Thiền Tông Đốn Ngộ - Tổ Sư Thiền - HT Thích Thông Phương
Có thể bạn quan tâm
- HT Thích Thanh Từ
- HT Thích Nhật Quang
- HT Thích Thông Phương
- Các Vị Khác
Thiền Tông Đốn Ngộ Tổ Sư Thiền I. TỔ SƯ THIỀN CÓ TỪ BAO GIỜ? Thông thường, người nghiên cứu trên mặt chữ nghĩa cho rằng, Tổ Sư Thiền là Thiền đặc biệt của chư Tổ Thiền sư Trung Hoa, do Trung Hoa sáng tạo ra. Như nói: “Với Thiền tông, có thể nói là sản phẩm của Trung Hoa, do quan hệ địa lý, nó chứa đựng hầu hết tư tưởng Trung Hoa, đấy là sự thật không thể phủ nhận” (Thiền Học Giảng Thoại). Nếu quả thật hoàn toàn như vậy, tức trước đó chưa có, vậy là nó thuộc về pháp tạo tác, mới thành lập sau này, thì hẳn không phải chân thật rồi. Hơn nữa, nó là sản phẩm sau này, thời Phật không có, là của riêng của Tổ Sư, tức nó thuộc ngoài Phật giáo, thuộc cái gì khác nữa rồi! Chính cái thấy này là cái thấy còn trong sai biệt, làm sao vào cửa Tổ? Chúng ta hãy nghe Chân Tịnh hỏi thiền sư Đạt Quán:- Về kinh luận con hiểu chút ít, về Thiền thực không hiểu nổi, mong thầy giải quyết nghi ngờ cho con.Đạt Quán bảo:- Đã chẳng tin Thiền đâu thể rõ được kinh. Thiền là giềng mối của kinh, kinh là màng lưới của thiền, nắm được giềng mối là lưới theo, rõ được thiền mới hiểu được kinh.Chân Tịnh thưa:- Xin thầy vì con nói thiền?Đạt Quán bảo:- Về sau văn dài.Chân Tịnh thưa:- Thế ấy kinh và thiền là một thể?Đạt Quán bảo:- Phật và Tổ chẳng phải hai tâm, như bàn tay co lại thành nắm tay, nắm tay xòe ra thành bàn tay. Nhân đây Chân Tịnh có tỉnh. Xem đấy! Với cái nhìn của thiền sư chân thật, đâu chia kia đây sai biệt? Người mê, nhìn trên tướng thì thấy thiền khác, kinh khác, Phật khác, Tổ khác, có Thiền có Giáo riêng rẻ, cách biệt nhau. Người ngộ, thì rõ suốt kinh và thiền chỉ đồng một tâm. Kinh cũng từ Tâm Như Lai nói ra, Thiền là chỗ Tâm Sống của Như Lai. Cốt dứt cái thấy sai biệt, liền tự sáng tỏ không lầm. Có người hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung:- Ý Tổ và ý Giáo là đồng hay khác?Thượng Sĩ đáp:- Sóng nước tên tuy khác,Búp nở một đoá hoa. Tăng hỏi thiền sư Qui Nhân:- Ý Tổ và ý Giáo là đồng hay khác?Sư đáp:- Trâu ngựa đồng bầy thả. Rõ ràng chỗ thấy của người mắt sáng vốn không kẹt một bên đồng hay khác. Cứ khăng khăng chấp chặt vào một bên, đó là cái thấy của thức tình, chưa phải con mắt Tổ Sư. Người hỏi ý Tổ, ý Giáo đồng hay khác, là đang sống trong niệm sai biệt. Thượng Sĩ cắt đứt niệm đó ngay: sóng và nước tuy có tên khác, nhưng vẫn là thể ướt. Cũng như hoa búp, hoa nở thấy như khác, song vẫn là một đóa hoa, làm sao nói cố định là đồng, là khác? Thiền sư Qui Nhân thì bảo: “Trâu và ngựa đồng bầy thả”. Trâu và ngựa là khác, nhưng vẫn thả chung một bầy, không cho thấy một bên hoặc đồng, hoặc khác. Chỗ thấy của người chân thật sáng đạo là như thế. Sự thật, có chúng sanh là có Tổ Sư Thiền, không thể một bề xác định ở đâu khác. Bởi vì, nếu ngoài chúng sanh mà có, thì có đó là để cho ai? Phật, Tổ cũng từ chúng sanh mà thành. Nếu quả thực ngoài chúng sanh mà có, đó là Tổ Sư Thiền trong sách vở, trong lý luận, trong tưởng tượng, là Tổ Sư Thiền chết, không phải Tổ Sư Thiền chân thật. Kìa, Tổ Sư đã tuyên bố: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, nghĩa là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Vậy nếu ngoài chúng sanh mà có, thì “chỉ thẳng tâm người” là chỉ ở đâu? Nói thẳng