Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Giảng Về Bốn Loại Thức ăn Của Con Người
Có thể bạn quan tâm
Đoàn thực
Bụt có nói tới bốn loại thức ăn là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.
Loại thức ăn đầu là Đoàn thực, nghĩa là loại thức ăn đưa vào đường miệng. Để bảo vệ sức khỏe của thân tâm, ta phải biết phân biệt những thức ăn có độc tố, những thức ăn không có độc tố, những thức ăn có công năng nuôi dưỡng và trị liệu, những thức ăn có công năng gây ra tình trạng nặng nề và bệnh tật. Bụt dạy ta ăn và uống như thế nào để cho thân thể mà ta nhận được từ tổ tiên và cha mẹ không bị đau yếu và tàn phá.
Môn dinh dưỡng học giúp ta một phần nào trong việc thực tập ăn uống có chánh niệm. Bụt dạy ta phải tiêu thụ như thế nào mà tâm từ bi trong ta không bị hao mòn. Tâm từ bi bị hao mòn thì trong ta sẽ khổ đau và đánh mất liên hệ tốt giữa ta và những người khác cũng như giữa ta và mọi loài khác. Ta không nên uống rượu, hút thuốc và sử dụng các chất ma túy, cũng không nên buôn bán rượu, thuốc hút và các chất ma túy. Những thứ này đã tàn hại cuộc đời của biết bao nhiêu người và bao nhiêu gia đình. Hình hài mà ta tiếp nhận được từ tổ tiên và cha mẹ, ta phải bảo hộ cho lành lặn, khỏe mạnh để trao truyền lại cho con cháu.
Nếu thân hình ta lâm vào tình trạng đau yếu, bệ rạc, tàn phá do sự sử dụng các thức tiêu thụ ấy đó là ta đã phản bội tổ tiên, cha mẹ và con cháu chúng ta, ta là một kẻ bất hiếu đối với tổ tiên và cha mẹ, ta là một người phụ huynh thiếu trách nhiệm đối với con cháu và các thế hệ tương lai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: Làng Mai |
Xúc thực
Loại thực phẩm thứ hai mà Bụt nói tới là Xúc thực, tức là những gì ta tiêu thụ bằng năm giác quan còn lại là mắt, tai, mũi, thân và ý.
Những gì ta thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, xúc chạm bằng thân và tiếp xúc bằng ý đều là những sản phẩm ta tiêu thụ. Những hình ảnh, âm thanh, hương vị, xúc chạm và ý tưởng mà ta tiếp thu hàng ngày phải có tính cách nuôi dưỡng lành mạnh.
Nếu những thức ấy có chứa đựng độc tố như thèm khát, bạo động, kỳ thị, hận thù và tuyệt vọng thì thân tâm ta sẽ bị tàn phá vì chúng. Một khi ta đưa chúng vào thân tâm, chúng trở thành những Tùy miên (asrava), nghĩa là những chất liệu độc hại tiềm tàng trong chiều sâu tâm thức. Những tùy miên (tùy là đi theo, miên là ngủ) này thường phát hiện và trở thành nội dung của dòng tâm thức hàng ngày, thúc đẩy hoặc lôi kéo ta đi về những nẻo về độc hại. Ta không làm chủ được ta đó cũng là vì chúng.
Truyện Kiều có câu: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”, cũng để nói đến chuyện này. Ma quỷ ở đây chính là những khối tùy miên nằm trong chiều sâu tâm thức. Vì thế cho nên ta phải rất cẩn thận: khi xem một cuốn phim, khi đọc một bài báo, khi nghe một bản nhạc, khi tham dự vào một câu chuyện, ta phải tỉnh táo để ý thức được là cuốn phim ấy, bài báo ấy, bản nhạc ấy hay câu chuyện ấy có chứa đựng những độc tố như thèm khát, hận thù, bạo động, kỳ thị hoặc tuyệt vọng hay không. Nếu có thì ta cương quyết không tiêu thụ, vì chúng thuộc về những xúc thực có độc tố. Nếu ta cứ tiêu thụ chúng tức là ta rước độc tố (ma quỷ) vào lòng, và sau này chúng sẽ sai sử ta, sẽ hoành hành trong ta, và làm cho ta mất bình an và hạnh phúc.
Năng lượng giúp ta tỉnh táo để biết rõ rằng có độc tố trong những sản phẩm tiêu thụ ấy không chính là chánh niệm.
Thông minh trong tiêu thụ
Tại Làng Mai các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ đều biết thực tập chánh niệm trong việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Không ai lên mạng lưới internet một mình, khi nào lên mạng phải có một người bạn cùng tu ngồi bên cạnh để bảo hộ cho mình. Lên mạng một mình có thể bất thần rơi vào một vùng độc hại. Những phim ảnh, sách báo và âm nhạc có độc tố không bao giờ được đưa vào trong khuôn viên của trung tâm thực tập.
