Thiện & Bất Thiện | Giác Ngộ Online

GN - Một trong những biểu hiện cụ thể của người thực tu theo Chánh pháp là sống đời thiện lành; đoạn trước, đoạn giữa và đoạn sau tất cả đều thiện. Có không ít đệ tử Phật thường khái quát cách thức tu tập của mình là tu tâm. Ăn chay cũng do cái tâm, giữ giới cũng dựa trên cái tâm, làm phước cũng xuất phát từ cái tâm v.v... Dĩ nhiên tu tâm là quá đúng. Nhưng vì chữ tâm trong đạo Phật có ý nghĩa vừa sâu kín lại vừa bao la, tâm vô hình vô tướng thoắt ẩn thoắt hiện, không phải ai cũng hiểu trọn cái tâm nên tuy thường nói tu tâm mà thực ra vô cùng lúng túng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

devadatta-and-buddha31.jpgTạo mười nghiệp ác thì gọi là bất thiện, sẽ sinh về cõi ác súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục - Tranh PGNN

Theo lời dạy của Thế Tôn, tu tập hướng thiện phải thiết thực, cụ thể, tức chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý từ xấu ác sang thiện lành. Nói cách khác là tu mười nghiệp thiện, ba thiện nghiệp của thân, bốn thiện nghiệp của miệng, ba thiện nghiệp của ý. Và đây cũng chính là quy chuẩn về thiện và bất thiện theo quan điểm của Thế Tôn. Tạo mười nghiệp lành thì gọi là thiện, được sinh về cõi lành. Ngược lại tạo mười nghiệp ác thì gọi là bất thiện, sẽ sinh về cõi ác súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói về hạnh thiện và bất thiện. Lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ đó!

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, Thế Tôn.

Thế Tôn dạy:

- Thế nào gọi là bất thiện? Thế nào gọi là thiện? Nghĩa là: sát sanh là bất thiện, không sát sanh là thiện; lấy của không cho là bất thiện, lấy của cho là thiện; dâm là bất thiện, không dâm là thiện; nói dối là bất thiện, không nói dối là thiện; nói thêu dệt là bất thiện, không nói thêu dệt là thiện; nói hai lưỡi là bất thiện, không nói hai lưỡi là thiện, đấu loạn kia đây là bất thiện, không đấu loạn kia đây là thiện; tham của người là bất thiện, không tham của người là thiện; nổi giận là bất thiện, không nổi giận là thiện; tà kiến là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như thế, này các Tỳ-kheo, hành điều ác này xong, đọa trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu người làm lành liền sanh trong loài Người, lên Trời và trong các đường lành, A-tu-la. Thế nên, hãy xa lìa hạnh ác, tu tập hạnh lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm16.Hỏa diệt, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.211)

Qua pháp thoại trên, thiện và bất thiện được Thế Tôn phân định thật rõ ràng. Không sát hại, không trộm cướp, không tà hạnh (ba thiện nghiệp của thân); Không nói dối, không nói thô ác, không nói đâm thọc, không nói thêu dệt (bốn thiện nghiệp của miệng); Không tham lam, không sân hận, không tà kiến si mê (ba thiện nghiệp của ý) chính là thiện. Ngược lại là bất thiện. Tạo bất thiện thì sinh vào cõi ác, tu thiện thì sinh vào cõi lành.

Vẫn biết, trọng tâm của tu tập theo giáo pháp Thế Tôn là chứng đắc giải thoát Niết-bàn, thoát ly sinh tử luân hồi ngay trong đời này. Tuy nhiên, phân biệt rõ thiện ác và lập chí hành thiện để thành tựu công đức, phước báo trong hiện tại và vị lai cũng là một trong những mục tiêu tu tập quan trọng của hàng Phật tử. Nhờ nắm được pháp căn bản này, người đệ tử Phật khi chưa hội đủ duyên lành tu tập chỉ quán để lần lượt chứng đạt bốn Thánh quả thì có thể chuyển hóa thân tâm theo mười điều thiện, đảm bảo thành tựu kết quả “nay vui đời sau vui”.

Từ khóa » Pháp Thiện Và Pháp Bất Thiện