Thiên Môn đông: Vị Thuốc Cho Mùa Nắng Nóng - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu
  • 2. Thành phần hoá học
  • 3. Tác dụng dược lý
  • 4. Công dụng và liều dùng
  • 5. Đơn thuốc kinh nghiệm có Thiên môn đông
  • 6. Kiêng kỵ

Thiên môn đông là vị thuốc có tính lạnh, vị ngọt, hơi đắng. Có công dụng trị ho, tiêu đờm, chữa hầu họng sưng đau, đại tiện táo bón. Hơn nữa, Thiên môn là loại cây mọc nhiều ở nước ta, mọc hoang hoặc trồng, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Thái, Nam Hà. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về công dụng và cách dùng cũng như những nghiên cứu mới về loài cây này trong bài viết sau.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Cây Thiên môn đông

  • Thiên môn đông là một loại dây leo, sống lâu năm. Dưới đất có rất nhiều rễ củ hình thoi mẫm. Thân mang nhiều cành 3 cạnh, dài nhọn, biến đổi, trông như lá.
  • Lá rất nhỏ trông như vẩy. Mùa hạ ở kẽ lá mọc hoa trắng nhỏ. Quả là một quả mọng màu đỏ khi chín.
Lá cây thiên môn đông
Lá cây Thiên môn đông

1.2. Vị thuốc

Thiên môn đông hay Dây tóc tiên, có tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., họ Hành (Asparagaceae).

Bộ phận dùng là phần rễ củ mọc thành chùm.

Thu hoạch rễ (củ) ở cây đã mọc trên 2 năm vào mùa thu và mùa đông (thường là tháng 10 đến 12), đào cả cụm gốc thân và rễ củ, bỏ gốc thân và rễ con. lấy rễ củ rửa sạch, luộc hoặc để đến khi mềm, trong lúc nóng loại bỏ vỏ mỏng ngoài cùng, rút lõi, phơi hay sấy khô.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Củ thiên môn đông
Củ Thiên môn đông

Chú ý khi tẩm nước đừng ngâm lâu quá, tác dụng sẽ kém. Vị lúc đầu ngọt, sau hơi đắng. Củ nào béo mẫm, vàng là tốt.

Vị thuốc Thiên môn đông
Vị thuốc Thiên môn đông

2. Thành phần hoá học

  • Trong thiên môn đông có asparagin là một axit amin. Với nước sôi, asparagin có thể thuỷ phân để cho axit aspartic và amoniac.
  • 30 saponin steroid đã được phát hiện và xác định, bao gồm 17 hợp chất mới tiềm năng.
  • Ngoài ra còn có chất nhầy, tinh bột, sacaroza. 

3. Tác dụng dược lý

  • Chất asparagin có tác dụng lợi tiểu tiện.
  • Chiết xuất giàu saponin của Thiên môn đông là một ứng cử viên tiềm năng để sử dụng trong việc giảm viêm trong hen suyễn thông qua việc ức chế sản xuất IgE đặc hiệu trong mô hình hen suyễn do ovalbumin, phục hồi cấu trúc mô bệnh học và ức chế các chất trung gian gây viêm.
  • Chiết xuất từ ​​rễ cho thấy khả năng chống oxy hóa mạnh như Vitamin C và có thể ngăn ngừa lão hóa bằng cách giảm các gốc tự do.
  • Nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất giàu saponin của kích thích các phản ứng chống viêm và điều hòa cholinergic muscarinic khi sử dụng tác dụng nhuận tràng của nó trong táo bón mạn tính của các mô hình do loperamid gây ra.

4. Công dụng và liều dùng

4.1. Công dụng

  •  Vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh. Vào các kinh phế, thận.
  • Có công dụng làm mát, bổ phổi, trừ các chứng khô khát, bón do nóng trong người. Chủ trị: ho khan, đờm dính, họng khô, ngực nóng, miệng khát, ruột ráo táo bón.

4.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 6g đến 12g dạng thuốc sắc, thuốc cao hay thuốc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

5. Đơn thuốc kinh nghiệm có Thiên môn đông

5.1. Thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí

Nhân sâm 4g, Thiên môn đông 10g, Thục địa 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lẩn uống trong ngày. 

5.2. Lở miệng lâu năm

Lấy Thiên môn, Mạch môn đều bỏ lõi, Huyền sâm, cả 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, luyện với mật, viên bằng hạt táo. Mỗi lần ngậm một viên.

5.3. Ho đờm, thổ huyết, hơi thở ngắn

Thiên môn, Mạch môn, Ngũ vị tử, sắc thành cao, luyện với mật mà uống. Ngày uống 4 – 5g cao này.

5.4. Miệng khô, họng khát

Dùng Thiên môn, Thục địa đều 16g, Đảng sâm 4g, sắc uống.

5.5 Người khô, táo bón

Thiên môn, Sinh địa đều 16g, Đương quy, Huyền sâm, Ma nhân đều 12g, sắc uống.

6. Kiêng kỵ

Người tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, ho do ngoại cảm phong hàn không được dùng.  

Thiên môn đông có tác dụng dưỡng âm, làm mát Phế, trị táo bón, họng khô, miệng khát. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

Từ khóa » Thiên Môn Dược Liệu