ra, hễ Ai ngộ được đều có phần, không nói ở đâu, không phải của riêng ai, không thuộc một cái TA nào! Chỉ có thể nói, tên “TỔ SƯ THIỀN” là mới có sau này thì dễ hiểu, vì tên thì tùy thời đặt ra, còn bản thân Tổ Sư Thiền quyết không phải mới có, không phải “thuộc cái tên đặt ra”. Có vị tăng hỏi thiền sư Hưu Phục: - Thế nào là chỗ xuất thân của học nhân?Sư đáp:- Ngàn thứ so chẳng kịp, muôn điều sánh chẳng kịp.Tăng hỏi thêm:- Thỉnh Hòa Thượng nói!Sư bảo:- Xưa cũng có, nay cũng có. Hỏi chỗ xuất thân tức chỗ siêu thoát, vượt ra tình mê này. Chỗ đó làm sao so sánh, phân biệt được? Bảo nói thì nói thế nào đây? Thiền sư chỉ tạm gợi ý: “Xưa cũng có, nay cũng có”, mà không chỉ ra cái gì. Nói xưa cũng có, nay cũng có, nhưng cái gì xưa cũng có, nay cũng có? Đó là để dành phần lại cho người tự hiểu! Song, như thế thì hiện nay có hay không? Sáng được chỗ này, là Sáng được Tổ Sư Thiền chứ gì? Khỏi nói đồng nói khác, khỏi xác định từ bao giờ. Vì chúng ta có thể gặp Tổ Sư ngay trong chỗ nói năng, tới lui, qua lại đây. Điều quan trọng là, chưa rơi vào niệm thứ hai. II. THẾ NÀO LÀ TỔ SƯ THIỀN? Đúng ra, đặt câu hỏi này là chưa biết gì về Tổ Sư Thiền. Tại sao? Bởi có thế nào là không phải rồi! Vì Tổ Sư Thiền không phải là cái để hiểu. Như Thôi Tề Công hỏi thiền sư Thần Hội: - Thiền sư ngồi thiền, một phen định thì về sau bao lâu sẽ được xuất định?Sư đáp:- Thần không có chỗ nơi, có gì là định ư?Ông lại hỏi:- Đã nói không có định, sao gọi là dụng tâm?Sư đáp:- Nay tôi ở trên định còn chẳng lập, ai nói là dụng tâm?Ông hỏi:- Tâm và định đều không, vậy thế nào là đạo?Sư đáp:- Đạo là “đạo như thế”, cũng không có “đạo thế nào”.Ông hỏi tiếp:- Đã nói là “không có thế nào”, thì chỗ nào có được “đạo như thế”?Sư đáp:- Nay nói “đạo như thế”, là vì có “đạo thế nào”; nếu nói không có “thế nào”, thì “như thế cũng không còn. Hỏi: “Đạo thế nào?” là muốn hiểu nó, muốn định nghĩa nó ra, nhưng Đạo đâu phải là chỗ bị hiểu, mà nói thế này, thế nọ càng xa. Cho nên Sư chỉ đáp: “Đạo như thế”. Nói “như thế” cũng là tạm nói, là không cho có thêm chút gì trong đó; vì nó như thế là như thế thôi, có thêm là hết như thế. Cuối cùng, nói “như thế” cũng là đối với “thế nào” mà tạm lập, nếu bám vào lời đó để sanh hiểu cũng là cách xa. Trong đây, chỉ phải tự chứng nghiệm thôi. Thế gian thì cứ muốn định nghĩa để hiểu, đã định nghĩa tức đóng khung nó vào trong chữ nghĩa, làm sao thấy được chân thật? Hãy xem, Thủy Lạo hỏi Mã Tổ:- Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?Mã Tổ bảo:- Lễ bái đi!Thủy lạo vừa lễ bái, Mã Tổ bèn tống cho một đạp ngay ngực té nhào. Sư bỗng đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười to ha hả bảo:- Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, chỉ nhằm trên đầu sợi lông nhận biết được cội nguồn tất cả. “Ý Tổ” mà hỏi thế nào, tức muốn hiểu nó. Nếu hiểu được liền thành ý chúng sanh rồi! Vì vậy cho một đạp té nhào, cho ông biết thế nào! Ngay khi té nhào đó, quên hết thế nào, cũng bặt luôn niệm kia đây, không còn nhớ có TA nữa, tức liền đại ngộ Ý Tổ, đứng dậy vỗ tay cười to vui sướng. Không thể ngờ!Một vị tăng hỏi thiền sư Khế Trù: - Thế nào là nghĩa đệ nhất?Sư đáp:- Đâu nhọc hỏi lại. Nghĩa đệ nhất tức chỗ rốt ráo không hai, thì trước khi động niệm liền nhận ngay là xong. Chỗ này không cho hỏi tới hỏi lui, không phải là chỗ mua bán trả giá mắc rẻ mới