Thiền Tịnh Song Tu Trong Chơn Lý - Ni Giới Khất Sĩ

Thiền Tịnh Song Tu trong Chơn Lý

Thích Nữ Tường Liên

Kính bạch chư Tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, chư Tôn Đức Tăng Ni.

Kính thưa toàn thể quý liệt vị.

Là thế hệ được xuất gia vào những năm 1980, chúng tôi chỉ biết đến Đức Tổ Sư qua lời kể lại của chư Tôn Đức và hiểu được Giáo Pháp của Ngài qua Bộ Chơn Lý. Khi nghiên cứu đến Chơn Lý Nhập Định (CL số 14) và Chơn Lý Số Tức Quan ( CL số 53) chúng tôi nhận thấy có sự song hành của Thiền Tịnh trong phương pháp tu tập của Ngài. “Nối truyền Chánh Pháp Thích Ca”, Đức Tổ Sư đã dùng đề mục Hơi Thở để hành thiền theo phương pháp mà Đức Phật Thích ca đã trải nghiệm và chứng ngộ dưới cội cây Bồ Đề tại Bodhagaya-Ấn Độ.

Thiền Định (Samatha) là phương pháp tu tập hướng tâm tập trung trên một đề mục để cắt đứt vọng tưởng, ngoại duyên đưa đến định tâm (Samàdhi). Vào thời Phật tại thế, các ngoại đạo sư có nhiều vị đã đạt những trạng thái Định cao nhất của Thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới với những đề mục Thiền khác nhau. Chính Đức Phật Thích Ca là vị đầu tiên khám phá và thể nghiệm Thiền với đề mục là Hơi Thở và đã thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đó phương pháp Thiền Chánh Niệm Hơi Thở (Ànàpànàsati) thường xuất hiện trong những Pháp Thoại của Đức Phật và được ghi chép trong Tam Tạng Giáo Pháp.

Chánh Niệm Hơi Thở là một trong 40 đề mục Thiền Định trong Kinh Tạng Pàli và đặc biệt kỹ thuật tu tập được trình bày một cách chi tiết trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga). Chú trọng đề mục Hơi Thở trong sự tham thiền nhưng Đức Tổ Sư cũng kết hợp Hơi Thở với danh hiệu Phật giúp cho những hành giả có nhân duyên với pháp môn nầy tu tập được dễ dàng hơn, Ngài dạy: “Ví như có người kia tập như vầy. Hơi thở hít vô kéo dài nhẹ nhẹ, niệm tưởng thầm rằng “Nam-mô A” chậm rãi đến mãn hơi, rồi thở ra kéo dài nhẹ nhẹ, niệm tưởng thầm rằng “Di Đà Phật” chậm rãi đến mãn hơi; thâu vô trở lại, niệm tưởng nữa làm thành vòng tròn, bằng sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật” và liên tiếp những vòng tròn. Đi đứng nằm ngồi đều niệm mãi, tập không cho bỏ sót một hơi thở nào, trừ ra lúc ngủ quên, hay khi nói chuyện. Kẻ ấy bằng định tâm được như thế cũng khá, lục căn sẽ thanh tịnh lần, và sẽ đến được giác ngộ, của chết, ngủ nghỉ, số tức quan mực trung mà đắc định. Vì khi niệm ghi nhớ lâu sau đã quen, là sẽ không còn niệm sáu chữ ấy, mà như lúc nào cũng vẫn có, in trí vào hơi thở, chừng đó là còn hơi thở, càng ngày càng nhẹ nhẹ lần, cho đến sau rốt chỉ biết có chết, ngủ nghỉ bằng hơi thở thoi thóp tự động, ấy là số tức quan, do đó mà đặng nhập định. Kẻ ấy niệm Phật danh như thế là để mượn đức tin ủng hộ, cho tinh tấn ham mộ, ... hoặc như hơi vô đếm một, hơi ra đếm hai, mãi đếm một hai hoặc đến bao nhiêu cũng được. Có người niệm tưởng một câu pháp, niệm danh hiệu Phật khác, hoặc một cái chi, đề mục nào cũng nên ích lợi, vì cốt ý là để trụ tâm. Những kẻ yếu tâm hay loạn thì trước hết niệm ra tiếng cho quen, kế đó niệm thầm cho tai nghe theo hơi thở, tiếp nữa không niệm mà hơi thở quen chừng như có niệm, sau rốt mất niệm mà hơi thở vẫn đều hoà khoẻ nhẹ, như đến cảnh trí chết, ngủ nghỉ là số tức quan hiển hiện, để đưa vào nhập định. Số tức quan ấy kêu là vầng mây bay đưa vào xứ Phật”.

