THIÊN MÔN ĐÔNG (Rễ) - Dược Điển Việt Nam

Tên khác: Thiên đông, Tóc tiên leo

Rễ đã chế biến phơi hay sấy khô của cây Thiên môn đông [Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.], họ Thiên môn đông (Asparagaceae).

Mô tả

Dược liệu là những đoạn rễ dài khoảng 5 cm đến 18 cm, đường kính 0,5 cm đến 1 cm, hai đầu thuôn nhỏ dần, màu vàng nhạt đến vàng nâu (màu hổ phách), trong, mờ, sáng bóng. Thể chất cứng, dai, có chất nhầy dính, mặt cắt mịn bóng. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.

Bột

Màu trắng ngà, mùi đặc trưng, vị ngọt hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm gồm tế bào thành mỏng, chứa tinh thể calci oxalat. Tinh thể catci oxalat hình kim xếp thành bó hay rải rác, dài 40 µm đến 99 µm.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel 60F254.

Dung môi khai triển: n – Hexan – ethyl acetat (2:1). Để bão hòa dung môi trong 20 min.

Dung dịch thử: Lấy khoảng 2,0 g dược liệu đã tán nhỏ, thêm 5 ml nước, ngâm trong 1h cho trương nở, nghiền kỹ trong cối, chuyển dược liệu đã nghiền nhỏ vào bình nón bằng 20 ml methanol (TT), siêu âm 30 min, tiếp tục đun hồi lưu trên cách thủy 30 min, lọc lấy phần dịch chiết, phần bã dược liệu được chiết nhắc lại 2 lần, mỗi lần bằng 20 ml methanol (TT). Gộp các dịch chiết methanol, bay hơi trên cách thủy đến gần cạn. Hòa cắn thu được bằng 5 ml nước, lắc hỗn hợp với cloroform (TT) 2 lần, mỗi lần 20 ml, để yên cho tách lớp, gạn lấy phần dịch cloroform, thu hồi dung môi đến cạn. Hòa cắn thu được trong 2 ml methanol (TT).

Dung dịch dược liệu đối chiếu: Lấy 2,0 g Thiên môn đông (mẫu chuẩn) đã tán nhỏ, tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan ß-sitosterol chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 0,1 mg/ml.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch dược liệu đối chiếu, 6 µl dung dịch chất đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun hỗn hợp gồm 1 ml acid sulfuric (TT), 20 ml anhydrid acetic (TT) và 50 ml cloroform (TT) (thuốc thử Liebermann-Burchard), sấy bản mỏng ở 105 °C trong 2 đến 3 min. Quan sát dưới ánh sáng thường và dưới ánh sáng từ ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu hoặc phải có vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết của ß-sitosterol trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu.

Xem thêm: THIÊN MA (Thân rễ) (Rhizoma Gastrodiae elatae) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 16,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 5 h).

Tạp chất

Rễ non teo: Không quá 2 % (Phụ lục 12.11).

Tro toàn phần

Không quá 5,0 % (Phụ lục 9.8).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 80,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Dùng phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 50% (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hoạch rễ (củ) ở cây đã mọc trên 2 năm vào mùa thu và mùa đông (thường là tháng 10 đến 12), đào cả cụm gốc thân và rễ củ, bỏ gốc thân và rễ con. Lấy rễ củ rửa sạch, luộc hoặc để đến khi mềm, trong lúc nóng loại bỏ vỏ mỏng ngoài cùng, rút lõi, phơi hay sấy khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, nhanh chóng rửa sạch, phơi khô.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Cam, khổ, hàn. Vào các kinh phế, thận.

Công năng, chủ trị

Công năng: Dưỡng âm, nhuận táo, thanh phế, sinh tân.

Chủ trị: Phế ráo ho khan, đờm dính, họng khô, miệng khát, ruột ráo táo bón.

Xem thêm: THỊ ĐẾ (Calyx Kaki) – Dược Điển Việt Nam 5

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 6 g đến 12 g dạng thuốc sắc, thuốc cao hay thuốc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy không nên dùng.

Từ khóa » Thiên Môn Dược Liệu