chịu mua. Trong đó, vừa hỏi lại tức thành nghĩa đệ nhị rồi. Tổ Sư Thiền là như thế. Lâm Tế một hôm đang làm công tác cuốc đất, thấy Hoàng Bá đến, Sư liền chống cuốc mà đứng. Hoàng Bá bảo:- Gã này mệt ư? Sư thưa:- Cuốc cũng chưa dở lên, mệt cái gì?Hoàng Bá liền đánh. Sư chụp cứng cây gậy, cho một đạp té nhào. Hoàng Bá gọi:- Duy Na! Duy Na! Đỡ ta dậy! Duy Na tới trước đỡ Hoàng Bá dậy và nói:- Hòa Thượng đâu dung được gã điên này vô lễ!Hoàng Bá vừa đứng dậy, liền đánh Duy Na. Sư cuốc đất, nói:- Các nơi thì hỏa táng, còn tôi trong đây một lúc chôn sống.Với Lâm Tế là thẳng tắt dùng liền, tự có chỗ sống sáng ngời không do dự. Hỏa táng, tức đợi chết rồi mới thiêu, thì thiêu đó là thiêu xác chết thôi. Chôn sống, là ngay hiện tiền đây đập liền, thẳng vào sức sống chân thật, không phải đợi qua rồi, theo sau cái chết, tức dấu vết ngôn ngữ, chữ nghĩa để lại – không qua trung gian nghĩ ngợi. Người học làm sao có thời giờ để hiểu? Đến Hòa Thượng Triệu Châu, vị tăng hỏi:- Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?Sư đáp:- Cây bách trước sân.Tăng thưa:- Hòa Thượng chớ đem cảnh chỉ người.Sư bảo:- Ta chẳng đem cảnh chỉ người.Tăng hỏi lại:- Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?Sư đáp:- Cây bách trước sân. Trong đây, người hiểu theo thức tình dễ lầm với ông tăng. Xem Sư, hỏi ra liền đáp ngay không chút nghĩ ngợi thì có cảnh gì? Chính Sư trong lòng rỗng rang không một niệm, không một vật lưu dấu, rõ ràng đang đối diện sờ sờ đó không thêm thắt chút gì! Tiếc thay, ông tăng trong lòng còn chứa đựng các niệm, bị kiến giải trong đầu sanh hiểu, nghĩ đó là mượn cảnh để đánh thức lại tâm, hẳn rơi vào KHÁI NIỆM rồi. Có Khái niệm tức bị đóng khung trong quá khứ cũ xưa, chết cứng, làm sao thấy được sức sống sáng ngời? Chỗ này, phải thực sự trống sạch mọi KHÁI NIỆM về thiền, ngay đó liền thấy Tổ Sư hiện tiền, rất thực tế! III. THẦM NHẬN VƯỢT QUA MỌI LÝ LUẬN Đến chỗ chân thật rốt ráo này, Tổ Sư Thiền đòi hỏi người học phải tự thầm nhận thôi, không thể lý luận, dù lý luận hay khéo đến đâu, cũng không lý luận đến được trong đây. Như có vị tăng hỏi thiền sư Quảng Trừng ở Đại Đồng:- Thế nào là người xưa nay?Sư đáp:- Ngồi chung mà chẳng biết nhau.Tăng thưa:- Thế ấy thì học nhân lễ bái vậy.Sư bảo:- Thầm viết lòng buồn biết gởi cho ai? Tại sao ngồi chung mà chẳng biết nhau? Nếu biết tức thành hai người rồi. Tuy nhiên ông tăng nếu đã nhận thì lễ bái liền, còn nói làm gì? Nói lễ bái mà chưa lễ, cũng là dây dưa trên chữ nghĩa. Sư bảo: “Thầm viết lòng buồn biết gởi cho ai?”, trong đó cũng không có chỗ cho ông lễ, hết đường lý luận, nếu không phải chính mình ở trong ấy, đừng mong hiểu nổi. Một thiền sư muốn gạn trong chúng, bèn hỏi:- Có hai người đi trong mưa, vì sao một người chẳng ướt?Một vị nói:- Vì một người đi ngoài mưa, một người đi dưới mái hiên.Một vị nói:- Vì một người mặc áo mưa, một người không mặc.Một vị nói:- Vì mưa có giới hạn, mưa bên này mà không mưa bên kia.Thiền sư bảo: - Nói một người không ướt đó, không phải chính là cả hai đều ướt hết sao? Nghe nói một người chẳng ướt, liền suy nghĩ theo lý luận của thế tình đều không dính dáng. Trong đây, thiền sư nói: “một người chẳng ướt”, nhưng ý chỉ vốn không ở một người nào, nếu theo ngôn ngữ hiểu là một người, tức lầm to! Người lanh lợi chỉ ngay đó khéo tự thầm nhận là xong, khỏi phải nhiều lời. Đây