Nói như thế không phải là tại Làng Mai không có sự tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Những phim ảnh, những sách báo lành mạnh có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu không thiếu. Những sản phẩm văn hóa có tác dụng tưới tẩm và nuôi dưỡng niềm vui, lý tưởng giúp đời xây dựng tình huynh đệ, mở rộng chân trời hiểu biết và thương yêu.
Bạn phải có một chính sách tiêu thụ thông minh. Trong phạm vi gia đình hay cọng đồng, bạn phải ngồi lại với những người khác để quyết định về chính sách tiêu thụ, để thực tập giới thứ năm: tiêu thụ trong chánh niệm.
Không có sự thực tập này thì công phu thực tập thiền để chuyển hóa phiền não và khổ đau sẽ không thành công, bởi vì trong khi thực tập, chất liệu phiền não và khổ đau vẫn còn tiếp tục đi vào trong tâm thức, cũng như khi bạn đốt lò sưởi để sưởi cho nhà ấm mà cứ mở hết các cửa cho khí lạnh đi vào thì nhà sẽ không bao giờ ấm được cả.
Số lượng những người trẻ tự tử hàng ngày vì không có khả năng xử lý được niềm đau do bạo động, hận thù và tuyệt vọng gây nên đang càng ngày càng tăng. Mỗi ngày ở Cọng hòa Pháp có khoảng 35 người thanh niên thiếu nữ tự tử. Ở Nhật Bản con số đó lớn gấp hai lần. Tại Việt Nam, số người trẻ tự tử hàng ngày là bao nhiêu người, bạn có biết không? Ta phải hành động ngay tức khắc để chận đứng lại tình trạng.
Vấn đề tiêu thụ trong chánh niệm không còn là một vấn đề cá nhân nữa mà đã trở thành một vấn đề của quốc gia và xã hội.
Tư niệm thực
Loại thực phẩm thứ ba là Tư niệm thực, tức là mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của mỗi chúng ta. Những ai yêu nước, thương nòi, có chí hướng giúp đời, muốn làm lành mạnh xã hội, muốn chuyển hóa những bất công và nghèo đói trong xã hội, muốn chuyển hóa hận thù, bạo động và đóng góp vào công trình xây dựng một nếp sống xã hội có hiểu biết, có thương yêu và tha thứ… những người ấy đang có một nguồn tư niệm thực lành mạnh và nẻo về của họ là nẻo về của một vị bồ-tát. Họ không chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc. Họ có một lý tưởng cao đẹp.
Ngày xưa Siddhartha cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế: tu tập để chuyển hóa khổ đau nội tâm, để đạt tới giải thoát và giác ngộ, để độ đời. Ước muốn ấy là một nguồn tư niệm thực có khả năng nuôi dưỡng một vị bồ-tát lớn.
Bạn phải ngồi lại và xét xem mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của bạn là gì. Nếu đó là ước muốn chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc, thì bạn đang có một nguồn tư niệm thực độc hại, nó đang thúc đẩy bạn đi về những nẻo khổ đau. Nhìn cho thật kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều người đã và đang tàn phá thân tâm của họ trên con đường chạy theo dục lạc. Có khi ta bị tư niệm thực của ta đánh lừa: ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục mà ta lại tự bào chửa là ta đang có một lý tưởng cao đẹp.
Bạn phải tự hỏi lòng thật kỹ. Nếu có một chí hướng cao đẹp thì dù nếp sống vật chất của bạn có đạm bạc bạn vẫn có hạnh phúc rất lớn.
Có những người đầy danh vọng, quyền hành và tiền bạc nhưng họ rất cô đơn và khổ đau, trong nhiều trường hợp họ đã tự kết liễu đời họ. Bạn chỉ cần quán sát cho kỹ là có thể thấy được điều ấy.
Sự nghiệp của ta là gì?
Bạn đang tranh thủ để giật cho được một mảnh bằng, bởi vì mảnh bằng đó rất cần thiết để cho bạn kiếm được một công ăn việc làm, giúp đỡ gia đình, giúp bố mẹ vượt thoát cơn túng thiếu hiện tại. Có thể bố hoặc mẹ đang bị bệnh, mà không có tiền uống thuốc. Học hành như thế, đi kiếm công ăn việc làm như thế có phải là chạy theo danh vọng và tiền tài hay không? Không! Tình thương đang là động lực thúc đẩy bạn học cho giỏi, làm việc cho siêng năng.
Trong cuộc đời, ta phải phấn đấu. Nhưng ta phải biết được lòng ta, ta phải có một ý niệm thật rõ ràng về hạnh phúc, đừng tin tưởng một cách mù quáng rằng chỉ khi nào có danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục thì ta mới có hạnh phúc.