Đức Tổ Sư đã hướng hành giả dùng câu Niệm Phật nương theo hơi thở để loại trừ tạp niệm dần đi đến định tâm bất loạn là trạng thái đồng với định Tâm Thiền Sắc Giới thứ Tư. Vì với đối tượng Hơi Thở nầy, Đức Phật đã chứng đạt các trạng thái Thiền Định Sắc Giới (Rùpa Jhàna) và Vô Sắc Giới (Aruppa Jhàna). Từ đó Ngài đã phát triển tu tập các loại Thần Thông và đạt đến giải thoát giác ngộ. Với đối tượng hơi thở, nếu sự tu tập được phát triển đúng kỷ thuật thì hơi thở sẽ chuyển sang dạng ánh sáng (Nimitta) dần qua ba giai đoạn là: Sơ Tướng (Parikkamma Nimitta), Thô Tướng (Uggaha Nimitta) và Quang Tướng (Patibhàga Nimitta).

Sau khi đối tượng hơi thở đã chuyển sang Quang Tướng, nếu hành giả tập trung tâm trên đối tượng nầy một cách thể nhập thì hành giả sẽ loại trừ được Năm Triền Cái: Tham (Kàmacchanda), Sân (Vyàpàda), Hôn trầm Thuỵ miên (Thìna-middha), Trạo cử (Uddhacca-kukkucca) và Nghi (Vicikicchà). Khi ấy nếu nhận rõ Năm Thiền Chi: Tầm (Vitakka), Tứ (Vicàra), Hỷ (Pìti), Lạc (Sukha) và Nhứt Tâm (Ekaggatà) nơi Bhàvanga (Hữu phần tâm hay Ý môn) thì hành giả sẽ đạt đến trạng thái Thiền thứ Nhất.

Vượt qua trạng thái thiền thứ Nhất, nếu nhận rõ ba Thiền chi Hỷ, Lạc, Nhất Tâm thì hành giả sẽ đạt đến trạng thái Thiền thứ Hai.

Vượt qua trạng thái thiền thứ Hai, nếu nhận rõ hai Thiền chi Lạc, Nhất Tâm thì hành giả sẽ đạt đến trạng thái Thiền thứ Ba.

Vượt qua trạng thái thiền thứ Ba, nếu nhận rõ hai Thiền chi Xả, Nhất Tâm thì hành giả sẽ đạt đến trạng thái Thiền thứ Tư.

Nhất Tâm là thiền chi quan trọng nơi trạng thái Định thiền thứ Tư Sắc Giới tương đương với trạng thái Niệm Phật Nhất Tâm bất loạn.

Như Đức Tổ Sư nói: “Cũng có kẻ mới lúc đầu niệm danh Phật rất nhiều theo hơi thở vô, còn hơi ra thì xả bỏ, kêu gọi là niệm thâu vô, lâu sau còn niệm vô một câu, lần đến còn một tiếng, kế đó nhớ tưởng theo hơi thở mà thôi niệm, nhưng vẫn còn như tưởng tượng, sau đó mới đến số tức quan và nhập định”.