không phải là chỗ để nghĩ bàn, suy lý. Chuyện Pháp Hội hỏi Mã Tổ:- Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?Mã Tổ bảo:- Hãy nói nhỏ, ông đến gần đây ta nói cho nghe!Pháp Hội đến gần trước, Mã Tổ tát cho một tát, bảo:- Chẳng thể cho người thứ ba biết. Đi đi! Ngày mai đến!Hôm sau Pháp Hội một mình vào pháp đường thưa:- Thỉnh Hòa Thượng nói!Mã Tổ bảo:- Hãy đợi lão tăng thượng đường ra hỏi, ta sẽ vì ông chứng minh.Sư bỗng nhiên có tỉnh, liền thưa:- Lễ tạ đại chúng chứng minh. Pháp Hội ban đầu bị Mã Tổ gạt mà không hay. Nghe bảo “nói nhỏ, lại gần đây”, Sư tưởng thật đến gần, liền bị Mã Tổ tát cho tỉnh mà chưa tỉnh. Bảo nói nhỏ, là ngầm chỉ việc này chỉ phải tự thầm nhận thôi, chớ để người thứ ba xen vào gây chuyện. Người thứ ba tức ý thức suy nghĩ phân biệt. Có ý thức xen vào là bị che mờ bởi duyên ngoài. Hôm sau, Sư một mình vào pháp đường thỉnh nói, Mã Tổ lại bảo đợi thượng đường giữa đại chúng sẽ chứng minh cho, Sư liền tỉnh ngộ. Bởi lúc đầu Sư cứ tưởng Mã Tổ có gì bí mật giấu giếm không chịu nói, đâu ngờ việc ấy vốn hiện bày sờ sờ trước mặt đây thôi. Bí mật đã bật mí đó rồi, chỉ người có khéo nhận hay không vậy thôi. “Lễ tạ đại chúng chứng minh”, đến đây hết còn che giấu được nữa, mọi người chưa tỉnh còn đợi chừng nào? Nếu chưa tỉnh, hãy nghe thêm đoạn nhân duyên Huyền Tắc với Pháp Nhãn. Ban đầu Sư hỏi Hòa Thượng Thanh Phong:- Thế nào là tự kỷ của học nhân? (có chỗ ghi: “Thế nào là Phật”)Thanh Phong đáp:- Đồng tử Bính đinh đến xin lửa.Sau Sư đến gặp Pháp Nhãn, Pháp Nhãn hỏi:- Ông từ đâu đến?Sư thưa:- Từ Thanh Phong đến.Pháp Nhãn hỏi:- Thanh Phong có lời gì chỉ dạy?Sư thuật lại việc trước. Pháp Nhãn hỏi:- Thượng Tọa hiểu thế nào?Sư thưa:- Bính đinh thuộc lửa mà lại đi xin lửa, như đem chính mình cầu chính mình.Pháp Nhãn bảo:- Hiểu thế ấy làm sao được?Sư thưa:- Con chỉ thế ấy, chưa biết Hòa Thượng thế nào?Pháp Nhãn bảo:- Ông hãy hỏi ta, ta sẽ nói cho!Sư hỏi:- Thế nào là tự kỷ của học nhân? (tự kỷ: chính mình)Pháp Nhãn đáp ngay:- Đồng tử Bính đinh đến xin lửa.Sư liền đốn ngộ. (Ngũ Đăng Hội Nguyên Tiết dẫn). Ai thấy trong đây có gì đặc biệt? Cũng một câu nói, tại sao lúc đầu Huyền Tắc đáp thì không phải, sau đó Pháp Nhãn đáp thì thật ngộ? Làm sao phân biệt được thật giả? Người chưa thấu qua chỗ này, dễ bị tri giải lừa gạt. Bởi lần đầu Huyền Tắc đáp, là đáp theo thức tưởng, do khái niệm chứa sẵn trong đầu tưởng là đã hiểu, nhưng chỉ hiểu qua khái niệm. Lần sau Pháp Nhãn đáp, là đáp trong lúc bất ngờ, Huyền Tắc không kịp suy nghĩ trước, đó là chỗ cần nghiệm kỹ! Ngày nay, cũng có nhiều người trong chúng ta rơi vào trường hợp này. Cứ tưởng là mình đã ngộ, không ngờ chỉ là Hiểu về nó thôi, chưa phải giáp mặt với sự thật. Người học đạo cần phải chân thật với chính mình như Huyền Tắc, chớ vì bản ngã bám chặt vào cái hiểu của riêng mình mà tự ngăn bước tiến! IV. THẤY TÁNH Nói gì thì nói mà chưa Thấy tánh tức vẫn là kẻ ở ngoài cửa bàn chơi vậy thôi, chưa vào được nhà Tổ. Trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư bảo: “Nếu chẳng thấy tánh tức chẳng gọi thiện tri thức”. Song tánh có hay không mà thấy? Đây là chỗ không thể lờ mờ! Có vị tăng tên Kế Tông hỏi thiền sư Trí ở Vân Cư:- Thấy tánh thành Phật, nghĩa ấy thế nào?Sư đáp:- Tánh thanh tịnh xưa nay trong lặng, không có lay động, chẳng thuộc có không, nhơ sạch, dài ngắn, lấy bỏ, thể tự thanh thoát, thấy như thế mới gọi là Thấy tánh. Vì tánh tức Phật, Phật tức tánh nên gọi thấy tánh thành Phật.Hỏi: - Tánh đã thanh tịnh chẳng thuộc có không, nhân đâu có thấy?