị sạch hơn. Ngoài ra, có đến 88% người tiêu dùng nhận biết được và yên tâm mua sản phẩm với nhãn hiệu logo hàng Việt Nam chất lượng cao, các chứng nhận ISO, VietGAP…

Theo nghiên cứu của IFPRI1 (2002), ICARD2 (2004), rau muống, cà chua và chuối là các loại rau quả được tiêu thụ rộng rãi nhất tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 95% hộ gia đình Việt Nam tiêu thụ rau muống, 88% hộ tiêu thụ cà chua, và con số này cho chuối là 87%. 

Ngoài ra, hộ gia đình Việt Nam tiêu thụ trung bình 71 kg rau quả cho mỗi người mỗi năm, trong đó rau chiếm 3/4. Thành phần tiêu thụ rau quả cũng thay đổi theo vùng. Ở miền Bắc, đậu, su hào và cải bắp là những loại rau được tiêu thụ rộng rãi, trong khi đó cam, chuối, xoài và quả khác lại được tiêu thụ phổ biến hơn ở miền Nam. 

Cụ thể, trên 90% số hộ nông thôn ở miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng tiêu thụ su hào nhưng chỉ khoảng 15% số hộ ở miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ loại rau này. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, trái cây nhập khẩu được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích do có mẫu mã đẹp hơn và thời gian bảo quản lâu hơn.

Nguồn: VietnamCredit

  • Xem thêm thông tin chi tiết và phân tích chuyên sâu về báo cáo ngành Rau quả Việt Nam tại: https://vietnamcredit.com.vn/products/vietnam-industries/vietnam-fruit-and-vegetable-industry-report-2020-66
Ngành rau quả Việt Nam

Từ khóa » Diện Tích Và Sản Lượng Rau Của Việt Nam