Cũng nằm trong 40 đề mục Thiền Định, Mười Kasina (tức là vòng tròn Đất, Nước, Lửa, Gió, Ánh sáng, Hư Không, Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng) có thể đưa hành giả đến những trạng thái Thiền Định Sắc giới. Trong Chơn Lý Nhập Định viết: “Hoặc tìm xét nơi màu xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, tím, đất, nước, lửa, gió, khoảng trống, cái không, cái có; nơi các tử thi, sự chết, thây ma. Hoặc suy gẫm nơi Phật, Pháp, Tăng, Giới, Định, Huệ, ơn đức của Phật và chư Thiên, nơi đức tin, nơi ánh sáng, nơi sự sống, hoặc quán xét nơi phép linh, nơi lòng từ bi hỷ xả vô lượng, nơi cái không có, không lường, không biên, không nhớ tưởng, không nhận biết, không cái ta, không thường, không ranh mé... nơi miếng ăn dơ bẩn, nơi xác thân nhơ nhớp. Hoặc chán ghê hổ thẹn, sợ cho cái khổ, cái luân hồi... Cả thảy các pháp lý sự gì trong thế gian, quấy phải gì cũng có thể làm đề mục nhập định cho ta được cả.”

Theo phương pháp tu tập, hành giả chọn đề mục là vòng tròn Đất hay vòng tròn Gió.., tập trung tâm vào đó cho đến khi nhận rõ các thiền chi và đạt đến trạng thái Định Thiền. Trong Chơn Lý Số Tức Quán, Đức Tổ Sư cũng viết: “Ví như vị Bồ-tát trong lúc nóng nực, Ngài nói ra rằng nóng quá, thôi mát đi, mát, tức Ngài mật niệm: mát, mát, mát, từ tiếng một theo mỗi hơi thở ra vô, rồi từ từ in trí vào hơi thở; kế đến hơi thở nhẹ lần nhập định, là sẽ như có luồng gió mát thổi ngay lại, mát lạnh khoẻ khoắn vô cùng. Gặp cái chi, việc gì, các Ngài cũng dùng nó mà đếm nhập định và phát thần thông. Thế nên các Ngài biến hoá vô cùng, phép nhập định vô số, cùng giác ngộ thêm lên sáng suốt, đó là số tức quan của bậc cao. Còn như những bậc thấp, hoặc người ta tập sự chăm chú chăm chỉ đếm một, hai, ba, đến trăm ngàn muôn trong mỗi lúc, một con số nhứt định bằng hơi thở ra vào; hay đếm những danh hiệu Phật, mỗi hơi thở mỗi tên, đếm mãi từ xuôi tới ngược, từ ngược tới xuôi, để đặng kềm ý phục tâm một chỗ cho quen, đặng đến lần số tức quan nhập định.”

Pháp môn Tịnh Độ là tu tập Niệm Phật theo phát nguyện của Đức Phật A Di Đà. Danh hiệu A Di Đà xuất phát từ danh tự Pàli là Amitabhà. Trong đó Amita có nghĩa là vô biên và Àbha là hào quang. Như vậy A Di Đà Phật tức là danh hiệu của Đức Phật phóng hào quang vô lượng vô biên cứu độ tất cả chúng sinh đau khổ. Theo “Niệm Phật Thập Yếu”[1]: “Niệm Phật không phải chuyên chỉ về miệng niệm, mà dùng tâm để tưởng niệm, cũng là niệm Phật. Cho nên trong môn Niệm Phật ngoài phương pháp Trì Danh, còn có ba pháp khác nhau nữa là: Thật Tướng, Quán Tưởng và Quán Tượng....Trì Danh Niệm Phật, là phương pháp niệm ra tiếng hay niệm thầm bốn chữ hoặc sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật." Trì bốn chữ "A Di Đà Phật" được điểm lợi dễ nhiếp tâm; trì đủ sáu chữ được điểm lợi dễ phát khởi sự kính thành cơ cảm. Phương pháp này trong kinh Phật Thuyết A Di Đà, đức Thích Tôn đã đề xướng, hiện đang được thông dụng nhứt... “

Trì Danh Niệm Phật lại có mười phương pháp để Niệm Phật đó là: 1. Phản Văn Trì Danh, 2. Sổ Châu Trì Danh này lại, 3. Tuỳ Tức Trì Danh, 4. Truy Đảnh Trì Danh, 5. Giác Chiếu Trì Danh, 6. Lễ Bái Trì Danh, 7. Ký Thập Trì Danh, 8. Liên Hoa Trì Danh, 9.Quang Trung Trì Danh, và 10.Quán Phật Trì Danh.