Đáp: - Thấy không chỗ thấy.Hỏi: - Đã không chỗ thấy, đâu được có thấy?Đáp: - Chỗ thấy cũng không.Hỏi: - Khi thấy như thế là ai thấy?Đáp: - Không người hay thấy.Hỏi: - Rốt ráo lý ấy thế nào?Đáp: - Ông biết chăng? Vọng chấp là có tức có năng sở, mới có danh bày; theo cái thấy sanh hiểu bèn rơi vào sanh tử. Người thấy rõ ràng tức chẳng vậy, trọn ngày thấy mà chưa từng thấy, tìm cầu tên, chỗ, thể, tướng chẳng thể được, năng sở đều bặt gọi là Thấy tánh. Như vậy, tuy nói “Thấy Tánh” mà thực không có chỗ thấy, vượt ngoài ý niệm có không đối đải, tự mở một lối đi siêu thoát, không lệ thuộc nơi người. Cuối cùng đến trong ấy, hai chữ “Thấy Tánh” cũng không còn dấu vết. Hòa Thượng Thạch Đầu bảo: “Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy thảy đều chẳng được, ông phải làm sao?” Thế ấy là có, chẳng thế ấy là không, thế ấy chẳng thế ấy là gồm cả có không, tất cả đều chẳng thể được, vậy người sẽ bám vào đâu để hiểu? Để thấy? Vừa có chỗ thấy liền rơi bên ngoài. Vừa có chỗ hiểu liền tự ngăn cách. Phải vượt lên tất cả chỗ, bặt mọi so sánh, tự rõ không do ai cả. Hòa Thượng Nam Nhạc bảo: “Nói giống một vật tức không trúng”, sẵn sàng buông hết mọi chỗ nương tựa so sánh liền tự thấy. Thiền sư Trọng Nguyên thượng đường bảo: “Một mảnh đất Phước Thắng (chỗ Sư ở) đi cũng mặc tình cho ông đi, đứng cũng mặc tình cho ông đứng, bước bước đạp đến mới biết chỗ rơi. Nếu chưa vậy, phải liền lui bước, xem lại dưới gót chân đi!” Mảnh đất đó là mảnh đất gì mà mặc tình đi đứng trong ấy? Tất cả mọi người đi đứng tới lui ở trong đó, nhưng không hay biết là sao? Giờ đây, nghe nói đến, lại tưởng tượng cái gì xa lạ, rồi muốn tìm biết. Song, dù ông biết được, hiểu được cũng không dính dáng. Cốt phải từng bước, từng bước đạp đến sáng ngời mới không lầm. Nếu chưa được vậy, chỉ cần ngó xuống gót chân là xong, chớ vội suy tìm! Hãy xét kỹ: không có tánh thì cái gì đi đứng, tới lui? Dù người có cố phủ nhận nó nhưng nó vẫn luôn luôn hiện hữu. Cái gì Biết phủ nhận? Làm sao tự phủ nhận nó? Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Nam Tuyền:- Ngay khi đi đông, đi tây toàn không suy nghĩ là phải chăng?Nam Tuyền đáp:- Khi ấy, ai nói là phải chẳng phải? Ông tăng quả là mở mắt mà chiêm bao. Đã biết đi đông, đi tây hoàn toàn không suy nghĩ thì còn Ai xen vào trong đó mà nói phải chẳng phải? Vừa nghĩ phải chẳng phải là có suy nghĩ rồi, là bầu trời trong đã kéo mây đen. Chính đó là chỗ mọi người cần sáng tỏ! Lại, Hòa Thượng Huệ Nam thượng đường bảo: - “Tâm toan nghĩ liền sai, động niệm liền trái. Chẳng nghĩ chẳng động, đất cây không khác. Người hành cước cần được một con đường chuyển thân.” Sư liền giơ cây phất tử lên bảo: “Mọi người các ông làm sao chuyển? Nếu như chuyển được thì một làm vô lượng, vô lượng làm một. Nếu chuyển chẳng được, con nhạn trong túi vải, tuy sống cũng như chết.” Chú ý! Ngay đây chẳng động niệm thì đất cây, hoa cỏ trước mắt đều hiện bày “Tự tánh xưa nay” khỏi tìm đâu xa. Tuy nhiên, làm sao liền đó có con đường chuyển thân? Ngay đất cây đó, ngay cây phất tử đó, THẤY RÕ không chút sai lầm, THẤY NGUYÊN VẸN LÀ THẤY, không lẫn lộn với đất cây, không lầm lẫn với phất tử, mà cũng không