Thiên Ma: Vị Thuốc Cổ Xưa Vẫn Còn Nhiều Giá Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu Thiên ma
  • 2. Thành phần hóa học
  • 3. Tác dụng dược lý
  • 4. Liều dùng, cách dùng, kiêng kị

Thiên ma là một loại thảo dược cổ truyền quý giá, được ghi chép lần đầu trong cuốn sách Thần Nông bản thảo khoảng hai nghìn năm trước. Thiên ma được sử dụng rộng rãi trong điều trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thiên ma. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Mô tả dược liệu Thiên ma

1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế

  • Tên khác: Xích tiễn, minh thiên ma, định phong thảo, vô phong tự động thảo, minh thiên ma, thần thảo, hợp ly thiên ma
  • Tên khoa học: Gastrodia elata Blume
  • Họ: Lan Orchidaceae

1.2. Đặc điểm thực vật

Thiên ma là một loài thực vật đặc biệt, kỳ lạ không có chất diệp lục, toàn thân màu vàng đỏ, trông xa như một mũi tên, rễ thẳng đứng giống hình chân người, lá hình vẩy cá, vì vậy còn được gọi là “cây mũi tên đỏ” – xích tiễn.

Phần quan trọng nhất là củ. Củ có hình bầu dục, tương tự với củ khoai, một số lại có dạng thanh hơi cong và quăn lại, với chiều dài đến 15cm. Củ thường có vỏ ngoài màu nâu ngả vàng hoặc màu trắng với nhiều đường vân nhăn ngang dọc. Phía dưới phần củ có một vết hình tròn, phần chồi có hình dáng như mỏ vẹt, màu nâu sẫm hoặc nâu đỏ. Củ cây thường rất cứng, rất khó để bị bẻ gãy và có vị hơi ngọt.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

  • Cây Thiên ma được tìm thấy nhiều nhất ở trong các khu rừng của Đông Nam Á, cụ thể là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, loại thảo dược này chủ yếu phân bố ở các tỉnh vùng núi (Lạng Sơn, Hòa Bình…).
  • Rễ củ đào vào mùa đông hoặc mùa xuân. Loại bỏ vỏ rễ, rửa sạch, luộc hoặc hầm và nướng ngâm nước và thái thành lát.
  • Ngoài ra, rễ củ có thể thái lát, sấy, phơi khô sau đó tán bột làm thuốc chữa bệnh.

1.4. Bộ phận sử dụng

Thường dùng Rễ củ

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Mô tả cây Thiên ma
Mô tả hình thái cây Thiên ma

2. Thành phần hóa học

  • Gastrodin, gastrodioside, vannillyl, alcohol, vanillin, alkaloid, vitamin A.
  • Gần đây chứng minh: Gastrodin là thành phần có hiệu lực chủ yếu và đã chế nhân tạo được.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo Y học cổ truyền

  • Thiên ma vị ngọt tính bình, qui kinh Can.
  • Thuốc có tác dụng tức phong chỉ kinh, bình can tiềm dương.
  • Chủ trị các chứng: kinh phong co giật, phá thương phong (uốn ván), can dương thượng xung đau đầu chóng mặt.
  • Ở Trung Quốc, thiên ma thường sử dụng trong điều trị đau đầu, động kinh, chóng mặt, đau khớp, đau dây thần kinh, huyết áp cao và các bệnh lý thần kinh khác.
Dược liệu Thiên ma
Dược liệu Thiên ma

3.2. Theo Y học hiện đại

3.2.1. Tác dụng chống khối u

Thiên ma tác động đến sự phân bố chu kỳ tế bào, ức chế sự tăng sinh tế bào và sự hoạt hóa của hệ thống caspase để gây ra quá trình chết rụng tế bào khối u.

3.2.2. Tác dụng cải thiện trí nhớ

  • Dược chất trong cây cho thấy các hoạt động chống oxy hóa, có thể cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ của chuột lão hóa.
  • Ngoài ra nó cũng có thể trì hoãn sự lão hóa của cơ thể con người liên quan đến các gốc tự do và làm tăng hoạt động của các chất chống oxy hóa như superoxide dismutase và glutathione peroxidase.

>> Xem thêm bài viết: Rau má: Công dụng của loài cây quen thuộc trong điều trị suy giảm trí nhớ

3.2.3. Tác dụng miễn dịch học

  • RGP-1a và RGP-1b trong thiên ma làm tăng hoạt động thực bào của các đại thực bào, IgA, IgG.
  • Ngoài ra, các polysaccharid của thiên ma tăng IL-2, TNF-α, IFN-γ, IgG, IgA và IgM có hoạt động điều hòa miễn dịch.

3.2.4. Tác dụng bảo vệ thần kinh

Nghiên cứu cho thấy rằng vị thuốc trong cây có tác dụng bảo vệ thần kinh trong các mô não xung quanh tổn thương trong thiếu máu cục bộ sau đột quỵ. Bên cạnh đó, nó còn tăng cường dinh dưỡng cho thần kinh, não bộ.

Thiên ma có tác dụng cải thiện trí nhớ, bảo vệ thần kinh
Thiên ma có tác dụng cải thiện trí nhớ, bảo vệ thần kinh

3.2.5. Tác dụng lên hệ thống tim mạch

  • Các nghiên cứu cho thấy dược tính trong cây có tác dụng hạ huyết áp tốt trên chuột.
  • Hơn thế nữa, nó còn làm giảm cholesterol toàn phần và LDL để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Từ đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch (CVD) và xơ vữa động mạch.

3.2.6. Tác dụng khác

Ngoài tiềm năng dược phẩm tốt, thiên ma cũng có thể được ứng dụng trong mỹ phẩm.

Các polysaccharid có trong cây có các hoạt động giữ ẩm, chống oxy hóa và chống lão hóa tốt. Một loạt các nghiên cứu đã sử dụng thiên ma để điều chế và phát triển các loại kem dưỡng ẩm và kem dưỡng da.

4. Liều dùng, cách dùng, kiêng kị

4.1. Liều dùng, cách dùng

Liều thường dùng: 3 – 10 g. Tán bột uống 1 – 1,5 g/ lần

Bài thuốc cổ phương Thiên ma câu đằng ẩm gồm Thiên ma, Câu đằng, Sinh thạch quyết minh, Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất, Sơn chi, Hoàng cầm, Ích mẫu thảo, Chu phục thần, Dạ giao đằng.

Dùng để trị Can dương thượng xung gây đau đỉnh đầu, chóng mặt hoa mắt, đầu lắc, giật mình, mất ngủ.

4.2. Kiêng kị

  • Phụ nữ đang trong quá trình mang thai, cho con bú hoặc bị khí huyết hư không được dùng Thiên ma để điều trị bệnh.
  • Để tránh tương tác thuốc gây nên những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe, người bệnh không dùng chung dược liệu Thiên ma với một số thuốc tân dược khác.
  • Không nên dùng dược liệu Thiên ma thay thế cho các loại thuốc bổ thông thường, không dùng liên tục kéo dài, chỉ nên dùng khi có các bệnh liên quan.

Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng Thiên ma. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Thiên Ma Dược Liệu