Trong mười phương pháp nầy thì ‘Liên Hoa Trì Danh’ (số 8) là “Lấy bốn sắc hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, vừa niệm vừa tưởng, luân lưu chuyển tiếp, là danh nghĩa của lối niệm trên đây. Hành giả khi niệm câu Phật hiệu thứ nhứt, tưởng trước mặt mình hiện ra một đoá sen xanh to lớn phóng ánh sáng xanh. Câu thứ hai, tưởng hoa sen vàng phóng ánh sáng vàng. Cho đến câu thứ ba thứ tư, là hoa sen đỏ, trắng, màu nào phóng ánh sáng ấy...” Nơi Phương pháp nầy chúng ta thấy sự tương đồng với cách tu bốn đề mục thiền Định Kasina màu là vòng tròn đen, trắng, đỏ, vàng để đưa đến định tâm Thiền Săc Giới thứ Tư.

Lại có sự tương đồng với sự tu tập đề mục Kasina Ánh Sáng cũng đưa đến định tâm Thiền Săc Giới thứ Tư. Như phương pháp số 9 là Quang Trung Trì Danh: “...hành giả khi nhắm mắt niệm Phật, thường bất chợt thấy những hình tướng ô uế, hoặc màu sắc đen tối xao động nổi lên, nên cổ đức mới truyền dạy cho cách thức này. Đây là phương pháp vừa niệm Phật, vừa tưởng mình đang ngồi giữa vùng ánh sáng trong suốt to rộng. Khi tâm đã an định trong vùng quang minh ấy, hành giả cảm thấy thần trí sáng suốt mát mẻ, không những tạp tưởng trừ dứt, mà các tướng uế ác cũng tiêu tan. Rồi chánh niệm do đó được bền lâu, và Tam Muội cũng do đó lần lần thành tựu...”

Nhìn chung khi tham thiền, đôi lúc Đức Tổ Sư khuyên hành giả phải nương câu Niệm Phật để trợ duyên ban đầu giúp tâm an định. Khi niệm Phật lại cũng có một số phương pháp phải dùng đề mục tương đương với đề mục Thiền Định. Do vậy, chúng ta thấy rằng Tham Thiền hay Niệm Phật đều là phương pháp tu tập đưa hành giả đến Định Tâm bất loạn. Từ Tâm Định nầy, hành giả có thể tiếp tục tu tập cho đến phát sinh trí tuệ để hoàn thành viên mãn con đường hành trì Giới-Định-Tuệ.

“Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” trong suốt thời gian hoằng hoá, Đức Tổ Sư luôn tinh tấn Tham Thiền nhập định. Trong phương tiện giáo hoá, đôi lúc Ngài khuyến khích hành giả song hành Thiền Tịnh nhằm an trụ tâm lúc ban đầu, sau đó hướng đến sự nhất tâm trên đề mục tu tập để đạt được trạng thái Định Tâm. Cũng vậy, người niệm Phật cũng nhằm mục đích đi đến chỗ nhất tâm bất loạn, đó tức là Tâm Định. Như vậy, tuỳ theo nhân duyên mà hành giả có thể chọn pháp môn tu tập phù hợp căn cơ của mình để đưa đến kết quả là thân tâm được an lạc và giải thoát. Nếu hành giả có thể duy trì những trạng thái nầy cho đến giờ lâm chung thì chắc chắn hành giả sẽ tái sinh về những cảnh giới Phạm Thiền Thiên Sắc Giới (Rùpa Jhàna Brahma Bhùmi) thứ Tư và cảnh giới nầy chỉ có bậc Bất Lai-Anagami và A la Hán -Arahant an trú. Được gọi là Tịnh Cư Thiên (Suddhàvàsa) hay Cực Lạc (Sukhàvati)

Kính chúc Chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, xin thành tâm cầu chúc chư hành giả tuỳ duyên thành tựu trong phương pháp tu tập nhằm đem lại lợi lạc cho chính mình và chúng sanh muôn loài.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

[1] Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Niệm Phật Thập Yếu, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM, PL.2535-1994; tr.132-142

Từ khóa » Tịnh Mật Song Tu