tự mê xem! Đó là trong mê tự chuyển thân, quên bặt dấu Trần. Muôn vật đâu còn lừa được nữa? Cốt là, phải THẤY đến chỗ KHÔNG THẤY, vựợt qua tất cả chỗ nơi, không dừng lại bất cứ một chỗ nào. Vừa dừng lại tức liền Bị thấy! Chúng ta hãy nghe vị tăng hỏi thiền sư Hồng Chẩn:- Khi trừ sạch trần thấy Phật thì thế nào?Sư bảo:- Phật cũng là trần. Tại sao Phật cũng là trần? Bởi, đã trừ sạch hết trần, mà còn có Phật để thấy, thì Phật đó cũng là cảnh, tức thuộc trần bị thấy chứ gì! Người Thấy tánh phải thấu tột qua chỗ này, không thể lầm lẫn. Hòa Thượng Vân Môn cũng từng bảo: “Ông nếu tương đương rồi thì hãy tìm con đường vào. Các Đức Phật nhiều như số bụi nhỏ đang ở dưới gót chân ông. Tam Tạng Thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông, chẳng bằng ngộ quách đi là xong!” Người người học đạo cần phải khám phá chỗ này, chớ chạy tìm hiểu đâu đâu, cũng đừng moi móc trong đám rừng chữ nghĩa. Ánh sáng chân thật chính ngay dưới gót chân mình. Hãy chính chắn ngó xuống xem! Kỵ nhất cúi đầu trầm ngâm là nguy! V. TRỰC TIẾP ĐẢM ĐANG Yếu chỉ của Tổ Sư vốn nhắm thẳng tâm người, không qua văn tự ngôn ngữ. Do đó, người học thiền phải dọn sẵn tâm mình, sẵn sàng tiếp nhận ngay, thẳng tắt như gương đối gương, khoảng giữa không chút gì xen vào. Thiền sư Đại Huệ ở trong thất hỏi tăng: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?” Ai thấy chăng? Chính đó Sư đã vạch bày gan ruột phơi trước người, nếu tâm người đã dọn sẵn, tức liền đó thẳng vào không phí sức! Đã chẳng phải tâm, cũng chẳng phải Phật và chẳng phải vật luôn, vậy là cái gì? Xin thưa: - Hòa Thượng vừa nói đó! Còn mê gì nữa? Một vị tăng khác hỏi thiền sư Thiệu Tu:- Thế nào là tâm của học nhân?Sư đáp:- Ai hỏi thế ấy? Quả là thiền sư đi thẳng vào nhau. Hỏi TÂM mình, thì CÁI GÌ VỪA HỎI? Rất thực tế, chính xác vô cùng, không giải thích danh từ dài dòng. Người tri âm liền đó thấu hiểu ngay. Nếu còn chứa đựng một chút khái niệm trong đầu liền thoáng qua mất. Một vị tăng khác hỏi thiền sư Chánh Cần:- Thế nào là lời nói hợp đạo?Sư đáp:- Ông hỏi ta nói. Rất là thẳng tắt! Chính ngay ông hỏi, ta nói, khéo nhận liền hợp đạo. Chính đó mới là Đạo Sống, còn giải thích danh từ thế này, thế nọ, thấy như hay, như dễ hiểu, lại là Đạo Chết, Đạo trong chữ nghĩa thôi. Và đây, Hưu Phục đến nương với Hòa Thượng Địa Tạng nhiều năm mà chẳng khế hợp, rồi bệnh và vào nằm nhà Niết bàn. Một đêm ngài Địa Tạng đến thăm, bèn hỏi:- Thượng Tọa Phục được an vui chăng?Sư thưa:- Con vì nhân duyên trái với Hòa Thượng.Địa Tạng liền chỉ lồng đèn bảo:- Thấy chăng?Sư thưa:- Dạ thấy.Địa Tạng bảo:- Chỉ cái ấy cũng chẳng trái.Ngay lời đó, Sư có tỉnh. Ai thấy cái ấy là cái gì mà chẳng trái? Nếu hiểu cái lồng đèn là lầm! Chính ngay khi Địa Tạng đưa tay chỉ đó, phải chộp đúng thời cơ không bỏ lở, liền rõ: Trước khi chỉ đã có nó! Ngón tay, lồng đèn đâu làm lầm được? Tuy nhiên người mắt sáng chớ bị hai lão lôi về quá khứ, quên mất sức sống đang hiện hữu! Đặc biệt, Thượng Tọa Định hỏi Lâm Tế:- Thế nào là đại ý Phật pháp?Lâm Tế liền bước xuống giường thiền nắm đứng, cho một tát, rồi xô ra. Thượng Tọa Định đứng sững không biết làm gì. Vị tăng bên cạnh liền nhắc:- Thượng Tọa Định sao chẳng lễ bái đi?Thượng Tọa Định vừa lễ bái, bỗng đại ngộ. Cho thấy thủ thuật của Lâm Tế nhanh nhẹn, thẳng tắt không thể lường! Hỏi đại ý Phật pháp, liền nắm đứng, cho