Thiết Kế Ghế Ngồi Bên Cửa Sổ Lãng Mạn Và Tiện Dụng

Những giây phút thư giãn luôn là liều thuốc hữu hiệu sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng giữa nhịp sống đô thị hối hả. Và chẳng còn gì gì tuyệt hơn khi được ngồi cạnh khung cửa sổ với tầm nhìn thoáng đãng, thả hồn mình ngắm khung cảnh phía xa xa hay thư thả đọc một cuốn sách yêu thích. Nếu bạn mong muốn có một không gian như vậy, hãy tận dụng diện tích bên cửa sổ trong chính căn nhà của bạn để thiết ghế ngồi bên cửa sổ (Window seat). Chắc chắn, bạn sẽ thấy rằng kết quả thu được là rất xứng đáng so với thời gian, công sức và chi phí đã bỏ ra.

Ghế ngồi bên cửa sổ là gì?

Window seat là chỗ ngồi được thiết kế ngay trong hốc cửa sổ. Window seat không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn rất tiện dụng. Thiết kế đơn giản này là một cách tuyệt vời để gia tăng thêm chỗ ngồi cho những không gian nhỏ. Đây có thể trở thành nơi thư giãn, ngắm cảnh hay nơi đọc sách yên tĩnh.

ghế ngồi bên cửa sổ
Ghế ngồi bên cửa sổ là vị trí lý tưởng để bạn sống chậm lại, tay cầm một quyền sách và tận hưởng những phút giây thư giãn.

Và nếu khéo léo hơn nữa, bạn hoàn toàn có thể đặt các tủ, ngăn kéo ngay phía dưới ghế ngồi để lưu trữ các đồ lặt vặt, giữ cho ngôi nhà luôn gọn gàng, ngăn nắp.

Các kiểu ghế ngồi bên cửa sổ

Dạng kệ mở

Window seat dạng kệ mở được làm từ băng ghế tương tự như kệ lưu trữ, kết hợp thêm đệm bọc tạo thành không gian lưu trữ mở bên dưới ghế. Kiểu ghế này là lựa chọn tuyệt vời cho các khu vực như phòng vệ sinh nhỏ, lối vào hay thậm chí cả phòng giặt là.

dạng kệ mở
Ghế ngồi bên cửa sổ dạng kệ mở.

Để tăng cường khả năng chịu lực, hãy đóng thêm các miếng gỗ dọc theo băng ghế, cũng là cách phân chia kệ thành các ngăn lưu trữ nhỏ hơn. Thiết kế Window seat dạng kệ mở khá đơn giản, do vậy, bạn có thể thuê thợ hoặc tự mình thực hiện để tiết kiệm chi phí.

Dạng hộp kín

Window seat dạng hộp kín được tạo nên bằng cách đóng thêm các tấm gỗ ở mặt trước và mặt bên của kệ hoặc bằng cách làm tường thạch cao xung quanh tạo thành bề mặt liền mạch với tường nhà. Tức là các mặt xung quanh ghế ngồi đều kín mít chứ không để mở.

dạng hộp kín
Window seat dạng hộp kín.

Khi được lắp ráp thêm bản lề cho mặt trên, Window seat giống như như một chiếc thùng lưu trữ rất tiện ích.

Dạng tủ lưu trữ

Là kiểu Window seat có thêm các cánh cửa và ngăn kéo để dễ dàng truy cập không gian lưu trữ bên trong. Thiết kế này khá tốn kém nhưng bù lại, bạn có thể tận dụng từng centimet vuông bên dưới ghế để cất giữ những đồ dùng lặt vặt và giữ cho ngôi nhà luôn gọn gàng, ngăn nắp.

ghế ngồi bên cửa sổ có tủ lưu trữ
Ghế ngồi bên cửa sổ kết hợp tủ và ngăn kéo.

Cho dù bạn muốn tạo ra góc nhỏ đọc sách ấm cúng hay ghi dấu ấn cho căn phòng đơn điệu thì ghế ngồi bên cửa sổ vẫn là lựa chọn hợp lý nhất. Đừng quên tham khảo hướng dẫn tỉ mỉ dưới đây để dễ dàng thiết kế Window seat đẹp đúng điệu.

Chọn vị trí thiết kế ghế ngồi bên cửa sổ

Khi đã quyết định đã đến lúc nên bổ sung thêm ghế ngồi cửa sổ cho ngôi nhà của mình, bước đầu tiên cần làm là lựa chọn vị trí sẽ đặt Window seat.

Đúng như tên gọi, Window seat sẽ không là chính nó nếu thiếu đi cửa sổ. Điều tạo nên nét đặc biệt giữa chỗ ngồi thú vị này so với những vị trí khác là bởi khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Vì thế, bất cứ khu vực nào có cửa sổ như phòng khách, phòng ngủ, bếp, lối đi hay thậm chí cả nhà vệ sinh đều có thể là vị trí thích hợp để thiết kế ghế ngồi bên cửa sổ.

ghế ngồi bên cửa sổ đẹp
Khung cửa sổ với tầm nhìn ra biển cả bao la trở thành nơi lý tưởng để thiết kế thêm ghế ngồi.

