Thị Trường XKLĐ Slovakia: Dễ Xin Visa, Thu Nhập ổn định

KsoEVacx.jpgPhóng to
Người lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài
Trong khi thị trường CH Czech đang ngừng trệ và gần như đóng băng thì thị trường "láng giềng" Slovakia lại rất rộng cửa đối với lao động (LĐ) Việt Nam.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, công ty Việt Hà đã làm thủ tục xuất cảnh cho 160 LĐ sang làm việc cho nhà máy Samsung ở Slovakia. Ông Lưu Quang Bình, giám đốc công ty, cho biết lương khởi điểm của người LĐ theo hợp đồng là 560 USD/tháng, chủ sử dụng tài trợ tiền ăn, ở, phương tiện đi lại.

Cũng theo ông Bình, mức lương khởi điểm trên không cao so với các nước khác ở khu vực Đông Âu, nhưng lương làm thêm giờ của người LĐ được trả theo luật của Slovakia khá cao. Tính trung bình lương làm thêm giờ của LĐ nước ngoài tại Slovakia trong năm 2007 là khoảng 500 USD/tháng, như vậy tổng thu nhập của người LĐ ít nhất sẽ đạt khoảng 1.000 USD/tháng.

Thị trường Slovakia thật ra không xa lạ với LĐ Việt Nam bởi từ thập niên 1980, Việt Nam đã có Hiệp định lao động hợp tác với Tiệp Khắc. Trong khuôn khổ của hiệp định này, hàng vạn LĐ Việt Nam đã được phía bạn tiếp nhận đến làm việc trong nhiều ngành nghề tại khắp các nhà máy, công trường thuộc 2 bang là Czech và Slovakia (thời kỳ cao điểm, Việt Nam đưa sang 2 bang này 40.000 LĐ).

Từ tháng 1-1993, Tiệp Khắc tách thành 2 quốc gia riêng là Czech và Slovakia, "dòng LĐ" từ Việt Nam sang 2 thị trường này giảm dần. Từ năm 2006, thị trường Czech được khởi động lại, còn thị trường Slovakia thì chậm hơn, tới giữa năm 2007 Slovakia mới bắt đầu tiếp nhận lại LĐ Việt Nam.

Theo thống kê của phía Slovakia, hiện có khoảng 800 LĐ Việt Nam sang làm việc tại nước này, chủ yếu làm việc trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Võ Phương - Công ty Travel Service S.R.O-Slovakia - thì mức lương ở thị trường Slovakia thấp hơn thị trường Czech khoảng 30% nên LĐ bản xứ có xu hướng "xuất ngoại" sang làm ăn ở CH Czech và các nước Tây Âu, vì vậy nhu cầu tiếp nhận LĐ nước ngoài của Slovakia trong những năm tới khá cao. Trong 5 năm tới, Slovakia cần tới 50.000 LĐ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất.

Theo khảo sát của phóng viên, các công ty tiếp nhận LĐ nước ngoài chủ yếu là các đơn vị kinh tế hàng đầu của Slovakia, vì vậy chế độ cho LĐ nước ngoài rất được coi trọng. Luật pháp Slovakia không có sự phân biệt giữa LĐ bản xứ và LĐ nước ngoài. Yêu cầu của các công ty tiếp nhận LĐ Việt Nam cũng không quá khắt khe, LĐ cần biết nghề (trình độ 3 G) và tiếng Slovakia (đủ để giao tiếp). Chủ sử dụng trực tiếp về Việt Nam tuyển dụng LĐ và làm các thủ tục pháp lý để người LĐ có thể nhập cảnh vào Slovakia sớm nhất.

Khác với thị trường Czech, LĐ đi làm việc tại Slovakia thuận tiện hơn về visa cũng như các chi phí xuất cảnh (tổng chi phí khoảng 5.000 USD). Hiện tại do Slovakia chưa có đại diện ngoại giao tại Việt Nam nên chủ sử dụng sẽ lấy visa cho LĐ tại Bangkok. Ông Bình cho biết số LĐ của công ty này được tuyển dụng chỉ sau 2 tháng đã hoàn thiện hồ sơ, có visa và có thể xuất cảnh.

Theo ông Bình, các DN Việt Nam khai thác thị trường này hoàn toàn có thể yên tâm bởi phía bạn làm rất chắc chắn, tin cậy, hợp đồng cung ứng LĐ 100% đều vào các nhà máy lớn, có danh tiếng. Đặc biệt, theo pháp luật của Slovakia thì LĐ nước ngoài có quyền làm việc lâu dài tại Slovakia (không chỉ theo hợp đồng 2-3 năm).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết với thị trường Slovakia, Cục khuyến khích các DN đầu tư bài bản từ khâu khai thác đơn hàng đến khâu tuyển dụng và đào tạo LĐ, đặc biệt chú ý tới việc giáo dục định hướng để người LĐ nắm bắt và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục tập quán của nước bạn, nâng cao uy tín và thị phần LĐVN tại Slovakia.

LĐ phải học tiếng Slovakia

Hiện chúng tôi đang hợp tác với 7 doanh nghiệp của Việt Nam để đưa LĐ sang làm việc tại Slovakia. Nhận xét chung của chúng tôi cũng như chủ sử dụng LĐ về LĐ Việt Nam là ấn tượng tốt, chúng tôi hài lòng.

Nhu cầu tiếp nhận LĐ từ Việt Nam trong thời gian tới khá lớn, nhất là tới đây (khoảng tháng 10), Đại sứ quán Slovakia sẽ được mở ở Hà Nội, khi đó LĐ sẽ không phải sang Bangkok để xin visa nữa mà có thể xin visa tại Hà Nội.

Muốn mở rộng thị phần LĐ Việt Nam tại Slovakia thì các công ty Việt Nam phải chú ý tới việc hướng nghiệp cho người LĐ, nhất là ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp.

Với LĐ, vấn đề mấu chốt là phải học tiếng Slovakia, hiện nay LĐ sang bên kia làm việc thời gian đầu có người Việt phiên dịch, sau đó chủ sử dụng sẽ mở các lớp học tiếng ban đêm cho LĐ.

Chúng tôi cũng đã hợp tác với các công ty Việt Nam mở các lớp dạy tiếng Slovakia tại Việt Nam, giáo viên Slovakia sang dạy. Thời gian để LĐ học tiếng, học nghề khoảng 3 tháng là đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng Slovakia.

Từ khóa » Thu Nhập Slovakia