một tát, xô ra, chính ngay chỗ đó đã đưa Thượng Tọa Định vào Phật pháp sống đang hiện tiền. Cái gì bị nắm đứng? Đứng sững hết đường nghĩ ngợi, ngay đó có Biết chăng? Vậy mà chưa tỉnh, phải đợi ông tăng nhắc, là cũng còn hơi chậm! Người học Tổ Sư Thiền phải mở con mắt này. Sau đây là thiền sư Trí Tung thượng đường dạy chúng: “Nóng lạnh, ấm mát, mặc áo, ăn cơm, tự mình chẳng thiếu thốn, lại lăng xăng tìm cái gì? Chỉ là mọi người chẳng chịu nhận, hiện nay có ai tiếp nhận chăng? Có thì chẳng được cô phụ núi sông cõi đất. Kính chào!” Rõ ràng Tổ Tổ đều chỉ thẳng lẽ thật ngay chỗ sống hằng ngày của chính mình đây thôi. Ánh sáng Tổ Sư luôn biểu lộ nơi mình, ngay trong mọi hành động đều tỏ rõ không thiếu vắng. Tại sao chúng ta lại lăng xăng đi tìm trong câu thoại này, lời Tổ nọ, rồi tranh cải kia đây, cao thấp, hơn thua? Chỉ cần ngay đây chưa trải qua động niệm thì lúc nào cũng sáng ngời! Tổ Sư luôn hiện rõ! VI. TÓM KẾT Tóm lại, Tổ Sư Thiền chân thật quyết không nằm trên chữ nghĩa danh từ, trên tiếng hét, cây gậy, không thuộc kia đây. Còn mang cái thấy sai biệt kia đây trong đầu, là còn đi trên con đường sai biệt của sanh diệt, chưa thể vào trong nhà Tổ. Tông chỉ “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự” mà Tổ Sư đã nêu cao, vốn ngầm chỉ: “việc ấy sẵn ở ngay tâm người, trong chính mình đây thôi, không có ở đâu khác.” Trên THỂ mà nói, quyết chắc ai ai cũng đều có phần, khéo nhận thì đầy đủ, đều cảm thông không phải lý luận nhiều. Đến trong ấy thì chỗ thấy không hai; trái lại, nếu người còn có chỗ thấy sai biệt, tức còn phải xét lại! Tổ Lâm Tế từng bảo: “Chỗ thấy của sơn tăng hiện nay chẳng khác Phật, Tổ.” Nếu ai tự cho mình đã ngộ, đã sáng, mà còn chia đây là chỗ thấy của Phật, đây là chỗ thấy của Tổ, đây là chỗ thấy của ta, mỗi cái cách biệt nhau thì biết ngay chỗ ngộ đó có thật thấu triệt chưa?Đây, chúng ta hãy nghiệm kỹ đoạn nhân duyên này: Tăng hỏi thiền sư Ưng Phu Quảng Chiếu ở Trường Lô: - Người xưa nói “Như Lai Thiền thì cho là lão huynh hội, Tổ Sư Thiền vẫn còn chưa mộng thấy”, chưa biết Như Lai Thiền với Tổ Sư Thiền là đồng hay khác?”Sư bảo:- Một mũi tên bay qua Tân La.Vị tăng nghĩ ngợi, Sư liền hét. Ông tăng này cũng có hiểu biết về thiền nên dẫn lời Ngưỡng Sơn đến khám nghiệm Hương Nghiêm Trí Nhàn để hỏi. Vốn là Trí Nhàn ở Nam Dương nghe tiếng hòn sỏi văng trúng bụi tre vang ra tiếng liền đại ngộ, làm bài tụng “Nhất kích vong sở tri, Cánh bất giả tu trì…”, Qui Sơn nghe được liền nói với Ngưỡng Sơn: - Kẻ này đã triệt.Ngưỡng Sơn thưa:- Đây là tâm cơ ý thức trước thuật được thành, hãy đợi con đích thân tự khám nghiệm qua mới biết.Ngưỡng Sơn bèn đến gặp Trí Nhàn và hỏi:- Hòa Thượng khen ngợi sư đệ đã phát minh đại sự, hãy thử nói cho tôi nghe xem!Trí Nhàn thuật lại bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe, Ngưỡng Sơn bảo:- Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành, nếu thực tế có chánh ngộ hãy nói lại bài khác xem! Trí Nhàn nói ngay bài tụng: Khứ niên bần vị thị bần,Kim niên bần thủy thị bần.Khứ niên bần du hữu trác chùy chi địa,Kim niên bần chùy dã vô. Nghĩa: Năm trước nghèo chưa phải nghèo,Năm nay nghèo mới thật nghèo.Năm trước nghèo còn có đất cắm dùi,Năm nay nghèo dùi cũng không. Ngưỡng Sơn nghe xong bảo: - Như Lai Thiền thì cho sư đệ hội, Tổ Sư Thiền thì vẫn chưa mộng thấy. Trí Nhàn lại nói