Hạnh phúc chân thực chỉ có mặt khi nào ta có một con đường lý tưởng, khi nào cuộc sống của ta có một ý nghĩa, khi nào ta có khả năng hiểu biết và thương yêu, khi nào ta nhận biết rằng ta có khả năng giúp người bớt khổ.
Sự nghiệp của ta không thể là danh vọng, tiền bạc, quyền thế và sắc dục. Những thứ ấy có khả năng đốt cháy đời ta, và đã đốt cháy không biết bao nhiêu cuộc đời.
Đó là lý do Đức Thế Tôn dạy ta phải quán chiếu về bản chất của tư niệm thực.
Thức thực
Loại thực phẩm thứ tư là Thức thực, nghĩa là ảnh hưởng của tâm thức cọng đồng và của môi trường trong đó ta đang sống trên tâm thức của ta.
Nếu ta sống trong một môi trường trong đó hầu hết mọi người đều có một nguồn tư niệm thực không lành mạnh, tâm thức ta sẽ bị ảnh hưởng, và sớm muộn gì ta cũng sẽ mong muốn, hành xử theo cách thức của những người chung quanh. Con cháu ta và các em ta nếu chung đụng lâu ngày với những người quen tư duy, nói năng và hành xử một cách bạo động, cũng sẽ trở thành bạo động.
Ở trong một môi trường xấu, những hạt giống xấu như thèm khát, bạo động và căm thù trong ta thường xuyên bị tưới tẩm, trong khi những hạt giống lành mạnh như hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung, không có một cơ hội nào. Vì vậy ta phải nhìn lại môi trường của ta, và nhìn lại những người ta tiếp xúc hằng ngày. Nếu ta có bạn tốt, đi trên con đường lành mạnh, ta sẽ được các bạn ta che chở và dìu dắt. Ta phải có can đảm rời bỏ được môi trường xấu và chấm dứt liên hệ với những người đang kéo ta đi về những nẻo đường xấu. Dù gặp phải nhiều ràng buộc, khó khăn và thiếu thốn, ta cũng phải quyết tâm ly khai môi trường xấu và những người bạn xấu.
Hành động ly khai này rất khẩn cấp, không thể trì hoãn được. Nếu ta giác ngộ được là ta đang bị lôi kéo về một con đường xấu ác, thì ta sẽ có đủ can đảm để ly khai. Ở lại, ta sẽ không có đủ năng lượng để tự bảo vệ, đừng nói là giúp được kẻ khác. Sau này khi ta đã đạt tới vững chãi, và có đông đảo bạn hiền, ta mới có khả năng để giúp họ chuyển hóa môi trường và tâm thức.
(Theo Chỉ nam thiền tập)
Kinh Bốn loại thức ănÐây là những điều tôi đã được nghe vào một thời mà Bụt còn đang ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ. Hôm ấy, Bụt bảo các thầy khất sĩ: “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn ấy là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực.
“Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết”. Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.
“Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?
“Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Bụt lại hỏi: “Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?” Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.”
Bụt dạy: “Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể. Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về ý tư thực như thế nào? Ví dụ có một đô thị hay một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ đô thị hoặc thôn làng ấy mà đi. Về ý tư thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ quán chiếu về thức thực như thế nào? Ví dụ quân lính canh tuần của vị quốc vương kia vừa bắt được một tên đạo tặc, trói người ấy lại và điệu tới nơi vua. Vì tội trộm cướp, kẻ đạo tặc bị phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân hình mình ba trăm mũi giáo, đau đớn khổ sở suốt cả đêm ngày. Về thức thực vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực rồi thì cũng sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải dụng công gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.”
Bụt nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.
(Tạp A Hàm, Kinh số 373, bản dịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Từ khóa » Thức ăn Này Là Gì
-
Quán Niệm Trước Khi ăn - Làng Mai
-
Nghi Thức ăn Cơm Trong Chánh Niệm - .vn
-
Ăn Cơm Chánh Niệm - .vn
-
Năm Điều Quán Niệm | Phật Giáo Việt Nam
-
Thức ăn Kiêng – Wikipedia Tiếng Việt
-
4 Loại Thức ăn Trong Phật Giáo. Bạn đang Mang Chất độc Vào Người ...
-
Năm Phép Quán Trước Khi ăn - Phật Học đời Sống
-
Hôm Nay ăn Gì? 22 Thực đơn Hằng Ngày Cho Cả Tuần để Chị Em Nấu ...
-
Chọn ăn, Lựa Uống: Món Thức ăn Nào, Lượng Bao Nhiêu?
-
Chánh Niệm Trong ăn Uống Là Gì? - Ayobody
-
Đau Họng Nên Uống Gì, ăn Thực Phẩm Nào Tốt Nhất?