Tuy nhiên, cần đảm bảo những tiêu chí sau khi lựa chọn vị trí thiết kế Window seat:

- Tránh xa nơi có mật độ lưu thông cao trong nhà: Ghế ngồi bên cửa sổ là nơi để thư giãn, đọc sách nên cần phải đặt trong khu vực thật yên bình, tĩnh lặng.

- Chọn khung cửa sổ có tầm nhìn đẹp: Ghế ngồi bên cửa sổ ngoài tác dụng tăng cường vẻ đẹp tự nhiên cho căn phòng còn là nơi để chúng ta thưởng ngoạn khung cảnh ngoài trời. Do đó, hãy dành khung cửa có view đẹp nhất để thiết kế Window seat nếu có thể.

- Tránh xa vị trí lắp điều hòa không khí: Thông thường, các gia đình hay bố trí điều hòa không khí ngay phía trên cửa sổ. Nếu điều hòa thổi trực tiếp từ trên xuống ghế ngồi sẽ khiến cơ thể người dễ nhiễm bệnh nên cần tránh những cửa sổ lắp điều hòa không khí hoặc bạn có thể cân nhắc di chuyển điều hòa sang vị trí khác.

Xác định các kích thước của Window seat

Sau xác định được vị trí thiết kế Window seat, bạn cần tìm hiểu các kích thước tiêu chuẩn nhằm tạo sự thuận tiện, thoải mái trong quá trình sử dụng.

Hãy xác định xem bạn muốn bề ngang của ghế bao nhiêu và diện tích còn lại của căn phòng có đủ cho các hoạt động khác hay không? Để phát huy tác dụng của bục ghế cạnh cửa sổ, bạn cần một không gian tương đối rộng và ghế phải rộng ít nhất 40-50cm để ngồi đặt chân lên sàn hoặc khoảng 70-80cm nếu muốn ngồi duỗi cả hai chân một cách thoải mái mà không bị rơi xuống nền đất và để đặt thêm vài chiếc gối tựa.

kích thước ghế ngồi
Kích thước ghế ngồi phù hợp tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Phần tựa lưng ở ngay bên dưới cửa sổ hoặc bức tường bên cạnh, nên cao khoảng 25-50cm đủ để bạn có thể dựa vào khi nằm hay ngồi.

Độ cao Window seat khoảng 45cm, gồm cả đệm (5-15cm) được tính toán theo nhân trắc học. Với độ cao ghế hợp lý như vậy, bạn hoàn toàn có thể tận dụng Window seat làm ghế ăn khi đặt bàn ăn cạnh đó.

Chiều dài ghế phụ thuộc vào kích thước cửa sổ, thông thường Window seat nằm vừa vặn bên trong khung cửa sổ hoặc có thể mở rộng sang hai bên nếu cần thiết. Tuy nhiên, kích thước tối thiểu cần đảm bảo là 75cm để có thể ngồi vững và 130cm nếu muốn ngồi tựa lưng vào một bên thành cửa sổ trong tư thế thả lỏng chân.

Phụ kiện cho Window seat

Đệm trải Window seat

Một vật không thể thiếu để làm nên các bệ cửa sổ lãng mạn chính là tấm đệm ngồi cửa sổ.

Phần lớn các mẫu đệm đặt bên cửa sổ đều được đặt làm riêng tùy theo kích thước, hình dạng và phong cách của window seat. Độ dày của đệm thông dụng ở mức 5, 7, 9, 10, 12, 15cm, tùy theo độ cao mà bạn mong muốn. Thông thường, độ dày của đệm phụ thuộc vào cảm giác chân, được điều cho phù hợp khi bạn muốn ngồi vừa đủ chạm đất hay muốn lơ lửng để đung đưa.

Chất liệu đệm có thể là cao su, bông ép, mút cứng, mút mềm… được bọc vải nỉ, vải cotton, kaki, gấm… Nên lựa chọn chất liệu có độ thoáng khí, khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Theo nhà thiết kế nội thất Arthur McLaughlin, khu vực bậu cửa sổ là nơi đón nhận lượng ánh nắng mặt trời không kém gì bên ngoài. Do vậy, với các tấm đệm trên Window seat, nên lựa chọn vải bọc dành cho không gian ngoài trời để hạn chế tình trạng phai màu, đồng thời thời giúp nệm bền hơn ngay cả khi mọi người đặt chân lên.

Gối tựa

Những chiếc gối tựa giúp tạo cảm giác êm ái, dễ chịu khi tựa lưng, từ đó hạn chế các bệnh về cột sống và xương khớp. Hơn nữa, gối tựa còn được sử dụng như một chi tiết tạo điểm nhấn cho Window seat.

gối tựa
Gối tựa không chỉ có tác dụng hỗ trợ lưng, vai mà còn trở thành điểm nhấn làm nên phong cách cho Window seat.