bài tụng: Ngã hữu nhất cơThuấn mục thị yNhược nhân bất hộiBiệt hoán sa di. Nghĩa: Ta có một cơ,Chớp mắt nhìn y,Nếu người chẳng hội, Riêng gọi sa di. Ngưỡng Sơn gật đầu và trở về báo cho Qui Sơn. - Hãy mừng sư đệ Nhàn đã lãnh hội Tổ Sư Thiền. Như vậy đã ngộ Như Lai Thiền sao còn chưa ngộ Tổ Sư Thiền? Chính chỗ này khiến cho người đứng bên ngoài luôn thắc mắc không hiểu nổi. Ông tăng này cũng ở trong trường hợp đó. Song hỏi như thế là rơi vào cái lưới ngôn ngữ của người xưa rồi. Đâu ngờ, chính đây là thủ thuật khéo léo của Ngưỡng Sơn dùng khám nghiệm Trí Nhàn, không cho ý thức lanh lợi bắt kịp. Với thiền sư Ưng Phu Quảng Chiếu thì đâu dễ bị câu “đồng khác” lừa gạt được! Cho nên ông tăng hỏi đồng khác, Sư liền bảo: “Một mũi tên bay qua Tân La”. Nghĩa là, ông vừa nghĩ đồng khác, là xa mất hút rồi. Còn có niệm đồng khác, là vẫn còn chưa mộng thấy Tổ Sư. Quên niệm đồng khác thì Tổ Sư hiện ngay trước mắt! Người mắt sáng chớ để bị lừa trong ấy! Để tóm kết lại, xin nhắc đoạn nhân duyên của Thủ tọa Linh Thao với Hòa Thượng Lặc Đàm. Sư tham thiền với Hòa Thượng Lặc Đàm thời gian lâu, một hôm Lặc Đàm hỏi: - Tổ Sư từ Ấn Độ sang, riêng truyền tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, ông làm sao lãnh hội?Sư thưa:- Con chẳng lãnh hội.Lặc Đàm hỏi:- Khi ông chưa xuất gia đã làm việc gì?Sư thưa:- Chăn trâu.Lặc Đàm hỏi:- Làm sao chăn?Sư thưa:- Sáng sớm cởi đi ra, chiều tối lại cởi về.Lặc Đàm bảo:- Ông rất tốt, chẳng hội!Sư liền đại ngộ. Ồ! Mỗi người chân thật tự kiểm điểm lại xem, chính mình có giống như thế chăng? Kìa, ngày ngày cứ sáng sớm thức dậy liền cởi trâu đi ra rửa mặt, súc miệng, rồi húc đông, húc tây, giẫm vào cỏ mạ của người. Chiều tối lại cởi trâu về ngủ. Ngày nào cũng như ngày nấy, đều đặn như vậy không sót một bửa, vậy còn chưa ngộ nữa sao? Cứ cởi đi ra, rồi cởi về mãi để làm gì? Không chán sao? Có lúc nào cởi đụng Tổ Sư chăng? Rất tốt, như thế mà chẳng hội! Có ai đã thấy Tổ Sư Thiền chưa? Tuy nhiên, từ trước đến đây đã nói quá nhiều. Nếu thẳng thắn thì hỏi: - Tổ Sư Thiền là gì? Chỉ bảo: - Tham đi! là xong. Ai còn thắc mắc thì cứ đi gặp Tổ Sư mà hỏi! Mục Lục | Thiền Tông Đốn Ngộ
|
-
Lời Mở Đầu
-
Dẫn Nhập
-
Ý Chỉ Giáo Ngoại Biệt Truyền
-
Ý Chỉ Bất Lập Văn Tự
-
Thực Tại Sáng Ngời Muôn Thuở
-
Tâm Yếu Nhà Thiền
-
Một Cái Biết Suốt Cả Xưa Nay
-
Tổ Sư Thiền
-
Bảo Nhậm
-
Tu Thiền Có Chứng Đắc Hay Không?
-
Thiền Bệnh
-
Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải
-
Con Đường Giác Ngộ
-
Thấy Pháp
-
Tu Là Chuyển Hóa
-
Phương Pháp Để Sống An Vui
Từ khóa » Tổ Sư Thiền
-
Giới Thiệu Về Tổ Sư Thiền | Giác Ngộ Online
-
Một Cái Nhìn Về Tổ Sư Thiền - Thư Viện Hoa Sen
-
Thiền Học Phật Giáo Việt Nam 5 - Tổ Sư Thiền - HT Thích Thanh Từ
-
TỔ SƯ THIỀN
-
Tổ Sư Thiền - Tủ Sách Phật Giáo | To Su Thien - Tu Sach Phat Giao
-
Thiền Tông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thế Nào Là Tổ Sư Thiền? - .vn
-
Những điều Kỳ đặc Về Tổ Sư Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma
-
Ngài đáp : Nếu Mà Là Cái Gì Thì Chẳng Phải - Tổ Sư Thiền
-
Thiền Tổ Sư - Đạo Phật Ngày Nay
-
Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam – Thiền Sư Khương Tăng Hội - Làng Mai
-
Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền
-
Truyền Thuyết Về Tôn Giả A Nan Đà - Vị Tổ Sư Thiền Tông Thứ Hai
-
THIỀN TÔNG: TINH HOA - ĐẠO PHẬT - KHOA HỌC