Gối tựa có hai lại là gối hình chữ nhật và gối vuông. Tùy vào nhu cầu sử dụng và sở thích mà bạn lựa chọn loại gối cho phù hợp nhưng gối tựa hình vuông vẫn được ưa chuộng hơn cả. Gối tựa hình vuông chủ yếu được dùng để ngồi chơi trong một thời gian ngắn. Hai kích cỡ phổ biến nhất của loại gối tựa này là 45x45cm và 50x50cm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngồi ở Window seat để làm việc hay đọc sách trong một thời gian tương đối lâu thì nên sử dụng thêm gối tựa hình chữ nhất để hỗ trợ lưng và vai không bị đau mỏi. Kích cỡ phổ biến của gối tựa hình chữ nhật là 40x60cm, 50x70cm và 60x80cm. Bạn nên cân nhắc kích thước của Window seat trước khi đặt mua gối tựa để tạo cảm giác cân đối khi nhìn vào.

Ổ cắm điện

Không chỉ là nơi để thư giãn, đọc sách hay ngắm cảnh, nhiều người còn tận dụng Window seat để ngồi làm việc. Vì thế, đừng quên trang bị thêm ổ cắm điện vừa đủ cho khu vực này để bạn có thể cắm sạc laptop hay sạc điện thoại, máy tính bảng mà không phải di chuyển sang vị trí khác.

Rèm cửa

Để tránh ánh mắt tò mò của những người bên ngoài và hạn chế hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời chiếu qua lớp cửa kính, hãy trang lắp đặt bộ rèm hoặc sử dụng giấy dán kính một chiều cho cửa sổ. Nếu muốn biến Window seat thành nơi để ngủ nghỉ, bạn nên treo thêm rèm ở phía trước ghế nhằm che giấu toàn bộ hốc tường, tạo thành “phòng trong phòng”.

Ngoài ánh sáng tự nhiên, hãy tăng cường thêm ánh sáng nhân tạo tại khu vực này với đèn âm trần, đèn gắn tường hay đèn sàn để bạn có thể dễ dàng đọc sách khi cần. Hãy cân nhắc sử dụng thêm bộ công tắc điều chỉnh độ sáng nhằm tiết kiệm năng lượng và tạo bầu không khí êm dịu khi muốn chợp mắt trong chốc lát.

Một vài ý tưởng thiết kế ghế ngồi bên cửa sổ

Window seat trong phòng khách
Khu vực có tầm nhìn đẹp nhất trong nhà để thiết kế ghế ngồi bên cửa sổ có lẽ là phòng khách. Một chỗ ngồi khá yên tĩnh tại đây cho phép bạn nhìn ngắm phong cảnh ngoài trời với những cành lá đung đưa, nhà lầu cao tầng hay đường phố tấp nập dù ở ngay trong ngôi nhà ấm cúng của mình.
ngăn kéo
Ghế ngồi bên cửa sổ thường có thêm các ngăn kéo nhỏ để lưu trữ những cuốn sách hay những đồ dùng lặt vặt.
ghế ngồi trong phòng ngủ
Không có gì thú vị bằng Window seat trong phòng ngủ. Nếu phòng ngủ của bạn có diện tích nhỏ thì đây là một ý tưởng thông minh để tạo thêm chỗ ngồi mà không cần sắm sửa thêm những chiếc ghế tựa hay chiếc ghế bành cồng kềnh.
chỗ ngồi bên cửa sổ
Diện tích chỗ ngồi không cần quá rộng. Tại đây, chỉ cần một băng ghế với vài chiếc gối là đủ.
window seat trong bếp
Có thể không nhiều người nghĩ đến một chỗ ngồi bên cửa sổ trong phòng bếp. Tuy nhiên, đây lại là không gian khá đặc biệt để nghiên cứu những công thức nấu ăn mới hay nhâm nhi một món bánh ngon.
bàn ăn bên cửa sổ
Những ngôi nhà diện tích nhỏ thường có bàn ăn tích hợp ngay trong bếp. Và sẽ thật tuyệt nếu ghép bàn ăn với một chỗ ngồi bên cửa sổ, vừa tiết kiệm diện tích, vừa cho phép mọi người ngắm khung cảnh thoáng đãng bên ngoài trong khi dùng bữa.
window seat phòng tắm
Nghe có vẻ hơi kỳ quặc khi thiết kế Window seat trong phòng tắm. Thế nhưng một chỗ ngồi kiên cố trong phòng tắm sẽ cho phép bạn cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi thoa kem dưỡng da hay sấy khô tóc.
ghế ngồi bên cửa sổ ở lối đi
Khu vực cửa sổ ở bất cứ đâu, kể cả lối đi hay gầm cầu thang đều có thể là vị trí để bạn cân nhắc cho Window seat.

Từ khóa » Ghế Cạnh Cửa Sổ